Chủ nghĩa Sô-vanh hay còn được gọi là "Chủ nghĩa Dân Tộc Cực Đoan", một loại tình cảm nghĩa yêu nước đầy độc hại, được coi như mầm mống của những đau thương xuyên suốt lịch sử con người: thù ghét, căm phẫn, thậm chí là thương vong và cái chết là những hệ quả nghiêm trọng theo cấp lũy thừa mà tư tưởng ấy đem lại.
Để cắt nghĩa và nói theo cách đơn giản, "Chủ nghĩa Sô-vanh" hay "Chủ nghĩa dân tộc cực đoan" là thuật ngữ chỉ một nhóm người cho rằng dân tộc mình là thượng đẳng, là số một, là duy nhất; những dân tộc khác chỉ là một đám không thuần chủng và hạ đẳng. Bất kỳ động thái nào của người trong, hoặc ngoài nước mà họ "cảm quan" thấy rằng đang thể hiện sự báng bổ và hạ bệ dân tộc, họ sẵn sàng trở nên thù hận, căm phẫn một cách cực đoan, thiếu kiểm soát và đầy mù quáng.
<i>CHỦ NGHĨA SÔ-VANH</i>
CHỦ NGHĨA SÔ-VANH
I. RANH GIỚI VỚI LÒNG YÊU NƯỚC.
1. Lòng yêu nước chân chính.
Một người yêu nước chân chính, đi kèm với sự cống hiến và tôn trọng lịch sử của dân tộc là tôn trọng và chủ động học tập những điều tốt đẹp đến từ những dân tộc khác, họ chọn cách thiện chí góp ý và bày tỏ tình cảm một cách từ tốn. Tình yêu nước giúp con người phát triển những nhân phẩm cao quý và mang tính cốt lõi như: sự chân thành, sự đoàn kết, đồng cảm và lòng biết ơn,...Nếu để ví von tình yêu của một người với quốc gia như tình yêu đôi lứa, trái tim phải đi cùng với lí trí, miễn nhiễm với bất kì sự xâm phạm của cái mù quáng trong góc nhìn và đánh giá chi tiết, không đánh đồng giữa chính quyền của một quốc gia với người dân của họ, hoặc chính quyền của một quốc giá với bất kì khía cạnh văn hóa, xã hội.
<i>CHỦ NGHĨA DÂN TỘC CỰC ĐOAN VÀ TÌNH YÊU NƯỚC CHÂN CHÍNH</i>
CHỦ NGHĨA DÂN TỘC CỰC ĐOAN VÀ TÌNH YÊU NƯỚC CHÂN CHÍNH
2. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan Ngược lại, chủ nghĩa Sô-vanh được coi như một thái cực đầy độc hại mang tính thái quá của lòng yêu nước, từ trong tư tưởng tới trong cách biểu hiện. Khi theo chủ nghĩa này, họ sẵn sàng tìm cách hạ bệ, căm ghét những con người, quốc gia, dân tộc khác mà họ cho rằng đang cố ý khiến đất nước của họ trở nên thấp kém hay khiến đất nước bị coi thường (thậm chí còn có hiện tượng bất mãn và hành xử rất thiếu tôn trọng và vô lí với chính đồng bào của mình - tôi sẽ lấy ví dụ ở dưới phần dẫn chứng). Hoặc bằng lời nói hoặc bằng hành động, những con người ấy hành động bất chấp nhằm bảo vệ cho quan điểm của mình. Con rối của "Chủ nghĩa dân tộc cực đoan" mất đi sự lí tính và hiện lên với dáng vẻ thiếu kiểm soát, tạo nên sự phản cảm và xúc phạm trong ánh nhìn của những đồng bào yêu nước chân chính và bạn bè quốc tế: Ủng hộ chiến tranh, hả hê trước thảm họa, miệt thị ngoại hình, tham gia bắt nạt trên không gian mạng, sử dụng vũ lực, những cử chỉ, hành động phạm pháp vì họ cảm thấy :"Như thế mới là yêu nước". Nếu bị người khác chỉ trích sự lệch lạch ấy, bạn có đoán được không? Câu nói "Mày phản động à" sẵn sàng thường trực trên đầu môi của họ.
II. SỰ TỒN TẠI ÂM THẦM VÀ ĐẦY NGUY HIỂM CỦA CHỦ NGHĨA DÂN TỘC CỰC ĐOAN TẠI VIỆT NAM
Dân tộc Việt Nam đã có những ngày chống phương Bắc ngày hồng hoang, những trận đánh lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu với thực dân Pháp, đế quốc Mĩ, ta luôn nổi tiếng trong mắt bạn bè quốc tế là một dân tộc có sự nồng nhiệt bất tận và vô cùng cháy bỏng với tình yêu quê hương. Thế nhưng trong một cộng đồng đáng ngưỡng mộ ấy, khó tránh phát sinh những thành phần quá khích.
Chúng ta cùng tìm hiểu qua những dẫn chứng của một số góc xã hội tiêu biểu, nơi "Chủ nghĩa Sô-vanh" hiện lên một cách dễ thấy và độc hại nhất.
Cảm quan tôi cảm thấy tình yêu nước cực đoan tại Việt Nam được phát triển trong một nhóm phần tử không nhỏ theo một cách vô thức, đa số đến từ nhận thức sai lệch hay thiếu hiểu biết, tính cách đôi khi hiếu thắng, thái độ thiếu kiểm soát mà có những biểu hiện của "Chủ nghĩa Dân tộc cực đoan". Ngoài ra có thể đến kể đến lí do như bị kích động bởi những thành phần phản động trong và ngoài nước, nhận được những thông tin sai lệch, gây chấn động hay giật gân.
<i>Văn hóa bóng đá: ranh giới khó phân giữa cuồng nhiệt và điên rồ.</i>
Văn hóa bóng đá: ranh giới khó phân giữa cuồng nhiệt và điên rồ.
1. Văn hóa bóng đá: ranh giới khó phân giữa cuồng nhiệt và điên rồ.
Làm thế nào để dễ dàng tìm được "Chủ nghĩa Sô-vanh" tại Việt Nam? Bạn hãy cùng tôi đến với thế giới thể thao, cụ thể là bóng đá. Kể từ khi U23 Việt Nam đánh dấu mốc son vàng dưới băng tuyết Thường Châu, bóng đá Việt Nam liên tục gặt hái được nhiều thành tựu. Việc người hâm mộ tăng lên là một điều rất tích cực và tạo động lực to lớn cho các cầu thủ, tuy nhiên, một thành phần không nhỏ đang có xu hướng trở nên hung hăng và đầy kích động. Việc trọng tài chính  Abdulrahman Ibrahim Al-Jassim của 1 trận đấu giữa tuyển quốc gia Việt Nam-Australia chủ động khóa Facebook trước giờ thi đấu được những đối tượng vô thức mang tư tưởng "Chủ nghĩa Sô-vanh" rêu rao và coi đó như một chiến tích. Họ cho rằng chỉ cần cư xử thô lỗ, tấn công dữ dội có thể tạo sức ép lên trọng tài, không xử sai đã đành, thậm chí là đến việc bắt đúng lỗi cũng không làm hài lòng được những kẻ này, chỉ cần đó là hành động cản trở Việt Nam đến với chiến thắng thì chủ nghĩa dân tộc cực đoan và đầy phản cảm sẽ trỗi dậy. Thô nhưng thật, bản thân tôi cảm thấy xấu hổ thay trước những người hâm mộ như vậy, họ có thể ra oai với nhau, nhưng trên các diễn đàn quốc tế, họ bị chế thành meme chẳng khác gì trò hề.
Nếu bạn cảm thấy việc xúc phạm và hăm dọa các trọng tài đã là thái quá, thì việc chính những người đồng bào hạ bệ lẫn nhau còn đau lòng gấp nhiều lần. Tôi từng thấy chàng cầu thủ mang áo số 19 - Quang Hải, từng được rất nhiều người ngợi ca như người hùng, người tạo nên chiến tích lớn lao trong vóc dáng nhỏ bé; nhưng khi anh quay lại với phong độ chưa hồi phục từ việc ngồi ghế dự bị liên tục tại Pháp, thay vì động viên tinh thần cho anh, có rất nhiều người đã chọn cách công kích và đuổi anh ra khỏi sân, trên khán đài, dưới bình luận. Tương tự với việc đội tuyển còn chưa đủ năng lực để chiến thắng những anh lớn, những kẻ mang "chủ nghĩa Sô-vanh" không chọn động viên, nhìn vào tiềm năng phía trước mà đưa các cầu thú ra cấu xé, xúc phạm từ ngoại hình cho đến phẩm giá.
2. Chính trị
Đánh đồng giữa chính quyền và người dân
Đánh đồng giữa chính quyền và người dân
CHỈ CẦN ĐÓ LÀ "TRUNG QUỐC"...
1. Mất tư duy lí tính và hành động thiếu kiểm soát.
Chính quyền Trung Quốc nhiều lần công khai âm mưu xâm lấn lãnh thổ và thiếu tôn trọng với chủ quyền của dân tộc Việt Nam, là một người công dân, sự phẫn nộ và bất mãn là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng việc đánh đồng và trút cả sự căm phẫn không cần thiết lên văn hóa, những người dân ôn hòa và vô can là một vấn đề liên quan đến kiểm soát hành động và tư duy lí tính của những người theo "chủ nghĩa Sô-vanh".
Một thước phim tôi lướt thấy trên Facebook, nói ngắn gọn là trích đoạn về câu chuyện Phát Xít Nhật đã từng hành hạ, cưỡng bức trẻ em và phụ nữ Trung Quốc theo cách vô nhân tính và đầy tàn bạo trong những năm tháng chiến tranh, tuy nhiên, tôi lại thấy rất nhiều người trẻ, thậm chí là cả những người lớn tuổi bày tỏ thái độ hả hê và hài lòng trước tội ác tày trời ấy dưới phần bình luận: đơn giản chỉ vì, những người bị hành hạ là người Trung Quốc, vì họ là người dân của đất nước có những chính trị gia mang ý đồ xâm lấn tới Việt Nam. Tuy nhiên đó là hai câu chuyện hoàn toàn chẳng có một chút liên quan, những người mang "Chủ nghĩa Sô-vanh" điên loạn đánh đồng và mất đi khả năng nhìn nhận vấn đề. Ta ủng hộ những con thú chẳng khác nào tự coi mình là thú! Và từ bao giờ, lòng yêu nước đầy tôn nghiêm và cao quý lại trở thành lá chắn bao biện cho sự thiếu hiểu biết và nhận thức kém?
2. Không có lập trường vững vàng về tình yêu nước chân chính dẫn đến việc dễ dàng bị mất quyết soát và dẫn dụ.
Ai ai cũng nhớ câu chuyện Trung Quốc đặt dàn khoan 981 vào biển Đông Việt Nam, dẫn đến cuộc biểu tình kéo dài từ ngày 10/5-14/7/2014 của nhiều khu vực trong và người nước. Ban đầu, trước ngày 14-15/5, cuộc biểu tình trong nhân dân Việt Nam được hậu thuẫn bởi Chính Quyền Đảng Cộng Sản Việt Nam, mang tính chất như một cuộc biểu tình "ôn hòa". Tuy nhiên, kể từ ngày 14-15/5 trở đi, mọi thứ dần trở nên mất kiểm soát, đó cũng là lúc chủ nghĩa Sô-vanh âm thầm phát triển theo cách vô thức trong nhiều người Việt Nam - những người vốn rất yêu nước nhưng không có giới hạn và lập trường vững vàng trong hành động và tư duy.
Để tôi thẳng thắn mà nói, dân trí chưa cao và nhận thức chưa đầy đủ về lòng yêu nước chính là lỗ hổng lớn nhất và đã được lợi dụng triệt để bởi các thế lực thù địch hoặc mang tư tưởng phản động, âm mưu gây rối nội bộ quốc gia theo cách hiệu quả nhất từ sự kiện này. Tuy nhiên, dù là cố tình hay vô ý, những biểu hiện của người dân khi bị tác động chính là những hành động "chủ nghĩa Sô-vanh" nhất.
