TAM QUYỀN PHÂN LẬP: Tổng Thống Mỹ có phải là người quyết định mọi việc?
Tổng thống không hoạt động một mình. Ông là một trong những mảnh ghép quyền lực và vị trí này hoàn toàn không phải là một vị trí độc tôn.
Khi nhắc đến chính phủ Hoa Kỳ, người ta thường hay nghĩ ngay đến Tổng Thống và cho rằng vị trí này sẽ cho phép người sở hữu nó làm mọi điều mình muốn. Nhưng thật ra, Tổng thống không hoạt động một mình. Ông là một trong những mảnh ghép quyền lực và vị trí này hoàn toàn không phải là một vị trí độc tôn.
Khái niệm Tam Quyền Phân Lập đã được hình thành từ lâu đời và nhằm để phòng ngừa việc quyền lực rơi vào tay một cá nhân hay một tổ chức nhỏ. Vậy, Tam Quyền Phân Lập là gì và vì sao nó có thể khiến Tổng thống Mỹ không phải là người đưa ra mọi quyết định trong quốc gia?
I. Khái quát "Tam Quyền Phân Lập"
Tam Quyền Phân Lập xuất hiện tại Hoa Kỳ khi nào?
Khi cuộc Cách Mạng Mỹ kết thúc vào năm 1783, chính phủ Hoa Kỳ nhận thức được rằng họ cần phải cải cách và thay đổi. Những người lập quốc biết rằng không ai muốn tái lập một quốc gia quân chủ chuyên chế- được điều hành bởi vua chúa.
Vì vậy, các cuộc thảo luận về việc làm thế nào để thành lập nên một chính phủ vừa mạnh mẽ vừa công bằng để có thể bảo vệ quyền tự do cá nhân của công dân và quan trọng nhất là để các nhà cầm quyền không lạm dụng chức quyền của mình.
Khi hiến pháp mới được thông qua vào năm 1787, cơ cấu tổ chức ban đầu của Chính phủ Hoa Kỳ được thành lập thành 3 nhánh riêng biệt, với mỗi nhánh là mỗi quyền hạn riêng cùng với đó là một hệ thống kiểm tra và cân bằng. Điều này sẽ đảm bảo rằng không một nhánh nào sẽ trở nên quá quyền lực, bởi vì một nhánh luôn luôn có thể kiểm tra 2 nhánh còn lại.
Các nhánh này làm việc cùng nhau để xây dựng một quốc gia, lập ra những luật lệ để bảo đảm trật tự xã hội và quyền lợi công dân.
Tam Quyền Phân Lập là gì?
Có thể hiểu Tam Quyền Phân Lập theo một cách dễ dàng rằng: Chính phủ được chia làm 3: lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Chúng ta còn có thể hiểu đơn giản hơn nữa: Một chính phủ muốn lãnh đạo và vận hành quốc gia thì cần phải có luật pháp, cần phải có người thực thi luật pháp và người đảm bảo rằng luật pháp được tuân thủ.
Vậy thì, cơ quan nào được quyền thực thi những điều trên?
Đối với nhánh Lập pháp:
Quốc hội Hoa Kỳ, bao gồm Thượng viện và Hạ viện, có quyền lập pháp, ban hành luật pháp và giám sát hành pháp.
Đối với nhánh Hành Pháp:
Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với các bộ trưởng và cơ quan hành chính, có quyền thi hành luật pháp, điều hành đất nước và đại diện Hoa Kỳ trong các mối quan hệ quốc tế.
Đối với nhánh Tư Pháp:
Hệ thống tòa án Hoa Kỳ, bao gồm Tòa án Tối cao và các tòa án cấp dưới, có quyền giải thích luật pháp, giải quyết tranh chấp và đảm bảo luật pháp được tuân thủ.
