TOP 10 NỖI SỢ KHI VIẾT VÀ CÁCH XỬ LÝ CHÚNG TẬN GỐC.
Bài viết đã được đăng tải trên group phở bò On Writing Daily cách đây không lâu. Bài viết dài gần 1000 từ, nhiều thông tin, có ích và hy vọng thú vị với bạn đọc.
Những nỗi sợ phổ biến khiến ta chùn bút khi viết
1. Không có (hoặc ít) độc giả
2. Viết chưa rõ ràng, đúng ý và đủ ý.
3. Vốn từ và kiến thức còn giới hạn.
4. Thiếu tự tin vào quan điểm cá nhân.
5. Ý kiến trái chiều từ độc giả.
6. Không có mục tiêu để viết.
7. Cảm hứng để bắt đầu viết.
8. Chưa tìm được giọng nói của mình trong viết.
9. Thiếu sự phát triển trong hành trình viết.
10. Dừng lại trên hành trình viết...v.v.
Danh sách sẽ còn trải dài nếu ta cứ tiếp tục nghĩ. Và nghĩ. Nói cho cùng, nỗi sợ cũng từ suy nghĩ mà ra. Vậy làm sao để giảm bớt lo sợ mỗi khi viết?
Như Thầy Thích Nhất Hạnh từng viết trong cuốn Sợ Hãi – FEAR, rằng: "Cách duy nhất để bớt đi lo sợ và thật sự hạnh phúc là nhận diện lo sợ và quán chiếu gốc rễ của lo sợ."
Và có lẽ, gốc rễ lo sợ khi viết, của tôi và bạn, là sự thiếu niềm tin ở bản thân. Rồi như hệ quả tất nhiên, ta dễ dàng giao phó đích đến của viết cho cộng đồng xung quanh.
Vậy làm sao để xây dựng được niềm tin vào bản thân?
Nhà văn Daisaku Ikeda từng dành hẳn 1 chương trong quyển “Đức Phật trong ba lô” của mình để liệt kê các thành tố và giai đoạn tạo lập sự tự tin như sau:
1. Sự tin tin bắt đầu từ việc biết nuôi dưỡng hy vọng.
Cuộc đời thật dài nên tình trạng chán nản, thiếu lạc quan sẽ không tồn tại mãi mãi. Bởi vậy, ta đừng nên khắc nghiệt với bản thân những lúc đồ thị xuống dốc. Điều ta cần làm là không ngừng dấn bước, bất chấp mọi gian truân. Vì đó là cách duy nhất để ta trưởng thành.
2. Ai cũng có tiềm năng riêng.
Ta thường có xu hướng so sánh với người khác, đặc biệt là người ta coi là đồng trang, đồng bậc, một cách vô thức hoặc có chủ ý. tập trung đào sâu vào bản thân và tìm ra giá trị cốt lõi, bản thể tinh tế nhất của mình. Chính điều này mới giúp bạn thực sự tỏa sáng.
3. Mạnh dạn đối diện với “vấn đề”.
Có ai đó từng bảo: “Vấn đề là sản phẩm của việc làm chưa đủ mà ra.” Lúc này, ta có thể tự do lựa chọn tiếp tục hay không tiếp tục với “vấn đề”.
Chạy trốn, bạn sẽ thấy tự do. Nhưng chắc chắn, sự tự do chẳng tồn tại lâu bởi đi đâu cũng sẽ có vấn đề tương tự thế. Hãy trở thành vị cứu tinh của chính mình với lòng dũng cảm và ý chí dám đương đầu với thử thách do làm chưa đủ mà ra.
Tự do mang tính tương đối. Bạn có thể chạy trốn, coi mình là một linh hồn tự do, nhưng bạn không thể thoát khỏi chính mình – khỏi chính những điểm yếu, bản tính và định mệnh của mình.
4. Bộc lộ chính mình.
Dù bạn có thích chính mình hay không thì bạn đa sắc màu hơn bạn nghĩ. Bởi bạn biết bản thân cũng có những ưu việt riêng. Quan trọng nhất là ta không ngừng tìm tòi, học hỏi và sáng tạo với những tài nguyên sẵn có trong mình.
5. Khai thác cái tự có và bồi đắp cái cần có.
Cái tự có là cái trời sinh, cha mẹ sinh, và là cái quá khứ không thể thay đổi. Trong đạo Phật, ta biết đó là Nghiệp Quả. Những lá số, tử vi, chiêm tình cũng dựa vào những nghiệp ấy mà tiên đoán ra quả, ra hoa. Vậy điều gì sẽ giúp ta thay đổi cái kết của bức tranh định mệnh này đây?
Bồi đắp cái cần có ngay bây giờ, cho hiện tại và mai sau. Bởi rồi tương lai sẽ là quá khứ. Và điều ta có thể làm là hành động vì một bức tranh đúng ý và có lẽ, đẹp hơn.
6. Cởi mở để cải thiện bản thân.
Xây dựng sự tự tin không chỉ là quá trình phát huy những điểm tốt mà còn là hành trình tiếp thu và sửa đổi những điểm hạn chế ở bản thân. Thay vì khó chịu hay buồn bã, ta nên cởi mở tiếp thu những phê bình có tính xây dựng từ người thân và bạn bè xung quanh.
Vậy còn những chỉ trích từ người lạ thì sao? Chẳng sao hết. Chỉ cần ta bày tỏ bản thân đủ chân thật, tử tế và tới đích thì ngại gì cởi mở để đón nhận những ý kiến đóng góp từ cộng đồng xung quanh.
7. Vì sao ta hay coi bình luận là chỉ trích? Bởi ta cần ánh nhìn thân thiện hơn với độc giả của mình.
Không thể phủ nhận nỗi sợ lớn trường kỳ của người viết, là tôi, nằm ở ánh nhìn của độc giả về những điều mình viết.
Hay nói cách khác, người viết lúc này chưa thực sự tin tưởng vào điều bản thân muốn truyền đạt. Và tất nhiên, người viết cũng không đủ cởi mở để tiếp thu quan điểm và kiến thức đến từ cộng đồng thích đọc, phản biện và nhiều câu chữ.
Nhưng nghĩ cho cùng, có độc giả ta mới thành tác giả, có người đọc thì mới có cơ hội để lan tỏa điều mình biết và cần biết đến với cộng đồng xung quanh.
Đã đến lúc ta cần thay đổi: Thay đổi góc nhìn về độc giả, thay đổi thói quen lo lắng thái quá và thay đổi chính niềm tin vào giá trị bản thân.
Để viết, tận hưởng và đến đích.
Vee (Vương Hà).
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất