Phải gần 20 năm sau, tôi mới khắc khoải lại hình ảnh của Chí Phèo. Bất giác, thấy có một cái gì đó lấn cấn ở trong lòng về hình ảnh cuối cùng trong tác phẩm của cụ Nam Cao, rằng :"Vì sao Chí Phèo, sau khi đâm chết Bá Kiến, không bỏ chạy?"
Trước có Năm Thọ, rồi Binh Chức, đều là những tay đầu bò đầu bướu cả. Hai thằng đó, đều vào tù ra tội. Thằng thì vượt ngục, về nhờ ông Lý một cái thẻ mang tên một người lương thiện, và một trăm đồng bạc để trốn. Thằng thì đòi tiền về để nuôi vợ con.
Nhưng không thằng nào chọn cách như Chí. Vì vậy, nếu đổ cho bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, người ta bắt buộc phải chọn con đường như Chí, e có phần chưa thỏa đáng. Nhiều người nói, sau khi đi tù về, Chí biến chất, trở thành ma quỷ. Chưa hẳn! Nếu đã trở thành ma quỷ, sao còn đòi lương thiện?
Giả dụ, Chí thành ma quỷ thật, thì hãy xem cái thứ ma quỷ đó hành xử ra sao.
Chí rạch mặc ăn vạ. Tự làm tổn thương mình để đòi cho được cái mình mong muốn, là hành động của kẻ yếu thế.
Chí nghiện rượu, thường xuyên uống rượu nợ. Nhưng nợ, chứ không quỵt. "...Hôm nay, ông không có tiền; nhà mày bán chịu cho ông một chai. Tối ông mang tiền đến trả... Ông mua chứ ông có xin nhà mày đâu! Mày tưởng ông quỵt hở? Mày thử hỏi cả làng xem ông có quỵt của đứa nào bao giờ không? Ông không thiếu tiền! Ông còn gửi đằng cụ bá, chiều nay ông đi lấy về ông trả".
Và Chí đến nhà lão Bá đòi tiền thật!
Thêm nữa, khi đến ngõ nhà lão Tự Lãng, Chí nảy ra ý định tạt vào đây và đập cái bàn chầu văn của lão Tự nửa mùa này chỉ vì tự dưng thấy ghét. Nhưng đến lúc bước vào, thì thấy lão Tự đang uống rượu một mình. Cao hứng, lão mời Chí hẳn thêm 1 chai, uống cho thỏa. Chưa bao giờ Chí Phèo được thỏa thuê đến thế. Và rồi hắn quên mất cái ý định ban đầu, đến lúc hết cả 2 chai, hắn lảo đảo ra về. Hung ý biến mất như chưa từng tồn tại!
Cuối cùng, đắt giá nhất chính là sự xuất hiện của Nở, và bát cháo hành. Có lẽ, Chí đã khóc, khi thấy mắt mình ươn ướt khi bưng bát cháo, vì lần này là lần đầu tiên hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho hắn cái gì. Dường như có một cái gì đó, giống như cảm giác ăn năn, trực chào trong tâm hồn Chí. Cụ Cao đã rất cao tay khi đẩy tình tiết chuyển biến tâm lý này bên trong đứa con tinh thần của mình. Người ta thường ăn năn hối hận về tội ác mình gây ra, khi không còn đủ sức mà Ác nữa.
Chí tựa hồ thấy rằng sẽ có một lúc mà người ta không thể liều lĩnh được nữa. Hắn thèm lương thiện! Hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Chí muốn mọi người nhận hắn như những người con lưu lạc của cái làng này.
Tâm hồn Chí muốn cải hối. Đó là nhu cầu chính đáng trong tâm hồn người Thiện. Con người, ai mà chẳng có lúc sai lầm. Nếu để nói về sai lầm của Chí, liệu có mấy người có thể nói rõ, rằng Chí sai ở đâu?
