Đẳng cấp và danh tiếng của Ronaldo Nazario không nằm ở những video tập hợp các highlight của anh mà chúng nằm ở những điều anh đã chứng minh là có thể thành hiện thực.
Có một bàn thắng mà chúng ta không đề cập trên phương diện bàn thắng quan trọng nhất của Ronaldo. Nếu xét trên những đấu trường mà Ronaldo từng góp mặt, danh hiệu đó đến ở chung kết World Cup 2002. Đó là trận chung kết World Cup thứ hai mà anh tham dự, là trận đấu mà cựu danh thủ Brazil đã hai lần chọc thủng lưới Oliver Kahn để giúp Brazil bước lên đỉnh vinh quang thế giới, còn cá nhân anh nó cũng là lời kết đẹp cho một hành trình hoàn thành điều còn dang dở 4 năm trước đó.
Chúng ta cũng không đề cập pha lập công đó trên phương diện bàn thắng đẹp nhất của Ronaldo. Ví dụ, khó bàn thắng nào sánh được với pha lập công hoàn tất cú hattrick trên sân Old Trafford năm 2003 hay pha bóng “dẻo như kẹo” trước khi vượt qua thủ thành Luca Marchegiani của Lazio tại chung kết UEFA Cup 1998 hoặc bàn thắng pha trộn giữa sự càn lướt và tinh tế trước Valencia năm 1996.
Nói cách khác, danh sách những bàn thắng xuất sắc của Ronaldo rất nhiều. Tuy nhiên, bàn thắng mà chúng ta đang nhắc tới lại đến từ khoảnh khắc anh tăng tốc từ giữa sân, trái bóng như thể đi theo chỉ đạo của anh và khiến toàn bộ đội bóng Compostela chao đảo. Năm đó, cảm giác Ronaldo gần như có thể làm mọi thứ trong màu áo Barcelona.
Siêu phẩm ấy là lời giải thích rõ ràng nhất cho sức hút lâu dài của một cầu thủ mà trong vài năm qua thường được gọi là “Ronaldo người Brazil”, “Ronaldo đầu tiên” hay như biệt danh của anh ở Italy là “Ronaldo Fenomeno”.
Có một bàn thắng đáng nhớ khác của Ronaldo cũng là một pha lập công điển hình. Hiệp 2 trận đấu giữa Inter Milan và Spartak Moscow ở UEFA Cup - một buổi chiều tháng 4/1998 lạnh giá - Ronaldo nhận bóng từ quả ném biên của Luigi Sartor, chiến thắng đối thủ trong pha tranh chấp, phối hợp với Ivan Zamorano, vượt qua thêm 3 cầu thủ đối phương nữa và tung cú dứt điểm về góc khung thành. 
Đối với lắng kính của thời hiện đại, bối cảnh bàn thắng đó thực sự xuất sắc. Hầu hết các cầu thủ Spartak Moscow hôm ấy đều đeo găng tay vì lạnh. Tuy nhiên, chính mặt sân mới là điều đáng nói nhất. Các phần sân bị cày xới và nhìn không giống như được trồng cỏ lấp lên mà thay vào đó là cát khiến mặt sân trở nên lổn nhổn.
Những sân bóng như vậy có lẽ không còn tồn tại ở châu Âu nữa, ít nhất là ở khuôn khổ bán kết các đấu trường lớn. Một chi tiết khác cho thấy sân bóng ấy tệ như thế nào chính là bộ trang phục màu trắng của Spartak dính đầy bùn, trong khi ngày nay chúng ta ít khi thấy bùn xuất hiện trong một trận đấu bóng đá đỉnh cao. Tuy nhiên, cái cách Ronaldo có thể điều khiển trái bóng một cách dễ dàng trên sân vận động như vậy khiến anh trở nên đặc biệt và chẳng khác nào “sứ giả tương lai”.
Như nhà văn Chuck Klosterman viết trong cuốn “The Nineties”, cuốn luận thuyết này của ông không diễn ra theo trình tự thời gian nghiêm ngặt. Theo cách diễn đạt của Klosterman, thập niên 70 của thế kỷ 20 bắt đầu bằng sự kiện âm nhạc thảm họa Altamon (vốn diễn ra năm 1969) và thập niên 80 khép lại với sự sụp đổ của Bức tường Berlin.
Bóng đá cũng không khác biệt. Thập niên 90 bắt đầu sớm từ năm 1986 với sự kiện Bàn tay của Chúa và kết thúc 12 năm sau khi Ronaldo không thể ra sân trong trận chung kết World Cup - điều mà cho đến nay lý do của nó vẫn còn gây tranh cãi.
Trong vài năm gần đây, môn thể thao mang tên bóng đá này bắt đầu có xu hướng tìm về những dư âm của thời kỳ đó, thời kỳ tạm gọi là đầu hiện đại. Điều này được thể hiện trong những chiếc áo đấu với nguồn cảm hứng từ thời kỳ ấy; trong danh sách các cuốn sách biểu thị sự vươn mình của Premier League. Và đặc biệt ngày càng nhiều các bộ phim tài liệu - một xu hướng được thể hiện rõ nét đầu năm 2022 khi Netflix sản xuất bộ phim nói về việc Luis Figo từ Barcelona đến Real Madrid thế nào và hiện tại là bộ phim “The Phenomenon” về Ronaldo, bộ phim tài liệu nằm trong series DAZN Original.
Kloasterman miêu tả đặc điểm góc nhìn của chúng ta trong thập niên 90 là “khoảng thời gian tốt đẹp đã diễn ra từ lâu, dù thực tế nó không phải từ quá lâu trước đó”. Nhiều sản phẩm văn hóa như “The Simpsons”, “Friend” vẫn rất quen thuộc ở thời điểm hiện tại. Hãy nhớ trong thập niên 90 mọi người không dùng Internet mà họ mua đĩa CD.
Hiệu ứng tương tự cũng áp dụng với bóng đá. Ronaldo và các đồng nghiệp của anh hiện diện ở thời điểm hiện tại qua các trò chơi điện tử cũng như những đôi giày đặc biệt. Tuy nhiên, có một sự mờ ảo, bí ẩn về Ronaldo - và thời đại mà anh thi đấu - mà những thế hệ tiếp theo không thể tái hiện. Vẫn còn đó những câu hỏi chưa được trả lời.
Song, thập niên 90 của bóng đá chứa đựng gốc rễ của môn thể thao mà chúng ta đang trải nghiệm ngày hôm nay. Đó không chỉ là thời đại mà lần đầu tiên bóng đá hoàn toàn hợp nhất với tính giải trí, mà còn là thời điểm mà những dấu tích cuối cùng của chủ nghĩa biệt lập và bản sắc quốc gia trong bóng đá bị xóa bỏ; khi phí chuyển nhượng và tiền lương tăng vượt ngoài tầm kiểm soát; khi những gì từng là yếu tố thể thao trở thành yếu tố giải trí.
Trên phương diện thể thao, thập niên 90 là thời điểm những ý tưởng định hình bóng đá trong tương lai được hình thành. Có những thứ liên quan đến luật - ví dụ như việc thay đổi luật chuyền về thủ môn phải xảy ra do yếu tố pressing bắt đầu xuất hiện - và có những thứ liên quan đến triết lý như việc những tư tưởng của Johan Cruyff được truyền cho Pep Guardiola…
Nhưng ít nhất một phần của nó được thể hiện bởi Ronaldo. Và giống như người đồng đội cũ của anh là Christian Vieri chia sẻ trong bộ phim “The Penomenon”, bóng đá “chưa từng chứng kiến một cầu thủ giống như Ronaldo” khi anh mới xuất hiện. Đó là cầu thủ kỹ thuật nhất, tinh tế nhất bên cạnh tốc độ đáng kinh ngạc, những cú sút sắc nét và sự càn lướt.
Theo thời gian, anh trở thành nguyên mẫu của tiền đạo hiện đại và anh cũng chấm dứt định kiến kéo dài suốt hàng thập kỷ là tiền đạo phải đá theo cặp. Trên mặt sân đầy bùn và cát của Spartak khi anh vượt qua các hậu vệ, Ronaldo dương như giống một cầu thủ tới từ tương lai bởi những gì anh thể hiện. Hiểu về anh và tầm ảnh hưởng của anh là hiểu một chút về bóng đá như chúng ta biết ngày nay.