Xin chào các bạn, mình đã trở lại rồi đây! :D Sau một thời gian vắng bóng (dù rất muốn viết) do không thể đăng nhập vào Spiderum trong thời kỳ quá độ xác thực bằng Facebook, mình cũng bị mất đi hứng thú viết bài trong một thời gian dài. Quay đi quay lại, từ bài viết cuối đến giờ đã là hơn một năm. Mình rất vui nếu các bạn còn nhớ mình là ai, nhưng nếu không thì cũng không sao cả, được viết trở lại là một niềm vui rồi! :D
Không dông dài nữa, chúng ta vào bài nhé.
Khi mình nói đọc ngược, nó không có nghĩa là mình đọc từ phải sang trái, hay đọc chữ trong gương như thiên tài Leonardo Da Vinci đã viết, mà chỉ đơn thuần là đọc từ đoạn văn cuối lên đến đoạn mở đầu thôi. Nghe có vẻ điên khùng nhỉ, nhưng cứ bình tĩnh, mình sẽ giải thích cho bạn tại sao điều này không hề khùng mà lại rất hợp lý. Hay đúng hơn là nó hợp lý đối với mình. Khi bạn đọc đến cuối bài viết, có thể bạn sẽ không đọc ngược, nhưng mình hi vọng bạn sẽ nhận ra một cách đọc hiệu quả hơn cho bản thân thay vì kiểu đọc từ trên xuống truyền thống.

Đọc ngược loại bỏ cảm giác sốt ruột

Nếu bạn giống như mình, thì hẳn bạn cũng thấy việc đọc từ trên xuống dưới rất nhàm chán. Cái cảm giác phải đi qua một bức tường văn bản dài ngoằng mới có thể tiếp thu bài viết khiến mình mất kiên nhẫn và chỉ muốn bỏ ngang. Áp lực vô hình của việc hoàn thành bài viết theo mình từ khi bắt đầu đọc cho đến khi đọc xong. Điều thú vị là mình không cảm thấy như thế khi mình đọc ngược. 
Ảnh bởi
Finn Mund
trên
Unsplash
Mình biết lượng văn bản luôn là không đổi cho dù chúng ta có đọc thế nào đi nữa (trừ khi bạn bỏ qua một số đoạn) nhưng đọc ngược khiến cho mình thấy yên bình, không còn áp lực phải đi đến cuối bài viết (tất nhiên, vì mình đã ở đó rồi :v) mà lạ là cũng không có áp lực phải đi lên đầu bài. Theo một cách kỳ lạ, mình có thể thoát khỏi áp lực hoàn thành bài viết nhờ đọc ngược.

Tiếp cận thông tin khái quát nhanh chóng

Ngoài cảm giác yên bình, đọc ngược giúp mình nhanh chóng nắm được ý chính của bài viết. Phần lớn các tác giả trình bày ý tổng quát ở phần mở bài để cho người đọc tiện nắm bắt đề tài và quyết định xem có tiếp tục đọc bài viết hay không. Sau đó, các ý này được triển khai chi tiết trong phần thân bài rồi cuối cùng được tóm tắt và xuất hiện trở lại trong phần kết bài nhằm củng cố thông điệp trước khi người đọc rời đi. 
Bạn có thể băn khoăn: như vậy đọc phần mở đầu cũng có ích như đọc phần kết? Điều này mình không thể khẳng định vì nó phụ thuộc vào cách một tác giả trình bày bài viết của mình. Có phần mở đầu chứa đựng nhiều ý hơn phần kết và cũng có lúc là ngược lại. Tuy nhiên, có một khuôn mẫu mình thường gặp khi các tác giả viết bài đó là sử dụng phần mở bài như một “trailer” hấp dẫn nhằm thu hút người đọc tiếp tục. Trong trường hợp này, họ sẽ úp úp mở mở chứ không viết hết ý trong phần mở bài. Tất nhiên phần kết bài không phải đóng vai trò này nên nó chứa toàn bộ ý chính và đây mới là phần mà chúng ta quan tâm.
Ảnh bởi
Waldemar
trên
Unsplash

Vậy còn tính khả thi của việc đọc ngược?

Đọc ngược đem đến một vấn đề là làm thế nào để hiểu nội dung? Chả có tác giả nào viết ngược cả, anh lại đi đọc ngược thì  anh đúng là đồ gàn dở. Mình từng nghĩ như vậy nhưng vẫn thử xem sao và kết quả làm mình khá bất ngờ. Trong phần lớn nội dung mình đọc, đọc ngược không gây ra vấn đề nào đến khả năng hiểu. Cụ thể, những nội dung có thể đọc ngược theo mình là báo, tạp chí, bài viết ngắn, những nội dung không có tính logic chặt chẽ. 
Tuy vậy, mình nhận thấy một sự bất tiện khi phải tập trung cao độ hơn để ghi nhớ nội dung đoạn ở dưới để có thể liên kết ý khi chuyển lên đoạn trên. Nhưng mình nghĩ đây không phải một vấn đề lớn khi mà việc đọc vốn dĩ đã yêu cầu chúng ta phải tập trung. Hơn nữa theo thời gian, não bộ chúng ta sẽ quen và thích nghi với thứ tự kỳ quặc này.
Bên cạnh đó có những nội dung không phù hợp cho việc đọc ngược cũng như không nên được đọc ngược như truyện, tiểu thuyết, tác phẩm văn học hay những nội dung dài và khó, được liên kết chặt chẽ từ trên xuống dưới như bài viết khoa học, luận văn. Mình tin bạn sẽ không muốn phải đọc lại một đoạn văn ở dưới chỉ vì đã quên mất nội dung khi gặp một đoạn ở trên đề cập đến nó.
Bất lợi cuối cùng là, bạn trở thành một người kỳ cục trong mắt mọi người xung quanh.
Ảnh bởi
Bruce Warrington
trên
Unsplash

Dài quá không đọc đâu!

Theo đúng tinh thần của bài viết, mình xin tóm lại ý chính cho những ai cũng lười như mình. Việc đọc ngược có một số lợi ích sau:
- Bạn không còn nóng lòng muốn đi đến cuối bài viết, vì bạn đã ăn gian đến đó ngay từ đầu. Giờ đây bạn có thể thong thả đọc từ dưới lên trên.
- Trong nhiều trường hợp, đoạn kết chứa đầy đủ thông tin của bài viết và vì thế bạn có thể nhanh chóng nắm bắt ý chính.
- Một số loại nội dung phù hợp để đọc ngược nhưng một số thì không. Đọc ngược cũng yêu cầu một sự tập trung cao độ hơn.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình và chúc các bạn một ngày tốt lành! 😉