Bài này được rút ra sau khi đọc lại và nghiền ngẫm chương số 2 - Thay đổi căn tính trong quyển sách Atomic Habits của James Clear (bản tiếng Việt của quyển sách này có tên là Thay đổi tí hon, Hiệu quả bất ngờ)
Quay lại khoảng 10 năm trước là thời điểm đầu tiên mình bắt đầu học ACCA, và F5 là môn đầu tiên mà mình được học. Cho tới lúc đó, ACCA với mình vẫn là một ngọn núi rất cao và ngay cả việc hoàn thành nó đối với mình cũng là khó khăn chứ chưa nói đến chuyện trở thành một giảng viên. Tuy nhiên có một việc mà ngày đó mình rất quan tâm và cũng có hứng thú, đó là chuyện làm thế nào để tối ưu nguồn lực đầu vào để đem lại kết quả đầu ra cao nhất. Tất nhiên việc áp dụng đó chỉ dành cho bản thân mình vì hồi đó vừa học năm 4 Đại học, vừa ôn thi ACCA lại vừa chuẩn bị cho kỳ thực tập ở EY. Niềm hứng thú của việc tối ưu ấy lại tình cờ gặp môn F5 như cá gặp nước, vì môn học này dạy về cách thức quản trị hiệu quả trong doanh nghiệp.
Vậy thì cái này nó liên quan như nào đến với chương số 2 mà mình nói ở bên trên.
Trong chương này, tác giả có nói một số ý khá hay. Đầu tiên đấy chính là việc bạn càng cảm thấy tự hào về căn tính (identity) của bạn thì bạn càng có động lực để duy trì thói quen gắn với nó. Với mình, mình luôn tự hào về việc mình đã tối ưu thời gian của mình (thậm chí có lần mình đã từng viết 1 note trên FB về việc trong 30’ nấu ăn mình đã sắp xếp mọi thứ khoa học đến mức gần như không thừa phút nào). Do đó trong quá trình học môn F5, mình không tư duy như người học bình thường mà mình tư duy như một nhà quản trị doanh nghiệp hoặc một bên tư vấn quản trị, mình đóng vai những người đó và mình giải quyết vấn đề nhờ vào những kiến thức mà sách đưa ra. Thậm chí mình còn đem lại những kiến thức đó quay lại áp dụng vào bản thân mình, ví dụ như khái niệm bottleneck (chỉ những điểm giới hạn khiến hoạt động của doanh nghiệp bị cản trở), mình đem ra suy nghĩ xem đâu là bottleneck của chính mình. Chính vì thế mình đã từng bước trở thành (hoặc đúng hơn là tiến gần đến) người làm quản trị doanh nghiệp.
Tiếp theo đó, những thắng lợi nhỏ, như tác giả James Clear có đề cập, càng giúp mình có niềm tin vào bản thân. Đầu tiên là việc mình đi thi và đạt được một số điểm khá cao, mặc dù do trùng với lịch thi ở trường nên mình mất 1/6 thời gian làm bài. Tiếp theo đó là những học trò đầu tiên nhờ mình hướng dẫn đều đã đỗ ngay trong lần đầu tiên thi F5, trong khi trên thực tế đây luôn là một môn có tỷ lệ passrate thấp nhất trong các môn ở cấp độ Kỹ năng (F4-F9), thậm chí còn tương đương với một số môn ở cấp độ Chuyên nghiệp. Chính những thành tích nhỏ này đã làm củng cố thêm cho mình niềm tin về việc mình có thể hiểu biết và truyền đạt những kiến thức của môn F5 một cách dễ hiểu và logic. Điều đó đã giúp mình tự tin để đứng lớp và giảng môn F5 kể từ tháng 3/2016, chỉ hơn 3 năm sau khi mình lần đầu tiên được học F5 và hơn 1 năm kể từ ngày mình hoàn thành 14 môn ACCA.
Khi nghĩ lại những điều mà mình đã dám vượt qua trong những năm gần đây, từ một người đã từng rất sợ nói trước đám đông đến việc đứng trước hội trường 500 sinh viên để chia sẻ, từ một người mà kết quả môn chạy hồi lớp 6 chỉ ngang với các bạn nữ đến hoàn thành cự ly 42km, từ một người mà sợ chẳng dám vẽ đến việc vẽ được 1 vài bức tranh, mình thấy những kết quả đó đều khá giống với cách thức mà James Clear đã đưa ra trong việc thay đổi căn tính (là bước cơ bản của thay đổi thói quen):
-       Quyết định kiểu người mà bạn muốn trở thành
-       Chứng minh với bản thân bằng các thắng lợi nhỏ
Căn tính không phải là thứ đã tạc vào đá. Nó có thể thay đổi vì mỗi người trong số chúng ta đều có thể thay đổi niềm tin của chính chúng ta vào bản thân. Với mình, hiểu được mô típ này, mình hi vọng sẽ dần dần chinh phục được các nỗi sợ mình đã có trước đây, hoặc xa hơn là đạt được những thành công mới khác, tương tự như câu chuyện trở thành giảng viên ACCA.