Hãy tận hưởng cuộc sống theo cách của riêng bạn!
Hãy tận hưởng cuộc sống theo cách của riêng bạn!

Có chắc ta đã hiểu tích cực là gì hay chỉ nghe người khác nói?

Trong suốt 18 năm cuộc đời, thậm chí nhiều hơn số đó một, hai năm, tôi rất hiếm khi nghe đến từ tích cực. Không ai ngồi với tôi để giải thích về từ ngữ này. Trong từ điển của mỗi cấp học, tôi chỉ biết vui vẻ là vui vẻ, buồn rầu là buồn rầu. Rồi dần dần hệ ngôn ngữ phát triển, người ta trêu nhau là “tưng tửng”, “tăng động” hay… “có gì mà phởn thế”! Đó, một là rõ ràng, mạch lạc hoặc hai là bay bổng, trêu trọc, cảm xúc bấy giờ được cắt nghĩa như vậy. Chẳng ai để ý nhau rồi câu cảm thán “Ôi có gì mà mày tích cực thế” hay “Làm sao mà mày tiêu cực thế” cả.
Dần dần trưởng thành hơn, va vấp ngoài xã hội, tôi nhận ra văn chương thật trù phú. Từ những thường dân như tôi rồi đến các KOLs truyền cảm hứng, rất nhiều lần đặt vấn đề về chuyện sống tích cực cho đời thật tươi. Những chủ đề về tích cực: Làm thế nào để sống tích cực, Bạn có đang tiêu cực quá không hay Tư duy tích cực – chìa khóa thành công,… trở nên đại trà. Đến nỗi mà một bộ phận giới trẻ sau khi cố mãi chẳng được đã tung ra những slogan thu hút đông đảo Users trên mạng xã hội quan tâm: “Đừng vui vẻ nữa, hãy trầm kảm lên!”.
Đố ai định nghĩa được sự tích cực? Tự bao giờ mà nó lại trở thành thước đo của cuộc sống trong tâm thức của một số ai kia? Người ta lại lấy hai chữ tích cực đó để đo về sự hài lòng, hạnh phúc, thậm chí là việc đáng sống,… của những cá nhân, gia đình, cộng đồng.

Niềm tin hôm nay, lầm tưởng ngày mai

Tôi từng nghĩ mình đã tốt lên rất nhiều mỗi khi tích cực. Tôi thích cảm giác được cười vui vẻ mọi nơi mọi lúc. Đặc biệt là thích được người ta khen và ngưỡng mộ nụ cười của mình mỗi lúc khoe khoang trên mạng xã hội. Lúc ấy, nghĩ người ta “thèm” được cười như mình lắm, tôi càng được nước mà tự tin hơn, hãnh diện hơn. Thế là tôi đi khuyên người ta phải cười lên, tích cực lên, đừng ủ rũ nữa, sao mà phải buồn?
Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, ta có nhiều ước ao lắm. Ước gì cuộc đời bằng phẳng như ai kia, chẳng lo toan, nghĩ suy nhiều quá. Cũng ước gì vạch đích cuộc đời ở ngay đó, để ta có thể bước tới và thành công. Chẳng ai đánh thuế giấc mơ, nên ta có thể ước thật giàu có, shopping không cần xem giá,… Cứ lúc nào buồn chán, đều cố gắng dặn bản thân tích cực lên – đây có phải là cách?
Tôi thường rất nhiều lần “ra tay” động viên người khác. Từ chuyện lo lắng về những sự việc xảy ra hay vô tình lỡ làm gì không đúng đến chuyện suốt ngày than phiền về một, hai vấn đề nào đó đến nhàm chán… Có lần, bạn tôi tâm sự về chuyện thất nghiệp, công việc không ổn định, trải nghiệm không như mong muốn. Tôi ngồi lại chat box, tỏ ra rất điềm đạm nhìn đời. Tôi khuyên người ta đủ kiểu, xong tôi cũng kể về chuyện mình. Lòng vòng lại chuyển qua khuyên nhủ, động viên nhau “tích cực”. Và trong một giây phút nào đó, chúng tôi đặt câu hỏi: “Mình đang cố gắng tích cực FAKE đấy à?” Ủa ủa…
Có một điều siêu thú vị và “hay ho”: Những gì giả trân, pha ke pha ke thường sẽ không tồn tại được lâu. Chính vì thế, khi phát hiện ra lầm tưởng về niềm tin trước đó. Chúng tôi nói chuyện mấy ngày để xem bản thân có thể Fake cái vụ tiêu cực tích cực đó đến đâu. Vì khi cố gắng ngăn chặn sự chán nản bằng một liều thuốc tạm thời, khi bệnh tình tái phát, hậu quả sẽ tăng theo cấp số nhân. Thay vì lừa đảo bản thân, hãy cứ chán nản đi, thậm chí là khóc vì cuộc đời. Đừng ôm quả bom lầm tưởng, nén hoài nén hoài với công thức pha – ke, đến lúc nó nổ toang. Đi một phần đời!

