Trích bài viết của tác giả Parker J. Palmer: “The Heart of a Teacher Identity and Integrity in Teaching” từ tạp chí CHANGE.

Chúng ta dạy như cách chúng ta là

Từ tận sâu trái tim mình, tôi là một người giáo viên, và có những khoảnh khắc trong lớp học tôi khó lòng kiềm chế được niềm vui sướng. Khi học trò và tôi khám phá những vùng đất chưa được khai phá, khi con đường hiện lên sau bụi rậm, khi kinh nghiệm của chúng tôi được soi tỏ bởi khai minh - thì dạy học là công việc tuyệt nhất mà tôi biết.
Nhưng vào những khoảnh khắc khác, khi lớp học trở nên vô hồn, khó nhọc hay hỗn độn - và tôi quá bất lực để làm bất cứ điều gì - thì lời khẳng định của tôi về việc là một người giáo viên, dễ dàng nhận thấy, chỉ là một sự giả tạo. Và kẻ thù thì ở khắp nơi: những học sinh đến từ ngoài hành tinh, những chủ đề mà tôi ngỡ mình đã biết, và cả trong bản chất tính cách đã khiến tôi tiếp tục kiếm sống bằng cách dạy học. Tôi đúng là một kẻ ngốc khi tưởng rằng mình đã làm chủ được nghệ thuật huyền bí này - điều khó đoán định hơn cả lá trà (bã trà được dùng để dự đoán tương lai) và không thể nào làm tốt, dù chỉ ở mức trung bình, bởi người trần mắt thịt. 
Sự bối rối của việc dạy học đến từ 3 lý do quan trọng. Hai điều đầu tiên ai cũng biết, nhưng điều thứ 3, cũng là điều nền tảng nhất, thường bị phớt lờ. Đầu tiên, chủ đề chúng ta dạy vừa rộng vừa phức tạp như cuộc đời vậy. Do đó, kiến thức của chúng ta sẽ luôn luôn thiếu sót. Không quan trọng ta đã dành bao nhiêu tâm sức vào việc đọc, nghiên cứu, việc dạy học luôn yêu cầu những kiến thức vượt khỏi tầm hiểu biết của ta. Thứ hai, những học sinh mà chúng ta dạy còn rộng lớn và phức tạp hơn cuộc đời. Để thấy được các em thật rõ ràng toàn diện, và phản hồi lại các em một cách thông minh ngay tại thời điểm ấy, yêu cầu sự hợp nhất giữa Freud và Solomon - điều chỉ một số ít chúng ta có thể đạt được. 
Nếu học sinh và chủ đề dạy là nguyên do chính của tất cả những sự phức tạp trong nghề giáo, tiêu chuẩn trong cách ứng biến sẽ giúp ta bắt kịp lĩnh vực của mình tốt nhất có thể, và học được những kỷ thuật để dẫn trước tâm lý học trò. Nhưng có lý do khác cho những sự phức tạp đấy: đó là chúng ta dạy như cách chúng ta là. 
Dạy học, cũng như những hoạt động khác của con người, đến từ bên trong của mỗi cá nhân. Khi tôi dạy, tôi trình chiếu tâm hồn mình lên học trò, bài giảng và cách mà tất cả tương tác với nhau. Những vướng mắc mà tôi đã trải qua trong lớp học thường không hơn không kém so với những rối rắm trong nội tâm của bản thân. Nhìn từ góc độ này, dạy học như một tấm gương soi chiếu tâm hồn. Nếu tôi sẵn sàng nhìn vào tấm gương ấy, và không chạy khỏi những gì tôi nhìn thấy, tôi sẽ có cơ hội để biết mình - và biết về bản thân cũng quan trọng với việc dạy học như khi biết về học trò và môn dạy của mình vậy. 