Từ trong tâm lí, cứ cái gì liên quan đến Trung Quốc thì là xấu xa, là đáng ghét. Trong giai đoạn xảy ra biểu tình, những khách du lịch Trung Quốc tại Nha Trang bị đuổi và không được nhận vào khách sạn để nghỉ ngơi, những công nhân Trung Quốc bị đánh đuổi, bất chấp việc họ là những người vô can và không liên quan, họ cũng chẳng xúi giục chính quyền Trung Quốc. Không những vậy, những người phụ nữ Việt Nam lấy chồng là người Trung Quốc cũng không thể thoát khỏi phản ứng thái quá này, họ bị coi thường và bị gọi với danh xưng "lũ đẻ con cho quân xâm lược" .
Từ tâm lí rồi dẫn đến hành động, có đến hàng trăm người tham gia đốt, đập phá các nhà máy Trung Quốc, đến mức họ còn chẳng kiểm soát được việc đâu mới là nhà máy Trung Quốc, đâu mới là nhà máy Hàn Quốc, Nhật, Singapore, có bao nhiêu là họ phá hết trên đường đi.
Bản thân những người này đã đánh mất lí trí và hợp thức hóa những việc làm phi pháp, hành hung và phỉ báng với cái cao quý như tình yêu quê hương, đất nước.
Tình hình chuyển biến xấu đến mức chính quyền các cấp nhận thấy tình hình đã biến tướng quá xa với cái gọi là "yêu nước", gọi là "ôn hòa", tất cả đọng lại chỉ có hỗn loạn và đầy xấu xí. Từ việc hậu thuẫn cho việc biểu tình, chính quyền chuyển sang dẹp yên các cuộc biểu tình.
<i>Những người bị bắt do đốt, phá nhà máy nước ngoài trong khi biểu tình</i>
Những người bị bắt do đốt, phá nhà máy nước ngoài trong khi biểu tình
YÊU NƯỚC HAY GIÁN TIẾP HỦY HOẠI?
Vốn dĩ người ta dễ dàng nhìn cái xấu xí đầu tiên, một phát ngôn, một nhóm người mang tư tưởng "Sô-vanh" và dân trí kém lại càng dễ dàng trở thành đại diện cho văn hóa của dân tộc mình. Mạng xã hội là một khu vực dễ lan truyền và trong khi lan truyền, thông tin xấu xí ấy sẽ không được làm giảm đi và còn được phóng đại mạnh mẽ. Chỉ vì thỏa mãn một tình yêu chưa đúng đắn, tinh thần quá hiếu thắng; thái độ cực đoan và đầy thái quá mà làm xấu đi hình ảnh một Việt Nam hiếu khách và thân thiện, liệu có đáng?
Hoặc cứ cho mình là nhất, là số một thì đến bao giờ mới học hỏi được cái hay từ ai. Hoặc tẩy chay chính đồng bào của mình thì làm đồng bào với ai.
Đất nước còn nghèo, trong thời kì toàn cầu hóa thì nguồn thu đến từ việc xuất khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp nước ngoại, du lịch và dịch vụ là một phần gắn chặt không thể thiếu. Mang thứ tư tưởng "ghét thì ghét cả tông ti họ hàng" là một điều không thể chấp nhận được, bất kì cái gì liên quan đến kẻ thù ngày xưa, kẻ thù ngày nay cũng căm ghét, tìm cách chối từ, ghét bỏ thì biết phải giao thương với ai?
Hậu đợt phá hủy và đập phá các nhà máy Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore; đánh đập công nhân, xua đuổi khách du lịch Trung Quốc đã làm chùn bước chân của các nhà đầu tư nước ngoài, các du khách tới Việt Nam và rất nhiều lời chỉ trích đến từ bạn bè quốc tế.
Việt Nam là một quốc gia có nhu, có cương trong việc ngoại giao; điều người dân cần làm chính là giúp đỡ cho tầm nhìn lâu bền của các vị lãnh đạo, một số người không thể lúc nào cũng nóng nảy và mất kiểm soát, đi gây sự và gián tiếp đổ trôi công sức của những người yêu quê hương chân chính và làm suy giảm uy tín của nhà nước.
"Chúng ta cần rút ra bài học nhãn tiền từ những nước trong khu vực, ví dụ các cuộc tấn công người Hoa vào tháng 5 năm 1998 ở một nước Đông Nam Á đã làm gần 1000 người thiệt mạng, nền kinh tế nước này thiệt hại tới 3100 tỉ Rupees, và hình ảnh của quốc gia lụi bại trong con mắt của cộng đồng quốc tế." - trích lời của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu Phát triển (CECODES)
Cũng có được thời điểm, "chủ nghĩa Sô-vanh" tồn tại lâu bền trên dòng thời gian như là một thứ lý lẽ thường tình, đó là vào đầu thế kỉ XX, tại lòng chiến tranh thế giới thứ I, chiến tranh thế giới thứ II. Nhưng chiến tranh đã quá đủ đau thương và hàng trăm triệu người vô tội đã ngã xuống, chúng ta không thể hình dung vào khoảnh khắc mà "Chủ nghĩa Dân Tộc cực đoan" không còn là một điều được hình thành từ sự dân trí kém mà được duy trì như chân lí và dưới trướng những kẻ quyền lực ra sao.
III. ÔN HÒA, VỮNG VÀNG VÀ LÝ TÍNH
Lenin từng viết: "Cái cảm tính là cái lý tính cảm thấy trước, cái lý tính là cái cảm tính đã được hiểu biết".
"Chủ nghĩa Dân tộc cực đoan" là một lối tư duy lỗi, đi ngược với sự phát triển của nhân loại và cần được nghiêm túc xem xét tại Việt Nam - khi cụm từ này dường như vẫn còn quá xa lạ và những người biểu hiện tư duy ấy gần như không biết hay không kiểm soát được mình đang làm gì.
Nhìn chung, việc xuất hiện những hiện tượng hay biểu hiện của chủ nghĩa Sô-vanh tại Việt Nam đa số đến từ việc thiếu hiếu biết và thiếu vững vàng trong lối tư duy và hành động, đây vẫn là một điều đáng mừng vì ta vẫn hoàn toàn có thể sửa đổi bằng cách tuyên truyền và xây dựng một hệ thống giáo dục đầy đủ, cũng như chủ động nói về: thế nào mới là tình yêu nước đúng đắn và nên đặt giới hạn biểu hiện của tình yêu nước như thế nào. Một trong những cái lỗi lớn nhất của giáo dục Việt Nam, dựa trên thế chế chính trị như ta đã biết, chính là các bài văn nghị luận liên quan đến lòng yêu nước, ở THCS, THPT được hiểu thông qua tính chất khuôn mẫu, học thuộc; tập trung quá nhiều vào việc chứng minh tác dụng của tình yêu nước, hậu quả của việc không yêu đất nước chứ không nói đến mặt trái của tình yêu nước cực đoan, hầu như mang tính chất tuyên truyền.
Việc sử dụng không gian mạng cũng cần được quản lí một cách nghiêm ngặt, các hình phạt đến ngày nay vẫn đang quá bao dung với hiện tượng liên quan đến "văn hóa tẩy chay", sự quá khích và vô văn hóa, thậm chí là không được quan tâm và chỉ xử phạt mang tính chất xoa dịu.
Đôi điều trên chính là hai điều cơ bản nhất để giảm đi sự phát triển đầy nguy hiểm theo cách lặng lẽ của "Chủ Nghĩa Dân tộc cực đoan" của rất nhiều người, quan trọng nhất chính là với các bạn trẻ, những đối tượng dễ tiếp nhận và bị ảnh hưởng với các quan điểm và tư duy sai lệch.
Ôn hòa, lý trí, không quy chụp; bất cứ một vấn đề gì, chỉ nên xét riêng vấn đề ấy, không làm tổn hại tổn thương danh dự tới những người vô can, cũng không quá khích mà làm mục rữa chính tinh thần của bản thân.