[Nghe bản audio bài dịch này tại đây]
Vài năm về trước, đứa em họ phiền muộn tới tìm tôi. Em họ tôi muốn thôi việc tự mình lập nghiệp, nhưng cả nhà đều phản đối.
Hoàn cảnh gia đình nhà đứa em họ tôi không khá giả lắm, thậm chí có phần kém hơn nhưng người thì rất chăm chỉ cần cù, chỉ là không thi đỗ đại học, nên phải tự thân đi tìm đơn vị thực tập. Có lẽ do vì chất phác hiền lành nên thuận lợi được cất nhắc lên vị trí chủ nhiệm nhưng do vấn đề học vấn, nên cơ hội thăng chức cũng không quá lớn.
Mọi người trong nhà đều yên tâm về em ấy, là đứa con đứa cháu sống an ổn, an phận qua ngày.
Sau khi làm chủ nhiệm được một năm, em họ tôi thấy mỗi tháng cầm trong tay bảy, tám nghìn tệ, vậy sống như thế có thể nhìn thấy kết cục rồi, đoán chừng cũng chỉ có thể sống tốt hơn bố mẹ ngày trước một chút, em ấy không mong muốn chỉ sống như vậy một đời, nhưng không có ai ủng hộ em ấy lập nghiệp, hơn nữa là chuyện liên quan đến vận mệnh cả đời. Ban đầu nhà em ấy có nợ một khoản tiền, tiền lương mấy năm nay của người em họ đều đem đi trả nợ, ngoài trong tay còn hai ba nghìn tệ, cũng chẳng còn gì cả.
 Cô chú cho rằng, nhà cửa gia đình mới tốt lên một chút, tại sao mà phải lăn lộn như thế. Bọn họ sợ nghèo lắm rồi. Mà em họ tôi cho rằng, nếu không nghĩ tới việc thay đổi, ngày tháng của gia đình vĩnh viễn sẽ như này mãi. Hai bên cứ căng thẳng mãi không thôi.
Tôi hỏi em ấy, thế em thôi việc thì sau định làm gì?
Em ấy nghĩ một hồi rồi nói cho tôi biết, em muốn mở một siêu thị rau củ quả sạch thuần tự nhiên, trước mắt, phân loại khách hàng, định vị khách hàng, định giá sản phẩm, nguồn hàng, vị trí địa điểm, phương thức vận chuyển v..v...đều nói cho tôi nghe một lượt, nói đầy đủ tới hai tiếng đồng hồ.
 Tôi ngạc nhiên vì em họ tôi đã chuẩn bị cho việc này nhiều như vậy, hơn nữa lại chuẩn bị vô cùng chu đáo kĩ lưỡng.
Em ấy phiền não nói với tôi: “Chị, chỗ chị em mình ở là thành phố duyên hải phát triển, điều kiện cuộc sống đều khá ổn, cho nên việc an toàn thực phẩm trong tương lai sẽ là vấn đề mọi người đều quan tâm, chỉ cần nguồn hàng an toàn, sau đó dùng hết sức kinh doanh, nhất định sẽ không có bị thiệt. Nhưng mà cha mẹ gan quá nhỏ, luôn cho rằng lập nghiệp sẽ dẫn đến tán gia bại sản".
Thấy vẻ mặt thể hiện khao khát thực hiện giấc mơ của em ấy mà phấn khích, tôi cho rằng anh chàng thanh niên này với cô chú sẽ sống cuộc sống không giống nhau, tương lai nhất định sẽ có thành tựu. Lúc đó tôi chưa kết hôn, đi làm ở công ty, bình thường cũng viết lách một chút, thu nhập cũng không quá cao, nhưng tiết kiệm vài năm cũng được một khoản tiền.
Tôi dành ra một ít tiền cho sinh hoạt hằng ngày rồi đem tất cả khoản tích góp ra đưa cho đứa em tôi, cổ vũ em tôi lập nghiệp, nếu không đủ thì tìm cách khác nghĩ tiếp.
Lúc đó, em họ nói với tôi: “Chị, lập nghiệp nguy hiểm, em không dám đảm bảo sẽ 100% thành công, nhưng nếu như thất bại, em sẽ quay trở lại đi làm tiếp, cũng sẽ đem tiền trả lại chị”
Thái độ của em ấy như vậy, tôi nghĩ rằng khả năng thất bại sẽ không cao.
Nhưng động thái này khiến cho cả họ như bị chọc phải tổ ong. Đầu tiên cô chú tới nhà tôi, trách tôi là em ấy còn trẻ không hiểu chuyện, tôi cũng nhắm mắt làm loạn theo, nếu như em tôi làm ăn thất bại, tiêu sạch hết tiền vốn, đến lúc đấy đừng có mà mong bọn họ sẽ thay em tôi trả tiền.
Sau đó bên đằng nhà tôi, trách chúng tôi cánh còn chưa cứng đã quyết định việc trọng đại như thế, đã biết việc này cả nhà đều không đồng ý, mà vẫn cứ làm, đặc biệt là tôi, cho em nó mượn tiền mà không làm được gì tốt, để người ta tới tận cửa oán trách, có phải đầu óc hỏng rồi không.
Ấn tượng sâu đậm nhất lúc đó là mấy người thanh niên chúng tôi túm lại tranh luận kịch liệt với người lớn trong nhà.
Người lớn đều cường điệu nhấn mạnh “Chúng ta cũng chỉ vì tốt cho con/cho cháu thôi”
Tôi hỏi ngược lại: “Các cô các chú đều là người thân, tất nhiên chúng cháu biết mọi người đều muốn tốt cho bọn cháu, và tất nhiên sẽ không bao giờ hại bọn cháu. Nhưng mà, bọn cháu cũng vì muốn có cuộc sống tốt hơn, lẽ nào chúng cháu sẽ tự đi hại bản thân mình sao?”
Một người nói: “Các cháu đương nhiên sẽ không hại mình, nhưng chúng cháu lại không có kinh nghiệm cuộc sống, biết cái gì chứ? Có chuyện vẫn nên nghe lời người lớn”
Năm đó còn trẻ, tôi mạnh miệng chỉ ra: “ Những câu không tốt thì mọi người để lại tới kết quả sau cùng mà nói cũng được, nếu như theo logic của mọi người, bọn cháu chẳng có kinh nghiệm cuộc sống gì, chuyện gì cũng nghe theo mọi người, thế thì về sau, chúng cháu sẽ không biết sống như nào hay sao? Nếu như mọi người thực sự muốn tốt cho chúng cháu, có phải nên cho chúng cháu rèn luyện năng lực sống độc lập tự chủ hay không?”
Mọi người không còn lời nào để nói, nhưng vạn lần đừng có hiểu là bọn họ thừa nhận việc của chúng tôi là đúng, chỉ là họ đành chịu, không biết nói làm sao.
Muốn người lớn trong nhà thừa nhận con cháu mình đã trưởng thành độc lập quả là một việc không dễ dàng gì. Tác dụng của lần tranh luận này, không phải là để đạt được sự thừa nhận của bọn họ , mà để bọn họ nhận thức được một điều: Con cháu đã lớn rồi, sẽ không nghe theo bọn họ mọi điều.
Trong khoảng thời gian dài đó, người lớn trong nhà đối với chúng tôi đều có thành kiến.
Em họ tôi dành một khoảng thời gian sắp xếp chuẩn bị, thuận lợi khai trương siêu thị. Trước đó em ấy đã chuẩn bị khoản lỗ trong 6 tháng, nhưng việc kinh doanh này khiến mọi người đều yêu thích, có rất nhiều gia đình quan tâm, vì sức khoẻ vì con cái, bỏ thêm một chút tiền cũng đáng giá, nhưng mà bây giờ có quá nhiều thương buôn nhân danh hoa quả hữu cơ mà giở trò mánh lới kiếm tiền.
Để đạt được lòng tin của mọi người, em ấy tổ chức cho mọi người chuyến đi về thôn quê, đưa mọi người đi tham quan nông trường, đi thăm vườn rau, trải nghiệm vui thú đi câu. Việc làm này đem đến cho chủ nông trại và chủ vườn quả không ít cơ hội làm ăn, khiến cho em ấy lấy được hàng với giá ưu đãi hơn, cũng khiến cho khách hàng buông bỏ được hoài nghi. Theo sự truyền miệng của mọi người, việc làm ăn rất nhanh phất lên, đến cuối quý đầu tiên đã có lãi rồi.
Một năm sau, siêu thị của em tôi đã có một tập khách hàng trung thành cố định, ban đầu chỉ là một siêu thị không gian nhỏ, sau đó phát triển thêm hai gian. So với các bạn bè cùng lứa, em ấy là người phát triển thành công nhất.
Lúc này, người lớn trong nhà trước kia có chỉ trích chúng tôi, dù vẫn không có thừa nhận “sự hợp lý” của chúng tôi (Có lúc, thực sự cảm thấy người lớn rất thú vị, cảm giác như để họ thừa nhận sự dứt khoát kiên quyết và năng lực của thế hệ sau hơn bọn họ như là đòi mạng họ vậy), nhưng thỉnh thoảng trong lúc nói chuyện, đã có khen ngợi qua, người cô lúc đầu phản đối tôi cho mượn tiền, không giấu nổi sự đắc ý nói với tôi: “Các cháu Tình Tình à, đúng là có mắt nhìn một chút, điểm này thì giống cô đấy”
Bố mẹ của em họ tôi mỗi lần ra ngoài, mỗi lần nghe người khác khen “Anh chị quả là nuôi được một đứa con tốt” thì mặt mũi không giấu được vẻ tự hào. Bây giờ, bố mẹ em ấy xung phong đảm nhận giúp đỡ em tôi một tay. Mấy năm nay mỗi lần em tôi đưa ra bất kì quyết định gì, dù cho người lớn vẫn theo thói quen nghi ngờ nhưng phản đối ít hẳn lại.
Câu chuyện này tôi viết ra với mong muốn gửi tới các bạn trẻ, vấn đề của bạn có thể giống với em họ tôi năm đó, bạn hỏi tôi nếu như từ chức rồi, bố mẹ sẽ đau lòng, vậy chính là bạn bất hiếu, nhưng bạn không muốn làm công việc không yêu thích, vậy nên làm như thế nào mới tốt đây?
Vậy chúng ta cùng thử quan sát những người quanh mình nhé: Dù cho làm bất kì chuyện gì, bố mẹ đều sẽ kịch liệt phản đối, đa phần là kiểu con cái được cha mẹ bảo bọc. Trong mắt cha mẹ, bạn sẽ không bao giờ khôn lớn, bạn luôn luôn không có năng lực làm chuyện gì, tất cả suy nghĩ của bạn đều rất ấu trĩ không có tính thực tế. Mà những đứa con từ nhỏ đã độc lập có chủ kiến, làm việc nghiêm túc chăm chỉ, bố mẹ thường sẽ ít khi can thiệp, phản đối, khi con trẻ đặc biệt có triển vọng, thường là bố mẹ sẽ quay trở lại nghe con mình.
Sau đó chúng tôi hiểu ra, như thế nào mới là hiếu thảo thực sự.
Trong cuốn Kinh Lễ có viết: đại tôn tôn thân, kì thứ phất nhục, kì hạ năng dưỡng (*). Nói một cách đơn giản thì, hiếu thuận nhất chính là phẩm hạnh và thành tựu xuất chúng của con cái khiến cho cha mẹ có được sự tôn kính của người khác, sau đó hiếu thuận thứ nhì là lời nói và hành động của con cái không khiến cho cha mẹ bị người khác sỉ nhục lăng mạ, phụng dưỡng cha mẹ chỉ ở tầng thấp nhất của sự hiếu đạo mà thôi.
(*) Ý nghĩa: Đại hiếu là tôn trọng cha mẹ, thứ đến là không làm nhục cha mẹ, thấp nhất là nuôi được cha mẹ. (Kinh Lễ là một trong Ngũ Kinh).
Hiếu thuận chân chính chưa bao giờ nhấn mạnh con cái bắt buộc phải nghe lời bố mẹ, cũng không giao cho cha mẹ quyền lợi này, đó chẳng qua là vì người đời sau thêm thắt và bóp méo.
Có rất nhiều cha mẹ đã “ác hoá” hai chữ hiếu đạo này để trở thành công cụ khống chế tự do, ý chí và cuộc đời con trẻ, cũng có quá nhiều đứa con hiểu sai về sự hiếu thảo, cho rằng hiếu thuận là mọi chuyện phải theo ý bố mẹ, kết cục thì ai ai cũng khổ.
Đối xử với cha mẹ, chúng ta nên hiếu mà không thuận, tôn trọng lựa chọn của cha mẹ, tôn trọng cuộc sống của bố mẹ. Lúc bố mẹ già đi có thể chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ nhưng tuyệt đối không bao gồm đem quyền được lựa chọn cuộc sống của bản thân hoà vào làm một.
Ngoài ra, tôi không thể không nói cho bạn biết một sự thật: Khi bạn đang phân vân rốt cuộc nên nghe lời cha mẹ hay thuận theo ý mình, thực sự hiếu thảo hay không hiếu thảo không liên quan đến nhau, mà là bạn không có lòng tin vào lựa chọn của bản thân, bạn sợ sau này lựa chọn của bản thân là sai lầm, mất đi sự cổ vũ và hài lòng của bố mẹ, rơi đến tình cảnh mọi người cô lập xa lánh mới là nguyên nhân đau khổ của bạn.
Giả sử bạn vô cùng kiên định vào lựa chọn của mình, bạn vốn dĩ cũng chẳng có những sự phiền phức này xuất hiện trong đầu, bạn sẽ có sự dũng cảm mạnh mẽ kiên trì vào lựa chọn của bạn bởi vì bạn biết rằng, chỉ cần mình hạnh phúc, thành công, dù cho ban đầu cha mẹ có phản đối, thì họ vẫn sẽ vì bạn mà vui vẻ, tự hào, nếu không, họ không thực sự thương bạn đâu.

Tác giả (作者): Vãn Tình (晚情)
Người dịch (译者):Thanya