Gần đây, tôi có nhiều thời gian cho bản thân và thường ngồi tự ngẫm lại hành động và lời nói của chính mình. Và tôi rất thích thú mỗi khi phát hiện ra một điều mới về bản thân.
Một trong những điều tôi mới nhận ra là tôi đặc biệt nhạy cảm trong các vấn đề liên quan đến "giới". Tôi dùng từ "nhạy cảm" ở đây không phải với nghĩa tiêu cực. Rất nhiều người đọc các bài viết của tôi và bạn bè người thân từng nói với tôi "Bạn quá nhạy cảm!" Nhưng tôi từ chối hiểu từ nhạy cảm theo nghĩa xấu, tức tôi phải thay đổi và bớt nhạy cảm đi.
Mỗi người có những giới hạn khác nhau đến từ những trải nghiệm sống và cách suy nghĩ khác nhau. Cùng một chuyện có thể không ảnh hưởng gì đến người này nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến người khác.
Cá nhân tôi tự nhận mình là một người có biên độ dao động về cảm xúc khá lớn, đặc biệt khi chuyện đó có liên quan đến những người và những vấn đề tôi quan tâm hay coi trọng. Và tôi cũng nhận ra mình rất coi trọng vấn đề giới và dễ phản ứng cực mạnh với chuyện trọng nam khinh nữ.
Khi nhận ra xu hướng này của bản thân, tôi tự hỏi điều gì khiến mình lại coi trọng và nhạy cảm với nó đến vậy. Thế là một dòng hồi tưởng từ nhỏ bắt đầu dội lại giúp tôi dần nhận ra lý do tại sao.
Hồi cấp 3, có một thời gian tôi nghĩ mình là lesbian. Lúc đó, tôi để tóc ngắn như con trai, chỉ thích mặc quần áo rộng và không bao giờ mặc váy hay trang điểm. Tôi học 1 lớp đa phần là con gái nên tôi luôn coi mình như một đứa con trai trong lớp. Tôi thường là người bê nước, vác ghế và làm những việc nặng khác cho các bạn.
Tôi cũng có thói quen bảo vệ các bạn nữ lớp tôi trước sự trêu chọc của các bạn nam lớp khác. Mỗi khi các bạn nam học các phòng bên huýt sáo hay nói lời khiếm nhã với con gái lớp tôi, tôi dễ nổi cáu và sẽ thể hiện thái độ ra mặt để chúng nó dừng lại.
Đâu đó, tôi thích các bạn nữ hơn và có cảm giác chán ghét lũ con trai vì thấy chúng thô lỗ, hời hợt và thiếu năng lực. Có thể do môi trường quanh tôi hồi đó không có nhiều bạn nam mà tôi có thể đánh giá cao cho lắm.
Tôi nhớ mình thường xuyên cãi nhau và đối đầu trực tiếp với 1 thằng con trai trong lớp vì nó hay có thái độ khinh thường con gái chúng tôi. Có những lần chúng tôi tranh cãi căng thẳng tới mức đồ đạc và ghế bay veo vèo trong lớp.
Ngay từ hồi đó, bản năng tự vệ và phản kháng của tôi trước con trai đã khá mạnh rồi. Có lẽ tôi luôn ghét cảm giác bị một thằng con trai coi thường và muốn làm điều gì đó chứng tỏ mình không yếu đuối nhu nhược để bị chúng nó bắt nạt.
Nhưng nếu tiếp tục lùi về thơ ấu, bản năng phản kháng này của tôi có thể đã bắt rễ sâu xa hơn từ ngay trong gia đình. Năm lớp 3 có lần tôi vừa khóc vừa ném bát cơm đang ăn và hét lên với bố mẹ "Đừng có nghĩ đến chuyện đẻ thêm con trai nữa, lớn lên con sẽ học thật giỏi, kiếm thật nhiều tiền nuôi bố mẹ! Đừng có lo cái gì cả!"
Đến giờ, mẹ tôi vẫn lôi chuyện đó ra kể với mọi người như một kỷ niệm hài hước và vui vẻ. Với tôi lúc đó nó không hề hài hước chút nào. Tôi đã cực kỳ nghiêm túc khi nói câu đó để thể hiện quyết tâm của bản thân.
Nhà tôi có hai chị em gái - chị tôi và tôi. Ngay từ nhỏ, chúng tôi luôn chứng kiến bố mẹ cố gắng đẻ thêm để có con trai. Sau khi có tôi, mẹ tôi đã mang thai thêm khoảng 7 lần, kéo dài đến tận những năm tôi học cấp 2, tuy nhiên những nỗ lực đó không thành. Cuối cùng vẫn chỉ có 2 chị em tôi.
Tôi rất thương mẹ, thương cả bố và thương chính hai chị em tôi nữa. Sống trong xã hội Việt Nam ở một vùng quê, gia đình chúng tôi chịu nhiều áp lực phải có thêm con trai. Nhiều lần khách đến chơi nhìn 2 chị em tôi rồi bảo bố mẹ tôi "Sao không đẻ thêm đi? Sao không cố tí nữa để đẻ 1 đứa con trai? Hai con vịt giời này lớn lên lấy chồng là nó bay đi mất chứ có chăm bố mẹ được đâu."
Lúc đó dù không nói ra nhưng trong lòng tôi đã dồn nén rất nhiều uất ức. Tại sao hai chị em tôi là không đủ? Tại sao cứ phải cố đẻ thêm trong khi nhà tôi còn chẳng đủ ăn? Tại sao chúng tôi lại bị coi thường như vậy chỉ vì là con gái? Tại sao chúng tôi cố gắng ngoan ngoãn học giỏi và hiếu thảo với bố mẹ như vậy mà vẫn bị coi là vô dụng?
Dù hiện tại, tôi đã đi làm và có cuộc sống riêng, tự lo tài chính cho chính mình và hỗ trợ thêm cho bố mẹ, nhưng nỗi ám ảnh rằng mình không bao giờ là đủ vì mình là con gái chưa bao giờ thực sự biến mất. Điều đó dẫn tới việc tôi luôn phản kháng rất mạnh mỗi khi có cảm giác bị coi thường, bị hạ thấp vì giới tính của mình.
Nhưng tôi phản kháng không phải chỉ vì lợi ích của chính mình. Tôi cũng đọc nhiều sách vở, tìm hiểu về nữ quyền và những vấn đề bất bình đẳng giới. Trong mắt tôi, những người phụ nữ xung quanh tôi rất đáng thương vì bị ràng buộc bởi nhiều khuôn mẫu, định kiến và bất công. Dù họ đã rất cố gắng, đã rất nỗ lực, thậm chí "hi sinh" rất nhiều, nhưng đổi lại họ vẫn luôn bị đổ lỗi, luôn là người chịu thiệt.
Chính vì vậy, tôi luôn vô thức muốn bảo vệ họ cũng như bảo vệ chính mình, muốn lên tiếng và đấu tranh chống lại tư tưởng trọng nam khinh nữ. Như một cái vẩy ngược của con rồng, những lời nói coi thường phụ nữ dù là nhẹ nhất, có thể khiến tôi cảm thấy bị xúc phạm - từ đó dấy lên những cảm xúc tiêu cực và bản năng phản kháng ẩn sâu trong con người tôi.
Tôi biết nhiều lúc mình để cảm xúc tức giận và thù ghét lấn át, khiến tôi chỉ muốn trừng phạt, thậm chí thiêu đốt bất kỳ kẻ nào dám buông lời lời khinh miệt phụ nữ chúng tôi.
Nhưng suy cho cùng, những họ hàng năm xưa luôn áp lực gia đình tôi đẻ thêm con trai, người mẹ luôn tự trách mình vì không đẻ được con trai của tôi, những người mang tư tưởng trọng nam khinh nữ mà tôi gặp ngoài kia, tất cả bọn họ - đều là nạn nhân của những định kiến độc hại về giới.
Tôi không nói mình giỏi giang hay cao thượng hơn họ. Tôi chỉ muốn nói những định kiến và khuôn mẫu độc hại mà họ mang đã khiến tôi cảm thấy bị tổn thương, bị hạ thấp giá trị trong suốt thời thơ ấu và hình thành xu hướng phản kháng của tôi trong hiện tại.
Có lẽ tôi còn một hành trình dài để hiểu hết và giải toả những cảm xúc tổn thương lẫn lộn bên trong tôi với vai trò là một đứa con gái trong một xã hội vẫn trọng nam khinh nữ như ở Việt Nam. Nhưng tôi không hối hận vì đã đứng lên chống lại những định kiến hay sự bất công với bản thân và những người phụ nữ quanh tôi.
Chỉ có điều, tôi sẽ học cách thể hiện sự bức xúc của mình một cách lành mạnh hơn và thông cảm, kiên nhẫn hơn với những người mang cái tư tưởng "trọng nam khinh nữ" mà tôi vô cùng chán ghét kia. Như thầy Thích Nhất Hạnh từng dạy, tôi phải học cách đáp lại những tư duy sai lầm của người khác bằng lòng từ bi thì mới mong hoá giải được chúng.
Đó sẽ là một con đường dài và khó khăn, nhưng tôi sẽ thử và sẽ cố gắng. Hi vọng tới một ngày nào đó, tôi sẽ không còn bị trigger và phản ứng dữ dội trước những lời nói hạ thấp phụ nữ và tìm được cách thể hiện đối đáp ôn hoà hơn mà vẫn đủ cứng rắn. Tôi biết mình phải học và sẽ học.
Nguồn: Internet
Nguồn: Internet