THÁNH TÔNG DI THẢO (P.2) - TRUYỆN YÊU NỮ Ở CHÂU MAI
Toàn văn của "Truyện yêu nữ ở châu Mai", truyện đầu tiên trong "Thánh Tông Di thảo".

Ảnh minh họa phụ nữ thời Lê Sơ.
Nguyên văn chữ Hán:
枚州妖女傳
陳元豐末,枚州有一妖女神,變幻百出,或頭如車輪,或二首六身,見之者怯死; 或輕如趙燕,或肥 若楊妃,惑之身亡。地方苦之,多方以壓之不能勝。每夜清月朗,於空中自吟云:
擬著文袍遊帝都,良人知也無。漁翁滿地一江湖。 梅影瘦,柳花癯。六甲六甲遇元夫。 聲出金玉,有耳皆聞,而莫解其意。予潛邸時,知其事,爲草一封,伻人詣扶董祠,借天王劍以除之。
妖大懼,伏於江潭草莽,不敢作怪。 至洪德六年,妖女化作少艾,年方二八,目如秋水,唇若塗硃,雲髮花顔,笑語間,娓娓然動人矣。入 倡家,自言少失怙恃,依於親姊,姊夫輕薄兒,故逃身於此。倡家問曰:「姓甚名誰? 住居何地?」 曰:「姓漁名娘,文木是其邑也。」倡家又問曰:「漁娘同音甚多,的的是何字樣?」曰:「漁人之漁,娘 子之娘也。」倡家又問曰:「汝能歌乎?」對曰:「能。」遂令檀板按曲而歌,則清妙絕羣。倡家甚喜,衣 以錦繡,飭以金玉,蓋欲惑諸少年,以邀厚利。但鳴鞭祛服,有客到門,即遽移蓮步,剩留背後之香; 倒入蘭房,纔露腰間之帶。倡家厭苦之,屢妙語以誘之,或嚴威以劫之,終不可得。欲逐之,則盡失前程; 終留之,亦無後利,姑許以徐觀有改行乎,否也。
忽一日,有一客來此倡家,衣裳布素,儀容憔悴,自稱名曰「良人」。倡家諸兒拒云:「如此形容,此 如服采,來此何幹?」或又戲之曰:「來此欲以爲漁娘之女尸也。」良人乃正色曰:「古人云:「飲糙 亦醉。凡歌兒舞女,不過欲多得錢耳,形容特其外耳。」語訖,儼然據上座,高聲謂曰:「我非異人,家居 第六甲。左得珥江之秀,右毓兑湖之靈,俗號『六甲翁』。乃百萬時盡、含情無言之客,偶尋太公之故迹, 閑訪子陵之芳蹤,乘興至此。歌兒中苟有聲色俱絕者,清歌一曲,淡飲數杯,獲賞不貲。」漁娘在房中聞 之,整妝遽出,斂容而泣曰:「妾匿此年終餘,金谷人來,朱門客到,屈指不可勝數。每每於密壁中窺 之,金玉其外,敗絮其中,皆不得如意也。郎君兮郎君,一别三十春,巫山雨、巫山雲,朝朝暮暮有何人? 郎君兮郎君,臨邛去日誰相親? 天王劍氣,幾無完身。郎君兮郎君!」
泣罷,解羅帶,中取白璧一雙,黄金十兩,擲於倡家曰:「尋常微物,聊報潭母之恩。」携手出門,嘆息升車而去。
山南叔曰: 細玩二歌,前日元夫,後曰相别,意者漁娘與良人,舊有朱陳之缘,死而幽魂不散,人則成妖,至是還爲夫婦。 所謂六甲翁者,亦其托言耳。考之枚州洞中,有漁人祠最靈,屢爲民害,豈其漁娘、良人二鬼耶? 讀者以意會可也。
Phiên âm:
Mai châu yêu nữ truyện
Trần nguyên phong mạt, Mai châu hữu nhất yêu nữ thần, biến huyễn bách xuất, hoặc đầu như xa luân, hoặc nhị thủ lục thân, kiến chi giả khiếp tử; hoặc khinh như Triệu Yến, hoặc phì nhược Dương Phi, hoặc chi thân vong. Địa phương khổ chi, đa phương dĩ áp chi bất năng thắng. Mỗi dạ thanh nguyệt lãng, vu không trung tự ngâm vân:
"Nghĩ trứ văn bào du đế đô,
Lương nhân tri dã vô.
Ngư ông mãn địa nhất giang hồ.
Mai ảnh sấu, liễu hoa cù.
Lục giáp lục giáp ngộ nguyên phu."
Thanh xuất kim ngọc, hữu nhĩ giai văn, nhi mạc giải kỳ ý.
Dư tiềm để thời, tri kỳ sự, vi thảo nhất phong, bình nhân nghệ Phù Đổng từ, tá Thiên Vương kiếm dĩ trừ chi.
Yêu đại cụ, phục vu giang đàm thảo mãng, bất cảm tác quái. Chí Hồng Đức lục niên, yêu nữ hóa tác thiếu ngải, niên phương nhị bát, mục như thu thủy, thần nhược đồ chu, vân phát hoa nhan, tiếu ngữ gian, vỉ vỉ nhiên động nhân hĩ. Nhập xướng gia, tự ngôn thiếu thất hỗ thị, y vu thân tỷ, tỷ phu khinh bạc nhi, cố đào thân vu thử. Xướng gia vấn viết: “Tính thậm danh thùy? Trụ cư hà địa?” Viết: “Tính Ngư danh Nương, Văn Mộc thị kỳ ấp dã.” Xướng gia hựu vấn viết: “Ngư Nương đồng âm thậm đa, đích đích thị hà tự dạng?” Viết: “Ngư nhân chi ngư, nương tử chi nương dã.” Xướng gia hựu vấn viết: “Nhữ năng ca hồ?” Đối viết: “Năng.” Toại lệnh đàn bản án khúc nhi ca, tắc thanh diệu tuyệt quần. Xướng gia thậm hỉ, y dĩ cẩm tú, sức dĩ kim ngọc, cái dục hoặc chư thiếu niên, dĩ yêu hậu lợi. Đãn minh tiên khư phục, hữu khách đáo môn, tức cự di liên bộ, thặng lưu bối hậu chi hương; đảo nhập lan phòng, tài lộ yêu gian chi đái. Xướng gia yếm khổ chi, lũ diệu ngữ dĩ dụ chi, hoặc nghiêm uy dĩ kiếp chi, chung bất khả đắc. Dục trục chi, tắc tẫn thất tiền trình; chung lưu chi, diệc vô hậu lợi, cô hứa dĩ từ quan hữu cải hành hồ, phủ dã.
Hốt nhất nhật, hữu nhất khách lai thử xướng gia, y thường bố tố, nghi dung tiều tụy, tự xưng danh viết “Lương Nhân”. Xướng gia chư nhi cự vân: “Như thử hình dung, thử như phục thải, lai thử hà càn?” Hoặc hựu hí chi viết: “Lai thử dục dĩ vi ngư nương chi nữ thi dã.” Lương Nhân nãi chính sắc viết: “Cổ nhân vân: “Ẩm tháo diệc túy. Phàm ca nhi vũ nữ, bất quá dục đa đắc tiền nhĩ, hình dung đặc kỳ ngoại nhĩ.” Ngữ cật, nghiễm nhiên cư thượng tọa, cao thanh vị viết: “Ngã phi dị nhân, gia cư đệ lục giáp. Tả đắc Nhị giang chi tú, hữu dục Đoài hồ chi linh, tục hào 『 Lục Giáp Ông 』. Nãi bách vạn thời tẫn, hàm tình vô ngôn chi khách, ngẫu tầm thái công chi cố tích, nhàn phóng tử lăng chi phương tung, thừa hưng chí thử. Ca nhi trung cẩu hữu thanh sắc câu tuyệt giả, thanh ca nhất khúc, đạm ẩm sổ bôi, hoạch thưởng bất ti.” Ngư Nương tại phòng trung văn chi, chỉnh trang cự xuất, liễm dung nhi khấp viết: “Thiếp nặc thử niên chung dư, kim cốc nhân lai, chu môn khách đáo, khuất chỉ bất khả thắng sổ. Mỗi mỗi vu mật bích trung khuy chi, kim ngọc kỳ ngoại, bại nhứ kỳ trung, giai bất đắc như ý dã.
Lang quân hề lang quân,
Nhất biệt tam thập xuân,
Vu Sơn vũ, Vu Sơn vân,
Triều triều mộ mộ hữu hà nhân?
Lang quân hề lang quân,
Lâm cung khứ nhật thùy tương thân?
Thiên vương kiếm khí, kỉ vô hoàn thân.
Lang quân hề lang quân!”
Khấp bãi, giải la đái, trung thủ bạch bích nhất song, hoàng kim thập lưỡng, trịch vu xướng gia viết: “Tầm thường vi vật, liêu báo đàm mẫu chi ân.” Huề thủ xuất môn, thán tức thăng xa nhi khứ.
Sơn Nam Thúc viết: Tế ngoạn nhị ca, tiền nhật nguyên phu, hậu viết tương biệt, ý giả Ngư Nương dữ lương nhân, cựu hữu Chu Trần chi duyên, tử nhi u hồn bất tán, nhân tắc thành yêu, chí thị hoàn vi phu phụ. Sở vị Lục Giáp Ông giả, diệc kỳ thác ngôn nhĩ. Khảo chi Mai châu động trung, hữu Ngư Nhân từ tối linh, lũ vi dân hại, khởi kỳ Ngư Nương, Lương Nhân nhị quỷ gia? Độc giả dĩ ý hội khả dã.
Dịch:
Truyện yêu nữ ở châu Mai
Cuối niên hiệu Nguyên Phong[1] đời nhà Trần, ở châu Mai[2] có một nữ yêu tinh biến hiện nhiều hình quái gở. Khi nó hiện ra người đầu to bằng bánh xe, hoặc hai đầu sáu mình, ai trông thấy cũng chết khiếp. Khi nó biến thành gái đẹp, hoặc nhẹ như Phi Yến[3], hoặc béo tốt như Dương Phi[4], ai say mê tất phải thiệt mạng. Người địa phương bị khổ sở vì nó, đã dùng nhiều phép trừ yểm, nhưng đều vô hiệu. Những đêm trăng sáng, nó thường ở trên không ngâm rằng:
"Muốn mặc văn bào chơi đế đô,
Lương nhân có biết cho?
Ngư ông khắp đất một sông hồ,
Mai thưa thớt, liễu gầy gò,
Lục giáp, lục giáp, gặp chồng xưa."
Tiếng hát trong như vàng ngọc, ai cũng nghe rõ, nhưng không hiểu ý tứ trong bài ra sao.
Khi còn ở tiềm để[5], ta biết việc ấy, bèn viết thư sai người đến đền Phù Đổng mượn gươm của Thiên Vương để trừ nó. Nữ yêu kinh sợ, ẩn trong cỏ rậm ven sông đầm, không dám tác quái như trước nữa.
Đến năm Hồng Đức[6] thứ sáu (1475), nó lại hiện thành một người con gái đẹp tuyệt trần, trạc mười sáu tuổi, mắt long lanh như nước mùa thu, môi đỏ như son vẽ, tóc mây mặt hoa, cười nói duyên dáng, làm cho người ta phải động lòng. Nó vào một nhà hát, nói rằng:
- Tôi mồ côi từ tấm bé, phải nương tựa chị gái. Vì anh rể là kẻ khinh bạc, nên phải đem thân trốn đến đây.
Chủ nhà hát hỏi:
- Họ tên là gì? Quê quán ở đâu?
- Thưa, tôi họ Ngư, tên Nương, quê ở làng Văn Mộc[7].
- Những chữ đồng âm với "Ngư" và "Nương" cũng nhiều, ngươi hãy nói rõ chữ "Ngư" và chữ "Nương" nào?
- Thưa, chữ "Ngư" ở trong chữ "Ngư nhân", chữ "Nương" ở trong chữ "Nương tử".
- Có biết hát không?
- Thưa có.
Chủ nhà bảo nó vừa hát vừa đánh phách. Nó cất tiếng hát, giọng trong và hay tuyệt. Chủ nhà rất mừng, cho nó mặc gấm vóc, đeo nữ trang vàng ngọc, muốn làm cho bọn trai trẻ say mê để kiếm được nhiều tiền. Nhưng, hễ khách làng chơi vừa bước chân vào cửa thì gót sen đã quay ngoắt, chỉ để lại hương ngát sau lưng; phong lan vội trở vào, chỉ còn thấy phất phơ dải yếm. Chủ nhà hát ngán quá, thường ngon ngọt dỗ dành, hoặc xẵng lời dọa dẫm, hết ân lại uy, chung quy vô bổ. Muốn đuổi đi sợ phí công từ trước, muốn giữ lại, e không lợi về sau. Cuối cùng, chủ nhà hát đành chịu để tạm ít lâu nữa, họa may nó có đổi nết cũ đi chăng.
Thình lình một hôm, có một người áo quần mộc mạc, hình dung tiều tụy, đến nhà hát. Khách tự xưng là Lương Nhân. Các con hát trong nhà cự rằng:
- Hình thù thế ấy, ăn mặc thế kia, đến đây để làm gì? Lại có kẻ nói đùa rằng:
- Anh chàng đến đây, chừng muốn làm nữ thi[8] cho chị Ngư Nương đó.
Lương Nhân nghiêm sắc mặt nói:
- Người xưa có câu: "Ăn bánh bột cũng say"[9]. Phàm ca nhi vũ nữ đều chỉ mong kiếm được nhiều tiền, chớ có cần chi hình dung bên ngoài?
Đoạn nghiễm nhiên ngồi lên chiếu cao, và lớn tiếng cho mọi người đều nghe:
- Ta không phải là ai lạ. Nhà ta ở giáp[10] thứ sáu, bên tả được mạch tốt của sông Nhị[11], bên hữu được khí thiêng của Đoài hồ[12], tục gọi là Lục Giáp Ông, tức là người "một lúc hết trăm vạn, ngậm ngùi không nửa lời". Nhân đi tìm lối cũ của Thái Công[13], thăm dấu thơm của Tử Lăng[14], ngẫu nhiên vui chân đến đây. Trong đám ca nhi, ả nào thanh sắc hơn người, hãy hát một khúc ta nghe, chuốc vài chén ta uống, ta sẽ thưởng cho nhiều tiền.
Ngư Nương ở trong phòng nghe tiếng, vội trang sức chỉnh tề rồi bước ra, xịu mặt khóc:
- Thiếp ẩn náu ở đây đã hơn một năm, người Kim Cốc[15] tới, khách chu môn[16] vào, tính đốt ngón tay không biết bao nhiêu mà kể. Thiếp thường ở trong vách tối dòm ra, chỉ thấy rặt những phường ngoài mặt thì như ngọc vàng mà trong lòng thì như bông nát[17], không được ai vừa ý cả.
Lang quân hỡi lang quân!
Cách biệt ba mươi xuân,
Mây Vu Sơn, mưa Vu Sơn,
Hôm hôm, sớm sớm ai tri âm?
Lang quân hỡi lang quân,
Lâm Cùng[18] từ đi, ai người thân?
Khí gươm Thiên Vương, hầu không lánh thân.
Lang quân hỡi lang quân!
Khóc xong, cởi dây lưng lụa lấy ra một đôi ngọc bích và mười lạng vàng đưa cho chủ nhà hát mà rằng:
- Chút quà nhỏ mọn, gọi là đền ơn đàm mẫu [19].
Rồi hai người cùng thở than, dắt tay nhau lên xe cùng đi.
Lời bàn của Nam Sơn Thúc: Ngẫm nghĩ hai bài ca: bài trước có nói "chồng xưa", bài sau có nói "cách biệt", ngờ rằng Ngư Nương và Lương Nhân nguyên cùng nhau có duyên Chu Trần[20], khi chết hồn vẫn không tan, lâu ngày thành yêu, đến bây giờ lại làm vợ chồng. Còn cái tên gọi là Lục Giáp Ông, chỉ là nói thác ra mà thôi. Xét nay ở động Mai châu có đền thờ Ngư Nhân rất thiêng, thường làm hại dân, có lẽ là hai con ma Ngư Nương và Lương Nhân đó chăng? Người đọc truyện nên lấy ý mà lĩnh hội.
Một vài nhận xét của tập thể admin Thế Giới Thần Thoại: Truyện răn dạy người ta khi đánh giá người khác không nên lướt qua mỗi vẻ bề ngoài mà phải cần có thời gian để nhìn sâu vào phần cốt cách bên trong. Nhân vật Lương Nhân được xây dựng chuẩn mực theo nguyên tắc tương phản, hình thức "áo quần mộc mạc, hình dung tiều tuỵ" nhưng lại nói năng cứng cỏi với bản lĩnh khác thường, nói ra sự thật một cách thẳng thắn mà không ai dám nói. Ngư Nương là yêu nữ nhưng lại có những nét nhân văn của con người, biết đánh giá con người qua nhân cách bên trong thay vì vẻ hào nhoáng tức thời bên ngoài, biết kiên trì suốt đời đi tìm người trong mộng cho đến khi gặp được Lương Nhân mới thoả lòng, cảm thán mà rằng "trước đây chỉ thấy rặt những phường ngoài mặt thì như ngọc vàng mà bên trong thì như bông nát". Bên ngoài, đây là một câu truyện chí dị với nhiều tình tiết thần bí, ma quái đến khó lý giải; thế nhưng nếu đào sâu xuống bên dưới lớp lang của kỳ ảo, ma quái kia thì sẽ thấy được "Truyện yêu nữ Châu Mai" là một bài học đạo đức vô cùng ý nghĩa mà Lê Thánh Tông muốn gửi gắm tới người đọc.
Ngoài ra, dựa trên lời bàn của Nam Sơn Thúc về việc có tồn tại đền thờ Ngư Nhân rất linh thiêng và hay hại người ở châu Mai, ta cũng có thể xem đây là một creepy pasta do Lê Thánh Tông sáng tác về các thần của ngôi đền ấy vậy.
Chú thích:
[1]: Nguyên Phong (元豐): niên hiệu của vua Trần Thái Tông từ năm 1252 đến năm 1258.
Năm 1252, Thái Tông đổi niên hiệu là Nguyên Phong (元豐). Sau đó ông lập tức dẫn binh đi đánh Chiêm Thành. Trước đó khi nhà Lý suy, Chiêm Thành thường hay xua binh công phá ở vùng Nghệ An, dân chết vô số, nay vua lên ngôi mà không sang thông hiếu nên rất giận, dẫn quân đi đánh và bắt được nhiều thần thiếp, cướp được nhiều của cải. Uy danh Đại Việt đối với Chiêm Thành lại được thiết lập. Giai đoạn này gọi là Nguyên Phong chi trị (元豐之治).
Năm 1258, sau cuộc chiến với quân Mông-Nguyên lần thứ nhất, Thái Tông truyền ngôi cho Hoàng thái tử Trần Hoảng (陳晃), tự xưng là Thái thượng hoàng, kết thúc niên hiệu Nguyên Phong.
[2]: Ngày nay là huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Châu Mai được hình thành từ thế kỷ XIII với tên gọi đầu tiên là Mường Mai. Đến thời Lê, châu Mai được thành lập gồm 3 động thuộc lộ Đà Giang, trấn Gia Hưng, xứ Hưng Hóa. Thời kỳ Pháp thuộc, tỉnh Mường Hòa Bình được thành lập (năm 1886), châu Mai Châu thuộc phủ Chợ Bờ. Tháng 10/1890, châu Mai Châu và châu Đà Bắc hợp nhất làm một với tên gọi là châu Mai Đà. Ngày 21/9/1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 1053/TTg về việc chia huyện Mai Đà thành 2 huyện: Mai Châu và Đà Bắc. Đến ngày 15/01/1957, Đảng bộ, chính quyền huyện Mai Châu tổ chức lễ ra mắt và chính thức đi vào hoạt động. Đến tháng 7/2009, huyện Mai Châu tiếp nhận xã Tân Dân chuyển đến từ huyện Đà Bắc. Từ đó đến nay, số đơn vị hành chính của huyện ổn định là 22 xã và 1 thị trấn. Huyện có diện tích gần 600 km2; dân số trên 54 nghìn người với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống (dân tộc Dao, Tày, Mường, Thái, Kinh, Mông, Hoa)…
[3]: Phi Yến, tức Triệu Phi Yến (趙飛燕), còn gọi Hiếu Thành Triệu Hoàng hậu (孝成趙皇后), là Hoàng hậu thứ hai của Hán Thành Đế (汉成帝) Lưu Ngao (劉驁) - vị Hoàng đế thứ 12 của triều đại nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Triệu Phi Yến được xem là đệ nhất mỹ nhân thời Hán bên cạnh người đẹp Vương Chiêu Quân (王昭君), một trong Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa. Bà nổi tiếng với dung mạo tuyệt thế, thân thể nhẹ nhàng tựa như chim yến, nên gọi Phi Yến (có nghĩa là chim yến đang bay). Sử sách ghi về bà rất ít, song dã sử thì nhiều, vì vậy bà trở thành một trong những mỹ nhân phổ biến trong dân gian thần thoại từ rất sớm, như "Tây Kinh tạp ký " (西京杂记) hay "Phi Yến ngoại truyện" (飞燕外传).
[4]: Dương Phi, tức Dương Quý phi (楊貴妃), còn gọi là Dương Ngọc Hoàn (楊玉環) hay Dương Thái Chân (楊太真) là một phi tần rất được sủng ái của Đường Huyền Tông (唐玄宗) Lý Long Cơ (李隆基). Trong văn hóa Trung Hoa, bà được xếp vào một trong Tứ đại mỹ nhân (四大美人) của lịch sử Trung Quốc, có sắc đẹp được ví là Tu Hoa (羞花), khiến hoa thu mình lại vì hổ thẹn. Dù vậy, Dương Qúy Phi cũng được cho là có cơ thể đẫy đà to béo nên thường được so sánh một cách đối lập với Triệu Phi Yến qua câu ví nổi tiếng "Hoàn phì Yến sấu" (環肥燕瘦) ý nói đến Dương Qúy Phi xinh đẹp đẫy đà, trong khi Triệu Phi Yến thì thân hình thanh mảnh, uyển chuyển.
[5]: Tiềm để (潛邸), tức Tiềm long để (潛龍邸), là một cụm danh từ ám chỉ đến nơi hoàng đế từng trú ngụ trước khi đăng cơ. Danh từ này xuất hiện thường mô tả vị hoàng đế "chưa chắc chắn là người kế vị vào thời điểm quá khứ được nói đến".
[6]: Hồng Đức (洪德): niên hiệu của vua Lê Thánh Tông từ cuối năm 1469 đến năm 1497. Năm 1469, vua đổi niên hiệu từ Quang Thuận (光順) trước đó thành Hồng Đức, kéo dài tới khi vua mất. Hồng Đức Thịnh trị (洪德盛治), Hồng Đức Thịnh thế (洪德盛世) hay Hồng Đức chi trị (洪德之治) là thuật ngữ lịch sử dùng để nói về thời kỳ phát triển rực rỡ của chế độ quân chủ ở Đại Việt trong giai đoạn 27 năm vua Lê Thánh Tông cai trị dưới niên hiệu Hồng Đức (từ năm 1470 đến năm 1497).
[7]: Văn Mộc: chữ Văn (文) và chữ Mộc (木) ghép lại thành chữ Mai (枚).
[8]: Thời cổ đại, khi tế lễ thì cử người ngồi trên bàn thờ gọi là "thần thi", ta gọi là "thần vị". Người ta cho rằng những cử động của người này lúc bấy giờ đều do thần sai khiến. Chữ "nữ thi" ở đây ý nói là người để cho Ngư Nương sai khiến.
[9]: Ẩm tháo diệc túy (飲糙亦醉), nghĩa đen là ăn bánh bột cũng say, dựa theo điển tích về Tô Ngũ Nô (蘇五奴). Tương truyền Tô Ngũ Nô có vợ đẹp, người ta thường cho y uống say để trêu vợ y. Một hôm, có nhiều người mời y uống rượu, y nói: "Cứ cho ta nhiều tiền, thì bánh bột ăn cũng say, không cần phải rượu". Về sau, câu "Ăn bánh bột cũng say" được dùng để ám chỉ người tham tiền.
[10]: Giáp (甲) ở đây là một đơn vị hành chính thời Trần, tương đương với cấp thôn ngày nay. Thông thường, một giáp bao gồm khoảng 10 hộ dân, đứng đầu là giáp thủ.
[11]: Sông Nhị, tức Nhĩ Hà (珥江) là một tên gọi từng tồn tại trong lịch sử của sông Hồng ngày nay. Tên gọi này ra đời để giải thích đặc điểm “nước chảy vòng quanh như hình cái vành tai” của con sông này.
[12]: Đoài hồ (兑湖) tức Hồ Tây. Khi Chúa Trịnh Tạc (鄭柞) được phong tước Tây vương, địa danh có chữ Tây bị ông ra lệnh đổi thành Đoài (quẻ Đoài thuộc phương Tây – ý nghĩa như nhau, âm và chữ khác nhau) như Sơn Tây gọi thành Xứ Đoài, bởi vậy nên Tây Hồ được gọi là Đoài Hồ. Nhưng cái tên Đoài Hồ không tồn tại lâu, đến hết đời chúa Trịnh Tạc dân ta gọi lại như cũ là Hồ Tây. Dựa trên tên gọi của Hồ Tây trong tác phẩm này, có thể phỏng đoán văn bản đã bị chỉnh sửa bởi người đời sau thay vì là nguyên tác của Lê Thánh Tông.
[13]: Thái Công: tức Khương Tử Nha (姜子牙), là khai quốc công thần nhà Chu và là vị quân chủ khai lập nước Tề tồn tại từ thời Tây Chu đến thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Tương truyền, khi chưa ra giúp Văn Vương thì Khương Tử Nha đi câu ở trên sông Vị Thủy, nhưng chỉ dùng lưỡi câu thẳng.
[14]: Tử Lăng: tức Nghiêm Quang (嚴光), bạn của Hán Quang Vũ Đế (漢光武帝) thời Đông Hán. Khi Hán Quang Vũ Đế lên ngôi, mời Tử Lăng ra làm quan, nhưng ông từ chối, trở về đi câu ở bến sông Đồng Giang. Sau này, vua có mời thêm nhiều lần nhưng Tử Lăng đều từ chối.
[15]: Kim Cốc (金谷), tức chỗ ở của Thạch Sùng (石崇), một quan lại nổi tiếng xa hoa giàu có dưới thời nhà Tây Tấn. Ở đây ý chí chỗ ở của người nhà giàu.
[16]: Chu môn: cửa son, ý nói người giàu sang quyền quý.
[17]: Điển tích "Người bán cam": Lưu Bá Ôn (劉伯溫), Tể tướng nhà Minh một lần nọ mua được quả cam bên ngoài rất đẹp nhưng trong thì khô nát. Ông liền gọi người bán cam trách rằng: "Cam nhà ngươi ngoài như vàng ngọc mà trong như bông nát". Người bán cam trả lời rằng: "Trong đời còn vô số người ngoài như vàng ngọc, trong như bông nát, sao ngài không nói, mà chỉ nói đến cam tôi?".
[18]: Lâm Cùng, tức khu Lâm Cùng (临邛) của đất Thục (蜀); nay là Cung Lai, Tứ Xuyên. Nơi này từng là chỗ ở của tài nữ Trác Văn Quân (卓文君), nhưng sau Trác Văn Quân bỏ nơi ấy, đi theo chàng Tư Mã Tương Như (司馬相如).
[19]: Không rõ ở đây là họ Đàm hay có nghĩa nào khác. Sẽ bổ sung sau khi tra cứu hoàn tất.
[20]: Xưa ở Cổ Phong huyện (古豐县) thuộc Từ châu (徐州) (nay thuộc Giang Tô, Trung Quốc), có một thôn gọi là Châu Trần (朱陳). Sở dĩ có tên như thế là bởi trong thôn chỉ có hai họ Châu (朱) và Trần (陳), đời đời kết làm thông gia với nhau. Do đó về sau người ta dùng hai tiếng Châu Trần để chỉ những cuộc hôn nhân tốt đẹp, vợ chồng xứng đôi vừa lứa .
-Theo Thánh Tông di thảo -
(Hết phần 2)
#Backturn

Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Mr.Backturn

1/ “ Cuối niên hiệu Nguyên Phong thời Trần, ở Mai châu xuất hiện yêu nữ”:
- > Năm cuối niên hiệu Nguyên Phong là năm 1258 ( cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần 1). Yêu nữ chết vào năm này.
2/ “ Lương nhân có biết cho?
Ngư ông khắp đất một sông hồ
…
Lục giáp, lục giáp, gặp chồng xưa.”.
- > Lời bài hát cho thấy yêu nữ và chồng mình chia lìa, đến chết vẫn chưa đoàn tụ.
- > Người chồng trong lời hát gắn liền với sông nước.
3/ Năm 1475, yêu nữ hoá thành một cô gái 16 tuổi, rất đẹp, hát hay. Đến xin ở vào một nhà hát ở Thăng Long.
- > Đây có thể là hình dạng thật của cô ta trước khi chết.
4/ Khi nói với chủ nhà hát, cô ta kể: “ Tôi mồ côi từ tấm bé, phải nương tựa chị gái, vì anh rể là người khinh bạc, nên phải trốn đến đây.”.
5/ Cô ta xưng mình tên là Ngư Nương. “ Ngư” nghĩa là cá, “ nương” trong chữ “ nương tử”. Người làng “ Văn Mộc” vốn là chiết tự chữ “ Mai”.
- > Đây là tên thật của yêu nữ. Cô ta cũng nhận Mai châu chính là quê hương mình.
6/ Người đàn ông rách rưới đến nhà hát, tự xưng là Lương Nhân.
7/ Lương Nhân bảo nhà mình ở giáp thứ sáu, bên tả có mạch tốt của sông Nhị, bên hữu có khí thiêng của Hồ Tây.
- > Không rõ “ giáp thứ sáu” là gì, nhưng có thể hiểu nhà Lương Nhân ở đâu đó giữa con sông Nhị Hà và Hồ Tây.
8/ Lương Nhân khinh thường các cô gái điếm là “ ăn bánh bột cũng say”, lại bảo mình theo dấu Thái Công, Tử Lăng.
- > Lương Nhân là người trọng nghĩa khinh tài, có chí muốn ở ẩn, không thích làm quan.
9/ Lời Ngư Nương hát khi đoàn tụ:
“ Lang quân hỡi lang quân
Cách biệt ba mươi xuân.
…
Lâm Cùng từ đi ai người thân?”
- > Hai người cách biệt nhau 30 năm. Lại có tình nghĩa chung thuỷ như Trác Văn Quân và Tư Mã Tương Như đời Hán ( đọc bài Bạch Đầu Ngâm).
------------------
Xâu chuỗi thông tin và giả thuyết:
Dựa theo những thông tin vụn vặt trong truyện, thì có thể giả thuyết cuộc đời yêu nữ như sau:
Một mối tình kéo dài 200 năm.
Yêu nữ sinh khoảng năm 120X. Cô ta vốn quê ở Mai châu ( không rõ ở đâu), khi sinh ra có tên là Ngư Nương. Có lẽ gia đình vốn làm nghề chài lưới hoặc liên quan đến cá, nên mới đặt tên cô như vậy.
Khoảng những năm 121X – 122X, lúc này nước ta đang thời nội chiến cuối nhà Lý. Ngư Nương được 16 tuổi, rất đẹp, hát hay, nhưng mồ côi cha mẹ, phải sống tạm ở nhà chị gái đã có chồng. Gã anh rể thấy cô đẹp nên định hãm hiếp. Nương bỏ chạy, lưu lạc vào nhà chứa. Tại đây, trong một lần tiếp khách, Ngư Nương gặp một người đàn ông tự xưng là Lương Nhân ( “ người hiền”).
Người đàn ông này là kẻ có tiền, kiêu ngạo, trọng nghĩa khinh tài, có tư tưởng bất đắc chí. Anh ta tự ví mình như Khương Tử Nha đời Chu, Nghiêm Quang đời Hán, do chưa tìm được chân chúa để thờ nên vẫn sống ở ẩn. Điều này rất phù hợp với bối cảnh nội chiến đương thời. Lương Nhân tự xưng mình là người hiền, phỉ báng các gái điếm là người ham tiền tài mà coi thường luân lí. Nếu hiểu rộng ra, nó còn thể hiện sự bất mãn của anh ta với thời thế lúc bấy giờ.
Vì một số lý do không rõ, Ngư Nương và Lương Nhân phải lòng nhau, rồi trở thành vợ chồng. Hai người có lẽ có một thời gian ngao du sông hồ, như lời hát của Nương “ Ngư ông khắp đất một sông hồ”. Ước mơ của Nương là được mặc áo đẹp đi chơi kinh thành Thăng Long một lần. Không rõ đó là một kỷ niệm đẹp giữa hai người, hay chỉ là một ước mơ chưa bao giờ thành hiện thực.
Dù sao đi nữa, vào năm 1228 ( nội chiến vừa kết thúc được 3 năm), vì một lí do gì đó mà Nương và Nhân lạc nhau. Từ đó, Ngư Nương đi tìm chồng suốt 30 năm, cho đến khi chết vào năm 1258. Không rõ bà chết vì già, hay chết trong đám loạn quân thời đó. Sau khi chết, Ngư Nương hồn phách không tan, trở về Mai Châu chờ chồng suốt 200 năm. Khi Lê Thánh Tông lúc còn hàn vi, đem kiếm thần Thánh Gióng đến đuổi, bà mới lánh ra sông đầm rồi vào tạm nhà chứa ở, vô tình gặp lại Lương Nhân ở đó.
Truyện nói Ngư Nương tháo ngọc bích đem tặng chủ nhà chứa cùng với một số vàng. Không rõ ngọc bích có phải là một kỷ vật gì của bà hay không.
* Cũng có thể giả thuyết Ngư Nương ( vợ người ngư nhân) là tên mà yêu nữ tự đặt, để tỏ mình là vợ Lương Nhân. Theo thuyết này thì cái tên Ngư nương lại giúp làm rõ xuất thân của Lương Nhân.
Đây có lẽ là câu chuyện xưa nhất của người Việt có phong cách kiểu bẻ vụn thông tin rồi bắt người đọc tự ghép lại.
Cre: Phach Ho Nguyen
- Báo cáo