TRUYỆN TRANH, NGÔN TÌNH
Hồi nhỏ tôi thường bị mẹ cấm đọc truyện tranh, ba cũng tịch thu biết bao nhiêu cuốn lén đọc dưới hộc bàn. Mẹ bảo rằng vẽ thì xấu, cổ...
Hồi nhỏ tôi thường bị mẹ cấm đọc truyện tranh, ba cũng tịch thu biết bao nhiêu cuốn lén đọc dưới hộc bàn. Mẹ bảo rằng vẽ thì xấu, cổ xúy bạo lực. Ba không cho đọc vì ảnh hưởng đến học tập. Nhưng tôi vẫn lén đọc.
Đừng phân biệt ngôn tình như ngày xưa phân biệt truyện tranh, quan trọng ta học được gì từ nó.
***
Đó là những cuốn tiểu thuyết lạ.
Kể về các chuyện tình lãng mạn thời hiện đại. Nơi xuất hiện những câu nói gây rúng động tâm hồn của tuổi mới lớn, trong các mối quan hệ chồng chéo với nhiều nút thắt, và hình tượng một soái ca tài giỏi, đẹp trai, giàu có nhưng yêu nồng nàn.
Tất cả hội tụ đã biến những cuốn tiểu thuyết ngôn tình thành một món ăn tinh thần đầy đam mê của giới trẻ. Sự cuồng nhiệt với các tác phẩm ấy, đã gây ra những xáo trộn đặc biệt. Bên cạnh tâm lý mong đợi và tin tưởng những điều đẹp đẽ đôi khi là không thực của những người đam mê. Còn là tiếng chế giễu của một bộ phận người đọc khác nhắm vào họ.
Câu chuyện vì thế, đã đẩy đi quá xa, quên đi cái nguyên thủy nhất của một cuốn sách. Vấn đề không phải bạn đam mê ngôn tình, hay bạn chế giễu ngôn tình. Mà là bạn rút ra được cái gì cho mình ở cuốn sách ngôn tình ấy.
Tác phẩm “Anh có thích nước Mỹ không?” của Tân Di Ổ là một tác phẩm ngôn tình kể về câu chuyện tình tay ba của Trịnh Vy – Trần Hiếu Chính và Lâm Tĩnh.
Suy nghĩ đơn thuần của mọi người đó sẽ là chuyện tình lãng mạn. Nhưng nếu bạn nhắm mắt lại, rồi đặt những tình tiết lãng mạn và các bước đà thăng tiến đôi khi là quá viển vông của những nhân vật chính sang một bên. Bạn sẽ thấy lại về mình một lối sống của giới trẻ, nơi những sinh viên xây dựng, kiến trúc vừa mới ra trường, đối diện với một môi trường mới, với những ngả đường và cả tham vọng, giữa tình yêu cháy bỏng hay sự nghiệp đi lên. Họ bắt buộc phải đưa ra những lựa chọn sai - đúng.
Và tại đó, sẽ có những bài học.
Có một câu nói rất hay trong tác phẩm đó, đấy là câu mà Trần Hiếu Chính nói với Trịnh Vy: “Vi Vi, đến một ngày nào đó em sẽ hiểu, con người ai cũng phải yêu mình trước. Anh không thể yêu em với hai bàn tay trắng.” Phong cách lãng mạn rất rõ, nhưng có phải trừ phi là một kẻ đàn ông ăn bám, còn lại đàn ông phải như Trần Hiếu Chính?
Vấn đề của Trần Hiếu Chính là tham vọng quá lớn mà không biết dừng ở điểm vừa đủ, và rồi đánh mất tình yêu.
Chắc hẳn chúng ta ai cũng biết truyện Conan – một bộ truyện tranh thám tử. Có một vụ án mà khi ấy Ran Mori, Sonoko cùng cô Jodie bắt gặp vụ trộm trong siêu thị, khi ấy không có Conan bên cạnh. Ran liền cầm điện thoại lên và gọi qua cho Shinichi nhờ giúp đỡ.
Nhưng cô Jodie ngăn lại, và nói với Ran như sau: “Đừng có khi nào khó khăn, cũng vội vã đi tìm điểm tựa. Bởi nếu ta không tự lập từ bây giờ, chúng ta sẽ sống thế nào khi một ngày các điểm tựa đều mất hết”.
Ngay cả truyện Doraemon cũng thế, câu chuyện về chú mèo máy thông minh không đơn thuần là những cuộc vui xung quanh món bảo bối của Doraemon, mà cả lối sống ở trong đó. Nobita bị Chaien bắt nạt, Doraemon cho mượn một bảo bối, thứ này khi viết trên giấy “đấm 3 phát, đá 4 phát” mà dán lên lưng của một ai bất kỳ, người này sẽ trả thù cho bạn.
Nobita viết xong, đang đi kiếm người thực hiện thì vô tình Xuka lấy được tờ giấy, cô làm theo mệnh lệnh là đi đánh Chaien.
Nobita làm gì?
Cậu bé kính cận và nhút nhát đó rượt theo Xuka, giật lấy tờ giấy trên tay cô, và thay cô lao vào đánh Chaien, dẫu rằng sau đó cậu chắc chắn phải chịu đòn đau. Một chi tiết buồn cười nhưng lại đầy chất trượng phu của con người nhút nhát vẫn sẵn sàng bảo vệ phụ nữ.
Gần đây, vì nghỉ làm do dịch Covid mà tôi có dịp đọc lại những dòng truyện tranh này:
Để rồi thốt lên: Tháng 4 năm 2020, bây giờ mới hiểu mấy câu này dù đọc từ một ngàn chín trăm hồi đó!
***
Trong tác phẩm “Bóng hình của gió” của Carlos Ruiz Zafón có một câu rất hay như thế này: "Sách như tấm gương: cậu chỉ nhìn thấy trong chúng những gì cậu đã có sẵn trong bản thân mình."
Có những cuốn sách mà ai trong chúng ta cũng phải đi qua một khoảng va vấp mới hiểu được ý nghĩa tồn tại của nó, rằng những tình tiết ngày hôm đó, thực ra là mang chất đời đến như thế nào.
Truyện tranh hay ngôn tình, không phải là một vấn đề lớn, mà vấn đề ở chỗ: điều tốt đẹp nhất mà bạn rút ra được là gì? Chứ không phải là phân biệt tác phẩm hạ lưu hay thượng lưu.
Tất cả mọi thứ tồn tại đều có ý nghĩa của nó, đặc biệt lại là sách – một người bạn. Hãy nhớ, những năm tháng đọc sách sẽ tạo nền tảng cho bạn, chúng nằm sâu trong một góc nhỏ, để một ngày nào đó bạn gặp chúng trong cuộc sống,sẽ lấy ra được điều cần phải lấy.
Chợt nhớ ra rằng ngày xưa mẹ tôi và các dì cũng đọc Quỳnh Dao.
- Nguồn: Dũng Phan -
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất