Thế giới đã bước sang thế kỉ mới được hơn hai mươi năm cùng với những đổi mới mạnh mẽ. Quan điểm văn chương của các tác gia và xu hướng của người đọc trong thời kì này không nằm ngoài dòng chảy ấy. Vậy điều gì khiến cho chúng ta – những con người của thời đại mới vẫn cầm trên tay những cuốn sách kinh điển, những áng văn đã tồn tại từ vài thế kỉ trước mà chiêm nghiệm? Không thể phủ nhận rằng các tác phẩm văn học luôn phản ánh chân thực thời đại, là cái nhìn của tác giả với xã hội loài người trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Nhưng để tồn tại lâu dài trong kho tàng văn học, người ta đòi hỏi nhiều hơn là cái thực tại ấy. Một tác phẩm để được đánh giá là kinh điển thì cần phải chứa đựng những giá trị lớn lao, những quan điểm nhân sinh đi cùng lịch sử, nó không thể chỉ chăm chăm vào một thời điểm mà phải có sức ảnh hưởng tại mọi thời điểm, tác động đến mọi giai cấp hay mọi xã hội. Tác phẩm “Suối nguồn” của nhà văn Ayn Rand là một tác phẩm mà theo quan điểm của cá nhân tôi, đã thể hiện được gần như hoàn hảo những yêu cầu khắt khe đó.Tiểu thuyết Suối nguồn. Ảnh: Newshop.vn
“…Hàng ngàn năm trước đây, có một người lần đầu tiên tìm được cách tạo ra lửa. Người đó có lẽ đã bị thiêu sống bằng chính ngọn lửa mà anh ta dạy những người anh em của mình cách thắp lên. Anh ta bị coi là một kẻ xấu vì đã có quan hệ với ma quỷ, thứ mà loài người luôn khiếp sợ. Nhưng từ đó trở đi, loài người có lửa để giữ ấm, để nấu nướng, để thắp sáng trong hang động. Anh ta đã để lại cho họ một món quà mà họ từng không hiểu và anh ta đã xua bóng tối ra khỏi trái đất này. Nhiều thế kỷ sau, có một người lần đầu tiên tạo ra cái bánh xe. Người đó có lẽ đã tan xác dưới những bánh xe mà anh ta dạy những người anh em của mình cách làm. Anh ta bị coi là một kẻ phạm tội vì đã mạo hiểm vào vùng đất cấm. Nhưng từ đó trở đi, loài người có thể đi tới mọi chân trời. Anh ta đã để lại cho họ một món quà mà họ đã không hiểu được và anh ta đã mở những con đường trên mặt đất…”_Trích “Suối nguồn” – Ayn Rand.
Tiểu thuyết “Suối nguồn” tên Tiếng Anh là The Foutainhead do nữ nhà văn Ayn Rand sáng tác, được xuất bản lần đầu tiên năm 1943, sau khi bị 12 nhà xuất bản từ chối. Cho đến khi Archibald Ogden, một biên tập viên trẻ tuổi của nhà xuất bản Bobbs – Merill Company, đã thuyết phục để tác phẩm này được in. Mặc dù ngay từ đầu tác phẩm nhận được nhiều lời phê bình tiêu cực, nhưng “Suối nguồn” đã dần khẳng định được giá trị của mình với hơn 6,5 triệu bản được bán trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, cuốn tiểu thuyết này được Nhà xuất bản trẻ phát hành năm 2018, đưa tác phẩm đến gần hơn với độc giả nước nhà.
“Suối nguồn” luôn được đánh giá là một trong những tác phẩm hay nhất của thế kỉ XX. Điều này là hoàn toàn xứng đáng với nguồn tri thức đồ sộ mà nó chứa đựng, với những triết lý tưởng chừng không bao giờ trở nên lỗi thời. Cuốn tiểu thuyết này đã tồn tại với chúng ta hơn 70 năm, xuất hiện trong nhiều bảng xếp hạng hàng đầu về văn học, có mặt tại nhiều vũng lãnh thổ và tiếp cận đến nhiều tầng lớp xã hội. Nó vẫn đang miệt mài thực hiện sứ mệnh truyền tải, lan tỏa và gây ảnh hưởng cho người đọc trên toàn thế giới. Trong nhiều năm nữa hay thậm chí là cả thế kỉ nữa, tôi tin rằng người ta vẫn sẽ nhắc đến “Suối nguồn” như cách mà nó đang là.
Trong những tác phẩm mà tôi từng đọc, Suối nguồn là tác phẩm đồ sộ nhất với 1199 trang chia thành 4 phần lớn được đặt tên theo 4 nhân vật chính: Peter Keating, Ellsworth M. Toohey, Gail Wynand và Howard Roark. Nhà văn Ayn Rand đã rất khôn khéo trong việc lồng ghép các sự việc và xây dựng diễn biến truyện, khiến cho các trang văn không trở nên nhàm chán, đồng thời vẫn truyền tải được những giá trị nhân văn cao đẹp. Để chia sẻ về tác phẩm này, thiết nghĩ việc đi theo từng nhân vật như cách mà nhà văn đã làm là cách hợp lý nhất.
Nhân vật đầu tiên gắn với phần I của tác phẩm – Peter Keating. Đây là nhân vật khiến tôi đồng cảm sâu sắc về cuộc đời, số phận và cả những nỗi tuyệt vọng cùng cực. Tôi không thể dùng từ “thương hại” cho nhân vật này bởi điều đó là quá tàn nhẫn với anh. Một gia đình thiếu vắng hình bóng của cha, một bà mẹ luôn sống với sự kì vọng tối đa vào đứa con trai duy nhất, và rồi cả cuộc đời anh phải gằn mình chống đỡ những mong muốn quá đà. Anh đã phải đánh đổi điều gì? Đó là cuộc đời bị người mẹ sắp xếp, chẳng thể một lần làm theo ý mình. Đó là ước mơ trở thành họa sĩ bị bóp méo thành một nghề kiếm ra tiền hơn. Và trên hết đó chính là tiếng nói cá nhân bị đè bẹp từ khi mới bập bẹ thành lời, cái tự do ý chí bị bủa vây bởi những lời cấm đoán, dẫn dắt mà chẳng thể tìm ra lối thoát. Để rồi anh nhận lại được gì? Cái vỏ bọc hào nhoáng tô điểm bằng đôi ba lời khen hợm hĩnh của những kẻ mồm mép, một cuộc sống đủ đầy về vật chất nhưng tinh thần thì trống rỗng, chẳng thể tìm được chút thỏa mãn nào. Điều này đã khiến anh mất đi sự phản kháng cơ bản nhất, và rồi bị dẫn dắt và trở thành con người “thứ sinh” điển hình.
Trong suy nghĩ của tôi Peter Keating chưa bao giờ là xấu. Anh không sắm một vai phản diện hèn đớn thường xuất hiện trong những mô típ truyện hiện đại mà hơn thế, anh đang đại diện cho một thể loại người trong xã hội. Đó là những con người bị chi phối bởi lý lẽ cuộc đời, sống theo cái nhìn của người khác mà bỏ quan cái tôi cá nhân. Đó là những cá thể chấp nhận bỏ qua những mong muốn riêng tư để thực hiện cái mong muốn của cộng đồng. Đó còn là những linh hồn lạc lối trên con đường tìm kiếm chính mình rồi vô tình bị cuốn theo vòng xoáy của định kiến xã hội. Nhân vật này quá thực tế, phản ánh quá chân thật con người trong xã hội này. Thiết nghĩ đây chính là lý do khiến anh bị người ta ghét bỏ đến như vậy. Bởi loài người luôn ích kỷ như thế, họ không bao giờ dám nhìn thẳng vào cái xấu của bản thân mà thường tìm cách bao biện cho những sai trái đó. Thế nhưng Peter Keating dưới ngòi bút của Ayn Rand lại phô bày cái xấu xa đó theo cái cách không thể trực tiếp hơn nữa. Nó quá sỗ sàng. Và cũng thật cay đắng.