Sự thật là, biết được về học sinh và môn học của mình phụ thuộc phần lớn vào sự biết mình. Khi tôi không biết về mình, tôi không thể biết học trò của tôi là ai. Tôi sẽ nhìn họ qua một tấm kính tối đen - và khi tôi không thể nhìn họ rõ ràng làm sao tôi có thể dạy học cho tốt được. Khi tôi không biết về bản thân, tôi không thể biết về môn dạy của mình - không ở tầng mức sâu nhất mà nó truyền tải, là sự giải nghĩa cá nhân. Tôi sẽ chỉ biết nó một cách trừu tượng, từ xa, một tổng hợp những khái niệm xa rời khỏi thế giới thật cũng như tôi tách rời khỏi sự thật về bản thân vậy. 
Chúng ta cần mở ra một ranh giới mới trong cách khám phá về thực hành dạy tốt là như thế nào? Đó là vùng đất nội tâm của người giáo viên. Để vẽ nên vùng đất ấy, có 3 con đường quan trọng - trí tuệ, cảm xúc, tâm linh - và không con đường nào có thể bị bỏ qua. Xem việc dạy học chỉ xoay quanh trí tuệ và nó trở thành một khái niệm trừu tượng vô hồn; xoay quanh cảm xúc và nó trở nên ái kỷ; đưa về yếu tố tâm linh và nó đánh mất mỏ neo với thế giới. Trí tuệ, cảm xúc và tâm linh phụ thuộc lẫn nhau để tạo nên một tổng thể toàn vẹn. Chúng đã được đan xen, một cách tốt nhất có thể, trong mỗi con người và giáo dục, và giờ đây ta cần lồng chúng vào những đối thoại trong nghề giáo.  
Về trí tuệ, ý tôi là cách chúng ta nghĩ về việc dạy và học - loại hình, nội dung của những ý tưởng về cách con người học hỏi, về tính bản năng của học trò và môn học. Về cảm xúc, tôi nói đến cảm nhận của chúng ta và học trò trong quá trình dạy và học - những xúc cảm có thể hoặc mở rộng hoặc phá hủy sự trao đổi giữa cả hai. Về tâm linh, tôi nói về đa dạng những cách thức để chúng ta đáp trả mong ngóng kết nối với sự rộng lớn của cuộc đời - một mong muốn tạo nên tình yêu và công việc, đặc biệt công việc được gọi là dạy học. 

Dạy học vượt lên những phương pháp

Sau 3 thập kỷ học cách dạy từ con số 0, mọi lớp họp của tôi đều quy về điều này: học trò và tôi, mặt đối mặt, tham gia vào một hình thức trao đổi cổ xưa với tên gọi giáo dục. Những kỹ thuật, phương pháp mà tôi đã thành thạo không hề biến mất, nhưng chúng cũng không bao giờ đủ. Mặt đối mặt với học trò, nguồn lực duy nhất nghe theo mệnh lệnh của tôi là: danh tính của tôi, cảm giác về cái “tôi” đang dạy học - nếu không có nó, tôi sẽ không thể cảm giác về cái “tôi” của những học trò mà tôi đang dạy.  
Đây là một bí mật, được cất giấu trong tiếng thở dài: Giảng dạy tốt không chỉ thuần về phương pháp; giảng dạy tốt đến từ danh tính và sự chính trực của người giáo viên. Trong mọi lớp học tôi từng dạy, khả năng kết nối với người học, và kết nối họ với bài giảng, ít phụ thuộc vào phương pháp tôi sử dụng, mà vào mức độ tôi biết và hiểu về chính mình - và sẵn sàng khiến sự hiểu đấy trở nên sẵn có và dễ bị tổn thương trong thực hành giảng dạy. 
Bằng chứng cho khẳng định này phần nào đến từ những năm tháng tôi hỏi học sinh về định nghĩa người giáo viên tốt của các em. Lắng nghe câu chuyện từ học trò, thật khó để nói mọi người giáo viên tốt đều sử dụng cùng một phương pháp: một vài người giảng liên tục, một vài người nói rất ít, một vài người bám sát học liệu và một vài người để trí tưởng tượng bay bổng.
Nhưng trong mọi câu chuyện tôi được nghe, những người giáo viên tốt luôn có chung một đặc điểm: một cảm giác mạnh mẽ về danh tính cá nhân trong công việc. “Thầy A thật sự hiện diện ở đây khi thầy ấy dạy học”, “Cô B rất hào hứng với môn học này” hay “Bạn có thể thấy đó là cuộc đời của giáo sư C.”
Một học sinh đã nói tôi rằng em không thể miêu tả về những người giáo viên tốt vì họ luôn rất khác nhau. Nhưng em ấy có thể kể về những người giáo viên tệ vì họ luôn như nhau: “Các từ ngữ tràn ra từ phía họ như những mẫu thoại trong các khung truyện hoạt hình.” Với hình ảnh đáng nhớ này, em ấy đã nói lên tất cả. Những giáo viên tệ tạo khoảng cách giữa họ với môn học họ đang giảng dạy - và, trong quá trình đó, với cả học sinh của mình.  
Những giáo viên tốt sẽ tham gia vào môn học và học trò với chất liệu từ cuộc sống, từ tâm thế của một cá thể thống nhất và toàn vẹn; họ biểu lộ cuộc đời của mình, và gợi lên trong học trò, một “khả năng của sự kết nối.” Họ có thể dệt nên một mạng lưới phức tạp giữa bản thân, môn học và học sinh, để các em có thể tự dệt lên thế giới của riêng mình. Có nhiều phương pháp để kết nối: từ bài giảng, đối thoại Scoratic, thí nghiệm, kết hợp giải quyết vấn đề đến sáng tạo không giới hạn. Dù vậy, sự kết nối của những giáo viên tốt không được tạo ra từ phương pháp hay kỹ thuật mà từ trái tim - với ý nghĩa nguyên thủy nhất - nơi mà trí tuệ, cảm xúc và tâm linh hội tụ trong một con người.

Dạy học và con người thật sự

Lời khẳng định rằng giảng dạy tốt đến từ danh tính và chính trực của người giáo viên có thể nghe như một chân lý về đạo đức của việc: giảng dạy tốt chỉ có thể đến từ những người tốt. Nhưng bằng cách gọi tên “danh tính” và “chính trực”, tôi không chỉ nói đến những đặc tính tốt đẹp, những việc tốt mà chúng ta đã làm, hay cách ta che giấu những sự bối rối và phức tạp. Danh tính và chính trực có ý nghĩa lớn với những mặt trái và giới hạn của ta, với những vết thương và nỗi sợ, cũng như với sức mạnh và những triển vọng ta có. 
Bằng danh tính, ý của tôi là một mối quan hệ phát triển của những động lực tạo nên cuộc đời tôi, đặc tính của bố mẹ tôi, văn hóa nơi tôi được sinh ra, những người tôi đã tiếp xúc, những việc tốt và xấu mà tôi đã làm, trải nghiệm yêu và đau khổ - và còn nhiều, nhiều hơn nữa. Ở giữa những sự hỗn độn ấy, danh tính là một giao điểm không ngừng di chuyển giữa nội lực và ngoại lực tạo nên tôi, hội tụ trong một bí ẩn không thể điều khiển được của việc làm người. 
Bằng chính trực, tôi nói đến bất cứ sự trọn vẹn nào mà tôi có thể tìm được trong mối quan hệ kể trên khi những đường thẳng của nó tạo nên và tái tạo những dấu ấn cuộc đời tôi. Chính trực đòi hỏi tôi nhận thức được điều quan trọng với bản thân, điều gì phù hợp và điều gì không - và những điều đấy liên quan đến những lực đẩy hội tụ trong tôi: tôi chào đón hay sợ hãi chúng, chấp nhận hay từ chối chúng, đi cùng chúng hay chống lại chúng? Bằng cách lựa chọn chính trực, tôi trở nên toàn vẹn hơn, nhưng sự toàn vẹn không đồng nghĩa với hoàn hảo. Nó chỉ có nghĩa là tôi trở nên chân thật hơn bằng cách chấp nhận mình-một-cách-trọn-vẹn.  
Danh tính và chính trực không phải đá hoa cương để đẽo nên những nhân vật anh hùng. Chúng là những khía cạnh mỏng manh của của sự phức tạp, sự đòi hỏi khắt khe và cả một quá trình trọn đời của việc khám phá bản thân. Danh tính nằm trong điểm giao của những động lực đa dạng đã tạo nên cuộc đời tôi, và chính trực nằm trong cách những động lực đó đưa tôi đến sự toàn vẹn và sự sống. 

Khi người giáo viên đánh mất trái tim

Những người giáo viên tốt dệt nên chất liệu giữa họ với học trò và môn học, trái tim là khung cửi mà ở đó những kết nối được thắt chặt. Dạy học là việc giằng xé trái tim, mở cửa trái tim, thậm chí làm tan vỡ nó - và bạn càng yêu việc dạy học, bạn càng dễ tan nát cõi lòng. 
Chúng ta trở thành giáo viên vì động lực từ trái tim, được tiếp lên bởi đam mê về một vài chủ đề và mong muốn giúp người khác học hỏi. Nhưng với số năm dạy học càng tăng lên, nhiều người trong ta càng dễ đánh mất trái tim mình. Làm sao để ta lấy lại điều ấy, để ta có thể làm điều mà những người giáo viên tốt luôn làm - dạy học bằng cả trái tim? Động lực để dạy học là động lực giữ cho trái tim của mình rộng mở trong những khoảnh khắc mà ta phải chịu đựng những xúc cảm vượt quá khả năng của trái tim, khi người giáo viên, học trò và môn học dệt thành những chất liệu mà việc học hỏi và chung sống cần có.   
Không có kỹ thuật gì để ta có thể lấy lại trái tim hay giữ trái tim ta rộng mở. Sự thật là trái tim không tìm kiếm cách để “sửa” mà mong muốn được thấu hiểu. Khi chúng ta đánh mất trái tim, chúng ta cần hiểu về tình cảnh của mình - điều sẽ giúp ta tự do khỏi những điều kiện ngoại cảnh và đưa ta tới những cách thức mới để “hiện diện” trong lớp học - đơn giản bằng cách nói lên sự thật về việc chúng ta là ai, là người như thế nào. Sự thật, chứ không phải kỹ thuật, là điều chữa lành và đem đến năng lượng cho trái tim. 
Chúng ta đánh mất trái tim, một phần, vì việc dạy học là một thực hành hàng ngày đối mặt với những khả năng bị tổn thương. Tôi không cần phải nói ra những bí mật của mình để thấy như thể đang khỏa thân trước cả lớp. Tôi chỉ cần phân tích cú pháp hay viết lời giải trên bảng trong khi học sinh của tôi ngủ gật hoặc chuyền tin nhắn riêng cho nhau. Không quan trọng môn học của tôi có chuyên môn hay mơ hồ đến đâu, những điều tôi dạy là những điều tôi quan tâm về - và những gì tôi quan tâm định hình nên cá nhân con người tôi. 
Khác với những nghề nghiệp khác, dạy học luôn được diễn ra trong giao điểm nguy hiểm giữa cuộc sống riêng tư và công khai. Một nhà trị liệu tốt phải làm việc với cá nhân: Một nhà trị liệu nếu tiết lộ dù chỉ tên khách hàng của mình cũng đã làm trái với đạo đức nghề nghiệp. Một người luật sư tốt phải làm việc ở không gian công cộng nhưng không được bị dao động bởi ý kiến cá nhân: Một luật sư cho phép cảm xúc của anh hay cô ấy về tội lỗi của khách hàng làm yếu đi lời bào chữa cho thân chủ sẽ đi ngược lại những nguyên tắc nghề nghiệp của mình. 
