TIN VỊT 🦆🦆🦆
Lưu ý: Bài viết không đả kích bất cứ cá nhân, tổ chức, tập thể nào,... ngoài các ông bà đi phao tin vịt! Hẳn là đối với các bạn yêu...
Lưu ý: Bài viết không đả kích bất cứ cá nhân, tổ chức, tập thể nào,... ngoài các ông bà đi phao tin vịt!
Hẳn là đối với các bạn yêu khoa học và thích tìm tòi, nghiên cứu, các bạn đã từng gặp rất nhiều trường hợp tin vịt tràn lan, phản khoa học, toàn dùng để câu like, câu view,... dù là vì mục đích gì thì "tin vịt" hẳn là không mấy tốt đẹp, nó làm hoang mang dư luận, thậm chí có thể hại người. Trong bài viết này, mình sẽ nói về những tin vịt xoay quanh rắn nói chung vì mình tìm hiểu về nhóm này cũng khá lâu rồi, nếu có ai thắc mắc thì cứ hỏi bên dưới, và nếu có sai sót thì mong mọi người góp ý lịch sự và có dẫn chứng đàng hoàng.
Cứ mỗi năm độ hè về, hoa phượng nở, tiếng ve rả rích râm ran báo hiệu một loài động vật mới xuất hiện, loài động vật này trông giống con lươn nhưng có độc, bị cắn cũng chết mà ăn cũng chết, nó có tên: Rắn tràu, hay mỹ miều hơn là "Hoàng xà". Okay okay, tôi không biết liệu các ông có tin không nhưng mà nhìn đi, nó thậm chí còn không phải con rắn! Rắn, một nhóm động vật thuộc phân bộ Rắn (Serpentes), bộ Có vảy (Squamata), lớp Bò sát (Reptilia), chúng có các đặc điểm là không có chân và vây, thân bao phủ bằng vảy (trừ các dạng đột biến không vảy - scaleless - mà các bạn không gặp trong tự nhiên và không có loài rắn nào là không có vảy), thân rắn không có nhớt mà khô hoàn toàn (trừ khi nó mới đi tắm xong), chúng có răng, có xương, có mí trong suốt nhập lại làm một, tạo ra một lớp vảy trong suốt bao phủ để bảo vệ mắt, nó thở bằng phổi và có mũi... và giờ hãy nhìn lại con "rắn tràu" kia: nó không có vảy, nó có nhớt khắp người, nó thở bằng mang và có vây,... nghe giống con cá nhỉ? Mà thường mấy con cá dài dài, người ta hay gọi là chính, lươn hay cá chạch ấy! Thật ra, những bức ảnh về con "rắn tràu" này thường người ta sẽ lấy ảnh của một số giống cá chình có đầu phân biệt với thân, những con chình hay lươn bị đột biến, dị dạng hoặc mua mấy con lươn về đập bẹp đầu để dàn dựng, ác v~! Ngoài con rắn tràu này thì dân tình Việt Nam còn chế ra một số loài "Sinh vật huyền bí và nơi tìm ra chúng" nữa, ví dụ như con trăn khổng lồ có mào trên đầu và thân to như cây cổ thụ, con rắn độc mới phát hiện ở Sapa (mà thật ra lại lấy ảnh của một loài rắn mũi hếch phương Đông Heterodon platirhinos tận châu Mỹ xa xôi, con rắn lục cân cắn phát chết tươi trong khi thật ra nó lại là giống rắn khiếm Oligodon hay cái sinh vật nổi tiếng nhất mà người ta hay gọi ngắn gọn là con-nưa-9-mũi-9-đầu-mắt-đỏ-thở-ra-khí-độc-ăn-thịt-vào-là-chết-tươi-mà-ông-chú-tao-kể-lại trong khi nó là loài trăn gấm Malayopython reticulatus nổi tiếng của châu Á (hình tượng loài trăn này được lấy để xây dựng nhân vật rắn Nagini trong Fantastic Beasts And Where To Find Them 2) và những người ăn thịt nó nhập viện bởi vì họ uống tiết canh sống và chế biến thịt trăn không kỹ càng (một con trăn hoang dã mang từ rừng về),... qua những ví dụ trên, ta có thể thấy rằng trí tưởng tượng của người Việt chúng ta khó ai có thể sánh bằng.
Vậy những tin vịt kia được sinh ra làm gì? [Lưu ý, nội dung sau đây có thể động chạm một số người, mình không hề nói bán hàng online là xấu vì đôi lúc mình cũng phải bán hàng online đây, cái chính ở đây là mình muốn đả kích những chiêu trò câu view rẻ tiền của những bạn bán hàng online vô trách nhiệm, thiếu ý thức] Hãy tưởng tượng một ngày nọ, bạn đang ngồi lướt newsfeed thì thấy một chiếc post xinh xinh của một chị gái bán hàng online "Các chị em hãy tránh xa con abcxyz này ra nhé, kẻo mang họa vào thân!", sau khi đọc dòng miêu tả nghe kinh kinh của các cô, các chị, các dì lại bẻ lái gắt 180 độ "Để tránh mấy con nguy hiểm này thì các chị hãy mua kem trộn bên em đi, 2 trăm 1 hũ, 2 trăm 1 hũ, hàng nhập giá hời chị em ơi!!! Xài kem trộn bên em là rắn rết không dám động, chồng có khi còn xa lánh nữa nhé chị em!!!". Quá rõ rồi, những cái post như vậy dùng để câu like, câu view, khiến những người nhẹ dạ cả tin nghĩ rằng "Ồ, bà này biết nhiều chuyện hay ho quá, uyên thâm quá, chắc là... bán hàng uy tín đây!", rồi tôi cũng chả biết cái chuyện người ta biết nhiều liên quan gì đến chất lượng hàng hóa nữa mọi người ạ!Làm sao để tránh tin vịt? Cái này rất khó, vì vốn ở một số lĩnh vực, báo chí ở Việt Nam ta viết không có độ chính xác và độ tin cậy cao, thế nên, hãy tìm hiểu nhiều nguồn trong và ngoài nước. Trong các tài liệu mình từng đọc qua, có thể các bạn không ngờ nhưng những tài liệu riêng về các loại động thực vật Việt Nam mà viết bằng tiếng Anh còn nhiều hơn và dễ kiếm hơn tiếng Việt, còn những tài liệu yêu cầu quyền truy cập thì mình không thực sự rõ nên chúng ta sẽ chỉ bàn về những thứ mà bất cứ ai cũng có thể tra cứu được. Lấy ví dụ con rắn tràu nói trên, nếu nó thực sự tồn tại và có khả năng tiết ra độc từ răng nanh và cả da, hoặc thậm chí nếu nó là con rắn mà lại có vây và thở bằng mang cũng đủ khiến các nhà khoa học chao đảo, bắt máy bay phi thẳng đến Việt Nam lấy mẫu về nghiên cứu rồi, và nếu có nghiên cứu thì ắt hẳn họ sẽ có tài liệu, và thường thì tài liệu về mô tả loài mới sẽ xuất hiện trên ResearchGate, miễn phí truy cập. Hãy tìm xem cái tên khoa học của con rắn tràu này là gì, vì nếu đã xuất hiện nhiều đến mức người ta phải cảnh giác và dân bắt như cơm bữa thì không có lý gì nó lại không có tên khoa học, tệ lắm cũng phải có một cái giống, một cái họ chứ nhỉ? Nhưng, hãy tìm hiểu ở các nguồn đúng đắn, né xa KhoaHocTV, Báo Mới, Wikipedia tiếng Việt hay Dân Trí ra, lều báo đấy!
Cơ mà tấu hài nãy giờ mỏi tay quá, tóm tắt lại cho ai lười đọc nè:
Đừng vội tin các nguồn tin trôi nổi trên mạng.Hãy tra cứu nhiều nguồn, nhiều ngôn ngữ.Luôn luôn đặt câu hỏi vì có thể hôm nay nó như thế này những ngày mai nó lại khác, co mà khi tranh luận, chỉ nên sử dụng những thứ đã được công nhận cho đến hiện tại.Mình chưa có người yêu nên ai hốt mình đi.
Chúc các bạn tránh được tin vịt và sống sót được qua mùa COVID-19. Peace!




Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất