Bạn đã bao giờ bị cuốn hút vào một câu chuyện đến nỗi bạn quên đi những lo âu thường ngày của mình?
Bạn đã bao giờ khao khát tìm hiểu điều gì xảy ra tiếp theo trong một câu chuyện về những con người giả tưởng ở một thế giới giả tưởng, và không hiểu tại sao bạn lại say mê với những câu chuyện cổ tích của họ như vậy?
Hay bạn đã bao giờ phải trải qua một cuộc khủng hoảng, và ai đó đã kể cho bạn một câu chuyện, mang đến cho bạn hy vọng và giúp bạn nhìn thấy những niềm vui ở phía bên kia của nỗi đau đang dày vò bạn?
Nếu vậy thì bạn không đơn độc.
Một câu chuyện kể chính là một công cụ mạnh mẽ, giúp thống nhất và kết nối nhân loại, phá vỡ những rào cản và chữa lành những vết thương.    
Điều gì ở những câu chuyện và truyền thuyết đó mà chúng ta nghe thấy đã chiếm được trái tim và tâm trí của chúng ta một cách thật sâu sắc đến vậy? Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về nền tảng khoa học đằng sau hành động kể chuyện.
Trước khi có thể hiểu tại sao một câu chuyện hay khiến chúng ta mê mẩn, ta cần hiểu một câu chuyện là gì và nó được cấu trúc như thế nào để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về những câu chuyện của chính mình.

Một cấu trúc đơn giản nhưng hiệu quả

Những câu chuyện tuyệt vời nhất thường sẽ bao gồm các yếu tố cơ bản giống nhau:
  1. Nhân vật chính
  2. Một vấn đề nào đó
  3. Một người trợ giúp hoặc hướng dẫn
  4. Một kế hoạch hành động
  5. Nguy cơ thất bại
  6. Thành công cuối cùng
Những yếu tố này sẽ giúp tạo nên một câu chuyện “có thật.” Có thật theo cái nghĩa rằng đó sẽ là một câu chuyện hấp dẫn đủ để kích thích hứng thú với kịch nghệ của chúng ta và khiến chúng ta mong chờ được nhìn thấy yếu tố thành công cuối cùng.
Điều gì ở thứ công thức đơn giản này mà lại có tác dụng ma thuật quyến rũ đến nhường vậy, giúp loại bỏ sự phân tâm và kích động sự tập trung cao độ vào tình tiết nội dung, đồng thời lại có khả năng làm dịu thần kinh và chữa lành nỗi đau như vậy?

Khía cạnh khoa học thần kinh của hoạt động kể chuyện

Theo khoa học, một lý do khiến não bộ yêu thích những câu chuyện kể hay là vì những câu chuyện mà tai bạn nghe được sẽ kích thích giải phóng hormone oxytocin và cortisol. Oxytocin là hoóc môn kiểm soát những thứ như sự đồng cảm và tương tác xã hội. Cortisol thì được liên kết với phản ứng căng thẳng.
Khi một câu chuyện giới thiệu một nhân vật có khả năng đối mặt với một vấn đề khó khăn, oxytocin khiến não bộ đồng cảm với tình huống của nhân vật và cortisol khiến não cảm thấy căng thẳng vì vấn đề của nhân vật. Những phản ứng này dẫn đến việc người nghe/người đọc được tập trung vào hoàn cảnh của nhân vật. Sự kết nối này có thể mạnh đến mức nó có thể khiến con người ta hành động - từ một thứ đơn giản như là khiến cho họ đứng ngồi không yên,đến những thứ cao siêu hơn như tham gia một phong trào hoặc quyên góp cho một vận động xã hội nào đó.
Tuy nhiên, tác dụng gần giống như thuốc phiện của oxytocin và cortisol không phải là tác nhân duy nhất làm nên niềm say mê của con người với hoạt động kể chuyện. Một nhân tố quan trọng khác là khả năng tổ chức suy nghĩ con người của một câu chuyện kể. Cấu trúc nhất quán của một câu chuyện là một công cụ mạnh mẽ mà bộ não sử dụng để hiểu về thế giới. Khi não gặp phải thứ gì đó mới lạ, bản năng đầu tiên của nó sẽ là điền vào các yếu tố câu chuyện còn thiếu để tìm kiếm sự gắn kết.
Những câu chuyện, vì sức mạnh tưởng tượng của chúng gắn kết bộ não, có tác động lớn hơn nhiều so với những sự thật đơn giản. Sự kích thích của não bộ tăng lên không chỉ giúp gia tăng những suy nghĩ về chủ đề hấp dẫn mà còn giúp tăng cả trí nhớ. Khi sự tham gia và trí nhớ đó được kiểm soát và tập trung theo hướng tích cực, sự say mê của bộ não đối với việc kể chuyện có thể là chìa khóa để chữa lành và dẫn đến hạnh phúc.

Sức mạnh chữa lành của những câu chuyện

Không có nghi ngờ gì về điều đó: những câu chuyện kể là những công cụ mạnh mẽ. Khi một người có thể xác định vai trò của họ trong câu chuyện của chính họ cũng như các yếu tố riêng lẻ trong câu chuyện của họ, họ có thể bắt đầu hiểu cuộc sống của họ và thế giới mà họ là một phần trong đó theo cách mà hầu hết mọi người khác không bao giờ có thể trải nghiệm.
Chuyện kể là một công cụ liên kết. Chúng đoàn kết mọi người trên con đường vượt qua bất ổn vì mọi người đều có thể xác định và liên quan đến một câu chuyện.
Lắng nghe câu chuyện của một ai đó sẽ giúp mang hy vọng đến cho những tâm hồn tan vỡ. Thông thường, điều duy nhất có thể an ủi một người đã trải qua bi kịch lớn hoặc hoàn cảnh khó khăn chính là một câu chuyện chia sẻ của một người khác đã trải qua điều gì đó tương tự và đã vượt qua, dù cho có đau thương đến đâu.
Khi bạn hiểu được câu chuyện của chính mình, cũng như vai trò mà bạn có khả năng nắm giữ, bạn có thể chữa lành được vết thương trong quá khứ và tập trung được nhiều hơn vào những thử thách và niềm vui của hiện tại.
Chia sẻ câu chuyện của riêng bạn cũng quan trọng không kém việc lắng nghe câu chuyện của người khác.
Vì vậy, hãy cùng Dẫn Truyện chúng tôi viết nên những câu chuyện tuyệt vời. Bởi biết đâu được, rồi sẽ có ai đó nhờ những ngôn từ của bạn mà được chữa lành?
Dịch từ Native Hope