Xin được nhắc lại một lời trong "Bài giảng cuối cùng" của giáo sư Randy Pausch rằng đấy không phải là về cách đạt được giấc mơ như thế nào mà là phải sống như thế nào. Lời nói từ "ám ảnh" đến khiến tôi phải suy ngẫm lại và thay đổi thế giới quan của mình. 

Có vẻ không liên quan nhưng chẳng vì lý gì mà tự cổ chí kim chúng ta đã được biết đến "Tiên học lễ, hậu học văn"; "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" của Nguyễn Du. Từ giáo dục đến y học như: Cốt sinh hình - tâm sinh tướng - khí sinh sắc hay nguồn gốc căn bản của sức khỏe là tại tâm. Những điều này có vẻ lạ lẫm nhưng chung quy cho chúng ta thấy một điều mọi vật trong vũ trụ đều có gốc rễ và nhất định phải có cái tâm.

Tuổi trẻ, chúng ta phải đối mặt với biết bao nhiêu điều. Có người cô đơn, có người trăn trở về tương lai, có người lo lắng mưu sinh vì gia đình và còn có những con người quỵ lụy sống trong những cuộc tình đã tan vỡ chóng vánh trôi qua. Nhưng bạn đã bao giờ có ý định tự tử ở tuổi hai mươi? Đây không phải là câu hỏi cổ xúy cho hành động tiêu cực mà là sự tuyệt vọng đến cực độ của một kẻ đang chìm đắm u mê không lối thoát của cuộc đời. Kẻ đó là tôi. Tôi cười nhạo những kẻ không nuôi lấy nổi một giấc mơ trong cuộc đời nhưng lại không biết rằng bản thân cũng đáng thương không kém khi điên cuồng đi tìm chính bản thân mình, đi hiện thực hóa lý tưởng mà quên mất hiện tại tức cũng đã đánh mất bản thân mình rồi.

"Ước mơ', hai từ ấy nghe rất cao quý và vĩ đại đến chừng nào đã từng là điều tôi trân trọng nhất nhưng rồi một ngày tôi bỗng thấy nó cũng thật đáng sợ. Khi mà con người ta cố gắng sống từng ngày trôi qua trong nhạt nhẽo chẳng để lại dư vị gì cho cuộc đời thì người ta ngụy biện rằng bởi vì "Tôi không có ước mơ", "Tôi không biết ước mơ của mình là gì" rồi "Tôi không được phép phụ lòng bố mẹ,". So với kẻ không biết ước muốn của mình là gì thì kẻ đã biết ước mơ của mình mà vẫn không thể thực hiện được giống như một người uống ly nước độc mà không biết gì và một người biết rằng mình đang uống nước độc thì đau đớn hơn nhiều, day dứt hơn nhiều.

Nhưng đáng thương hơn cả chính là kẻ tự huyễn hoặc mình rằng tôi có ước mơ. Là cái cớ bỏ rơi mọi người xung quanh, chẳng còn thời gian để quan tâm đến người quan tâm đến mình chỉ vì tôi phải đi thực hiện ước mơ. Tôi sẽ không làm cái này, cái nọ vì một người có đam mê của riêng mình sẽ không làm như thế. Đó là một sai lầm. 

Tôi nghĩ rằng người thành công phải là người có đam mê, ước mơ, họ đặc biệt. Nhưng điều đặc biệt của những người đặc biệt là họ chẳng có gì đặc biệt cả, họ chỉ là chính mình thôi.

Tôi dừng việc sống trong đau khổ khi biến ước mơ của mình thành hiện thực như một hành động duy ý chí bảo thủ. Nó phải được thực hiện trong hạnh phúc, trong khát khao trong sự giao tiếp với con người. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao có những người suốt đời nỗ lực nhưng lại không đạt được thứ mà mình mong muốn. 

Ước mơ suy cho cùng đó là được sống là chính mình, làm những điều mà mình khao khát đúng với lương tâm và đừng bao giờ gò bó bản thân trong những luật định mà mình hay xã hội tự đặt ra vì cuộc sống là không giới hạn. Hãy biến nó trở thành một thói quen trong bạn sống với cái tâm của chính mình. Hãy quan tâm đến đến người luôn săn sóc cho chúng ta, là cha mẹ (mặc dù có nhiều người không nhận được tình cảm này), là một ai đó bên cạnh bạn. Hãy làm những điều người khác bảo ngớ ngẩn nhưng bạn vẫn muốn thử, hãy tập những bài luyện khí công mang tính Chân - Thiện - Nhẫn và hãy cho đi. Khi có một tinh thần sảng khoái và lòng yêu mến với cuộc đời bạn sẽ cảm thấy cuộc đời này đáng sống lắm chứ và ước mơ là những điều nhỏ nhoi nhất sẽ đến với bạn. Nếu như bạn thực hiện ước mơ của mình rồi mà vẫn không đạt được thì hãy thay đổi thái độ sống chứ đừng từ bỏ ước mơ. Sống và thực hiện ước mơ bằng cái tâm nha mọi người.