Từ khi còn là một đứa trẻ, chúng ta thường đồng hóa hạnh phúc của mình với một sự thành công, hoặc đạt được một điều gì đó to tác.
Ta đã nghĩ nếu đạt được điểm 10 đem về khoe cho ba mẹ ta thì đó là hạnh phúc. Tuy nhiên vài điểm 10 đầu tiên ba mẹ còn vui vẻ khen ta vài câu, nhưng những lần sau thì cũng ậm ừ xem như chuyện hiển nhiên.
Ta đã nghĩ nếu mình được ăn kem, ăn vặt là hạnh phúc. Đúng là nhiều lúc ăn những món đó ta thấy rất vui, nhưng qua một vài lần ăn thì cảm giác hạnh phúc đó không còn mạnh như trước nữa.
Ta đã nghĩ nếu trưởng thành và thoát khỏi sự kiểm soát của ba mẹ là hạnh phúc để rồi rất nhiều đứa trẻ muốn trưởng thành thật nhanh để rồi có nhiều người trưởng thành thường lẩm bẩm câu: "Trẻ con là vui vẻ hạnh phúc nhất".
Ta đã nghĩ nếu được thăng chức tăng lương là hạnh phúc. Điều đó có thể làm ta vui vẻ được vài ngày, vài tuần,... nhiều nhất là vài tháng. Để rồi sau quãng thời gian ấy ta lại vùi đầu vào công việc và mong muốn tiền bạc và chức vụ cao hơn nữa.
Ta đã nghĩ nếu mua được iPhone 13 ngay khi nó ra mắt là hạnh phúc. Đúng là ta có cảm giác lân lân, vui sướng khi mua được iPhone 14, nhưng rồi một thời gian sau, cảm giác đó giảm dần và ta vẫn phải đi tìm một cái gì đó mới để thỏa lấp. (Mua iPhone 14 chăng?)
Ta đã nghĩ nếu ta mua được nhà đẹp, xế xịn đó là cuộc sống hạnh phúc. Đây chính xác là lý tưởng của nhiều người, trong đó có người đạt được, có người lao động cả đời cũng chẳng dám mơ tới. Người chưa có thì cứ mãi mơ tưởng, người có rồi thì cũng chẳng hưởng cái cảm giác ấy được lâu.
Thực ra đây là cơ chế bình thường của con người chúng ta. Loài người trong quá trình tiến hóa không ngừng, từ một loài vượn cho đến người tinh khôn rồi người hiện đại ngày nay đã hình thành nên một cơ chế. Tạm gọi là cơ chế khao khát phát triển.
"Nếu một điều gì đó khiến ta hạnh phúc, ta sẽ dần trở nên quen với nó, để rồi ta xem những điều đó là bình thường và lại tìm kiếm những điều mới".
Cơ chế này từ đâu mà có?
Thử nghĩ mà xem nếu một nhóm người săn bắt hái lượm nhìn thấy một cây táo, sau đó họ ăn thử và thấy quả ăn rất ngon. Lúc này hình thành 2 nhóm người. Nhóm A ngày này qua ngày khác vẫn "hài lòng" với việc ăn những quả táo rơi rụng từ trên cây mà không có ý định làm gì khác. Nhóm B sau thời gian đầu ăn thấy ngon, họ bắt đầu cảm thấy táo trở nên bình thường, vô vị, nhạt nhẽo, thế là họ tìm kiếm một cây khác hoặc một nguồn lương thực khác để ăn. Thế là họ đứng dậy và đi tìm một cái gì đó mới mẻ. => Nhóm nào đã phát triển trở nên đông đảo nhờ sự thích nghi tốt hơn?
Ấy vậy là con người từ xa xưa đã hình thành trong mình một cơ chế để sự hài lòng là có thời hạn, và sau một thời gian hài lòng ta lại đứng dậy tìm kiếm những thứ mới khiến cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đây là một điều rất tốt cho quá trình phát triển, nhưng sẽ giữ cho hạnh phúc mãi xa rời tầm tay con người.