Nhân vật gắn với phần II của tác phẩm – Ellsworth M. Toohey. Phải thừa nhận rằng ông ta là một người có bộ óc thông minh, biết cách thâu tóm quần chúng một cách khôn khéo. Hàng nghìn người đã bán cả linh hồn cho ông ta mà không hề hay biết. Ông ta gần như đã nắm cả thế giới trong tay, giết chết cái tôi vị kỷ bằng ngòi bút của mình và khoác lên nó danh xưng quần chúng. Ông thôi miên người ta không bằng thủ thuật hay phương pháp mà là nhờ sức mạnh ngôn từ. Thay vì nói những gì mình nghĩ, ông ta chọn nói ra những thứ mà người khác muốn nghe. Thay vì viết ra cảm nhận của cá nhân mình, ông ta lại viết cái mà đông đảo con người sẽ chấp nhận. Theo cách đó, ông dần trở thành người cầm lái. Ông làm chủ làn sóng dư luận, chèo lái nó theo cách mà ông mong muốn mà không vướng phải sự chỉ trích nào. Ông tẩy não đại đa số cá nhân, nhào nặn nó thành một tập thể chung dưới sự điều khiển của mình. Nhân vật này quá gian xảo, động cơ của ông ta cũng thật ti tiện. Đừng thắc mắc tại sao ông ta có thể làm mọi chuyện suôn sẻ như vậy, bởi đơn giản đối với cái xã hội này, việc phá hủy luôn dễ dàng hơn là gây dựng.
Ellsworth Toohey dưới cái nhìn của tôi là một dạng người biến thái tâm lý mạnh mẽ. Cá nhân ông ta nhận thức sâu sắc về giá trị của ý chí cá nhân hơn bất cứ ai. Thế nhưng thay vì phát triển nó, phổ biến nó với nhân loại thì ông ta lại biến cái cá nhân ấy thành một thứ đồ dơ dáy, bần tiện đối với cái xã hội này. Ông ca tụng con người như nhưng bậc vĩ nhân, hết lời khen ngợi cái nhu nhược của họ đồng thời cũng coi khinh cái tư do ý chí. Mà con người thì thường siêu lòng bởi những lời mát tai. Hành vi này quá sức đê tiện, nhưng là đê tiện một cách thâm hiểm.
Đến với Gail Wynand, thực chất ông ta chẳng khác Ellsworth Toohey là mấy. Chỉ là thay vì hành động “ngầm” như Toohey, ông lựa chọn việc phá hủy thế giới này một cách công khai. Ông phô bày tất cả những điều hợm hĩnh của xã hội trên tờ báo của mình – tờ Ngọn cờ New York. Ông cho đăng những thứ tạp nham, những sự kiện tầm phào hay những hình ảnh thiếu tính giáo dục. Ngọn cờ New York nếu chỉ nhìn ở những thông tin mà nó cung cấp thì chỉ là một tờ báo lá cải không hơn không kém. Nhưng thực tế lại cho thấy đây là một thứ báo lá cải hạng sang?! Điều gì nói lên điều đó ư? Là sự tồn tại mấy mươi năm của nó với cái xã hội New York lúc đó, là danh tiếng lẫy lừng của nó trên mọi bảng xếp hạng về báo chí, và còn là sự phủ sóng của nó trên mọi con đường, mọi góc hẻm của thành phố phát triển này. Điều đáng nói ở đây là người dân New York hoàn toàn nhận thức được sự rẻ tiền của tờ báo này, nhưng họ vẫn đọc nó. Gail Wynand đã vin vào điều này mà định hướng cho tờ Ngọn cờ. Nếu họ đã thích những thức thông tin rác rưởi thì được thôi, ông đáp ứng họ. Còn chính bản thân ông, ông chẳng bao giờ đọc tờ báo của mình cả. Phòng làm việc hay nhà riêng của Wynand không bao giờ được phép xuất hiện tờ Ngọn cờ. Thật quá trào phúng.
Gail Wynand trong tác phẩm này giống như sợi dây đung đưa giữa cái thiện và cái ác. Ông luôn gìn giữ cái bản chất cao thượng của mình như cách mà ông cất giữ các tác phẩm vĩ đại trong bảo tàng riêng nhưng lại phô bày cho thế giới cái xấu xa của bản thân để người ta cười cợt, chế giễu. Thế nhưng chỉ bản thân ông hiểu rằng, cái vỏ bọc đáng ghê tởm ấy không toát ra từ chính ông. Nó chỉ đơn thuần là sự phản chiếu chân thật bản chất của các độc giả của tờ Ngọn cờ, mà đáng buồn thay lại là đại đa số người dân New York lúc đó. Còn tâm hồn ông nó chỉ được bung nở khi ông gặp những con người giống mình. Đó là Dominique Francon, đó là Howard Roark – những cái tên khiến ông liều mình chiến đấu với định kiến xã hội để bảo vệ. Đó cũng là lúc ông nhận ra con người đã suy đồi đến mức nào. Còn bản thân ông thì lại quá nhỏ bé.
Howard Roark – nhân vật chính của tác phẩm này, là hình tượng mãnh mẽ nhất cho sự vĩ đại tối thượng. Anh ta có tài năng thiên bẩm về kiến trúc, những suy nghĩ táo bạo vượt xa quan điểm cổ hủ của nhân loại lúc bấy giờ. Nếu chỉ dừng ở đây thôi thì Roark chưa thể khiến người ta phải kinh ngạc như thế. Cả con người anh là một cái tôi cá nhân “vì mình” nhất mà xã hội này từng thấy. Sự độc lập cá thể toát ra từ mỗi tấc da thịt, qua cách mà anh làm, tạc vào mỗi công trình mà anh xây đắp. Anh không chấp nhận bất cứ thứ kiến trúc lỗi thời nào được bám víu trên ngôi nhà của mình, anh căm thù thứ nghệ thuật sao chép, cóp nhặt không có gì hơn ngoài sự già nua, thừa thãi. Một ngôi nhà được xây nên từ bàn tay của Howard Roark cũng phải mang cái cá nhân như chính bản thân anh vậy. Nó phải mang hình dáng của bản thân nó, thể hiện cái vốn dĩ là nó, chứ không như cái cách mà người ta cố tình tô đắp thành hình.
Bất cứ sự ca ngợi nào đối với nhân vật này hẳn là thừa thãi. Giữa một xã hội mà con người bị lấm bùn bẩn, sự nhem nhuốc che đi ánh hào quang chân lý, Howard Roark chỉ đơn giản là ở đó, thật sạch sẽ và thuần khiết. Anh không cố quết bùn lên mình để hòa vào cái chung của xã hội, cũng không gột rửa loài người ra khỏi đống bùn ấy. Anh chỉ là bản thân mình một cách chân thật nhất, ở đó, một cách ngạo nghễ và đầy thách thức. Những cái nhìn kia không thể ảnh hưởng đến anh, dư luận xã hội cũng chẳng thể khiến anh lụi tàn, bởi vì, những thứ thuần khiết nhất luôn không thể bị vấy bẩn.
Nhân vật cuối cùng và cũng là nhân vật mà tôi ấn tượng nhất, người phụ nữ duy nhất hiện lên mạnh mẽ trong tác phẩm này – Dominique Francon. Cô tượng trưng cho cái đẹp, cho nghệ thuật, cho những điều tốt lành nhất của cuộc đời. Người ta khao khát có được cô như cái cách mà họ đang kiếm tìm hạnh phúc. Cô khiến người khác ghen tị, khiến người ta thèm muốn, nhưng cũng khiến họ sợ hãi, bất lực. Người ta có thể mơ mộng về cô cả đời cũng như chạy theo cái gọi là hoàn mỹ cho đến tận lúc chết. Nhưng điểm chung duy nhất giữa cô và ước mơ đó lại là: cả hai đều không thuộc về bạn. Sự hoàn hảo chỉ tồn tại khi chính bản thân bạn đã hoàn hảo, nó thuộc về bất cứ ai mà chỉ hòa quyện vào nhau như chính nó đang là.
Tôi không cố nhấn mạnh đến sự độc đoán của Dominique, bởi lẽ đây đơn thuần chỉ là sự nhạy cảm của đại đa số phụ nữ. Cách mà cô đối xử với thế giới là sự trả đũa sòng phẳng sau những gì mà thế giới đó đã gây ra với những người như Howard Roark. Tôi cho rằng điều đó là xứng đáng. Chân lý luôn chỉ có một, và nó luôn thuộc về thiểu số.
Tôi luôn khuyên những người bạn của mình hãy đọc tác phẩm này một lần trong đời. Nó đã khiến tôi có những cái nhìn khác, suy nghĩ khác theo hướng chân thực hơn về cuộc sống. Tất nhiên, ai cũng có quyền yêu thương cuộc đời này bởi những điều tốt đẹp mà nó mang lại, thỏa sức mộng mơ trong cái cuộc sống màu hồng và quan niệm: "Everything is just a state of mind". Điều đó cư nhiên không hề sai trái. Thế nhưng liệu bạn có từng suy nghĩ: bản thân đang bị dắt mũi bởi những người như Ellsworth Toohey, tương lai của mình cũng chẳng khác gì tên "thứ sinh điển hình" Peter Keating và cái xã hội này đang quá bảo thủ để tiếp nhận cái mới mà bạn chính là một phần trong cái quần chúng hồ đồ đó? Hãy nghĩ về nó.
Đọc Suối nguồn, mình nhận thấy cách xây dựng nhân vật của tác giả có nhiều điểm khá thú vị.
Keating lớn lên với một bà mẹ độc hại, học tập trong một môi trường làm suy thoái nhân tài, làm việc cho những con người hám danh hám lợi coi tính người trong những tác phẩm nghệ thuật là phải loại trừ, cuối cùng anh đã tự dằn vặt rất nhiều, hành động đứng ra "thay mặt" Roark để xây dựng toà nhà chung cư cho người thu nhập thấp cũng vì anh nghĩ điều đó sẽ cứu rỗi mình, mà nào biết sự cứu rỗi không nằm ở quyết định của người khác, mà chỉ có thể là từ trong trái tim mình mà thôi.
Toohey về cơ bản cũng chẳng hơn, từ nhỏ đã là một đứa trẻ ốm yếu, hay bị trêu chọc ở trường, thậm chí ở nhà cũng chẳng được yêu thương. Tuy có thể gọi là sáng dạ, ông đã không dùng trí tuệ để giúp mình mạnh mẽ hơn, thiện lương hơn mà lại dùng nó trong việc trả thù, trả thù đứa bạn bắt nạt mình, trả thù những người ông ghét, và cuối cùng là trả thù đời, thông qua việc dùng ngòi bút và miệng lưỡi mà dẫn dắt dư luận đi theo triết lý "hiện sinh" mà ông đã hô biến thành một thứ nghĩa đạo cao thượng, rằng ai không đi theo mà thể hiện tính vị kỷ đều là những kẻ đáng khinh, những kẻ nguy hiểm. Chính điều này dần dần khiến xã hội lụng bại, con người bị xoay vòng trong "sự thoả mãn chính trong sự thoả mãn lẫn nhau", kẻ biết sao chép tốt là kẻ tài giỏi, còn kẻ sáng tạo là kẻ phá cách, âm mưu hủy hoại thế giới...
Wynand, một nhân vật mà theo mình là có phần đáng ghét hơn cả Toohey những cũng đáng thông cảm không kém gì Keating. Sống cuộc đời lang bạc từ nhỏ, góc nhìn của ông với thành phố New York là từ những con phà, khi ông được rảnh tay trong lúc đi đánh giày dạo. Với một ý chí sắt đá, bất khuất trước mọi nghịch cảnh, cuộc đời của ông được gây dựng từ hai bàn tay, nói trắng thì cũng không phải, bởi chúng đã nhúng chàm từ rất lâu rồi. Với một ý chí như vậy, ước gì mục tiêu của ông cao cả hơn là việc làm chủ thế giới, như vậy có lẽ ông đã trở thành một vĩ nhân, hay hơn nữa, một thánh nhân. Ông là một kẻ có sức mạnh, nhưng lại dùng nó để trả thù đời theo cách riêng của mình. Nếu ET dẫn dắt xã hội trong sự lầm lạc, thì GW là kẻ dung túng, nuông chiều dư luận, để họ dần lún sâu hơn vào u mê. Tuy vậy, Wynand vẫn là một con người mang trong mình một lòng tự tôn rất cao. Lần đầu xuất hiện trực tiếp, ông tự vấn rằng mình có nên tự sát hay không, bởi ông cảm thấy sự trống rỗng trong chính con người mình. Lúc "cầu hôn" Dominique, lúc ấy còn là vợ Keating, ông đã thể hiện một thái độ nghiêm túc và quyết đoán, tôn trọng cô chứ không coi cô là một món hàng đổi bằng quyền thiết kế và thi công cho Keating. Chính lòng tự trọng này đã dẫn dắt ông trên con đường đi xuống cùng với Roark, chứ không phải sự thỉnh cầu từ bất kỳ ai. Thế rồi, ông đâu có biết, rằng hành động đứng ra bảo vệ Roark chỉ là thừa thải, rằng Roark đã biết mình phải gánh chịu điều gì, rằng anh đã sẵn sàng. Nhưng chính hành động đó đã đưa ông đến sự tốt đẹp không hoàn thiện, xa rời khỏi một Gail Wynand vô nhân tính trước kia, cả bên trong lẫn bên ngoài.
Nói về 3 nhân vật này, quá khứ của họ được tác giả khác hoạ tương đối kỹ, nhất là tên lều báo Toohey, kẻ được coi là "khốn nạn" nhất bộ tiểu tiểu thuyết. Nhà văn Ayn Band không hề muốn nhắn nhủ rằng quá khứ đau thương sẽ dẫn đến một nhân cách méo mó. Bản chất của một thời đại là điều làm nên những vết nhơ của thời đại đó. Một xã hội tôn thờ những giá trị kiến trúc xưa cũ, rập khuôn, thì những Keating sẽ tiếp tục xuất hiện, hết sao chép lại đi ăn cắp ý tưởng của người khác. Một xã hội coi khinh việc mưu cầu lợi ích cá nhân, thì những Toohey sẽ tiếp tục tồn tại, mớm vào đầu họ những giáo điều, triết lý "vị nhân sinh". Một xã hội chống lại sự thay đổi, chống lại sự phơi bày trần trụi bản chất ẩn bên dưới nó, những Wynand và Ngọn cờ sẽ tiếp tục vươn lên, nuông chiều và ru ngủ họ.
Và rồi Howard Roark xuất hiện. Một quá khứ cũng chẳng quá hạnh phúc, một con người chịu nhiều thiệt thòi, nhưng anh là ánh sáng soi rọi suốt bộ truyện, là đại diện cho lý tưởng "vì mình" mà không "hại người". Một điều thú vị ở nhân vật này, là đọc xong bộ tiểu thuyết, mình hoàn toàn không thể mường tượng được tuổi thơ của anh ra sao, chỉ lờ mờ đoán anh là trẻ mồ côi (hoặc mình đọc sót chỗ này, mọi người sửa giúp mình nhé!). Chính sự thiếu xác thực khiến nhân vật này hiện lên đơn giản như là một thành phần bất kỳ của xã hội. Ta không được biết điều gì mang đến cho anh sự ngạo nghễ mà không tự đắc trước thói đời điên đảo như vậy, sự bình thản đến rợn người trước muôn trùng phong ba bão tố, sự lạnh lùng gần chạm mức vô cảm trước nhân tình thế thái, nhưng ta biết chắc một điều, rằng trên mọi sự thù ghét cuộc đời, anh đã chọn yêu nó một cách rất riêng: yêu thương chính mình.
Còn Dominique cũng là một nhân vật tương đối thú vị, thêm cả cháu gái của Toohey và anh thợ điêu khắc nữa, nhưng mà bình luận tới đây dài quá rồi nên đành xin thôi.
Chắc mình thuộc số ít người không hiểu được thông điệp mà tác giả muốn truyền tải dù mình cũng đọc qua 1 số bài phân tích. Cảm nhận của mình về tác phẩm này là tất cả các nhân vật đều quá cực đoan. Có mâu thuẫn không khi nhân vật chính căm sao chép trong khi sáng tạo phải dựa trên nền móng sao chép. Có cái mới nào sinh ra mà không mang hình bóng dù thoáng qua của cái cũ? Do không tin được nhân vật chính là "thật" nên trải nghiệm đọc tác phẩm này là dài dòng và chán ngán. Và đâu đó có người xếp mình vào nhóm Peter Keating 😁.
Thuyết nhật tâm không phải là nghệ thuật, nó là khoa học.
Đối với một phát hiện khoa học, không có cái được gọi là "dựa trên cái cũ", mà cái cũ, nếu có, chỉ là nguồn cơn của những tìm tòi học hỏi dẫn đến cái mới. Vai trò của những phát hiện mới, thứ nhất là giải quyết hạn chế của cái cũ, thứ hai là khẳng định điểm đúng đắn của cái cũ, thứ ba là tiếp tục trở thành một cái để khơi gợi suy nghĩ, khuyến khích tìm tòi cái mới hơn, cái ẩn sâu hơn.
Do đó, một phát hiện về khoa học không thể là sao chép của cái cũ, mà là một sự sửa đổi, bổ sung, đính chính hay củng cố.
Chào bạn, mình không phải tác giả bài viết nhưng mình có một số điều muốn chia sẻ về cảm nhận của bạn đối với cuốn tiểu thuyết Suối nguồn.
Đúng, đây là một tác phẩm tương đối khó đọc, do những nhân vật được xây dựng dựa trên từng hình mẫu chính, rất "cực đoan", do đó đây đều là những nhân vật có phần phi thực tế. Điều này có thể được giải thích rằng đây là một tác phẩm lãng mạn, tức khắc hoạ thế giới "như nó nên là", theo lời tác giả.
Tính cường điệu của tác phẩm không chỉ thể hiện ở nhân vật, mà cả những tình tiết, cách khắc hoạ xã hội và những chi tiết khác xuyên suốt bộ truyện.
Còn về việc sáng tạo, tôi tin bạn từng nghe lời chia sẻ của đạo diễn Quantin Tarantino. Ý nghĩa lời nói này của vị đạo diễn không phải là tôn vinh việc sao chép, lặp lại một cách nguyên y xì đúc các tác phẩm đã có, mà sáng tạo là sự sắp xếp lại những gì đã có, nhằm tạo ra một cái mới hoàn toàn. Tuy nhiên, Howard Roark không căm ghét sự sao chép nghệ thuật Phục hưng hay cổ đại, mà là sự sao chép của những thứ không hiệu quả, phi thực tế. Điều anh phê phán chính là việc "đi trên vết xe đổ" của quá khứ, copy máy móc những điều mà tiền nhân đã làm mà không hề biết đó là những sai lầm do hạn chế của thời đại trước.
Hy vọng những gì mình chia sẻ sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp cận với tác phẩm này hơn.
Theo mình thì cái việc sao chép và sáng tạo ở đây không phải là tư tưởng chủ đạo, mà quan trọng hơn là cái nguyên nhân vì sao họ làm như vậy, vì sao số đông lại hưởng ứng nó và vì sao con người như Roark lại tồn tại như thể một cái tát vào mặt những con người đó, những kẻ mà cho rằng kiến trúc phục hưng là đẹp, bởi vì, đương nhiên ai cũng cho là vậy, và lịch sử đã chứng minh là vậy. Và vì thấy kiến trúc phục hưng là đẹp thì dễ dàng hơn việc nhìn thấy vẻ đẹp của các tòa nhà của Roark.
Mình cũng đồng ý với bạn, và mình nhận thấy tác phẩm chỉ khắc hoạ cuộc đấu tranh trong nghệ thuật kiến trúc nhằm hướng phê phán những kẻ núp bóng, nhân danh xã hội mà bài trừ những cá thể vượt trội, đe doạ đến sự cào bằng mà họ đang cố xây dựng nhằm đưa thế giới trở thành một nơi mà họ không cần tranh đấu vẫn thấy mình không thua kém ai. Chính những người hiểu biết về kiến trúc mới là những người hiểu rõ nhất rằng tính hiệu quả trong thiết kế rồi sẽ lấn ác sự sao chép các tác phẩm vĩ đại trước đó, và việc của họ là tẩy não những người không có chuyên môn. Phiên toà đầu tiên xử Roark về cái đền thờ mang ý nghĩa như một chiến thắng lớn của những kẻ cào bằng này. Chính cái xã hội đó đã tạo nên những tư duy tự động có ác cảm với cái không quen thuộc. Khi một cá nhân nào đó muốn tập bay, sẽ có nhiều người cố giữ họ lại.
Là 1 người đọc ko quá sâu sắc, mình rất ghét cái lão Tò he và mong lão bị ám sát càng sớm càng tốt. Trớ trêu là những câu hay ho mình đánh dấu thì phần lớn lại là những câu lão ta nói.
Cái con người đó mình thấy lời nói với hành động của lão toàn giả lả, muốn thao túng tâm lý người khác. Có thể tưởng tượng bộ mặt ấy dù có chuyện gì xảy ra cũng cười cười vẻ thân thiện và vị tha. Có vậy thôi mình cũng thấy lão đáng chết, vì bản thân là con người với đủ tính cách quan điểm này nọ, còn lão đội cái lốt 1 vị chúa sống, dang đôi tay cứu rỗi cuộc đời. Buổi tối cuối cùng ngày quý báo sụp đổ, thấy lão chứng kiến cảnh tượng đó làm mình há mỏ cười tươi thật sự. Có lẽ chết là chưa đủ thích đáng để trừng phạt lão.
Cô Dominique là tượng đài của sự tuyệt đối. Những lựa chọn cô đưa ra khiến người ta vừa rùng mình, vừa nhức nách. Cứ phải: hả, gì đây, ôi cái cô này...