Là một trong những vị đạo diễn vĩ đại nhất thế giới, Martin Scorsese đã có cho riêng mình một khối lượng tác phẩm đồ sộ trải dài hơn bốn thế kỉ với đa dạng thể loại. Từ chính kịch, sử thi, tâm lý cho đến hài kịch, nhạc kịch, nhưng chính niềm đam mê đặc biệt với thế giới tội phạm đã định hình nên phong cách riêng trong sự nghiệp của ông. Và sau hai cuộc hành trình không thể quên cùng Goodfellas và Casino, tác phẩm gangster mới nhất – The Irishman – có thể coi là chương kết trong câu chuyện về những gã tội phạm ăn mặc bóng bẩy, chải chuốt, diện vest và không thể thiếu một khẩu súng dắt trong lưng quần.

Phỏng theo cuốn sách I Heard You Paint Houses: Frank ‘The Irishman’ Sheeran and Closing the Case on Jimmy Hoffa (tạm dịch: Nghe Nói Ông Sơn Nhà: Gã Ai-len Frank Sheeran và Sự thật về vụ án Jimmy Hoffa) của công tố viên Charles Brandt, The Irishman là câu chuyện dài hơn 3 tiếng đồng hồ của Frank Sheeran (Robert De Niro) về những tội ác mà gã đã gây ra trong quãng thời gian làm việc dưới trướng ông trùm Russell Bufalino và đặc biệt là chi tiết về vụ mất tích đầy bí ẩn của chủ tịch Hiệp hội Công đoàn Jimmy Hoffa vào năm 1975, người mà Frank đã phụng sự trong một quãng thời gian dài.


“Sơn nhà” là một lối ẩn dụ mà thế giới ngầm thường dùng để chỉ công việc của những gã sát thủ: Ngay khi bóp cò, bức tường phía sau lưng nạn nhân sẽ được sơn lên những vệt đỏ là máu của chính họ.

Dấu ấn đậm nét của thời gian
Với The Irishman, lần đầu tiên chúng ta được chứng kiến dấu ấn của thời gian hằn in trong tác phẩm của Martin Scorsese, người vốn luôn đem đến một nguồn năng lượng nhiệt huyết, tươi trẻ vào phim của mình. Vẫn là những cú máy dolly quen thuộc, vẫn là những bản nhạc pop Mỹ kinh điển, những màn bạo lực máu me thương hiệu nhưng ở The Irishman, những yếu tố đó hiện ra với một nhịp độ chậm rãi và mang một vẻ u sầu được Martin Scorsese thể hiện đầy chủ ý ngay từ yếu tố màu sắc khi được lấy cảm hứng từ màu của ảnh film Kodak thịnh hành những năm 50, 60 của thế kỉ trước, cũng chính là mốc thời gian những sự kiện trong The Irishman diễn ra.
Hai tone màu Kodachrome và Ektachrome được sử dụng ở nửa đầu phim, thời điểm những năm 50, 60, là hai tone màu có độ bão hòa cao, kích thích thị giác để khắc họa những tháng ngày đầu tiên và huy hoàng nhất của Frank Sheeran cùng tổ chức mafia của gia đình Bufalino. Sang đến nửa sau, từ mốc năm 70 trở đi, màu phim giảm độ bão hòa và tăng tính tương phản theo hệ ENR, giúp khán giả cảm nhận rõ sự cô quạnh trong cuộc sống của một gã mafia ở đoạn sườn dốc cuối đời.
“Màu phim sẽ nhạt dần nhạt dần xuyên suốt thời lượng của bộ phim, nó phản ánh chặng đường phát triển của nhân vật Frank Sheeran: Đến cuối cùng, những gì còn lại chỉ là sự tan vỡ và mặc cảm tội lỗi”. Rodrigo Prieto, cinematopgraher của The Irishman chia sẻ. 


Nếu như câu mở thoại mở đầu của Goodfellas qua giọng nói của Henry Hill mang đầy hoài bão của tuổi trẻ: “Kể từ khi còn bé, tôi đã luôn muốn trở thành một gangster” thì câu mở đầu của The Irishman qua lời của gã gangster già Frank Sheeran: “Khi tôi còn trẻ, tôi cũng làm việc cật lực hàng ngày như bao gã xung quanh. Cho đến khi … không còn như vậy nữa” lại đem đến một cảm giác trầm buồn và đầy tiếc nuối.

Dịp hội ngộ của những cái tên vĩ đại
Robert De Niro, sau gần 20 năm đi tìm hình ảnh mới với hàng tá những vai diễn chẳng đi đâu về đâu thì ngay khi trở lại với Martin Scorsese và dòng phim tội phạm sở trường, đẳng cấp của nam diễn viên được xem là giỏi nhất trong thế hệ của mình lập đức được phát tiết. Nhân vật chính của chúng ta – Frank Sheeran là một gã gangster già đã sống qua thời hoàng kim của mình và đang phải dành nốt những ngày còn lại cô độc ở viện dưỡng lão. Cú long-take mở đầu phim chậm rãi đưa ta tiến vào nơi ông lão đang ở, dừng chân đối diện với gương mặt khắc khổ của ông lão đang ngồi trên xe lăn để rồi câu chuyện về những năm tháng đầy bạo lực và ân oán của một tay sát thủ khét tiếng bắt đầu được kể.
Vẫn giữ được vẻ tàn nhẫn của Jimmy Conway trong Goodfellas lúc bắt tay vào công việc, tuy nhiên khi trở thành kép chính của phim, nhân vật của Robert De Niro đã được đầu tư về chiều sâu hơn hẳn. Không đơn thuần chỉ là một tên gangster hào nhoáng và luôn ủ mưu, phần nội tâm của Frank Sheeran mới là chủ đề chính được khai thác xuyên suốt thời lượng bộ phim.
Frank là một người đàn ông bình thường với gánh nặng gia đình trên lưng và luôn phải tìm cách kiếm ra thật nhiều tiền để nuôi sống, mà theo cách diễn đạt của gã, là để “bảo vệ” họ. Thế nhưng khi đã dấn thân vào con đường mafia, sẽ chẳng có lối đi cho kẻ muốn quay đầu. Frank Sheeran đã tận hiến cho ông trùm Russell Bufalino như một lẽ sống, những cái chết dưới tay gã đều diễn ra chóng vánh như không có chuyện gì vừa xảy ra. Và với quan điểm lấy mạng người chỉ là “việc làm ăn”, Frank coi đó là cái cớ để biện minh cho bản thân và tin rằng mình xứng đáng được gia đình thấu hiểu.
 

Bước ngoặt của phim diễn ra từ lúc Jimmy Hoffa, hay nói cách khác, Al Pacino xuất hiện. Phần đầu nửa sau của The Irishman tập trung kể về những tháng ngày lên voi xuống chó trên chính trường của Jimmy với tư cách Chủ tịch Hiệp đoàn Lao động. Nhờ sự chống lưng của gia đình Bufalino, Jimmy Hoffa đã trở thành một thế lực chính trị hùng mạnh ở Mỹ và ở thời điểm hoàng kim, chẳng có người Mỹ nào lại không biết đến cái tên Jimmy Hoffa. 
Thời gian làm hộ vệ cho Jimmy Hoffa có ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tính của Frank Sheeran sau này. Tình bạn giữa hai người được được khai thác rất sâu sắc và tỉ mỉ, đó là một tình bạn thuần túy và không có vụ lợi, là một nét tươi sáng hiếm hoi trong mạch phim chậm rãi, bất an và luôn chực chờ đến thời điểm bùng nổ. Tuyến truyện về Jimmy Hoffa đã từ tốn trở thành bệ phóng thúc đẩy phần cao trào của The Irishman diễn ra vô cùng hiệu quả. Đó cũng chính là lúc người xem được vỡ lẽ tất tật về bản chất thật sự của thế giới mafia.
Màn hóa thân xuất sắc của Al Pacino đã làm sống lại hình tượng của Jimmy Hoffa, một gã chính trị gia sặc mùi gangster: nguyên tắc, lấn át, bảo thủ nhưng đồng thời cũng là một người bạn tận tụy và có không ít giây phút yếu đuối. Điều thú vị nhất trong phẩm chất cá tính của Jimmy là gã không bao giờ tha thứ cho những kẻ đến trễ giờ hẹn, đối với Jimmy, đó là tội ác. Phân cảnh “Mày đến muộn 15p!” xứng đáng là một trong những cảnh phim ấn tượng nhất trong năm 2019, và vai diễn Jimmy Hoffa đích thị là một vai diễn để đời nữa của Al Pacino, người vốn đã có một sự nghiệp vĩ đại với rất biết bao vai diễn đã đi vào sách giáo khoa điện ảnh như Michael Corleone trong Bố Già hay Tony Montana trong Scarface
 

Nhiều người luôn hỏi tại sao mãi đến tận bây giờ Al Pacino và Martin Scorsese mới hợp tác với nhau. Trong màn phỏng vấn với Pete Travers, Martin có chia sẻ: “Ý tưởng hợp tác với Al không phải là mới, tôi đã luôn muốn có cậu ấy trong phim của mình từ lâu rất lâu. Francis Coppola đã giới thiệu Al với tôi từ năm 1970, sau đấy cậu ấy tham gia vào hai phần phim The Godfather theo một cách không thể tuyệt vời hơn. Thời điểm đó, Al Pacino đối với tôi mà một điều gì đó không thể với tới được. Năm 1980, tôi đã lên một dự án có sự góp mặt của cậu ấy, thế nhưng cuối cùng lại không được studio nào đồng ý đầu tư. Sau này còn có nhiều dịp không may nữa khiến tôi và cậu ấy cứ liên tục lỡ hẹn với nhau.” 
Quả là một quãng thời gian chờ đợi dài hơi dành cho những người yêu mến điện ảnh. Dù sao “muộn có còn hơn không”, niềm mong mỏi cuối cùng cũng thành hiện thực và màn trình diễn đẳng cấp của “bố già” đã bù đắp xứng đáng công sức chờ đợi của tất cả mọi người.
 

Xem The Irishman, chúng ta được gặp lại những gương mặt đã gắn bó lâu năm với phim của Martin Scorsese. Joe Pesci sau 10 năm rời xa nghiệp diễn đã chứng minh thời gian nghỉ hưu chẳng hề là vấn đề với ông qua màn hóa thân vào vai ông trùm Russell Bufalino, người đứng đầu gia đình mafia Bufalino trứ danh. Harvey Keitel, kép chính trong thành công đầu tiên của Martin Scorsese – Mean Street (1973), đảm nhận vai diễn Angelo Bruno – “The Gentle Don”, ông trùm của nhà Bruno-Scarfo đến từ Philadelphia.
Vượt qua khuôn khổ của một bộ phim thông thường, The Irishman chính là dịp để người xem điện ảnh lâu năm hoài vọng về một thời kì không thể nào quên của kinh đô điện ảnh Hollywood, nơi những tay mafia đã thế chỗ những gã cao bồi để trở thành kẻ thống trị màn bạc trong gần 30 năm.
 


Đến cuối cùng, tất cả còn lại chỉ là tan vỡ và mặc cảm tội lỗi”
Có nhiều người nhận xét The Irishman giống một phiên bản làm lại của Goodfellas hơn là một phim độc lập. Chúng ta có thể thấy rất nhiều hình ảnh quen thuộc ở Goodfellas xuất hiện trong phim. Từ bối cảnh New York những năm 70, hộp đêm Copacabana, nhà hàng Ý Cosa Nostra cho đến các nhân vật na ná nhau cả ngoại hình lẫn tính cách.
Tuy nhiên, nếu Goodfellas là sự vỡ mộng của chàng trai trẻ Henry Hill về một cuộc sống mafia sung túc với tiền bạc và quyền lực thì ở The Irishman, đó là sự chiêm nghiệm về một cuộc đời làm gangster trọn vẹn của lão già Frank Sheeran. Câu hỏi mà phim đặt ra là liệu có một kết cục nào dành cho những gã gangster và đâu mới là bản án xác đáng nhất dành cho những tên tội phạm dám cả gan thay trời hành đạo?

Martin Scorsese đã chia sẻ rằng: “The Irishman mang đến xúc cảm về mặt thời gian và đạo lý. Tôi sẽ đưa người xem chinh qua những tháng ngày thăng trầm của những gã gangster, tất cả quyết định mà họ đã đưa ra và cái giá họ phải trả cho cuộc sống mà họ đã chọn.”
Xuyên suốt The Irishman là những sự kiện xoay quanh cuộc đời của Frank Sheeran, có người tốt kẻ xấu, có những mạng người đã bị tước đi, có những ông trùm mà Frank tôn thờ và có cả những người mà lão tin yêu bằng cả tấm lòng. Để rồi đến cuối phim, khi mọi thứ đã trôi qua, chỉ còn lại một ông lão già khụ ngồi xe lăn lẻ loi trong viện dưỡng lão và hồi tưởng về quá khứ, tự khắc người xem sẽ rút ra câu trả lời cho riêng mình.
Thời lượng 3 tiếng rưỡi thoạt nghe có vẻ là một thử thách. Thế nhưng với đẳng cấp làm phim của Martin Scorsese, từng giây từng phút của The Irishman đều có giá trị thúc đẩy mạch phát triển của câu chuyện và dĩ nhiên, phim của Scorsese thì chẳng có chi tiết nào là thừa. Không lê thê dông dài và rao giảng đạo lý, The Irishman có một nhịp độ chậm rãi, tròn trịa ý tứ về cả thoại lẫn hình, khơi gợi nhiều tầng lớp cảm xúc cho người xem và để mở cho mỗi người có một cách nhìn nhận riêng về những điều đã diễn ra. 

Martin Scorsese đã vẽ nên một bức tranh dữ dội và đặc sắc về thế giới tội phạm, chính trị ở nước Mỹ nhập nhoạng thập niên 60 70. Có lẽ giờ đây, chẳng còn ai có đủ cả tâm với tầm để làm phim gangster được như Martin Scorsese, chính ông đã biến dòng phim này thành của riêng mình và chỉ có ông mới có thể phá vỡ những giới hạn do bản thân tạo ra. 
Một trong những tác phẩm điện ảnh vĩ đại nhất của thế kỉ 21, được tạo ra từ bàn tay của một trong những vị đạo diễn vĩ đại còn lại của thế hệ cũ. The Irishman chắc chắn là một kiệt tác mới của dòng phim băng đảng tội phạm nói riêng và của điện ảnh toàn thế giới nói chung.