Chênh vênh, bấp bênh, không chắc chắn, trống rỗng ......Không! Chính là từ “vô định”, chính là nó, từ mà diễn tả rõ nét nhất nỗi sợ đeo bám mình bấy lâu nay.
Cái cảm giác lo âu, sợ sệt khi mà bản thân không biết làm gì, muốn gì nhưng đồng thời sợ thời gian trôi qua một cách lãng phí, không mục đích. Đó chính là nỗi sợ của mình, nó bắt nguồn từ lúc bắt đầu có những suy nghĩ trưởng thành hơn về cuộc sống, cụ thể từ lúc mình còn học cấp 3 và đến tận bây giờ khi đã năm 2 đại học, nó vẫn là thứ gì đó rất ám ảnh.
Mình thường trải qua những chuỗi ngày trống rỗng và chênh vênh, những ngày mình không hiểu bản thân muốn gì, phải làm gì, làm thế nào, bắt đầu từ đâu. Những lúc mà trong đầu chỉ toàn những suy nghĩ tiêu cực lặp đi, lặp lại và dường như không có lối thoát.
Bản thân là một đứa hướng nội rõ rệt mà còn theo học ngành Quản trị Kinh doanh, vì thế nên mà chứng sợ sự “vô định” của mình vốn đã tệ lại càng chuyển biến xấu hơn, khi mà bản thân mình nhận ra mình không hứng thú với ngành học này, không hình dùng được mình sau khi tốt nghiệp sẽ làm công việc gì nhưng mà bản thân đã đi được một nửa chặng đường rồi.
Mình thường trải qua những chuỗi ngày vô cùng trống rỗng và chênh vênh, những ngày mình không hiểu bản thân muốn gì, phải làm gì, làm thế nào, bắt đầu từ đâu. Thế là mình đâm đầu kiếm việc để giết thời gian, để không nghĩ nữa nhưng dù bận rộn thế nào đến cuối ngày những suy nghĩ tiêu cực vẫn ở đó, nó không hề biến mất mà còn ám ảnh hơn lặp đi, lặp lại và dường như không có lối thoát.
Nhưng mình không thể mãi than vãn được phải đến lúc mình phải đối diện với nỗi sợ, người ta có câu “Con người sợ những thứ mà họ không biết gì về nó”, càng sợ thì càng phải đối diện với nó. Rồi mình nhận ra thật ra sự “vô định” không hề đáng sợ đến vậy. Mình tự hỏi tại sao mình lại sợ sự “vô định” và sau một hồi suy nghĩ mình đã đi đến được kết luận.
Những nguyên nhân khiến sự “vô định” trở thành nỗi ám ảnh đối với mình.
1. Từ bé mình đã được dạy và tin rằng mục đích của cuộc sống là tìm sự ổn định.
Mình tin chắc mỗi 10 bậc phụ huynh thì tới 9 người đã từng nói câu này với con của họ, câu nói “ Cứ học xong 12 năm, thi vào một trường đại học tối, tốt nghiệp loại giỏi rồi ra trường có công việc ổn định “, bất đắc dĩ trở thành một “roadmap” mà bất cứ con nhà người ta nào cũng đi theo.
Thế là sinh ra tâm lí nếu bản thân thất bại ở bất cứ khâu nào thì chúng ta sẽ rơi vào trạng thái vô định, tự ngờ vực bản thân. Nhưng giả sử chúng ta hoàn thành tất thảy những thứ kia thì liệu chúng ta có bao giờ tự hỏi: Tốt nghiệp đại học rồi làm gì tiếp theo? Đi làm rồi nhưng cảm thấy không hợp, không thích thì làm gì tiếp theo? Và muôn vàn những câu hỏi sau đó nữa.
2. Áp lực đồng trang lứa.
Mình sợ sự “vô định” bởi vì nhìn thấy người khác dường như có được sự “ổn định” trong cuộc sống của họ. Bản thân vẫn còn đi thực tập không lương mà người khác đã lên làm nhân viên chính thức (thậm chí leader), đạt danh hiệu, đạt thành tựu khiến bản thân mình hoài nghi về thực lực của mình, từ đó khiến mình sợ sệt và lo âu.
Tuy nhiên. mình lại thử nghĩ khác đi, mình tự nhủ rằng mỗi chúng ta đều đi những chặng đường của riêng mình, rằng mình chỉ đi chậm hơn mọi người vài chặng thôi nhưng mà sau cùng chúng ta sẽ đều tới được đích.
3. Cố kiểm soát những thứ không thể kiểm soát.
Mình hay suy nghĩ về cuộc sống của mình 5, 10 năm nữa và luôn ở trong trạng thái lo sợ rằng nếu mình không có kỹ năng này lúc này, những chứng chỉ kia, hay đạt được thành tựu ABC nọ thì tương lai của mình sẽ hoàn toàn mịt mù.
Thế là mình lao đầu vào cố gắng kiểm soát những thứ đó, để rồi cuối cùng nhận ra là mình chẳng đi tới đâu. Ngược lại, bản thân lại còn rơi vào trạng thái tiêu cực hơn, nó như một vòng luẩn quẩn không hồi kết vậy.
Bởi vì cuộc sống này vốn dĩ chưa bao giờ ổn định nên mình luôn tự nhủ bản thân rằng sự “vô định” đôi khi không phải là thứ gì đó xấu xa, đáng sợ mà bản thân cần phải tránh. Có lúc “vô định” mình mới biết quý trọng những khoảng khắc bình yên.
Hi vọng bài viết này có thể làm vơi bớt đi phần nào sự lo âu của những bạn có nỗi sợ giống như mình, mình tin chắc là chúng ta sẽ đến được đích đến của mình thôi, dù là theo cách nào đi chăng nữa. ^^