Chí sai vì sinh ra không cha không mẹ? Chí sai vì bị bỏ tù khi không chịu đáp ứng sự dâm đãng của bà Ba?
Yêu thương và ghê sợ, Chí chỉ được chọn vế thứ hai. Và cái gương mặt chằng chịt những vết rạch sâu chính là cái mặt nạ hoàn hảo, phục vụ nhu cầu sâu kín của cái bản ngã đó. Cái mặt nạ đó, đem lại cho Chí rượu, tiền, mảnh vườn che thân, và quan trọng nhất, là cảm giác oai hùng, "Anh hùng làng này cóc có thằng nào bằng ta!".
Chí còn cần gì hơn nữa? Con người trong xã hội này còn cần gì hơn nữa?
Lẽ đời, phàm khi anh không sống thật với mình chỉ trong chốc lát, thì trong tâm hồn đó vang vọng từ vô thức những tiếng nói lạo xạo, rằng, nên hay không nên, nhưng anh còn có thể quay về. Giống như anh có lầm lỡ đôi lần, do trót dại, thì cái cổng nhà vẫn sáng đèn đợi anh mỗi tối muộn. Nhưng nếu anh dối trá thành quen, riết chính anh không còn là chính mình nữa, thì cái mặt nạ anh đeo vào hàng ngày khi ra ngoài, thay anh tiếp đãi, trao đổi với mọi người, nó sẽ đảm nhiệm luôn cái phần "sống" hộ anh. Đến lúc này, anh thấy mình nói dối, mà cứ như nói thật. Lâu dần, đâu là thật, đâu là giả dối, thì chính anh cũng không thể phân biệt nổi. Đến lúc đó, dù anh có muốn quay về là chính mình, cũng đã chẳng thể nào được nữa...
Rượu, và cái hư vinh "anh hùng" mà mặt nạ đem lại, đã làm cho một "thằng hiền như cục đất" đi xa quá rồi. Vô thức bị dồn nén, và cá nhân đi đến một sự bế tắc, lúc này cần một lối thoát.
Càng đi, Chí càng tỉnh. Không phải hơi rượu, mà chính là hơi cháo hành dẫn lối cho Chí.
"Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không! Chỉ có một cách... biết không!... Chỉ còn một cách là ... cái này! Biết không!..."
Chém Bá Kiến, chính là nhát chém thẳng vào cái Ác trong xã hội. Và, tự kết liễu mình, là nhát chém vào cái mặt nạ mà vô tình hay cố ý, Chí đã lựa chọn đeo lên.
Lúc này, ai đang là Chí?
Phải chăng, Chí năm xưa chưa bao giờ biến mất, và trong cái khoảnh khắc lóe sáng làm nên con người thật của Chí, chính cái bản tánh lương thiện xưa kia, vốn nằm im sau từng đó năm, giờ đây, lại trỗi dậy mạnh mẽ, đòi lại tiếng nói cho chính mình. Có thể nói, đó là những nhát chém thiện lương. Trong Âm có Dương. Trong cái Ác, có cái Thiện.
Cuộc đời ném cho anh thử thách, anh có dám đương đầu và chịu trách nhiệm đến cùng với những ứng xử của anh không, hay là anh chạy trốn? Nhiều người tự tử, vì không chịu đối mặt. Ngược lại, Chí có cái dũng khí đó. Chí chết để được sống, đó là một lời khẳng định! Và đó cũng chính là thái độ của Nam Cao vào thời cuộc bấy giờ, không chấp nhận những điều bất thiện trong cuộc đời.
Hiếu Chí, thực chất cũng là hiểu mình, hiểu người. Từ đó, để mà rộng lòng với nhau hơn. Muốn rộng lòng với nhau, chỉ có thể bắt đầu bằng sống thật. Để vượt qua thử thách, chỉ có thể mạnh mẽ đối đầu một cách có trách nhiệm.
Tự dưng muốn viết, song bài cũng đã dài. Xin hẹn tách trà sau.