Xin chào các bạn, lại là mình Souledyer đây. Như các bạn đã biết, ở Việt Nam, nền giáo dục Việt Nam đã trải qua nhiều thay đổi to lớn và thực sự nó đã đào tạo ra cho đất nước những nhân tài kiệt xuất cứu đất nước khỏi tình trạng nguy ngập như năm 1945-1946. Nhưng càng ngày, nhất là sau khi hòa bình được lập lại, thì một vấn đề to tướng khác lại xuất hiện, đe dọa tới sự phát triển của Việt Nam mà tới nay vẫn chưa được quan tâm và giải quyết một cách triệt để, đó chính là những tồn đọng của giáo dục Việt Nam. Trung bình, tỷ lệ tự tử ở Việt Nam là 7/100.000, tức 7000 người tự tử ở Việt Nam mỗi năm, và hơn hết, tỷ lệ tự tử ở người trẻ cao hơn hẳn so với người già, trong đó những nguyên nhân liên quan đến giáo dục. Những vụ lùm xùm như "giáo viên bắt học sinh đứng ngoài trời nắng" hay "phụ huynh bắt giáo viên quỳ trước mặt" cũng càng làm uy tín của ngành giáo dục trong mắt người Việt giảm mạnh.
Trước tình hình đó, nhiều nhà cải cách giáo dục "xuất chúng" của Việt Nam đã đưa ra những giải pháp qua từng năm nhưng chưa từng có giải pháp nào đã đi đến thành công được. Và nguyên nhân của tất cả sự thất bại đó, là do bản thân họ không đưa ra những giải pháp đúng đắn và quan trọng nhất, họ chưa đụng chạm đến những vấn đề là mấu chốt của vấn đề. Và cũng thật đáng ngạc nhiên, mấu chốt của những vấn đề giáo dục, đó chính là sự không tôn trọng ngành giáo dục và bệnh thành tích

Sự không tôn trọng ngành giáo dục

Bình tĩnh đã nào, tôi biết các bạn đang nghĩ gì, "Tôn sư trọng đạo", "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" chắc hẳn các bạn đã từng nghe qua rồi phải không, có thể là từ thầy cô hay cha mẹ để ca ngợi nghề giáo đúng không nào ? Tuy nhiên, nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm, và sự thật là việc không tôn trọng nghề giáo vẫn diễn ra phổ biến, có thể thấy rõ nhất qua số liệu sau:
Đây chính là số liệu về phần trăm (%) của lương giáo viên so với GDP bình quân đầu người của nước mà họ làm việc. Cột màu vàng chỉ % trung bình trên thế giới, những cột bên trái chỉ những nước có % cao hơn trung bình như Hàn Quốc, Nhật Bản..... Những cột bên phải chỉ những nước có % thấp hơn trung bình như Mỹ, Việt Nam....
Việt Nam xếp bét trong danh sách về tỉ lệ lương của giáo viên so với GDP bình quân đầu người, đó là một vấn đề cực kỳ cấp bách, báo chí cũng có nhiều bài viết nói về tình trạng này (như bài viết bên dưới)
nhưng đáng ngạc nhiên là Bộ Giáo Dục vẫn chưa có những chính sách triệt để cho việc này (cũng có một số trường công lập trả lương cho giáo viên rất cao nhưng điều đó là rất hiếm). Cũng chính điều đó đã là thủ phạm của rất nhiều những tồn đọng trong nền giáo dục Việt Nam. Thử hỏi cùng với mức lương 5-6 triệu/tháng như đa số giáo viên bây giờ, có ngành nghề nào lại phải chịu nhiều áp lực như nghề giáo không ? Chưa kể, với đa số giáo viên, chỉ riêng lương cứng ở trường học thì có thể đủ để họ sống nhưng lại không đủ để dành cho trường hợp khẩn cấp như đa số các ngành nghề khác. Vì lý do đó, rất ít học sinh, sinh viên có ý định học các trường Sư phạm, họa hoằn lắm mới có người chọn Sư phạm, phần vì không thi được các trường khác, phần thiểu số còn lại, chiếm tỉ lệ rất ít là những người thực sự mong được truyền thụ kiến thức cho thế hệ sau. Đó cũng chính là sự không tôn trọng thứ hai cho giáo dục. Điểm đầu vào của các trường Sư phạm rất thấp, phương thức tuyển sinh cũng tương đối đơn giản, khiến cho đa số sinh viên không thi các trường giỏi, nơi đa số người tài đều theo học, khiến chất lượng ngành giáo dục ngày càng giảm sút. Còn những người làm nghề giáo, do mức lương thấp tới mức nhiều người không đủ sống, họ đành phải làm thêm những nghề tay trái khác, mà ở đây phổ biến nhất là dạy học thêm. Điều đó khiến cho quỹ thời gian vốn đã ít của học sinh lại càng ít hơn. Học sinh bị bắt đi học thêm tràn lan, học sinh nào "cá biệt" mà không đi học thêm, thì phần nhiều là bị giáo viên "đì" cho không ngóc đầu lên được. Những ai phải đi học thêm tràn lan như vậy, nói chung đều không còn tí sức sống nào trong người, chán nản trong học tập. Tôi cũng đã từng trải qua nếp sống như vậy vào những năm cuối cấp II rồi, và học thêm đã khiến cho quá nửa học sinh lớp tôi luôn trong tình trạng chán nản, uể oải.
Cùng với đó, những định kiến lệch lạc về giáo dục cũng làm tình cảnh của giáo viên và học sinh khốn khổ hơn. Giáo viên thì bị gắn cái mác đã quá cổ hủ là "giáo viên phải sống thanh cao, giản dị, nhận lương ít
thôi nhưng vẫn phải tận tâm truyền dạy kiến thức, phải như thánh thần,....." mặc cho giáo viên cũng là người, không phải thánh thần. Học sinh thì phải "học giỏi, ngoan ngoãn, nhất mực nghe theo quyết định của cha mẹ dù đó là gì, phải hoàn hảo về mọi mặt, không khiếm khuyết, phải trở thành "con nhà người ta" "bất chấp việc học sinh ai cũng có điểm mạnh điểm yếu riêng. Đây cũng là sự không tôn trọng giáo dục thứ ba, và cũng là thứ khó khắc phục nhất, niềm tin.

Bệnh thành tích

Những gì tôi đã nói ở trên có vẻ như đã nói lên hầu hết những vấn đề nghiêm trọng mà nền giáo dục Việt Nam gặp phải, nhưng tôi cũng không thể bỏ qua một vấn đề muôn thuở của người Việt: BỆNH THÀNH TÍCH
Có thể nhiều người sẽ nghĩ bệnh thành tích chỉ là thứ mới xuất hiện ở thời hiện đại, và để giải quyết thì chỉ cần giải quyết những vấn đề đã xuất hiện gần đây. Sự thật thì đó là một quan điểm sai lầm. Thời Trần, Lê đã mua quan bán tước khắp nơi, bỏ nhiều tiền là được làm quan, thế chẳng phải bệnh thành tích là một thứ gì đó nguy hiểm, xuất phát từ sự háo danh hão và đã ăn sâu vào máu của người Việt
Với nhà có bố mẹ, người thân có quyền thế, quan hệ rộng, họ thực hiện việc nâng điểm, mua điểm..... khá công khai. Chỉ cần có tiền và
quan hệ, ngồi không thôi học sinh cũng có hồ sơ đẹp mỹ mãn dù học kém cỡ nào. Đây cũng là những người hay dính líu vào những vụ mua điểm đã được phanh phui. Và chính những hành động này, đã khiến cho vấn nạn tiêu cực trong quá trình thi tăng đột biến kể cả với học sinh thường. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giai cấp chiếm thiểu số, gây cực kỳ nguy hiểm nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng như giai cấp sau
Đối với những người bình dân hoặc khá giả, những tưởng "bệnh thành tích" đã đi xa khỏi những hộ gia đình này nhưng không, bệnh thành tích vẫn tìm đến, và ăn sâu trong máu của họ. Họ định hướng sẵn
cuộc đời của con cái, nhồi nhét cho con những ước mơ, những thứ mà họ cho là tốt (mặc dù chưa hẳn đã tốt với đứa trẻ). Và một điều khá kỳ lạ, họ luôn hướng con mình vào những trường, những nghề mà xã hội coi là trọng vọng (mặc dù không hẳn ai cũng tôn trọng những nghề này) như kỹ sư, bác sỹ..... Còn con cái, phần nhiều cũng như những con nghé, cày cuốc vục mặt vào sách vở, cốt mong thi được tấm bằng "xịn" để bố mẹ hãnh diện. Như một hệ quả tất yếu, xã hội tràn ngập những người học Y, học làm kĩ sư, làm nhiều người thất nghiệp, trong khi những ngành nghề mà trẻ em từng mong ước trước khi ước mơ vụt tắt, vẫn còn đang vô cùng thiếu người làm việc. Để thực hiện được
kế hoạch mà họ đã vẽ sẵn cho trẻ, họ giao phó cho giáo viên mọi thứ, không cần biết bằng cách nào, biến đứa trẻ thành người "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý" về cả lĩnh vực họ đã chọn sẵn lẫn hàng chục lĩnh vực chả liên quan gì đến nhau, nhất mực nghe lời. Để làm được và cũng vì cơm áo gạo tiền, giáo viên đã áp dụng nhiều phương pháp, trong đó có một phương pháp "đánh vào nỗi sợ của trẻ", thứ đã gây ra vô số trường hợp trầm cảm ở học sinh.
Đây nhé, phương pháp "đánh vào nỗi sợ của trẻ diễn ra rất đơn giản: Đọc điểm, thành tích của học sinh trước lớp, phê bình những ai học kém một số môn trước lớp hay thậm chí là trước toàn trường, cốt nhằm khích lệ học sinh cố gắng nhưng việc đưa học sinh ra bêu tên như vậy, đã vô tình nghiền nát lòng tự trọng của học sinh. Mất đi lòng tự trọng, học sinh bắt đầu trầm cảm và điều đó đã dẫn tới những vụ tự tử vô cùng nghiêm trọng.
Tóm lại, trong một chuyện bệnh thành tích, ta đã thấy người Việt đã phạm không ít những sai lầm nghiêm trọng. Thứ nhất, họ phân biệt đối xử giữa những người làm các ngành nghề khác nhau. Ai có người con làm bác sĩ kĩ sư thì được tôn vinh như thánh, ai có con làm một số nghề khác thì bị dè bỉu kể cả khi nghề đó hoàn toàn hợp pháp và không đáng bị vậy. Thứ hai, họ đập tan ước mơ của trẻ em khiến chúng mất đi những ước mơ vốn có của chúng, đó thực là một sự hao tổn sự sáng tạo không thể lớn hơn với Việt Nam

Lời kết:

Tôi không phải lần đầu nói đến những tồn đọng trong giáo dục Việt, nhưng dù có nói bao nhiêu lần đi nữa thì vẫn không thể lột tả trọn vẹn được toàn bộ những vấn đề của nền giáo dục Việt
Những giáo viên và học sinh dù sao cũng chỉ là những cấp bậc cuối cùng bị dồn nén những tồn đọng này, vấn đề thực sự nằm ở những người lãnh đạo và niềm tin của mọi người. Đây không phải vấn đề có thể giả quyết trong một sớm một chiều nhưng mong mọi người hãy cùng hợp lực để ngăn những trường hợp tang thương của giáo dục
Bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn, mong các bạn góp ý và bổ sung