Nhưng một người giáo viên tốt phải đứng ở giao điểm giữa không gian cá nhân và công cộng, nơi việc “tạo nên một mạng lưới kết nối” giống như đang lách mình qua một giao lộ tấp nập xe cộ. Khi ta kết nối chính mình với môn học và học trò, chúng ta khiến mình, cũng như môn học của mình, trở nên dễ tổn thương với những sự thờ ơ, đánh giá và chế nhạo. 
Để giảm khả năng bị tổn thương, ta tách mình khỏi học trò, môn học và cả bản thân. Cơ chế bảo vệ này đến từ những thực hành được khuyến khích bởi một nền giáo dục đã đánh mất lòng tin vào sự thật cá nhân. Dù các học viện khẳng định rằng họ coi trọng mọi hình thái của tri thức, sự thật là họ chỉ xem trọng những tri thức “khách quan” đưa chúng ta đến thế giới “thật” bằng cách tách ta khỏi chính bản thân mình. 
Trong nền văn hóa này, sự thật khách quan được coi trọng còn những cảm giác chủ quan bị nghi ngờ và bôi nhọ. Trong nền văn hóa này, cái “tôi” không phải để khám phá mà là một mối nguy hiểm cần bị dập tắt, không phải là một tiềm năng để khai phá mà là một trở ngại cần phải vượt qua. Trong nền văn hóa này, việc tách rời khỏi bản thân được coi là một đức tính tốt, đáng được khen thưởng.
Các trường đại học thường phàn nàn rằng sinh viên không còn quan tâm đến việc có những góc nhìn mới hay hiểu cặn kẽ vấn đề, vốn là mục đích thật sự của giáo dục, mà chỉ quan tâm đến kết quả ngắn hạn trong thế giới “thực”: “Chuyên ngành này sẽ giúp em có việc làm chứ?”, “Bài tập này sẽ hữu ích như thế nào trong thực tế?”
Nhưng đó không phải là những câu hỏi sâu thẳm trong trái tim học trò. Đó chỉ đơn thuần là những câu hỏi mà các em được dạy để hỏi, không chỉ từ những bậc cha mẹ trả tiền để con mình có việc làm tốt, mà bởi cả một nền giáo dục đã mất niềm tin vào những giá trị nội tại. Các em học sinh, vì vậy, hoài nghi về những thay đổi trong nội tâm mà giáo dục đem lại: chúng ta dạy các em rằng cái tôi không tồn tại. 
Nền tảng của bất kỳ nền văn hóa nào nằm ở cách nó trả lời câu hỏi, "Sự thật và quyền lực được chi phối bởi điều gì?” Với một số nền văn hóa, câu trả lời là các vị thần; với một số người, đó là tự nhiên; hay với một số khác, đó là truyền thống. Trong nền văn hóa của chúng ta, câu trả lời rất rõ ràng: Sự thật và quyền lực nằm ở bên ngoài của các vật thể, sự kiện, trong các môn khoa học nghiên cứu về thế giới vật chất, trong khi đó thế giới nội tâm của “trái tim” được xem như một mộng ảo lãng mạn - một sự giải thoát khỏi thực tế khắc nghiệt và chắc chắn không phải là đòn bẩy của “thế giới thực”. 
Chúng ta bị ám ảnh bởi việc thao túng những giá trị bên ngoài bởi vì ta tin rằng chúng sẽ cho ta quyền lực để đối mặt và đạt được tự do khỏi những ràng buộc từ cuộc sống. Bị mê hoặc bởi những phương thức này, ta gạt bỏ thế giới bên trong của mình. Ta biến mọi câu hỏi mình gặp thành một vấn đề có thể được giải quyết bởi các kỹ thuật và phương pháp. 
Đó là lý do tại sao ta đào tạo bác sĩ để chữa lành cơ thể chứ không tôn vinh những cảm xúc tinh thần; tu sĩ để làm CEO chứ không phải người hướng dẫn tâm linh; giáo viên nắm vững những kỹ thuật, phương pháp chứ không kết nối với trái tim học trò. Đó là lý do vì sao học sinh của chúng ta trở nên hoài nghi về hiệu quả của nền giáo dục với cuộc sống nội tâm của các em: khi văn hóa hàn lâm gạt bỏ đi những sự thật từ bên trong mỗi cá nhân và chỉ quan tâm đến thế giới khách quan bên ngoài, học sinh cũng như giáo viên đều đánh mất trái tim. 

Lắng nghe từ nội tâm người giáo viên

Để dạy học với trái tim, ta cần khẳng định lại mối gắn kết với người giáo viên bên trong mình. Đó là người giáo viên ta biết từ nhỏ nhưng đã mất kết nối khi ta lớn lên, một người giáo viên luôn mời gọi ta tôn vinh con người thật của mình, không phải những kỳ vọng hay khuôn mẫu, mà là con người ta thật sự là khi không còn những tác động từ bên ngoài. 
Nói về người giáo viên bên trong, ý tôi không phải là “lương tâm”, “bản ngã” hay tòa án trái tim. Trên thực tế, lương tâm, theo nghĩa thông thường, có thể đưa ta đến những rắc rối lớn. Vì khi ta chỉ nghe theo những gì mình “phải” làm, ta có thể bị săn đuổi bởi những kỳ vọng từ bên ngoài - điều sẽ bóp méo danh tính và sự chính trực của ta. Có nhiều điều ta “phải” làm theo những khuôn phép đạo đức trừu tượng. Nhưng đó có phải là thiên hướng của tôi không? Tôi có đủ tài năng và lòng tin để đi theo con đường đó? Liệu việc “phải” làm này có phải là điểm giao giữa con người nội tâm trong tôi và thế giới bên ngoài, hay đó chỉ là những hình ảnh tưởng tượng của người khác về cuộc sống mà tôi nên có?     
Khi tôi chỉ làm theo những điều nên làm, tôi có thể thấy mình đang làm công việc đáng khen ngợi về mặt đạo đức nhưng lại không phải dành cho mình. Một thiên hướng không dành cho tôi, dù có mang giá trị tự thân như thế nào đi nữa thì cũng chỉ đem đến bạo lực cho bản thân - theo đúng nghĩa chính xác của từ ấy - phá đi danh tính và sự chính trực của tôi nhân danh một quy tắc trừu tượng nào đó. Khi tôi gây bạo lực cho chính mình, tôi cũng gây ra bạo lực cho những người xung quanh. Đã có bao nhiêu giáo viên đem nỗi đau của mình lên người học trò  - nỗi đau khi phải làm một công việc chưa bao giờ là, hoặc không còn là, công việc thật sự với họ?
Người giáo viên bên trong không phải là tiếng nói của lương tâm mà là tiếng nói của danh tính và sự chính trực. Tiếng nói ấy không bảo bạn “phải” làm gì, mà là điều gì có thật với bạn. Tiếng nói ấy sẽ bảo rằng “điều này hợp bạn và điều này không”, “đây là bạn và đây không phải là bạn”, “điều này sẽ mang lại cho bạn sự sống và điều điều này sẽ giết chết tâm hồn bạn - hoặc khiến bạn chỉ mong mình chết đi.” Người giáo viên bên trong đứng trước cánh cổng của lòng vị kỷ, ngăn những điều xúc phạm sự chính trực của mình và chào đón bất cứ điều gì khẳng định sự chính trực ấy. Tiếng nói của người giáo viên từ bên trong sẽ nhắc nhở ta về những tiềm năng và giới hạn của bản thân khi đối đầu với những ngoại lực của cuộc đời.