Nhưng như vậy là chưa đủ, các nhà lập quốc Hoa Kỳ còn muốn 3 nhánh này phải kiềm chế quyền lực lẫn nhau. (thông minh đấy :DD)
II. Lập pháp- hành pháp- tư pháp là gì?
Ở phần này, chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích 3 nhánh trên, thứ tự được liệt kê sau đây mình sẽ giữ nguyên thứ tự được liệt kê trong Hiến Pháp Hoa Kỳ.
1. Lập pháp.
Lập pháp được nhắc đến trước tiên vì nó là nhánh quan trọng nhất, và điều 1 là điều dài nhất trong 7 điều của Hiến pháp.
Nhánh Lập Pháp bao gồm: 100 Thượng Nghị Sĩ và 435 thành viên trong Hạ Viện Hoa Kỳ. Nói cho dễ hiểu hơn, những người này chính là Quốc Hội Hoa Kỳ
Công việc chính của nhánh Lập pháp chính là lập ra luật pháp. Nhưng bên cạnh đó, nó còn có trách nhiệm phê duyệt thẩm phán liên bang, thông qua ngân sách quốc gia, và tuyên bố chiến tranh.
Một tiểu bang sẽ có 2 thượng nghị sĩ, và một số các đại diện tuỳ thuộc vào dân số của tiểu bang đó.
2. Hành pháp
Các nhà lãnh đạo của nhánh này chính là Tổng thống và phó Tổng thống, những người có trách nhiệm thực thi pháp luật mà Quốc hội thông qua. Có thể xem Tổng thống Mỹ chính là một CEO của đất nước, người sẽ điều hành chính phủ.
Nhánh Hành Pháp đảm nhiệm việc thi hành pháp luật, tức là thực hiện chúng.
Mục 1, điều 2 trong Hiến Pháp Hoa Kỳ ghi:
"Quyền hành pháp sẽ được trao cho Tổng thống của Liên Bang Hoa Kỳ."
Nhưng nhánh Hành pháp này rõ ràng là còn hơn thế nữa, nó không chỉ phụ thuộc vào một ông Tổng thống hay một bà Tổng thống.
Tổng thống thường làm việc chặt chẽ với một nhóm cố vấn, được biết đến với tên gọi "nội các". Những người này được bổ nhiệm để hỗ trợ Tổng thống trong việc đưa ra những quyết định quan trọng trong lĩnh vực chuyên môn của mình chẳng hạn như quốc phòng, ngân sách và an ninh quốc gia.
Nhánh hành pháp cũng có quyền bổ nhiệm các quan chức chính phủ, chỉ huy các lực lượng vũ trang và gặp mặt với các lãnh đạo quốc gia khác.
Trong thực tế, nhánh hành pháp sử dụng gần 4 triệu người để thực hiện tất cả những công việc trên.
3. Tư pháp
Cuối cùng, chính là nhánh Tư pháp.
Nhánh này bao gồm tất cả các Toà án trên lãnh thổ từ các toà án quận liên bang đến Toà án Tối cao Hoa Kỳ
Nhiệm vụ của Tư pháp, hay còn được gọi là Toà án- đó là diễn giải luật, giải thích nó có nghĩa gì và trừng phạt những người phạm luật.
Toà án cao nhất chính là Toà án tối cao có quyền giải quyết tranh chấp giữ các tiểu bang, nghe kháng cáo từ tiểu bang và toà án liên bang và xác định xem luật pháp liên bang có đúng với hiến pháp hay không.
Có 9 thẩm phán ở Toà án Tối cao, khác với những vị trí khác, Thẩm phán của Toà án tối cao được bổ nhiệm trọn đời hoặc ít nhất là đến khi nào họ muốn rời đi
Trong Điều 3, mục 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ ghi rằng:
"Quyền lực tư pháp của Liên Bang được trao cho một Toà án tối cao, và những toà án cấp thấp hơn sẽ do Quốc hội lập ra và trao quyền"
Các nhà Lập Quốc nhận ra rằng, toàn bộ Liên Bang cần nhiều hơn một Toà án. Nhưng các bạn hãy chú ý đến câu cuối cùng: rằng Quốc hội có quyền lập ra tất cả những toà án khác.
Đến đây thì các bạn có thấy 3 nhánh này tác động lên nhau chưa? Để làm rõ hơn thì chúng ta hãy đi đến khái niệm tiếp theo.
III. Kiểm soát và cân bằng
1. Lập pháp kiểm soát Tư pháp và Hành Pháp như thế nào?
Điểm mấu chốt của việc này chính là: Mỗi nhánh quyền lực có quyền hạn chế hay kiểm soát 2 nhánh còn lại và điều này tạo ra một sự cân bằng giữa 3 nhánh quyền lực riêng biệt.
Vì Hiến Pháp Hoa Kỳ mô tả nhánh Lập pháp chi tiết nhất nên nhánh này được trao cho nhiều quyền kiểm soát hơn 2 nhánh kia.
Các nhà Lập quốc lo rằng Tổng thống sẽ trở thành một tên bạo chúa, độc tài, ( ngồi lì ở ghế Tổng thống mà không chịu xuống :DD, hay đưa ra mấy cái quyết định nhảm nhí ), nên họ đã trao nhiều quyền hơn cho nhánh Lập pháp thay vì nhánh Hành pháp.
Viện Dân biểu có thể buộc tội Tổng thống, sau đó Thượng nghị viện có thể phế truất Tổng thống (trong trường hợp 2/3 Thượng nghị sĩ đồng ý với cáo buộc). Đồng thời, Thượng nghị viện cũng có quyền kiểm soát việc Tổng thống chỉ định thẩm phán và quan chức bằng cách bác bỏ chúng.
Cả 2 viện của Quốc hội (Thượng viện và Hạ viện) đều có quyền điều tra các hoạt động và quan chức của nhánh Hành pháp. Tổng thống có quyền phủ quyết luật do Quốc hội ban hành, nhưng nếu như Quốc hội có 2/3 sự đồng thuận của cả 2 viện có thể bác bỏ sự phủ quyết đó.
Quốc hội cũng có thể không thông qua các luật mà bên Hành pháp muốn, và quan trọng nhất là họ có thể từ chối cấp tiền cho các chương trình Hành pháp.
Vậy nhánh Lập pháp có thể hạn chế nhánh Tư pháp như thế nào?
Cũng như đối với Tổng thống, Quốc hội cũng có quyền buộc tội và phế truất thẩm phán. Các Thượng nghị sĩ cũng có thể bác bỏ những ứng cử viên vào nhánh Tư pháp (một sự kiểm soát đối với các thẩm phán trước cả khi họ được ngồi vào ghế thẩm phán).
Quốc hội cũng có thể thay đổi hệ thống toà án, bằng cách thêm hay bớt các toà án. Điều này có thể thay đổi quyền hạn của các toà án liên bang. Quốc Hội còn có thể thông qua các luật mới bác bỏ các quyết định của Toà án Tối cao, miễn là các quyết định này không dựa trên Hiến pháp.
Và cuối cùng, một giải pháp cực đoan nhất đó là Quốc hội đưa ra các Tu Chính Án cho Hiến Pháp (có thể được hiểu như là những sửa đổi hay bổ sung cho Hiến Pháp).
Có vẻ như các nhà Lập quốc Hoa Kỳ sợ rằng Tổng Thổng sẽ lạm quyền, nên đã trao quyền lực cho nhánh Lập pháp nhiều như vậy.
Nhưng Lập pháp cũng phải chịu sự kiểm soát quyền lực tương tự.
2. Nhánh Hành pháp kiểm soát quyền lực như thế nào?
Hành pháp có thể kiểm soát quyền lực của nhánh Lập pháp theo những cách sau.
Như đã nói trên, Tổng thống có thể phủ quyết những luật do Quốc hội đưa ra để chúng không có hiệu lực. Tổng thống cũng có thể triệu tập phiên họp đặc biệt của Quốc hội (nhưng không thể bắt họ thông qua luật mới).
Nhánh Lập pháp có thể thi hành luật trái với ý muốn của Quốc hội (mặc dù việc này thường hiếm khi xảy ra).
Tổng thống có thể đề cử thẩm phán của Toà án tối cao, điều này có thể dẫn đến việc thay đổi hoạt động của các Toà án. Tổng thống cũng có thể đề cử thẩm phán liên bang và điều này sẽ định hình toàn bộ hệ thống toà án.
Tổng thống có thể ân xá cho những người bị Toà án kết tội, nghĩa là huỷ bỏ các phán quyết của họ. Tổng thống cũng có thể (trong quyền hạn của mình) từ chối thực thi các quyết định của Toà án.
Vậy chúng ta có thể thấy, với chừng đó quyền kiểm soát của mình thì Hành pháp vẫn yếu hơn nhánh Lập pháp.
Nhưng, nhánh Tư pháp còn yếu hơn =))))
3. Nhánh Tư pháp kiểm soát Lập pháp và Hành pháp ra sao?
Có nhiều nhà khoa học chính trị (political science), cho rằng nhánh Tư pháp là yếu nhất, bởi nếu không có tác động của nhánh Lập pháp và Hành pháp thì nó sẽ không có gì để làm.
Là nhánh yếu nhất, nhưng Tư pháp cũng có quyền kiểm soát với 2 nhánh kia.
Tư pháp kiểm soát Lập pháp bằng cách luật được đưa ra là vi hiến ( có thể hiểu đơn giản là những hành vi trái với quy định, tinh thần của Hiến pháp và vượt quá thẩm quyền được Hiến pháp trao cho).
Và nhóm Tư pháp cũng kiểm soát Hành pháp bằng cách tuyên bố một hành động hành pháp là vi hiến. Đồng thời cũng có thể chủ trì các phiên luận tội ở Thượng Nghị viện.
Nhưng quyền kiểm soát lớn nhất chính là: vô hiệu hoá luật và vô hiệu hoá các hoạt động hành pháp.
Đó là tất cả những gì được mọi người gọi với cái tên "kiểm soát và cân bằng".
Vậy, tại sao Hoa Kỳ cần phải có sự kiểm soát và cân bằng ấy?
IV. Vai trò của Tam quyền phân lập trong chính phủ Hoa Kỳ.
Các nhà Lập quốc Hoa kỳ sợ rằng một chính phủ bạo ngược sẽ xoá sạch quyền của công dân. Vậy nên, họ tin rằng quyền lực của chính phủ cần chia nhỏ và mỗi nhánh kiểm soát lẫn nhau sẽ khiến cho chính phủ khó mà gây hại đến quyền và lợi ích của công dân.
Theo như "Luận cương Thể chế Liên bang", bài luận số 51 được viết bởi James Madison - người cũng viết nhiều phần trong Hiến pháp và là một Tổng thống- ông viết rằng:
"Để chống lại sự tập trung quyền lực dần dần vào một nhánh, thì cần phải trao cho nhóm lãnh đạo mỗi nhánh công cụ hiến định cần thiết [...] Đây có thể là sự phản ánh của bản chất con người, bởi đó là công cụ cần thiết để kiềm chế sự lạm quyền của chính quyền. Chính quyền còn là gì khác ngoài sự phản ảnh lớn nhất của bản chất con người?"
V. Kết luận
Nhiều người nói rằng các nhà Lập quốc Hoa kỳ sẽ không bao giờ sai, nhưng chính James Madison cũng đã nói rằng bọn họ có thể sẽ sai đấy thôi. Mặc dù cho đến hiện tại thì vẫn chưa thấy sai quá nhiều :DD (điển hình là việc hầu như những quốc gia tiên tiến đều áp dụng mô hình này)
Nguồn tham khảo:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất