TÀN TÍCH CỦA KHAI MINH
Chưa bao giờ, nhân loại tiến đến một nền “văn hóa toàn cầu” gần như hiện nay. Quần jeans, nhạc rock, nước ngọt Coca-Cola – những thứ...
Chưa bao giờ, nhân loại tiến đến một nền “văn hóa toàn cầu” gần như hiện nay. Quần jeans, nhạc rock, nước ngọt Coca-Cola – những thứ vụn vặt thôi, nhưng lại mang tính phổ quát toàn cầu, và dù bạn có là người da đen ở Zimbabwe hay người Anh-điêng ở Colorado, thì hẳn bạn phải nghe qua mấy danh từ này một vài lần. Hơn 56% dân số toàn cầu sống tại các đô thị; tỷ lệ này ở Bắc Mỹ là 83.6%, ở Mỹ La-tinh là 81.2%, và ở châu Âu là 74.9%. Người ta nói về khoa học và lý tính như là cứu cánh duy nhất của nhân loại; và họ nói về các giá trị: Quyền tự do, nhà nước dân chủ, chủ nghĩa thế giới, tổ chức quốc tế, chủ nghĩa hòa bình, và thị trường tự do như những giá trị đương nhiên, hoàn vũ, và bất khả xâm phạm. Nhân loại đang giàu có hơn bao giờ hết, an toàn hơn bao giờ hết, và hòa bình hơn bao giờ hết; và mỗi cá nhân đều được giải phóng khỏi xiềng xích của những bạo chúa cổ xưa và bóng tối của u mê và ngu muội. Loài người, với lý tính và tính khoa học của mình, đã và đang xây dựng một nền văn minh rực rỡ hơn bất cứ thời đại nào khác trong lịch sử ngắn ngủi của nhân loại. Hoặc là, đó là những gì mà các tín đồ của “nền văn minh Tây phương” – dùng một cách vô cùng dè dặt, để chỉ về nền văn minh có nguồn gốc từ Ki-tô giáo, chịu sự ảnh hưởng của nền văn minh Hy Lạp cổ đại và được hồi sinh bởi Kỷ nguyên Lý trí và Khai Minh – muốn bạn tin. Thời kỳ Khai Minh có thể không có một mốc thời gian bắt đầu và chấm dứt rõ ràng, không có một hệ tư tưởng xuyên suốt và nhất quán, song tàn tích của nó sau hơn hai trăm năm vẫn còn tồn tại trong xã hội hiện đại, và gây ra những phiền phức không hề nhỏ cho tiến trình văn minh của chúng ta. Trong bài viết này, tôi sẽ chọn ra ba tàn tích nổi bật nhất để thảo luận: Chủ nghĩa tự do lạc quan, chủ nghĩa cá nhân cực đoan, và chủ nghĩa hợp tác và hòa bình toàn cầu.
TỰ DO LẠC QUAN, DUY LÝ VÀ DUY KHOA HỌC
Không thể phủ nhận những gì khoa học-kỹ thuật đã đóng góp cho nhân loại. Khoa học-kỹ thuật đã cho phép con người làm những điều mà năm, mười thế hệ trước đã không thể tưởng tượng ra: Liên lạc tức thời với người khác cách nửa vòng trái đất, trí thông minh nhân tạo đưa ra quyết định sáng suốt hơn cả con người, hệ thống hậu cần giúp lưu thông người và hàng hóa toàn cầu trong vài ngày, thám hiểm và khám phá trong và ngoài hệ mặt trời, và nhiều hơn nữa. Kèm theo sự phát triển về khoa học kỹ thuật là sự cải thiện chất lượng cuộc sống. Tất cả những “thước đo hạnh phúc” mà những người theo chủ nghĩa tự do lạc quan như Steven Pinker dùng: Tuổi thọ trung bình, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, GDP đầu người, tỷ lệ nghèo đói, tỷ lệ tội phạm, số người chết vì chiến tranh, v.v... đều cải thiện rõ rệt trong vòng nửa thập kỷ đổ lại(3). Vì lẽ đó, không gì lạ khi những người theo chủ nghĩa tự do lạc quan đã cho rằng chỉ có lý tính và khoa học có thể dẫn con người đến một xã hội văn minh hơn, dân chủ hơn; chủ nghĩa duy khoa học cho rằng chỉ có khoa học mới mang lại câu trả lời cho mọi vấn đề của nhân loại; và chủ nghĩa duy lý cho rằng chỉ có thông qua lý tính con người mới có thể đạt được kiến thức – nguồn sống của khoa học. Kiến thức, do đó, là phạm trù độc quyền của lý trí và khoa học, và triết học, văn học, mỹ học đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu trong việc tìm kiếm Sự thật. Người ta áp dụng các công thức toán học và đề ra các lý thuyết khoa học thực chứng để giải quyết các vấn đề xã hội: Chính trị, chiến tranh, tôn giáo, sắc tộc, kinh tế, khoảng cách giàu-nghèo, v.v...
Tuy nhiên, khoa học và lý tính đơn thuần trong thực tế đã không đủ để giải quyết những vấn đề sống còn của nhân loại. Con người, suy cho cùng, vốn dĩ là phi lý. Lý tính đã không thể ngăn cản họ phát động những cuộc chiến tranh giết chóc hàng triệu người vô tội để phục vụ cho lý tưởng vặn vẹo của họ. Khoa học chỉ cung cấp thêm công cụ giết người hàng loạt, và đặt nó vào tay một số ít cá nhân mà cơn thịnh nộ của họ có thể xóa sổ cả thế giới. Tuổi thọ trung bình được kéo ra, nhưng kèm theo đó là hàng loạt vấn đề về phát triển bền vững, khi mà nền kinh tế hiện đại cho phép những người về hưu “mượn” của cải tương lai để sử dụng, và thế hệ tương lai ngày một teo tóp lại phải gánh chịu những món nợ dai dẳng mà thế hệ hiện tại đang vay mượn và tiêu dùng vô hạn độ. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thấp xuống, song giềng mối gia đình lại ngày càng mờ nhạt hơn, và càng ngày càng có ít người thành thị sẵn sàng cho những chi tiêu khổng lồ đi kèm với việc nuôi dạy một đứa trẻ. GDP và GPP, dưới lớp vỏ bọc thước đo sự phát triển và văn minh, đã khiến các quốc gia bất chấp mọi giá về môi trường, con người, và tài nguyên, để tăng trưởng GDP với tốc độ chóng mặt. Tỷ lệ nghèo đói giảm, nhưng những người thoát ra khỏi mức “cực nghèo” kia lại trở thành những cỗ máy vô hồn, vô danh và dễ dàng vứt bỏ để phục vụ cho bộ máy kinh tế tư bản hậu kỳ. Tỷ lệ tội phạm giảm, nhưng cái giá là một bộ máy nhà nước có hình thức tháp toàn thị (panopticon) kiểm soát mọi mặt của con người, từ suy nghĩ đến hành động. “Tội phạm” là bất kỳ kẻ nào đe dọa sự bền vững của chế độ; trong khi sức khỏe tinh thần bị đầu độc bởi sự giải trí vô hạn độ được thiết kế tinh vi để biến con người thành những kẻ phục tùng vô điều kiện cho chế độ đương thời. Số người chết vì chiến tranh giảm đi; song sự hòa bình cưỡng ép do một nền văn minh dùng vũ lực áp đặt lên toàn bộ phần còn lại của thế giới đã tạo ra những vết nứt ngày một sâu hơn, thậm chí là không thể hàn gắn được. Tệ hơn thế nữa, những người theo chủ nghĩa duy lý và duy khoa học luôn đòi hỏi những “sự thực” và “số liệu” để bảo vệ cho sự lạc quan tếu của họ, thay vì nghiêm túc đối thoại về khủng hoảng tồn tại mà con người đang đối mặt.
Có thể nói, khoa học-kỹ thuật đã tạo ra lượng vấn đề nhiều tương đương với những vấn đề nó giải quyết. Việc chỉ ra những vấn đề mà khoa học-kỹ thuật chưa giải quyết được ở đây không phải nhằm mục đích hạ thấp uy tín và làm xói mòn lòng tin vào lý tính và khoa học-kỹ thuật, mà để chỉ ra rằng: Trong nhiệm vụ đi tìm Chân lý, và trong việc đảm bảo sự sống còn của nhân loại, chỉ có lý tính khoa học-kỹ thuật là không đủ. Nhân loại có nhiều lý do để bi quan; và chừng nào chúng ta còn đắm chìm trong ảo tưởng dùng lý tính và khoa học như một thứ thuốc trị bách bệnh, chừng đó chúng ta còn lạc lối trong việc giải quyết những vấn đề thực sự quan trọng với sự tồn vong của nhân loại.
CHỦ NGHĨA HỢP TÁC VÀ HÒA BÌNH TOÀN CẦU
Lý thuyết mà phe tự do lạc quan đưa ra, thoạt chừng nghe thực thuyết phục: Hợp tác và hòa bình toàn cầu. Làm sao có thể không hấp dẫn cơ chứ, khi mà những cuộc chiến tranh đẫm máu vô nghĩa trở thành dĩ vãng; và loài người, bất kể màu da, chủng tộc, tôn giáo đều có thể chung sống hòa bình và hợp tác với nhau trong một ngôi nhà chung: Địa cầu. Trong thực tiễn, chủ nghĩa hợp tác và hòa bình toàn cầu này mang lại hai vấn đề lớn:
Thứ nhất, chủ nghĩa hợp tác toàn cầu đã mang lại rủi ro sập đổ văn minh nhân loại trên phạm vi toàn cầu. Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại, sự tham lam của một nhóm nhỏ chóp bu ở đầu này thế giới lại có thể trực tiếp và nhanh chóng mang lại khủng hoảng kinh tế, chính trị, và nhân đạo cho những người dân cần lao ở đầu kia của thế giới như trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Mười hai năm sau, sự luân chuyển con người và hàng hóa với cường độ dày đặc khắp thế giới đã gián tiếp tiếp tay cho đại dịch COVID-19 phát tán và gây ra thiệt hại khủng khiếp về người và của. Đó là những ví dụ có thể nhìn thấy được, và đã xảy ra. Trong tương lai, những biến cố tương tự sẽ tiếp tục xảy ra và ngày càng trầm trọng hơn; khi mà nền kinh tế toàn cầu mang tính tương liên ngày một chặt chẽ hơn. Trong quá khứ, nền kinh tế của một quốc gia phần đa bị giới hạn bởi dân số và tài nguyên của quốc gia đó. Tuy nhiên, Cách mạng công nghiệp ở châu Âu đã mang lại sự cải tiến năng suất đáng kể, và kèm theo đó là nhu cầu phát triển thị trường của các nhà tư bản. Giao thương quốc tế trở nên đặc biệt quan trọng; và Chủ nghĩa Đế quốc đã sử dụng chiêu bài khai hóa để mang “ánh sáng” của Khai Minh đến với các nền văn minh khác, mà thực chất là bóc lột tài nguyên, nhân công, và khai thác thị trường tiêu thụ mới(4). Giao thương quốc tế trở thành một thông lệ mới, thay vì là một sự đặc cách được xem xét theo từng trường hợp; và những quốc gia nào từ chối giao thương quốc tế sẽ phải nhận lấy những bất lợi nặng nề, đôi khi kèm theo cả sự trừng phạt về quân sự (như cách mà phương Tây đã ép Trung Quốc và Việt Nam phải mở cửa). Giờ đây, nền kinh tế toàn cầu đã hòa chung một nhịp thở; trong đó sức ảnh hưởng của các nền kinh tế “Anh bán cầu” (bao gồm Mỹ và các đồng minh châu Âu) là áp đảo tuyệt đối, và các quốc gia còn lại phải chơi một cuộc chơi bất công với luật chơi do phe Anh bán cầu đặt ra, và cũng chính họ làm trọng tài. Điều này đồng nghĩa với việc quỹ đạo và thành bại của cả một nền kinh tế thế giới phụ thuộc vào quỹ đạo và sự thành bại của một số ít quốc gia; mặc cho những quốc gia khác có đồng ý với cuộc chơi và luật chơi đó hay không. Đây chính là nguy cơ hệ thống của chủ nghĩa hợp tác toàn cầu.
Thứ hai, chủ nghĩa hòa bình đã trở thành công cụ đắc lực của nhà cầm quyền để nhổ nanh vuốt của các nhà cách mạng trên khắp thế giới. Nếu bạn nhìn gọn trong một quốc gia, thì nhà nước chính là kẻ nắm giữ độc quyền bạo lực. Bất kỳ ai chống lại nhà nước sẽ gặp phải sự đáp trả mau chóng và tàn bạo, hòng giữ lấy sự ổn định và đảm bảo an nguy cho nhà nước đó. Trên trường chính trị thế giới cũng như vậy: Chỉ có phe Anh bán cầu được phép đáp trả bằng bom đạn đối với bất cứ nhà nước nào đe dọa sự thống trị của họ; và những kẻ muốn thiết lập một trật tự khác đi ở chính quốc gia của họ là những kẻ khủng bố, những tên diệt chủng, và những phiến quân khát máu. Dưới chiêu bài “hòa bình”, họ đã bất hợp pháp hóa tất cả mọi nỗ lực thiết lập lại một thế giới không-có-Mỹ. Tệ hơn nữa, chiêu bài “hòa bình” cũng được sử dụng để làm mất đi ý chí chiến đấu và cách mạng của một bộ phận rất lớn người dân trong chính các quốc gia ấy. Một bộ phận rất lớn người dân (Mỹ chẳng hạn) rất bằng lòng với việc than vãn và cằn nhằn về tình trạng khốn khổ của họ dưới nền kinh tế tư bản hậu kỳ; song rất ít trong số họ có dũng khí đứng lên để chống lại sự cân bằng đó. Những phong trào như Occupy Wall Street hay Black Lives Matter nhanh chóng bị truyền thông bóp méo và làm mất đi uy tín; những vụ thổi còi đình đám như Wikileaks, Panama Papers hay gần đây nhất là Pandora cũng sẽ sớm chìm vào quên lãng mà không có một hành động phản kháng cụ thể nào từ đám đông. Sự nô lệ thân xác là quá khứ thuộc về tư bản sơ kỳ; sự nô lệ cả về tâm trí và suy nghĩ mới là đặc điểm nổi bật nhất của nền tư bản hậu kỳ với sự hỗ trợ vô cùng đắc lực của phe Khai Minh.
CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN CỰC ĐOAN
Cùng với sự phát triển của khoa học-kỹ thuật và mức sống tăng cao, những người phái Khai Minh đã đưa khái niệm “tự do” đến một cực mới: Chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Không khó để nhận ra những người theo chủ nghĩa này: Họ cho rằng thành công của họ là đến từ nỗ lực và tài năng của riêng họ, và những ai chưa thành công cần phải “tự nắm lấy dây giày và kéo mình lên”; họ chỉ ủng hộ những dự luật nào có lợi cho lợi ích trực tiếp và trước mắt của họ và bỏ qua tất cả những luật lệ hướng đến một xã hội công bằng và văn minh hơn; họ từ bỏ các giềng mối xã hội truyền thống như cộng đồng và gia đình, thậm chí còn có một cái nhìn hằn học với những người sống theo lối sống truyền thống; họ từ chối trách nhiệm xã hội và cho rằng chỉ có trách nhiệm với quyền lợi bản thân mới là trách nhiệm cao nhất. Họ chính là những người chủ trương không sinh con cái, những người chống tiêm chủng vắc-xin, những “cư dân tự do”, những người đã nhập tịch nhưng vẫn chống nhập cư, những người từ chối mang khẩu trang nơi công cộng. Chủ nghĩa cá nhân cực đoan, theo tôi, là một biến chứng đặc biệt nguy hiểm của Khai Minh, và là một mầm mống tiềm tàng gây xói mòn tiêu chuẩn đạo đức và làm bất ổn xã hội.
Triệu chứng phổ biến nhất của chủ nghĩa cá nhân cực đoan là việc gán thành công cá nhân hoàn toàn vào sự nỗ lực và tài năng của bản thân, mà bỏ qua yếu tố may mắn và các lợi thế kinh tế hệ thống của họ. Các lợi thế kinh tế hệ thống, đôi khi còn gọi là “đặc quyền da trắng” ở Mỹ, là vô hình đối với những người kém tinh ý, song sức ảnh hưởng của chúng đến khả năng thành công của một người là vô cùng lớn. Các lợi thế có thể bao gồm: Việc được sinh ra và trưởng thành trong một môi trường tốt, có cha mẹ khuyến học, được đến học ở những trường chất lượng cao, được bồi dưỡng tài năng và kỹ năng xã hội từ nhỏ, thừa hưởng các mối quan hệ xã hội từ cha mẹ, thừa hưởng các mối quan hệ từ trường học và giai tầng, nhận được sự tín nhiệm cao hơn dưới mắt chính quyền và nhà băng, và nhiều hơn thế nữa. Ở chiều ngược lại là sự áp bức hệ thống: Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ và hàng xóm không tín nhiệm chính quyền và luật pháp, không được đi học trong một môi trường tốt, không được bồi dưỡng kỹ năng xã hội, không được chính quyền và nhà băng tín nhiệm v.v... Như một hòn tuyết lăn, các lợi thế kinh tế hệ thống này tích tụ lại đến một mức tới hạn nào đó, và dần dà trở thành một khoảng cách không thể vượt qua đối với hai giai tầng này. Có thể nói, chỉ vì một lợi thế duy nhất là may mắn “đầu thai đúng chỗ”, mà một số người sẽ có khả năng đi xa hơn rất nhiều so với những người khác có cùng sự nỗ lực và tài năng. (Nếu bạn muốn tham khảo thêm dưới hình thức thị giác, kênh YouTube Veritasium(5) đã đăng một đoạn phim ngắn nói về vấn đề này, cũng như chùm minh họa xuất sắc On a Plate của Pencilsword(6).)
Một ví dụ nữa của chủ nghĩa cá nhân cực đoan là chủ nghĩa phản sinh – những người chủ trương không sinh con cái. Đối với một cơ số người trẻ sống tại thành thị, việc sinh con đẻ cái đi kèm với rất nhiều chi phí và rủi ro: Chi phí cơ hội, chi phí sức khỏe, rủi ro sự nghiệp, rủi ro tài chính, và nhiều hơn nữa. Khi mà hơn một nửa dân số thế giới sống chen chúc nơi các thành thị và bán mạng cho cỗ máy tư bản hậu kỳ qua sự dụ hoặc của chủ nghĩa tiêu dùng, khi mà các giềng mối xã hội đã bị lơi lỏng bởi việc phổ cập của mô hình gia đình hạt nhân và sự thiếu thốn thời gian trong guồng máy tư bản, khi mà xã hội dần dà thay thế tính cách cá nhân bằng diện mạo ảo và thay thế các mối quan hệ thực thụ bằng các mối quan hệ mạng lỏng lẻo, khi mà tuổi trưởng thành được nâng ngày một cao hơn và người vị thành niên bị ấu hóa ngày một nghiêm trọng hơn, những người thuộc thế hệ trẻ dần dà trở nên không hứng thú đến việc duy trì nòi giống nữa. Ở Mỹ, chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ từ lúc sinh ra đến tuổi 18 là hơn $233,000(7); con số đó ở Anh là hơn £185,000(8); và ở Đức, một trong những quốc gia có lưới an sinh xã hội tốt nhất thế giới, là gần €150,000(9). Xã hội đòi hỏi ngày một nghiêm khắc hơn đối với việc dạy dỗ một đứa con: Ngoài các yêu cầu về lao động trẻ em (trước đây ở Việt Nam chẳng hạn, trẻ em trên dưới 10 tuổi đã có thể trông em và phụ việc đồng áng), tuổi thành niên (đa phần là 18 năm, thay vì dưới 16, thậm chí là 13 như trước đây), và các câu chuyện kinh dị liên quan đến con cái (mà giới trẻ rất thích chia sẻ để cười cợt vào sự mất tự do của những người lập gia đình), còn có sự so sánh với bạn bè đồng trang lứa và sự cảm thấy thua kém nếu không chu cấp được cho con cái theo tiêu chuẩn chung của thế hệ. Tất cả những điều đó đã khiến cho một bộ phận không nhỏ người trẻ theo chủ nghĩa phản sinh – và điều đó đã gây ra rủi ro về sự kế thừa cho nhân loại. Đối với một xã hội đã già hóa như Nhật Bản chẳng hạn, những món nợ kếch xù do thế hệ đã nghỉ hưu hiện tại để lại sẽ phải do thế hệ trẻ ngày một teo tóp lại gánh chịu. Khó có thể trách từng cá nhân theo chủ nghĩa phản sinh – suy cho cùng, họ chỉ đưa ra quyết định họ cảm thấy hợp lý nhất – mà chỉ có thể trách nguồn cơn của nó: Chủ nghĩa cá nhân cực đoan, chủ nghĩa tiêu dùng, và một xã hội đô thị hóa cao độ. Tất cả đều có thể quy về chung một gốc: Khai Minh và cuộc cách mạng công nghiệp đi kèm với nó.
CUỘC THẾ CHIẾN THỰC THỤ VẪN ĐANG DIỄN RA
Hai cuộc “Thế chiến” ở thế kỷ 20 đã kết thúc, nhưng vẫn còn một cuộc thế chiến khác, âm thầm lặng lẽ nhưng không kém ở cả quy mô và tính sống còn: Cuộc thế chiến giữa các nền văn minh. Với chủ nghĩa thế giới của Khai Minh làm lá cờ đầu, nền văn minh phương Tây đang cố gắng dùng mọi cách để biến nó thành nền văn minh thống trị toàn cầu. Liệu điều đó có khả thi hay không, khi mà giữa các nền văn minh với các hệ thống giá trị khác nhau sẽ luôn có sự ma sát và bất đồng? Việc cưỡng ép một nền văn minh toàn cầu và ép buộc nhân loại phải chung sống hòa bình với nhau, có thể sẽ mang đến những sự phản kháng mãnh liệt. Chính Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, vốn dĩ là một quốc gia đa dân tộc từ cái tên cho đến lịch sử, cũng đang oằn mình trước sự mâu thuẫn giữa các nền văn minh và hệ thống giá trị khác nhau ngay trong nội bộ quốc gia. Liệu có phải, phương pháp tốt nhất để giữ hòa bình giữa các nền văn minh khác nhau chính là giữ một khoảng cách nhất định giữa các nền văn minh, và khiến cho sự giao thoa, học hỏi trở nên tự nhiên hơn thay vì cưỡng bức bằng bom đạn và truyền thông? Các tàn tích của Khai Minh vẫn còn ở đây, và dù yêu hay ghét chúng, chúng ta vẫn phải chấp nhận chúng như là những sự thực tồn tại trong xã hội. Vậy chúng ta sẽ phải làm gì với những tàn tích này: Phá bỏ chúng, tân trang chúng, hay tiếp tục xây dựng một hệ thống giá trị khác đè lên trên những tàn tích này?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất