Bắt đầu từ cuối thế kỉ thứ mười tám, chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ; sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc đã củng cố cho sự phát triển của chủ nghĩa bài Do Thái; và sự hội tụ của hai chủ nghĩa này là một thứ đã trở nên vô cùng khét tiếng trong lịch sử thế giới: chủ nghĩa quốc xã – hệ tư tưởng chủ chốt của Đức Quốc xã trong suốt 12 năm tồn tại.
Ngay khi đảng Quốc xã – với Adolf Hitler là lãnh đạo – lên nắm quyền nước Đức vào năm 1933, họ đã sớm sử dụng thể thao làm công cụ chính trị nhằm phục vụ hai mục đích chính yếu: tôn vinh chủng tộc Aryan thượng đẳng, và bài trừ chủng tộc Do Thái ở mức độ chưa từng thấy.
Thể thao – với sức mạnh thể chất và vẻ đẹp hình thể – vốn dĩ vẫn là công cụ tuyên truyền đắc lực của họ, Hitler từng có câu nói nổi tiếng trong cuộc đại mít-tinh ở Nuremberg 1934: “Trong mắt chúng ta, một chàng trai Đức lí tưởng phải mảnh dẻ và gọn gàng, nhanh nhẹn như chó săn, dẻo dai như da thuộc, và cứng rắn như thép Krupp.”
Chẳng hạn, Thế vận hội 1936 ở Berlin đã trở thành nơi lí tưởng để Đức Quốc xã thực hiện dự định này. Nước Đức nghiêm cấm các vận động viên Do Thái của mình được thi đấu, và bạc đãi các vận động viên Do Thái của nước khác. Bảng tổng sắp chung cuộc với nước Đức dẫn đầu trở thành bằng chứng cho sự ưu việt của chủng tộc Aryan.
Giữa cơn điên cuồng này, môn cờ vua không bị Đức Quốc xã bỏ quên, các kì thủ cũng không trở thành ngoại lệ.

I. NHỮNG VẾT NHƠ DẠO ĐẦU

Khi một chính phủ muốn vùi dập một nhóm người, việc đầu tiên họ làm là gì? Hạn chế danh tiếng của nhóm người ấy, và nếu họ là những trí thức lớn được đưa vào sách giáo khoa thì phải xoá tên họ khỏi sách ngay, dẫu vẫn sử dụng thành quả trí tuệ của họ. Đây là một thực tế đã diễn ra ở Đức thời kì ấy.
Sử gia cờ vua Edward Winter đã tìm được nhiều dữ liệu từ báo chí, một trong số đó là British Chess Magazine (Tạp chí Cờ vua Anh). Trong số báo 1/1942 trang 10, ông cho biết quyển sách Lehrbuch des Schachspiels (Sách giáo khoa cờ vua) của Jean Dufresne được người Đức dùng làm sách giáo khoa cờ vua. Sau khi Dufresne qua đời, từ 1901 đến 1937 quyển sách vẫn được Jacques Mieses cập nhật và chỉnh lí định kì. Nhìn chung đó là quyển sách không bị lỗi thời và có ảnh hưởng rộng.
Chính vì sức ảnh hưởng lớn ấy nên Đức Quốc xã nhất quyết phải “quốc xã hoá” nó bằng cách giao cho Max Blümich chỉnh lí. Và phiên bản năm 1941 của quyển sách ấy là một thứ vừa đáng giận vừa đáng cười: tên của các kiện tướng Do Thái đều bị loại bỏ khỏi sách, bao gồm Kolisch, Zukertort, Steinitz, Lasker, Rubinstein, v.v. Bên cạnh đó, các ván đấu mẫu mực của họ cũng bị loại bỏ khỏi sách, chỉ ngoại trừ một số ít ván – các ván mà họ chơi thua (!?).
Về việc dùng chính trị để can thiệp vào cờ vua, lịch sử trò chơi này không thể bỏ qua đôi bạn cùng tiến là Đức Quốc xã và Liên Xô, sẽ là bất công nếu chúng ta chỉ kể đến người này và bỏ qua người kia.
Cũng thu thập từ British Chess Magazine, số báo 12/1973 trang 511-512, sử gia Winter thông tin rằng Wolfgang Heidenfeld đã phê bình quyển Lehrbuch der Schachtheorie (Sách giáo khoa lí thuyết cờ vua) của Alexey Suetin (một kiện tướng Liên Xô) là “xuyên tạc có chủ ý và có hệ thống về lịch sử cờ vua” qua hành động tham chiếu nhiều thái quá đến các kì thủ Liên Xô và phớt lờ việc nhắc đến tên các kì thủ phương tây.
Heidenfeld dẫn chứng khi Suetin giới thiệu khai cuộc với các nước đi 1.e4 e6 2.d4 d5 3.Nd2 Nc6, nó trùng khớp với Biến thể Guimard của Phòng thủ Pháp, thế nhưng tên của kiện tướng người Argentina Carlos Guimard không hề được nhắc đến.
Cũng tương tự thế, khai cuộc thường được biết đến với tên Tấn công Torre (Carlos Torre, kiện tướng người Mexico) lại được viết trong sách là Biến thể Petrosian (Tigran Petrosian, kiện tướng Liên Xô). Khai cuộc thường được biết đến với tên Biến thể Richter (Kurt Richter, kiện tướng người Đức) lại được viết là Khai cuộc Belo-Russian với lí do nó được hai kiện tướng người Belarus và Nga sáng tạo ra.
Nhưng những điều này chỉ là màn dạo đầu cho sự can thiệp thô bạo của chủ nghĩa dân tộc vào cờ vua mà thôi, phần sau bài viết chúng ta sẽ được thấy rằng có những sự can thiệp còn liên quan đến sinh mạng con người, chứ không chỉ là thanh danh của vài kiện tướng trong sách dạy cờ.

II. ALEXANDER ALEKHINE – VẾT NHƠ ĐỂ ĐỜI VÀ BÍ ẨN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CỜ VUA

Alexander Alekhine là một người khổng lồ trong làng cờ, tên ông thường xuyên xuất hiện trong tốp 10 kì thủ vĩ đại nhất mọi thời đại, bên cạnh những huyền thoại như Paul Morphy, Robert Fischer, Garry Kasparov, v.v.
Và cũng giống các nhân vật kể trên, Alekhine từng là một vua cờ (nhà vô địch cờ vua thế giới), cụ thể là vua cờ thứ tư trong lịch sử cờ vua. Không những thế, ông vua này còn cai trị vương quốc cờ trong tới hai triều đại, tổng cộng là 17 năm.
Alekhine là con người gây ra nhiều tranh cãi bậc nhất trong lịch sử cờ vua, các tranh cãi không xoay quanh trình độ chơi cờ của ông – thực tế thì người ta chưa bao giờ cần tranh cãi về điều này – mà chúng xoay quanh những gì ông đã làm với cờ vua và với giới kì thủ mỗi khi không ngồi bên bàn cờ.
Alekhine năm 1935 trong trận đấu giành chức vô địch thế giới với Max Euwe
Alekhine năm 1935 trong trận đấu giành chức vô địch thế giới với Max Euwe
Alexander Alekhine là người Nga Liên Xô nhưng bất đồng với đảng Bolshevik, và bắt đầu từ 1921 ông định cư dưới tư cách công dân ở Pháp, ông phục vụ quân ngũ, và thi đấu cờ vua cho nước Pháp. Mọi vấn đề chỉ thực sự xảy ra sau khi quân Đức chiếm được thành phố Paris năm 1940, lúc bấy giờ Alekhine đã ở Bồ Đào Nha, nhưng người vợ thứ tư của ông thì bị mắc kẹt ở Paris dưới sự quản lí của quân Đức, và quân Đức từ chối cho vợ ông xuất cảnh.
Năm 1941, Đức mở tờ báo Pariser Zeitung (Báo Paris) ở thành phố Paris mới chiếm đóng được. Không lâu sau đó tờ Pariser Zeitung xuất bản một bài báo với tít Jüdisches und arisches Schach (Cờ vua Do Thái và Aryan) đứng tên tác giả Alexander Alekhine.
Bài báo này gây kinh ngạc cho cả giới cờ vua lẫn giới ngoại đạo. Với người ngoại đạo, danh tiếng của vua cờ Alekhine đã đủ để người ta chú ý; còn với các kì thủ, họ rất sốc khi thấy rằng nội dung của bài báo là những thứ sau đây:
• Bài báo phủ đầu bằng tuyên bố hi vọng rằng sau cái chết của Emanuel Lasker, vua cờ thứ hai trong lịch sử, trường phái cờ vua Do Thái sẽ biến mất để nhường đường cho cờ vua Aryan thống trị thế giới.
• Alekhine chỉ trích trường phái cờ vua Do Thái là thứ cờ vua thực dụng vì luôn kiếm tìm ưu thế hơn quân bằng mọi giá; là thứ cờ vua cơ hội vì được chơi theo cách phòng thủ điên cuồng, chơi sao để không thua chứ không phải để thắng, và chỉ thắng được bằng cách khai thác sai lầm của đối thủ. Ông kết luận người Do Thái có tiềm năng chơi cờ, nhưng không bao giờ có thể trở thành những kì thủ thực thụ.
• Alekhine phô bày hiểu biết sâu sắc của mình về lối chơi của từng kì thủ Do Thái mà ông dẫn ra, thảy đều để đi đến kết luận rằng đó là lối chơi hèn nhát, xấu xí, cần lên án. Ông chỉ trích hàng loạt kiện tướng Do Thái cả đang sống lẫn quá cố như Wilhelm Steinitz, Howard Staunton, Aron Nimzowitsch, Akiba Rubinstein, Reuben Fine, và đặc biệt là Emanuel Lasker với câu nói rất độc địa là mong ông chết đi, bởi bối cảnh bấy giờ Đức Quốc xã đang ráo riết săn lùng người Do Thái để cho vào các trại tập trung.
• Dường như Alekhine đang tìm mọi cách đồng nhất giữa cờ vua và chủ nghĩa bài Do Thái. Ông dành tặng vinh quang lớn nhất cho José Raúl Capablanca (vua cờ thứ ba trong lịch sử) bởi vì Capablanca đã đánh bại Lasker (vua cờ thứ hai trong lịch sử) để đạp đổ sự thống trị của người Do Thái trong cờ vua. Trong trận tái đấu với Max Euwe (vua cờ thứ năm trong lịch sử) để giành lại chức vua cờ, Alekhine nói rằng Euwe đang hợp tác với Do Thái và ông đấu với Euwe là đấu với toàn bộ nền cờ vua Do Thái, và ông đã chiến thắng.
Alekhine còn viết nhiều bài báo bài Do Thái như vậy nữa trên tờ báo này, rồi chúng được in lại trên nhiều tờ báo khác của Đức. Cũng bắt đầu từ năm 1941, ông thi đấu cờ vua cho Đức Quốc xã với biểu tượng chữ thập ngoặc trên cánh tay.
Sau khi Đức thua trận trong Thế chiến II, Alekhine phủ nhận việc viết những bài báo trên, nói rằng chúng đã bị chỉnh sửa, bị giả mạo tên mình. Điều này không có gì lạ, theo tâm lí thông thường và gần như hiển nhiên, những người như Alekhine sẽ cố gắng phủ nhận mọi hành động xấu của mình khi mà thế chiến đã kết thúc và thắng bại đã ngã ngũ.
Nhưng thứ khiến cho vụ việc Alekhine trở thành bí ẩn vĩ đại nhất trong lịch sử cờ vua chính là những luận điểm mà có thể đưa ra để biện minh cho Alekhine như sau:
• Harry Golombek – một nhà văn cờ vua người Anh – thuật lại rằng Brian Reilly – một kiện tướng người Ireland – đã trực tiếp nói với Golombek rằng Reilly đã tận mắt nhìn thấy bản thảo gốc những bài báo trên bằng chữ viết tay của Alekhine.
Vậy nhưng sau khi tin tức này được lan truyền rộng rãi, chính Reilly đã phủ nhận điều đó. Và bởi vì tin tức ấy được Golombek thu nhận qua cuộc nói chuyện trực tiếp với Reilly nên chúng ta không có bằng chứng nào cả, mà chỉ biết đặt lòng tin mà thôi. Vào Golombek hay vào Reilly?
Dường như để thêm phần bí ẩn cho vụ việc, Reilly vốn dĩ định viết một tiểu sử về Alekhine – người mà ông vô cùng mến mộ – và quyển tiểu sử ấy hứa hẹn mang đến câu trả lời bằng giấy trắng mực đen, thế nhưng Reilly đã qua đời vì tuổi già trước khi quyển sách ra đời.
• Một trường hợp tương tự là Jacques le Monnier. Le Monnier thông tin trên báo năm 1986 rằng từ năm 1958 đã được thấy bản thảo viết tay những bài báo ấy của Alekhine, vậy nhưng ở quyển sách năm 1973 của mình (tức 15 năm kể từ năm tác giả được thấy bản thảo gốc), le Monnier lại tuyên bố trong sách là không biết những bài báo ấy có phải của Alekhine hay không. Nghi vấn này thật lạ lùng đối với người đã được nhìn thấy bản thảo viết tay.
Sự bất nhất trong lời kể của các nhân chứng như vậy có thể đến từ lòng mến mộ tài năng chơi cờ của Alekhine, và đến từ sự thông cảm khi quân Đức uy hiếp mạng sống của vợ ông trong thời gian mắc kẹt ở Paris cũng nên, nhưng tựu trung chúng đã giăng lên vụ việc của Alekhine một màn sương bí ẩn.
Chuyện này có thể ngã ngũ nếu chúng ta được tận mắt thấy các bản thảo viết tay ấy, theo luật của Pháp, năm 2017 là thời hạn những bản thảo ấy trở thành tài sản công hữu. Tức là ngay bây giờ (2024) nó đã có thể được đăng công khai hợp pháp, tuy nhiên tôi đã thử tìm kiếm trong quá trình viết bài này mà không thấy.
• Điều này dẫn đến một chuyện khó hiểu khác là tại sao Alekhine và người thân không huỷ bỏ bản thảo viết tay ấy ngay sau thế chiến, nếu như đã biết nó có thể gây bất lợi cho ông đến thế?
• Còn một tình tiết nhỏ nữa, nhưng rất đáng cân nhắc, đó là ngay sau khi Paris được giải phóng khỏi quân Đức, chỉ vài tháng trước khi Đức Quốc xã sụp đổ, Alekhine đã ngay lập tức lên tiếng phủ nhận những bài báo nhơ nhuốc ấy. Điều này có thể phần nào bào chữa cho Alekhine rằng đúng là ông bị uy hiếp để viết thật, và ông đã nỗ lực bác bỏ chúng ngay khi tính mạng được an toàn, chứ không phải chờ đến khi Đức Quốc xã thực sự sụp đổ.
Tuy nhiên, nhìn chung thì giới sử học cờ vua đều đồng thuận rằng Alexander Alekhine chính xác là tác giả của những bài báo ấy, bởi vì họ có những bằng chứng rất mạnh mẽ:
• Pablo Morán phát hiện ra hai số báo ở Madrid năm 1941 ghi lại cuộc phỏng vấn Alekhine, trong đó ông đã công khai khoe rằng mình là người đầu tiên khai thác chủ đề bàn luận về cờ vua trên quan điểm chủng tộc. Alekhine cũng nói với Valentín González của tờ Informaciones về ý định nghiên cứu cờ vua Do Thái và Aryan của mình, đồng thời thừa nhận mình không được người Mĩ yêu quý vì các bài báo bài Do Thái và hành động thi đấu cho Đức Quốc xã.
• Sau thế chiến, Alekhine bào chữa rất vụng về bằng cách lúc thì nói là không hề viết những bài báo ấy, lúc lại nói có viết chúng nhưng bị biên tập viên người Đức thêm thắt vào các yếu tố bài Do Thái.
Nhưng trường hợp thứ nhất là không thực tế, vì để viết ra bài báo thể hiện vốn hiểu biết sâu sắc về lối chơi của từng kì thủ như vậy, ở Đức thời bấy giờ không có ai ngoài Alekhine làm được. Trường hợp thứ hai thì có vấn đề về logic, bởi những bài báo ấy sử dụng chủ nghĩa bài Do Thái làm luận điểm chính, nếu bỏ nó ra, cả bài viết sẽ gần như không có nội dung gì cả.
Người ta kết luận rằng chính Alekhine đã viết chúng – có thể vì an toàn của mình và vợ, hoặc để được duy trì mức sống giàu sang mà ông đã quen sống từ nhỏ – chính ông đã viết chúng. Nhưng bản thân ông có thực sự bài Do Thái như những gì ông viết hay không? Đây là điều mà chắc chắn là không ai biết được, trừ chính ông.
Bí ẩn cuối cùng của vụ việc là cái chết của Alekhine.
Sau thế chiến, Alekhine bị cả thế giới cờ vua tẩy chay vì những bài báo nghiệt ngã ấy, bất chấp việc ông gửi thứ đến nhiều nơi để thanh minh. Và năm 1946, khi mà những biện bạch của mình còn chưa đi đến kết quả cuối cùng, Alekhine đột ngột qua đời trong một khách sạn ở Bồ Đào Nha.
Như để đền bù cho nhiều sóng gió đã qua với cuộc đời con người này, tư thế khi qua đời của Alekhine trông rất nhẹ nhàng. Ông ngồi ngả người trước một bàn ăn nhỏ đã được dùng xong, bên cạnh có một bàn cờ bày sẵn quân ngay ngắn, nhắm mắt bất động như thể đã ngủ quên trong lúc suy nghĩ trước một thế cờ khó.
Bác sĩ pháp y báo cáo có một miếng thịt to mắc trong cổ họng ông và nguyên nhân cái chết là ngạt cơ học. Nhưng một số ý kiến khác nói ông bị đột quỵ vì đau tim. Một số ý kiến giật gân hơn nói rằng ông bị Pháp ám sát vì hành động phản bội trong thế chiến, số khác lại nói rằng ông bị Liên Xô ám sát. Thảy đều có lí vì người đàn ông này không được lòng nhiều quốc gia và con người cho lắm.
Và thế là, Alexander Alekhine – vua cờ thứ tư trong làng cờ thế giới, con người gây ra vụ bê bối khét tiếng nhất và bí ẩn hấp dẫn nhất trong lịch sử cờ vua – hưởng thọ 54 tuổi.
Thi thể Alekhine được tìm thấy trong một khách sạn ở Bồ Đào Nha.
Thi thể Alekhine được tìm thấy trong một khách sạn ở Bồ Đào Nha.

III. TỔNG KẾT

Cờ vua, cũng như nhiều thứ khác, không tránh khỏi bàn tay nhơ nhuốc của chủ nghĩa dân tộc; và cũng như nhiều thứ khác bị chủ nghĩa dân tộc chạm vào, cờ vua đã có một vết bẩn không thể gột rửa trong lịch sử của nó.
Để nói câu cuối cùng về điều này, tôi chỉ dẫn lại lời của Emmanuel Lasker, vua cờ thứ hai trong lịch sử cờ vua.
“Đả đảo mọi loại chủ nghĩa dân tộc trong trò chơi cổ xưa, cao quý, và uyên thâm của chúng ta.”
Brooklyn Daily Eagle, 12 June 1924
Brooklyn Daily Eagle, 12 June 1924

Tài liệu tham khảo:

TORNAD
12/04/2024
Một số hình ảnh được tạo nhờ AI