Ranh giới giữa tích cực “fake” và thực tế rất mong manh

Thật buồn cười! Rất xin lỗi nếu tôi đã từng bắt bạn phải cười lúc đang buồn. Đời là phải đủ thi vị chứ, có thăng có trầm, có buồn có vui, có mộng mơ, có cả hoài niệm. Tôi có một “tri kỷ” khá thú vị, nhóc đó và tôi cũng được coi là có nhiều ân oán. Sinh nhật tôi năm đó, nhóc có viết cho tôi mấy câu này:
“Em biết anh cũng có nhiều muộn phiền, lo toan trong công việc và cuộc sống. Nhưng đừng vì thế mà cứ cau có mãi, em muốn thấy anh lạc quan, vui vẻ, luôn mở lòng và ấm áp cơ.”
Mỗi người có một cách bày tỏ cảm xúc riêng. Có người giấu nhẹm đi cái sự vui, buồn để tự mình gặm nhấm. Có người chỉ đơn giản là phô ra để mong muốn nhận được sự đồng cảm, quan tâm. Mặc dù bản chất của những nốt trầm là chỉ ta mới có thể giải thoát cho ta, không phải ai khác. Có người sợ việc mình chia sẻ những cảm xúc tiêu cực, khiến cho người đọc tiêu cực theo. Có người nghe chuyện của người khác rồi cho là bản thân bị ảnh hưởng, tâm trạng của tôi tại bạn mà xấu đi. Thực chất, cảm xúc và tinh thần của chúng ta không bao giờ được điều khiển bởi người khác. Chính mỗi người tự dẫn dắt quan điểm, tư tưởng của họ. Nếu dẫn theo hướng không vui, thì chuyện có vui mấy cũng thành mờ nhạt. Nếu đã “tưng tửng” cả ngày, nghe câu chuyện tiêu cực của người khác cũng chẳng mảy may ảnh hưởng gì đến tâm trạng cá nhân.
Ta cũng nên thận trọng với sự tích cực nhất thời. Nếu bạn biến nó thành kỳ vọng, bạn cũng sẽ dễ dàng rơi vào tiêu cực nếu thực tế không diễn ra như kỳ vọng đó. Có những người có thể động viên bản thân và nhờ cảm xúc nhất thời đó để xử lý vấn đề một cách trọn vẹn. Sau đó họ thoát ra khỏi mê cung của chính mình. Đó được coi là một tài năng.
Tôi thường khuyên bạn bè, mấy đứa em của mình rằng họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. “Be your self!”, thỉnh thoảng thì “Take it easy & enjoy your life”. Vấn đề của họ là phải tự tìm ra giải pháp phù hợp. Nếu không thể làm gì để giải quyết một vấn đề xấu, ta buộc phải chấp nhận. Nếu có thể thay đổi để sự việc tốt lên, tại sao không làm ngay đi. Tôi lo lắng về việc lời khuyên của mình sẽ biến người ta rơi vào tình trạng “fake” tích cực và chẳng giải quyết được gì nếu không kết nối với thực tế. Chúng ta không thể cứ "Mày nghĩ quá nhiều rồi!" hay "Tao thấy mọi chuyện ổn mà." rồi "Mày phải vui vẻ lên"... Đôi khi ta thấy những câu kích động, động viên của mình có hiệu quả đúng không? Thực chất là do người trong sự việc đó - họ đang tự chữa lành. Họ hiểu bản thân và câu chuyện của họ hơn ai hết, điều duy nhất tôi cố gắng làm là đả thông nhiều góc nhìn nhất có thể. Khi người ta có sự bình tĩnh hơn, tư duy tự khắc sẽ mở rộng, kết hợp với sự thấu hiểu bản thân, từ đó có thể tự xử việc của chính mình.
Giải pháp thực tế nhất là không có giải pháp nào. Tiêu cực nhất là không cho phép bản thân tiêu cực. Đó là thực tế duy nhất trong tâm niệm tôi, tính đến thời điểm hiện tại!
Chu Đức Dũng - 29/08/2021