Q: Sao nhiều người Mỹ gốc Việt lại không ủng hộ Black Lives Matter nhỉ?
A: Huyen Nguyen
Tôi downvote hết các bình luận khác vì chả có cái nào do người Việt trả lời và mấy cái đấy như kiểu những lời bào chữa lòng vòng để che đậy sự mù quáng của người hỏi. Tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải trả lời câu hỏi này bởi vì nó đáng được bàn luận nghiêm túc hơn thế này.
Bản thân tôi không phải là người Mỹ gốc Việt nhưng tôi đã theo dõi và có mối quan hệ trực tuyến với cộng đồng này trong 3 năm qua. Mặc dù tôi đã đề nghị một vài người Mỹ gốc Việt trên Quora trả lời câu hỏi này và trông cậy vào họ. Nhưng tôi nghĩ mình cũng có một vài chi tiết muốn nói về chủ đề này.
Tôi tìm thấy khảo sát này từ một câu trả lời cũ về thái độ của người Mỹ gốc Á đối với BLM. Đây là một cộng đồng đa dạng với nhiều mức độ ủng hộ khác nhau nhưng nhìn chung, phần lớn người Mỹ gốc Việt không để tâm lắm đến chủ đề này.
Những câu chuyện xoay quanh sự tàn bạo của cảnh sát và phân biệt chủng tộc vẫn đang dội khắp xã hội Mỹ, tạo ra những cuộc tranh luận nảy lửa không chỉ ở Mỹ mà ở bất kỳ đâu. Mới tuần trước, tôi nói chuyện với một người bạn là người Úc gốc Việt, cậu ấy cũng đang đau đầu về chuyện này. Cô ấy bày tỏ sự bất lực về sự phân biệt chủng tộc về mê tín của gia đình cổ mặc dù họ sống ở Úc hơn 40 năm rồi.
Các sự kiện gần đây đã phơi bày khoảng cách thế hệ sâu sắc giữa cộng đồng người Mỹ gốc Việt và người Việt di dân ngày càng lớn. Nhiều người Mỹ gốc Việt trẻ và tiên tiến đang cố gắng và đấu tranh để đưa câu chuyện khó nói về chủng tộc và phân biệt chủng tộc ra nói với gia đình; nỗ lực thường đi cùng với căng thẳng và thất vọng.
Tôi thấy, có vẻ như nhiều người Việt và người Mỹ gốc Việt vẫn thờ ơ và chống đối khi nói về vấn đề này. Đọc và tham gia vào nhiều cuộc trò chuyện trên mạng đã cho tôi nhiều suy nghĩ về lý do tại sao. Tuy nhiên, trước tiên ta nên hiểu phân biệt chủng tộc ở Việt Nam là gì đã.
Phân biệt chủng tộc là một nhãn dán rất nặng nề, nó có thể bao gồm thờ ơ, thành kiến, định kiến tiêu cực, nghiêm trọng hơn là mê tín, nghi ngờ, khinh thường, hận thù, làm mất nhân tính, áp bức, khuất phục, bạo hành và diệt chủng. Phân biệt chủng tộc ở Việt Nam chủ yếu là thờ ơ, định khiến, khinh thường thay vì hoàn toàn ghét bỏ và bạo hành. Lịch sử và văn hóa của chúng tôi có thể giải thích phần nào suy nghĩ này.
Trước hết, Việt Nam là một nước khá đồng chủng. 85% dân số là người Kinh, nắm giữ quyền lực xuyên suốt lịch sử, đôi khi là bằng cách chinh phục và thống trị các dân tộc khác. Dân tộc thiểu số sống ở những vùng hẻo lánh xa xôi và ít hiện diện trên truyền thông hay xuất hiện trong nền giáo dục. Hầu hết người Việt đều ít tiếp xúc hoặc có ít kiến thức về cộng đồng dân tộc thiểu số của chính mình và chưa bao giờ trải qua xung đột sắc tộc.
Hơn nữa, chúng tôi đã liên tục chịu áp bức và chiến tranh suốt hàng ngàn năm. Phần nhiều lịch sử là đấu tranh chống ngoại xâm, nội chiến và đấu tranh để tồn tại. Lũ lụt, nạn đói, nông dân nổi dậy, nghèo và xâm lăng đe dọa liên tục. Điều này tạo ra một xã hội theo kiểu trò chơi có tổng bằng 0, đề cao chủ nghĩa thực dụng, bảo thủ, trật tự và sự ổn định.
Xã hội phân chia cấp bậc cứng nhắc dựa theo đạo Nho đã đẩy cao giá trị của sự phục tùng và tuân mệnh trước quyền lực. Ưu tiên trước nhất là tự bảo vệ mình và trung lập trước các vấn đề xã hội rộng hơn, những thứ không tác động trực tiếp và ngay lập tức đến bản thân mình. Những suy nghĩ về “công dân” với quyền và đòi hỏi đối với chính quyền và hoạt động xã hội vẫn còn khá mới mẻ và không phải là những khái niệm gần gũi. Đó là một khía cạnh của sự hiện đại, được mang tới cho chúng tôi thông qua cuộc bạo lực cách mạng và sau đó lại nhanh chóng bị quên lãng hoặc bị đàn áp bởi chính nó. Ngay cả những nhà cách mạng cuối cùng cũng trở lại bản chất văn hóa thực sự của họ. Người Việt Nam quen với suy nghĩ rằng bạn có thể bị trừng phạt vì nói ra, họ chọn cách im lặng, cam chịu trước định mệnh và bỏ qua những bất công không ảnh hưởng đến họ.
Trái với bối cảnh văn hóa rộng đó, người Mỹ gốc Việt đến Mỹ mà không hiểu gì về lịch sử của sự phân biệt chủng tộc có hệ thống. Họ cặm cụi làm việc để xây dựng cuộc sống mới, nhân dạng mới, chính xác hơn là họ thờ ơ, không quan tâm tới tình hình của người Mỹ gốc Phi. Có vẻ như họ không biết rằng vào năm 1978, khi thuyền nhân đến các trại tị nạn ở Đông Nam Á, các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Phi đã kêu gọi Hoa Kỳ tiếp nhận người tị nạn Đông Dương, trong bối cảnh bị nhiều người Mỹ phản đối. Quyền của họ ở Mỹ là thành quả của cuộc đấu tranh do hoạt động xã hội của người da đen trong thế kỷ trước.
Tôi tin rằng sau khi đã sống ở đó hàng thập kỷ, họ vẫn cảm thấy mắc nợ với nước Mỹ và cảm thấy không đúng khi chất vấn nước Mỹ, như những người khách không thể chỉ trích chủ nhà. Bạn không thể ăn cháo đá bát, một áp lực thường thấy ở những thế hệ di dân đầu tiên. Để được chấp nhận trong xã hội mới này, họ đã thích thích nghi với điều này bằng sự trung thành mà họ đánh đồng là những công dân không nghi ngờ, tuân thủ, ngoan ngoãn. Bằng cách im lặng trước vấn đề chống lại phân biệt người da đen, họ nóng lòng lấy lòng người da trắng, bảo vệ chỗ đứng mong manh của mình trong xã hội Mỹ.
Di sản của quá trình thuộc địa hóa cũng để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn chúng tôi và tôi thực sự nghĩ rằng có một sự mặc cảm tinh tế trong dân tộc chúng tôi. Chúng tôi tuyên bố coi thường phương Tây và người da trắng vì họ khai thác đất đai của chúng tôi nhưng trong tiềm thức chúng tôi cũng tôn kính họ. Trong hệ thống phân cấp này, người da đen ở dưới cùng của sự cảm thông của chúng ta. Giống như Paulo Freire đã viết trong cuốn sách Pedagogy of the Oppressed, "Những người bị áp bức, thay vì phấn đấu để được giải phóng, lại có xu hướng trở thành những kẻ áp bức."
