Khi tôi còn bé, tôi may mắn được đọc rất nhiều sách báo. Gọi là may mắn, vì tôi tiếp cận được với nhiều sách cũng là vì nhà tôi cho thuê truyện, ba nghìn quyển bé như Conan hay Bảy viên ngọc rồng, mười nghìn những quyển như Phong Vân, Thần Điêu Đại hiệp hoặc một số quyển sách của tác giả Việt Nam lúc bấy giờ. Gọi là may mắn, là do kiếm sống nên có một giá sách to chứ cũng chẳng phải vì bố mẹ tôi có mắt nhìn nghệ thuật và muốn con gái "diệu" của mình cũng thế nên chịu đầu tư ngay từ những năm 2003, 2004. Ban đầu thì tôi chỉ đọc Conan, đọc Đô-rê-mon và cùng lắm là những manga với tên được Việt hóa hoàn toàn chứ không kèm cả phiên âm Nhật như bây giờ (nên rất khó tìm lại). Mãi cho tới khi đọc chán những quyển truyện tranh rồi tôi mới lần mò sang đọc truyện chữ, những quyển tuyển tập truyện ngắn xuất bản năm 2003 vì trông có vẻ hay ho. Tôi vẫn nhớ tiêu biểu một quyển tên là "Bí mật của lớp trưởng", hầu hết quyển nào cũng có vài truyện ngắn của Tạ Duy Anh và cả những người ít được biết đến. Tôi thấy hay quá. Sau đó tôi bắt đầu "đói khát" đi tìm những thứ như thế, từ mục truyện và thơ trên báo Tiền Phong của bố cho tới bất cứ cái gì 'của thế giới người lớn' có trong nhà - và cả những hình minh họa vẽ bằng thứ gì như bút mực đi kèm trông rất trừu tượng nữa chứ! Những thứ như thế làm cho tôi có một cảm giác lạ lùng, vừa cảm động vừa lờ mờ giữa ranh giới của hiểu và không hiểu. Vì may mắn, tôi bé tí lúc ấy đã có thể tự hình dung trong đầu, tuy chỉ một cách manh mún thôi, cái gì đó lờ mờ tạm gọi là "nghệ thuật". À, còn bố mẹ tôi lại hay mắng sao vừa về nhà đã ngồi trong gian truyện - "giá mà học cũng thế nhỉ". Đấy, thời chưa có smartphone thì đối tượng gây sao lãng là sách truyện. Ôi trớ trêu. 
Sau đó tôi lớn lên, và tôi được học hỏi nhiều hơn, tôi biết được nhiều thứ hơn một chút, ít ra thì cũng hơn tôi lúc sáu bảy tuổi lúc đó. Tôi được biết nghệ thuật là cái gì tranh cãi lắm, cãi từ bàn uống nước cho tới những bài viết về triết học. Thậm chí cái câu hỏi liệu có thể định nghĩa được nghệ thuật hay không cũng làm bàn ghế đổ kềnh. Cứ hễ mang vấn đề nghệ thuật ra là có hàng tá người tới sẵn sàng đổ bàn đổ ghế, và tôi có lẽ cũng sẽ hăng hái đi đổ bàn đổ ghế nếu như nghe thấy ai đó nhắc. Nói chung là tranh cãi. Thậm chí đi xem nghệ thuật theo kiểu gì, thái độ thế nào cũng có thể là một chủ đề nóng.
Bức ảnh ở đầu bài là do tôi chụp năm ngoái: một gia đình đang "tự sướng" với tranh của Van Gogh. Dù hai anh chị đã cố chọn thời điểm không ai xem tranh đó để đỡ gây phiền, vẫn có những người tới sau như tôi và các bạn tôi. Tôi quyết định chụp vì thấy gia đình anh chị dễ thương, dắt nhau ngày cuối tuần đi xem nghệ thuật, đi thưởng thức, rồi nhàn tản và vui vẻ sau một tuần hẳn cũng bận rộn. Ảnh hơi xấu một tí nhưng chắc vẫn thể hiện được sự dễ thương.
ảnh này không liên quan lắm nhưng nhìn giống như ba bạn ấy đang ngồi nhìn ra cửa sổ ngắm thành phố vậy.
Chính việc ấy có thể gây ra một cuộc tranh cãi: Liệu có dở hơi không khi đi xem triển lãm chỉ để vào chụp ảnh đăng mạng xã hội? Liệu việc ấy có làm mất đi giá trị của triển lãm? Phỉ báng nghệ thuật? Lấy nghệ thuật làm phông nền cho nhân cách ảo của bạn? Liệu điều ấy, trái lại, có giúp lan tỏa nghệ thuật tới nhiều người hơn? Liệu đây có phải bước đầu tiên để ai đó thích nghệ thuật?
Thế ban đầu hồi bé tôi đọc truyện ngắn và xem tranh cho đỡ chán thì có phải là lợi dụng không? Nếu sau đó tôi thực sự thích truyện và tranh ấy thì sao? Nếu sau đó tôi khoe khoang việc tôi từng đọc rất nhiều truyện và xem nhiều triển lãm thì có phải lạm dụng không? Khoan, những thứ đó có là nghệ thuật không? Nghệ thuật có giá trị gì? Nghệ thuật vì con người hay vì bản thân nó? Con người tạo ra nghệ thuật, thế thì nó thực ra là vì bản thân người đó phải không? Thế thì có ý nghĩa gì?
Thực ra... tôi cũng chẳng biết. Tôi không biết chắc, và các nhà triết học cũng không biết chắc. Cũng giống như thầy tôi nói khi giảng về tiếng Việt, việc nó thuộc ngữ hệ Nam Á hay ngữ hệ Hán - Tạng, tất cả đều phụ thuộc vào quan điểm mỗi người. Điều duy nhất mà tôi biết chắc và ngày càng chắc hơn, đó là con người thực ra rất giống nhau. Nó không phải là mệnh đề phủ định sự khác biệt của mỗi người, mà nó khẳng định sự liên kết. Con người thực ra vụng về và đôi lúc ngu ngốc, nhưng ai cũng cố gắng để mỗi ngày bớt vụng đi một chút. Tôi nghĩ nghệ thuật cũng là để liên kết con người, và vì nó liên kết nên nó có giá trị. Nhưng như tôi nói, đấy cũng chỉ là quan điểm của tôi, đối với tôi thì liên kết giữa người và người là quan trọng, nên mắt và đầu óc tôi tự đi tìm những ví dụ chứng minh điều ấy. Đối với tôi thì tôi cảm thấy sự vụng về của con người là thứ gì dễ thương, ngay cả khi họ đem nhau đi chụp ảnh ở triển lãm làm những người khác khó chịu đi chăng nữa. Tôi chỉ chúc họ vẫn đang tốt hơn mỗi ngày. 


Nghệ thuật không phải, như những nhà siêu hình hay nói, sự biểu hiện những ý niệm bí ẩn của cái đẹp hay của Chúa; nó không phải, như những nhà sinh lý học duy mỹ hay nói, một cuộc chơi để con người giải phóng nguồn năng lượng tràn đầy của anh ta; nó không phải sự biểu đạt cảm xúc của con người qua những dấu hiệu bề ngoài; nó không phải việc tạo ra những thứ dễ coi, dễ gây khoái cảm; và trên tất cả, nó chẳng phải khoái cảm; nhưng nó là một thứ phương tiện để kết nối con người, cùng liên kết họ bằng một cảm giác giống nhau, và [nghệ thuật] là thứ thiết yếu trong cuộc sống, rất cần trên con đường đạt được hạnh phúc của mỗi người và của toàn nhân loại.
- Leo Tolstoy, "What is art?"