(How I Braved Anu Aunty and Co-Founded a Million Dollar Company)
        Cuốn sách có cái tên tiếng Việt như một cuốn self-help, tên tiếng Anh như một cuốn truyện phiêu lưu thám hiểm, còn cách kể như một cuốn truyện cười, thực ra lại là một hành trình vô cùng nghiêm túc của Varun Agarwal trên con đường xây dựng Alma Mater - một trong những công ty đi đầu về kinh doanh online ở Ấn Độ.
Nguồn ảnh: Internet
          Chương đầu cuốn sách có cái tên khá hài hước: “Nó chỉ được 95 điểm thôi chị ơi”. Hẳn nhiều người cũng phải bật cười vì thấy thân thuộc quá, không gì khác ngoài câu mở đầu cho một trăm câu khoe khoang “kín đáo” giữa các cô các bà về đứa được gọi là “con nhà người ta”. Trong khi đó Varun lại hoàn toàn là “con nhà mình”: học hành làng nhàng, lúc nào cũng uể oải, chẳng có nổi một tấm bằng MBA, lại còn đang thất nghiệp. Điều duy nhất khiến anh trở nên khác biệt chính là ý tưởng về một công ty kinh doanh trong một môi trường hoàn toàn mới - thương mại điện tử, và một tinh thần dám nghĩ, dám làm. May sao đấy là những yếu tố cần thiết nhất để tạo nên Alma Mater.
          Vậy “Anu Aunty” là ai mà lại đường hoàng xuất hiện ngay tiêu đề sách thế kia? Xin trả lời rằng dì Anu chính là đại diện đầy đủ nhất cho mọi suy nghĩ cổ hủ của xã hội Ấn Độ. Rằng khởi nghiệp chỉ mang lại sự thất bại, rằng giám đốc một công ty thương mại điện tử cũng không khác gì một kẻ bán quần áo ngoài chợ, rằng nếu không có một tấm bằng MBA và một vị trí ổn định trong một công ty lớn thì dù tốt đến đâu cũng chỉ là thứ bỏ đi. Nguy hiểm hơn, dì Anu còn lan toả “nguồn năng lượng tích cực” ấy đến tất cả các bà cô trong khu xóm, trong họ hàng để tạo nên một thế lực siêu phàm có khả năng đập tan mọi suy nghĩ manh nha đầu tiên về thứ được gọi là “khởi nghiệp”.
          Cuộc hành trình xây dựng Alma Mater của Varun và người bạn Rohl không đơn thuần chỉ gặp phải những thử thách về nguồn vốn, về thị trường tiêu thụ, về cách xây dựng hình ảnh, về việc định giá công ty… mà thêm vào đó còn là thử thách vượt qua tất cả những suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu của những con người hèn nhát không dám tự đứng lên tạo dựng thế giới cho riêng mình và làm những điều mình mong muốn. Có những lúc tưởng như Alma Mater đến đây là kết thúc, Varun và Rohl sẽ phải làm việc ở xưởng in áo thun của anh họ để trả hết khoản nợ khổng lồ, nhưng thật may sao, mọi thứ đã diễn biến theo chiều hướng tốt vào những thời khắc cuối cùng, dù may mắn, nhưng may mắn chỉ đến với những ai chăm chỉ, cố gắng và không ngại thất bại.
          “Tôi muốn cuộc đời như tôi muốn” là cuốn sách hài hước, chân thật và đầy ý nghĩa về hành trình khởi nghiệp của Varun - một người bị dì Anu và gần như toàn bộ xã hội Ấn Độ xem là kẻ bất tài. Vậy nhưng, với một bộ óc có khả năng tưởng tượng và ý chí quyết tâm hiện thực hoá những tưởng tượng ấy, Varun đã chứng minh điều ngược lại, rằng Alma Mater - đứa con tinh thần đầu tiên của anh là một công ty xứng đáng hàng triệu đô, và rằng cậu thanh niên bị coi thường vì không có nổi một chiếc bằng MBA lại được mời đứng trên bục giảng để kể về quá trình khởi nghiệp cho những người đang cố đạt MBA ngồi dưới? Bạn sẽ chọn điều gì? Sống một cuộc đời ổn định yên bình ngày qua ngày với những công việc, nơi chốn được định trước, hay bứt phá để thành công trong lĩnh vực mình yêu thích? Dù chọn điều gì, hãy nhớ đừng để bất kỳ dì Anu nào kiềm chân bạn lại, “một cuộc đời như bạn muốn” mới chính là điều đem lại hạnh phúc lớn nhất.