Nhiều người khác đã ngầm tin vào thần thoại về thiểu số kiểu mẫu, rằng nếu họ thành công từ tay trắng sau khi thoát khỏi quốc gia đói nghèo, bị chiến tranh tàn phá thì chắc chắn người Mỹ gốc Phi cũng có thể. Người da đen chỉ cần chăm chỉ hơn, đừng phạm tội nữa, đừng lười biếng nữa, đi học và họ sẽ thành công như người Mỹ gốc Á. Họ phủ nhận sự tồn tại của phân biệt chủng tộc với người da đen, biện minh cho sự tàn bạo của cảnh sát bằng cách nói bóng gió rằng người da đen phải làm điều gì đó nên mới đáng bị như vậy. Nếu họ hành xử ngoan ngoãn như người châu Á chúng tôi, vấn đề có lẽ đã biến mất. Có lẽ ai đó sẽ thấy tức giận với những hành động quả quyết mà họ tin vào đã được chuẩn bị để đem lại cho người Mỹ da đen  một lợi thế bất công và để phân biệt đối xử với họ. Thù hận lại càng nặng nề hơn vì những hành vi ích kỷ tiêu cực, những câu chuyện về tội phạm và bạo lực.
Trong bài báo gần đây của mình trên tờ Time - Người Mỹ gốc Á vẫn mắc kẹt trong định kiến về thiểu số kiểu mẫu. Và nó tạo ra sự bất bình đẳng cho mọi người - nhà văn kiêm giáo sư Nguyễn Việt Thanh đã làm sáng tỏ nỗi lo này một cách hùng hồn:
Không còn nữa mối đe dọa của cuộc xâm lược châu Á, nhưng chúng ta lại là thiểu số kiểu mẫu: Người bạn cùng lớp đáng ngưỡng mộ, nhà hàng xóm được ưu ái, là màu da vô hại. Hay là chúng ta? Một đôi sinh viên người Mỹ gốc Á nói chuyện với tôi sau đó và họ nói họ vẫn cảm nhận được nó. Sự rung cảm. Cảm giác là một người nước ngoài, đặc biệt nếu họ là, hoặc bị coi là một người Hồi giáo, da nâu hay người Trung Đông. Sự rung cảm. Phân biệt chủng tộc không chỉ đơn giản là sự công kích ngoại hình. Tôi chưa bao giờ bị công kích vì vẻ ngoài của mình. Nhưng tôi bị công kích vì làn sóng phân biệt chủng tộc, vì câu đùa chinh-chong trong những trò gây shock trên đài phát thanh; mấy anh Hàn, anh Trung, anh Nhật kỳ quặc và bần hèn trong phim chiến tranh Mỹ và trong những vở hài. Giống như nhiều người Mỹ gốc Á, tôi học cách cảm nhận sự xấu hổ trước những điều khiến chúng ta trở thành người ngoại quốc: đồ ăn, ngôn ngữ, kiểu tóc, quần áo, mùi hương và ba mẹ chúng ta.
… chúng ta nói với nhau rằng có những cảm xúc “thiểu số”. Làm sao mà chúng ta có điều gì đó xác đáng để cảm thấy hay nói về màu da khi chúng ta được xã hội Mỹ chấp nhận như là một thiểu số kiểu mẫu. Cùng lúc đó, tư tưởng chống lại châu Á vẫn là một hồ xúc cảm lớn, từ đó người Mỹ luôn có thể lấy từ đó ra trong thời khủng hoảng. Người Mỹ gốc Á vẫn chưa sử dụng đủ quyền lực chính trị, hoặc chưa có đủ nhận diện văn hóa để khiến nhiều đồng hương Mỹ ngại ngần thể hiện tư tưởng phân biệt chủng tộc. Không quyền thế và lịch sử của chúng ta, với tư cách là người nước ngoài trên đất Mỹ là một lý do khiến Tổng thống và nhiều người khác cảm thấy họ có thể gọi Covid 19 là “Chinese Virus” hay “Kung flu”.
… Với vị trí thấp kém của chúng ta trong xã hội Mỹ, không ngạc nhiên khi nhiều người Mỹ gốc Á muốn chứng tỏ tính Mỹ của họ, hoặc mơ ước được xã hội da trắng chấp nhận… Bị đá ra khỏi cuộc sống Mỹ từ lâu, , bị coi như đám người ngoài hành tinh không thể đồng hóa, vĩnh viễn là người nước ngoài, được hỏi đến từ đâu và khen tiếng Anh của chúng tôi, người di dân gốc Á và tổ tiên của họ đã nỗ lực để biến đất nước này thành của chính chúng tôi.
Người Mỹ gốc Á bị kẹt giữa nhận thức rằng chúng ta chắc chắn là người nước ngoài và sự cám dỗ rằng chúng ta có thể liên minh với người da trắng trong một đất nước được xây dựng dựa trên quyền tối cao của người da trắng. Kết quả là, phân biệt chủng tộc chống người Da đen (và chống da nâu và chống người bản địa) lan rộng trong các cộng đồng người Mỹ gốc Á. Những người nhập cư và tị nạn, bao gồm cả những người châu Á, biết rằng chúng ta thường có xuất phát điểm thấp trên nấc thang thành công của người Mỹ. Nhưng cho dù chúng ta có thấp kém đến đâu, chúng ta cũng biết rằng nước Mỹ cho phép chúng ta đứng trên vai của người Da đen, da nâu và người bản địa.
Trong suốt lịch sử người Mỹ gốc Á, người nhập cư châu Á và con cháu của họ đã được cả người Da đen và người da trắng cho cơ hội lựa chọn phe trong sự phân chia chủng tộc Da đen-da trắng, và chúng ta đã quá thường xuyên chọn phe da trắng. Người Mỹ gốc Á, trong khi tích cực chỉ trích chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống người gốc Á, không phải lúc nào cũng đứng lên chống lại sự phân biệt chủng tộc chống người da đen. Thường xuyên, chúng tôi đã đi cùng với hiện trạng và liên kết với người da trắng.
Điều tiếp theo có hơi nhạy cảm và gây tranh cãi, là tôi nghi ngờ rằng một số người, sau những đau khổ, thay vì trở nên đồng cảm và rộng lượng hơn, có thể bị tiêu diệt bởi lòng tự ái tập thể. Có thể đó là một vết thương chưa lành, nỗi đau mất nước, bản sắc, cảm giác xa lạ với xã hội mới và xa cách về văn hóa với những đứa con bị Mỹ hóa của họ. Nhiều người Mỹ gốc Việt lớn tuổi tin rằng họ xứng đáng và duy nhất có quyền được giúp đỡ bởi Mỹ, bởi vì Mỹ đã bỏ rơi miền Nam Việt Nam, không giống như bất kỳ nhóm di dân hoặc dân tộc thiểu số nào khác hiện nay.
Khía cạnh cuối cùng là sự sùng bái Trump, vốn đã ăn sâu vào một phần đáng kể của cộng đồng người Mỹ gốc Á. Trump đã khơi dậy và thúc đẩy sự phân biệt chủng tộc xấu xí mà những người sùng bái ông gần đây đang công khai nhiều hơn. Sự kết hợp của tất cả những yếu tố trên giải thích tại sao rất nhiều người Mỹ gốc Việt không ủng hộ BLM.
Bất chấp tất cả những điều này, tôi thực sự khá lạc quan về tình hình ngày hôm nay. Thế hệ trẻ hiểu rằng yêu nước có nghĩa là nhận thức được bất công và đứng lên chống lại nó. Họ đang bắt đầu bước ra khỏi cái bóng của những người lớn tuổi và trưởng thành như một cộng đồng với tiếng nói của chính họ. Phong trào BLM thậm chí còn tác động đến giới trẻ Việt Nam và truyền cảm hứng cho những cuộc trò chuyện về mối quan hệ của chúng tôi với các dân tộc thiểu số. Đây có thể chính là mầm mống của những đổi thay.
------------
------------
Dịch bởi Minh Thư