Vì sao bạn không nên học tự vệ trên mạng? Vì sao những nội dung tự vệ ấy chỉ là những nội dung hoàn toàn vô ích?

Chỉ cần gõ vào thanh tìm kiếm của youtube dòng chữ "tự vệ" là bạn đã có thể tìm thấy hàng nghìn các video dạy tự vệ từ cơ bản đến nâng cao, từ tự vệ đường phố đến tự vệ quán bar... Tuy nhiên, các video tự vệ này ngoài giá trị giải trí, chúng chẳng đem lại được điều gì khác.
Tất cả những video tự vệ trên youtube đa phần đều chỉ tập trung vào sự "thực chiến", tình huống tự vệ nhất định. Đáng nói hơn tất cả là các video này chỉ gói gọn duy nhất sự tự vệ vào trong duy nhất võ thuật chiến đấu. Hãy thử điểm qua những vấn đề dưới đây của những video tự vệ:

1. Gói gọn "tự vệ" trong duy nhất tình huống

Motif dễ nhận diện nhất của các video tự vệ chính là "tự vệ khi bị túm cổ áo", "tự vệ khi trước kẻ cầm dao"... Dù vậy, không khó để thừa nhận rằng các tình huống bạo lực một khi đã nổ ra thì chúng luôn mang yếu tố bất ngờ trong lúc ta không phòng bị nhất.
Hơn nữa, yếu tố bất ngờ mới là nhân tố quyết định trong các cuộc ẩu đả. Một khi bạn rơi vào thế bị động để bị "túm cổ áo" hay bị "kề dao vào cổ" thì coi như bạn đã nắm chắc phần thua. Bất kể bạn có là Mike Tyson đi nữa thì khả năng thất bại của bạn cũng cực kỳ cao khi bạn đã đánh mất yếu tổ bất ngờ vào đối phương.
Tự vệ không quan trọng ở tình huống mà quan trọng ở tính bất ngờ và nhận định tình huống. Do đó, dạy tự vệ theo tình huống là một điều ấu trĩ.
Nếu phải sử dụng bạo lực, lời khuyên đơn giản nhất có lẽ là hãy ra tay trước đối thủ, nhưng kìa, bạn đâu phải là một kẻ bạo lực như chúng. Sự thiếu chuẩn bị về tâm lý này đã là một quả tạ khiến bạn thất thế trong những tình huống tự vệ.

2. Tự vệ bằng võ thuật trên thực tế đòi hỏi những gì?

Tạm bỏ qua những vấn đề như yếu tố kể trên và giả sử bạn đã nhuần nhuyễn các kỹ thuật tự vệ trong các tình huống cụ thể ấy, bạn sẽ làm gì nếu bạn chỉ là một kẻ nhỏ bé trước đối phương có thể hình to lớn như Ngannou hay The Rock?
Trong mọi nội dung dạy tự vệ, hầu như 99% các nội dung này đều bỏ qua vấn đề thể chất. Con mèo và con hổ có cùng kỹ năng, cùng cấu tạo, nhưng con hổ trở nên nguy hiểm hơn hẳn vì nó to hơn và khỏe hơn.
Con mèo và con hổ có độ nguy hiểm khác nhau chỉ vì con hổ to hơn hẳn con mèo.
Vì thế, để có thể tự vệ bằng bạo lực, bản thân bạn cũng phải có nền tảng thể chất tốt chẳng hạn như thể lực tốt, thể hình tốt, sức khỏe tốt...
Đó là lý do vì sao những kẻ bắt nạt cũng thường chỉ dám tiếp cận những kẻ chúng biết chắc là không dám phản kháng mà thôi. Chúng không cần biết rằng bạn có biết võ hay không, thứ chúng nhìn thấy đầu tiên là thể hình. Và nếu chúng "ngán" thể hình của các bạn thì xem như chúng đã mất đi ý muốn gây sự từ đầu.
Dân chơi võ sẽ biết Gaethje nguy hiểm, nhưng những kẻ bắt nạt thì không. Do đó nguy cơ phải sử dụng bạo lực và rủi ro của Gaethje vẫn cao hơn so với một người to lớn như Arnold Schwarzenegger
Có thể nhiều người học võ sẽ tự tin rằng họ dễ dàng đánh bại những gã thể hình to lớn. Bên cạnh cái nhận định ấu trĩ ấy thì thực sự điều đó không quan trọng. Miễn là bạn phải sử dụng bạo lực, nghĩa là bạn có khả năng gặp nguy hiểm. Bạn có là võ sĩ giỏi thì nguy cơ bị ăn đấm cũng cao.
Những kẻ bắt nạt vốn không biết bạn là ai, đai đen karate hay nhà vô địch Boxing cấp quận. Nếu chúng thấy bạn dễ bắt nạt, chúng sẽ chọn bạn.
Do đó, nâng cao sức khỏe và thể hình của bạn cũng là một cách nhằm hạn chế khả năng gặp nguy hiểm

3. Gói gọn "tự vệ" trong duy nhất bạo lực

Từ cái thời chưa có internet, con người ta, đặc biệt là những cậu sinh viên, những anh nhân viên văn phòng và những bông hồng phái đẹp đã luôn lo lắng về việc xui xẻo rơi vào các tình huống bạo lực. Vì thế, các nội dung dạy tự vệ đã ra đời, trải dài từ các mục nhỏ trong báo chí cho đến sách, ảnh, video.
Tuy nhiên, qua cả trăm năm phát triển, các nội dung dạy tự vệ này đều vi phạm vào lỗi sai sơ đẳng khi gói gọn tự vệ trong bạo lực.
Tự vệ không chỉ là bạo lực
Tự vệ thực tế hiểu rộng ra là giữ an toàn cho bản thân. Chúng có thể là việc bỏ chạy khỏi nguy hiểm, không tự đưa bản thân vào nguy hiểm... Và cuối cùng mới phải cân nhắc đến việc sử dụng bạo lực để tránh khỏi nguy hiểm.
Việc tự vệ cho bản thân đôi khi chỉ đơn giản là nhận thức được nguy hiểm từ xa và quyết định tránh xa khỏi chúng.
Chẳng hạn như ở tình huống ẩu đả đường phố, việc tốt nhất nên làm là nhận diện được những yếu tố của kẻ muốn vung đấm và chủ động làm dịu tình hình. Việc này rõ ràng là hiệu quả hơn, xác suất an toàn cao hơn so với việc để bản thân vào nguy hiểm và dụng võ đối đầu với những tên cướp đã chuẩn bị từ trước. Chủ động nhận thua trong những cuộc tranh cãi nhảm nhí là một cách cực kỳ hiệu quả để tránh ẩu đả.
Việc nhún nhường trong những cuộc khẩu chiến vô nghĩa cũng là một cách tuyệt vời để tránh bạo lực
Hãy thử so sánh việc tự vệ với việc lái xe khi say xỉn. Cách tốt nhất để bạn giữ an toàn khi say xỉn chính là đừng cầm lái.
Mọi thứ sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm nếu như xuất hiện những nội dung dạy lái xe khi say xỉn như: Cách cầm lái trong tình trạng say quắc cần câu, Mẹo nhìn rõ đường đi khi đang say, Top 5 tình huống va quẹt khi say xỉn và cách phòng tránh...
Vì thế, có thể nói rằng, việc tự vệ tốt nhất chính là không để bản thân vào tình huống nguy hiểm. Đôi khi, sự tự vệ chỉ đơn giản là nhún nhường phần thắng cho đối thủ trong những tranh cãi không cần thiết.

Đọc thêm: