Ảnh bởi
Lily Banse
trên
Unsplash
Bài viết dưới đây là bản dịch từ video của kênh "Kurzgesagt – In a Nutshell" .
Con người chúng ta thích ăn thịt. Những món ăn quen thuộc như bít tết, gà rán, thịt xông khói, thịt ba chỉ và xúc xích đều rất tuyệt vời. Có lẽ, ăn thịt đã trở thành một điều quá hiển nhiên và bữa ăn mà thiếu thịt thì là một điều rất khó chịu. Ngày nay chỉ với vài chục nghìn là bạn đã có ngay một cái burger phô mai, trong khi cách đây mới chỉ vài chục năm trước, thịt là một thứ xa xỉ với ông bà bố mẹ chúng ta. Nhưng có một sự thật là dù cho thịt là nguồn cung cấp dinh dưỡng kém hiệu quả nhất, chúng ta vẫn rất thích ăn thịt. Xét trên quy mô toàn cầu, chế độ ăn thịt của chúng ta đang ăn sạch hành tinh theo nghĩa đen. Tại sao lại như vậy và chúng ta có thể làm gì mà không phải từ bỏ những món ăn ngon lành từ thịt?
Hiện nay loài người đang nuôi khoảng 23 tỷ con gà, 1.5 tỷ gia súc, gần 1 tỷ lợn và cừu để làm thức ăn. Chúng ta biến Trái đất thành khu chăn nuôi khổng lồ với sức ăn vô cùng lớn tiêu tốn 83% đất trồng trọt tương đương 26% diện tích đất liền chỉ để phục vụ cho chăn nuôi. Đồng cỏ bị biến thành các cánh đồng ngô và đậu tương để làm thức ăn cho gia súc. Nếu tính cả lượng nước trồng cây nuôi gia súc thì việc sản xuất thịt và các sản phẩm bơ sữa chiếm tới 27% tổng lượng nước sạch toàn cầu.
Sản xuất thịt chẳng khác nào một hố đen hút sạch tài nguyên. Bởi vì các động vật được nuôi lấy thịt đều là những sinh vật sống, hầu hết thức ăn chúng nạp vào được dùng để duy trì sự sống trong thời gian phát triển đến khi lấy thịt. Chỉ một phần nhỏ chất dinh dưỡng từ thức ăn chuyển hóa thành thịt mà chúng ta mua. Ví dụ, một con bò chỉ chuyển hóa 4% protein và 3% lượng calo từ thức ăn thành thịt. Như vậy có đến hơn 97% lượng calo bị thất thoát. Để tạo ra 1 kg thịt bít tết, một con bò cần ăn 25kg lương thực và dùng 15,000 lít nước. Các sản phẩm từ động vật tiêu tốn hàng tấn thức ăn, nhưng chỉ có 18% lượng calo ấy được chuyển hóa thành thịt mà chúng ta ăn vào. Nếu đem ra so sánh, có thể nuôi thêm 3.5 tỷ người nếu ta chỉ ăn những thứ mà chúng ta dùng để nuôi động vật.
Không chỉ có vậy, ngành công nghiệp chăn nuôi còn gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường khi nó thải ra 15% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu tương đương tổng khí thải mà tất cả máy bay, tàu, thuyền, xe cộng lại.
Còn một khía cạnh mà chúng ta thường hay bỏ qua, đó là thịt đến từ những sinh vật có tri giác. Lợn, gà và các gia súc không thể viết nên sách sử của mình, nhưng nếu chúng có thể, con người sẽ hiện lên như những kẻ diệt chủng, cuồng sát tàn bạo và làm tăng sự thống khổ của chúng. Tính trên thế giới, chúng ta làm thịt hơn 200 triệu con vật mỗi ngày. Tức khoảng 74 tỷ con mỗi năm. Điều này có nghĩa là cứ mỗi 1.5 năm chúng ta giết hại số động vật lớn hơn tổng số người từng sinh sống trong 200 ngàn năm lịch sử. Con người nghĩ rằng mình đang ban cho những động vật này ân huệ vì sau cùng chúng chẳng thể tồn tại nếu thiếu chúng ta. Rằng đằng nào chúng cũng bị làm thịt, rằng chúng ta còn ban thức ăn, chỗ ở và cả món quà là sự tồn tại của chúng.
Sự thật là chúng ta chẳng phải những vị thần tốt bụng gì lắm. Phần lớn thịt đến từ các trang trại công nghiệp, những hệ thống công nghiệp khổng lồ chứa được hàng ngàn con vật được thiết kế để thu được lợi nhuận triệt để. Những hệ thống này ít khi quan tâm những thứ như chất lượng sống của động vật. Hầu hết lợn thịt được nuôi trong những chuồng trại khổng lồ không có cửa sổ và chúng chẳng bao giờ nhìn thấy được mặt trời. Lợn nái bị nhốt trong những chuồng trại nhỏ đến mức chúng chẳng di chuyển được, đó là nơi mà chúng phải sinh hết lứa này đến lứa khác cho đến khi đến lượt chúng bị giết để làm thịt. Bò sữa bị ép phải sinh sản liên tục để duy trì nguồn cung cấp sữa, nhưng chúng lại phải xa con mình chỉ vài giờ sau khi sinh. Những con bò lấy thịt bị nhốt trong những chuồng trại chật hẹp để được vỗ béo nhanh hơn, nơi chúng chẳng thể đi lại được để giúp tăng cân.
Để nuôi những con vật này trong môi trường chật chội mà không khiến chúng chết vì bệnh, người ta đã tiêm một lượng lớn kháng sinh dùng cho chăn nuôi và nó chiếm đến 80% lượng kháng sinh ở Mỹ. Điều này có lợi trong ngắn hạn, nhưng nó cũng gia tăng hiện tượng kháng thuốc.
Những chú gà phải hứng chịu điều tồi tệ nhất. Trong các trang trại, chúng được nuôi với số lượng rất lớn và cực kỳ chật chội đến mức chúng không thể phát triển các tập tính xã hội như trong tự nhiên. Do đó chúng bắt đầu tự làm hại nhau, tấn công nhau. Để ngăn chặn điều đó, người ta phải cắt mỏ và cựa của chúng. Gà trống được xem là vô dụng, vì chúng không thể đẻ và không hợp để lấy thịt. Nên chỉ vài phút sau sinh, chúng thường bị giết do độc hoặc bị nghiền nhỏ. Hàng trăm triệu gà con đã bị giết theo cách này mỗi năm. Kể cả khi chúng ta làm khác đi, thì cách chúng ta đối xử với động vật vẫn vượt xa sự tàn bạo.
Vậy thì chúng ta có nên mua thịt hữu cơ, nơi mà loài vật được đối xử tốt hơn để bớt tàn bạo?
Ở trang trại hữu cơ, quy chuẩn được thiết kế để tạo cho động vật sự thoải mái tối thiểu. Vấn đề là ở chỗ, hữu cơ là thuật ngữ khá mơ hồ. Theo luật của EU, một con gà hữu cơ chỉ cần chia sẻ một mét vuông không gian với 5 con khác, như vậy thì còn lâu chúng mới được là những chú gà vui vẻ.
Nhưng bán thịt vẫn là câu chuyện kinh doanh. Cái nhãn "Hữu cơ" là cách kiếm thêm lợi nhuận và có không ít những bê bối khi các nhà sản xuất tìm cách gian lận.
Khi mà ăn thịt hữu cơ có thể được coi là ít tàn độc hơn, các loài gia súc gia cầm được nuôi theo kiểu này cần được cung cấp nhiều tài nguyên hơn bình thường. Thế nên, mua thịt hữu cơ vẫn rất hợp lí, nhưng điều đó không làm cho chúng ta trở nên đạo đức hơn. Sự thật là, nếu đau đớn là một nguồn tài nguyên, chúng ta đã có thể tạo ra hàng tỷ tấn mỗi năm. Cách chúng ta đối xử với động vật có thể là điều làm cho các thế hệ sau này cảm thấy cực kỳ phẫn nộ khi nhìn lại. Khi tất cả những điều này đã quá rõ ràng thì vẫn còn vài sự thật khác rằng…Bít tết rất ngon…Burger là tuyệt hảo… Cánh gà thì khó mà cưỡng lại được. Thịt làm thỏa mãn điều gì đó ẩn sâu trong bộ não nhỏ bé của chúng ta. Chúng ta hiếm khi thấy cách mà thịt được tạo ra, chúng ta chỉ ăn và yêu thích nó. Thịt tạo ra niềm vui, mang chúng ta lại với nhau trong những bữa ăn gia đình và tiệc nướng ngoài trời.
Ăn thịt không làm bạn trở thành người xấu. Không ăn thịt cũng không khiến bạn trở thành người tốt. Cuộc sống vốn rất phức tạp và thế giới này cũng thế. Vậy thì chúng ta nên hành xử thế nào với sự thật là thịt cực kỳ bất ổn, nó đứng sau hàng loạt những sự hành hạ kinh khủng?
Cách dễ nhất là thường xuyên lựa chọn các thực phẩm thay thế khác. Một bữa ăn chay trong tuần cũng tạo nên sự khác biệt. Nếu bạn muốn ăn thịt được sản xuất theo quy trình ít đau đớn hơn, hãy thử mua chúng từ những nhà sản xuất đáng tin cậy với những chứng nhận như chứng nhận Halal kể cả khi chúng đắt.
Để tạo nên tác động đến môi trường, chuyển sang ăn thịt lợn và gà thay cho thịt bò và cừu, vì chúng chuyển hóa thức ăn hiệu quả hơn. Và nếu bạn muốn ăn bít tết, thì bạn nên ăn hết nó. Trung bình một người Mỹ vứt đi gần 5 lạng thức ăn mỗi ngày, hầu hết trong số đó là thịt. Trong tương lai, khoa học có thể giúp chúng ta có thịt sạch mà không cần giết mổ động vật. Nhiều công ty khởi nghiệp thành công khi phát triển thịt trong phòng thí nghiệm và đang làm việc để có thế sản xuất ở quy mô thương mại. Nhưng những giải pháp đó vẫn còn cần nhiều năm nữa.
Hiện giờ, hãy cứ thưởng thức món bít tết, nhưng hãy tôn trọng nó.