THỬ THÁCH VIẾT 100 NGÀY - NGÀY 4: CÔNG VIỆC ĐẦU TIÊN TRONG ĐỜI BẠN LÀ ...
Chào bạn, hôm nay là ngày thứ 4 trong thử thách viết 100 ngày của tôi. Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới bạn vì đã đọc và dõi...
Chào bạn, hôm nay là ngày thứ 4 trong thử thách viết 100 ngày của tôi. Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới bạn vì đã đọc và dõi theo tôi tới ngày hôm nay. Những tin nhắn, bình luận và lượt tương tác dù ít hay nhiều của mọi người là động lực rất lớn để tôi tiếp tục viết và chia sẻ câu chuyện của mình.
Đề bài hôm nay gợi trong tôi bao niềm xúc động, về những ngày lớn lên tha thiết, miệt mài. Nếu tính công việc đầu tiên dài hạn, được trả lương thì sẽ là công việc gia sư tôi làm hồi bắt đầu lên cấp 3 nhưng nếu là công việc kiếm tiền đầu tiên, chắc sẽ là làm nông và buôn bán thứ gì đó phụ mẹ.
Lớn lên trong gia đình nông thuần, mẹ làm nông, bố là thợ mộc - đó cũng là nghề nghiệp tôi thường ghi vào giấy tờ mỗi khi được hỏi. Như bao đứa trẻ nông thôn khác, tới tuổi có thể làm việc thì ra đồng phụ mẹ, tôi bắt đầu học việc từ năm 9 tuổi. Học từ nhặt cỏ, bón phân, tới cuốc đất trồng khoai, cấy lúa. Học cách đếm từ 100 tới 1000, 1000 rồi lại thêm 200 nữa mỗi lần tát nước mỏi tay hỏi mẹ khi nào mới xong. “200 gàu nữa thôi” - lần nào mẹ cũng nói vậy :)))) Và mỗi lần đi tát nước về mẹ tôi hay đùa công con tát nước với công mẹ xoa bóp cơ cho con tối về là hoà.
Những ngày tháng lớn lên trên cánh đồng, trên sân bạt thóc vàng ươm dạy tôi về sự bất định của cuộc đời. Không phải mùa xuân nào cũng thu hoạch được khoai tây vụ đông, không phải lạc vụ nào cũng ngon và nếp nhung mùa nào cũng bán được giá lời. Mùi đất ẩm, mùi cỏ cây, mùi thuốc trừ sâu mỗi đợt lúa mới, mùi rơm rạ cuối vụ, cái lạnh tê tái ngày nông nhàn, … tất cả đã bện một sợi dây, thật chặt, nối tôi và mẹ thiên nhiên vào nhau, từ thuở lọt lòng. Không ai hiểu vì sao tôi yêu cánh đồng, yêu thiên nhiên, cỏ cây và những ngày đến trường tới vậy. Tất cả đều cùng một lí do, vì đó là nhà, là chốn yên bình duy nhất ba tôi không thèm và không thể chạm tới được.
Bên cạnh làm nông, tôi phụ mẹ buôn bán đứt đoạn. Khi thì bán rau, khi thì bán quả, bán cá, bán túi nilon xếp thành cuộn, bán chăn ga gối nệm và tất đi ngày đông khỏi lạnh. Tôi đã bán nhiều thứ tới độ không thể nhớ hết tên các mặt hàng mình từng bán hồi nhỏ. Làng tôi thường họp chợ chiều và các phiên chợ huyện lớn sẽ họp buổi trưa, những ngày được nghỉ cả hai buổi, tôi và mẹ thường kéo xe đi bán hai lượt, tới tối muộn rồi về. Nhớ nhất là khoảng thời gian nhà tôi còn buôn bán đồ uống, nước giải khát các loại. Hồi đó mỗi két bia nặng 20kg, giờ nghĩ lại tôi cũng không hiểu, sao đứa trẻ 9 10 tuổi ngày ấy có thể khiêng một két bia 20 kí, xếp thành hàng, chồng lên nhau, mỗi ngày nhiều bận.
Trong các công việc đã từng làm, có lẽ bán hàng là công việc giúp tôi rèn luyện khả năng quan sát và năng lực cảm xúc, xã hội nhiều nhất. Quan sát vị trí chỗ ngồi để biết đâu là nơi thuận tiện nhất cho người mua, quan sát những người bán cùng và khác mặt hàng xung quanh xem họ mời chào, giới thiệu và tạo dựng niềm tin, thiện cảm với khách ra sao. Vì yếu tố thời vụ của mặt hàng và phiên chợ tham gia, mỗi một lần bán tôi sẽ cần đặt lại bảng giá cho phù hợp với chất lượng sản phẩm và “thị trường” ngày hôm ấy. Tôi cũng học cách quan sát và thấu hiểu hành vi người tiêu dùng của từng xã và khu vực để tìm điểm giống và khác nhau. Dựa vào những đặc điểm đó để thay đổi chiến thuật thu hút và thuyết phục khách hàng chọn mua sản phẩm của mình… Những điều tôi học được từ công việc này còn rất nhiều, tôi sẽ để dành kể trong một bài viết riêng.
Sau này, khi lớn lên và nhìn lại, tôi thấy mình đã làm công việc bán hàng nhiều tới nỗi không còn muốn thêm lần nào. Phần vì tôi cảm thấy đủ, phần vì nó lấy đi hơi nhiều sức lực của một người hướng nội nhiều hơn tôi nghĩ.
Tôi chưa bao giờ thấy phải chạy ăn từng đồng, phụ mẹ làm nhiều việc cùng một lúc để có tiền trang trải là một cuộc sống khổ. Dù tôi luôn thấy mẹ rất mừng những ngày tôi báo mình được nghỉ nhưng tôi biết, bà luôn ưu tiên việc học và cũng đã cố hết phần có thể. Tôi chỉ thấy những ngày sau khi đi học về, một mình phải chạy gần một tấn thóc phơi ngoài đường lớn khi trời cơn giông, người đàn ông ngồi trong nhà quạt mát nhìn ra, thi thoảng khi tôi vào nhà lấy thêm bao tải sẽ bị nạt đôi ba câu, nghe lời xỉa xói đủ điều chỉ vì thóc phơi dặm và không đổi được nhiều tiền - những ngày tháng đó, mới là tận cùng của sự ghẻ lạnh.
Đến bây giờ tôi vẫn không biết, ngày đó ông giận vợ mình - mẹ tôi, giận đứa con gái nhỏ làm mình bực hay giận cuộc đời lúc nào cũng làm ông khổ. Nhưng cả khi tôi được 9,75 thay vì 10, ông cũng thấy mình bị tôi đày ải vì phải chở đi học thêm buổi tối mà lại không đứng nhất. Cô con gái nhỏ chỉ biết khóc, không sao hiểu nỗi đau khổ kia lớn tới chừng nào mà người đàn ông đầu tiên mình thương trên đời phải ném qua cho mình mang giùm.
Say này, khi lên cấp 3, công việc đầu tiên tôi được trả lương mà không liên quan tới gia đình là dạy gia sư. Tôi vẫn nhớ niềm vui khi cầm 500 nghìn tiền lương đầu đời về đưa cho mẹ và nói: “Con tặng mẹ hết tiền lương của con nè”. Gia sư nói riêng và giảng dạy nói chung là công việc mà tôi rất thích. Phần vì nó không tốn quá nhiều thời gian mà vẫn có thu nhập ổn so với các công việc làm thêm khác, phần vì tôi thực sự yêu trẻ con và công việc truyền đạt kiến thức vô cùng tận. Từ nhỏ, tôi đã thích tự giảng lại kiến thức cho mình và quan sát cách các thầy cô giảng bài để nhân xét, rút kinh nghiệm cho bản thân. Tôi tìm thấy niềm vui trong việc tìm ra điểm trống, cách truyền đạt mới hay bất kì điều gì đó hay ho khi đang học bài. Sau này, khi về già và không cần lo nghĩ về tài chính, ước mơ của tôi là mở lớp dạy học miễn phí. Bằng tất cả những gì mình có, tôi tin, mọi đứa trẻ đều xứng dáng được yêu thương và nuôi dưỡng bằng những điều tuyệt nhất trên đời. Tưởng tượng một bà già đẹp lão ân cần dạy dỗ tụi nhỏ, nghĩ thôi đã thấy nhà cửa náo loạn rồi.
Trên đây là lịch sử đi làm đầu đời của tôi - những ký ức tôi luôn thầm biết ơn thật nhiều. Chính mùi lúa mới gặt, cái lạnh thấu xương khi cuốc đám mạ giữa đông, cơn mưa phùn sau tết và nụ cười của chú khách hàng bữa đó mua hết số rau tôi có mà không mặc cả,… những khoảnh khắc ấy khiến tôi thấy mình được sống, thật rõ ràng. Xin gửi một cái ôm sâu tới cuộc đời thay lời cảm ơn cho những kết nối ấm êm, diệu kỳ đã trao.
Cảm ơn mọi người đã đọc tới đây!
Chân thành,
ngày giao mùa
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất