Năm ngoái cháu tôi bắt đầu đi học lớp mầm non. Nghe mẹ và bà nội cháu kể, cả ngày hôm đó cháu khóc. Cả bà và mẹ nhìn cảnh đó thấy thương con, thương cháu nên cả hai cứ đứng ngoài lớp để cháu yên tâm. Nghe kể cứ thỉnh thoảng cháu ngó đầu lên rồi kêu mẹ, kêu bà nội.


Tôi hỏi mẹ, ngày xưa con có khóc như vậy không? Mẹ bảo, lần đó mẹ đưa mày lên, mày không chỉ khóc mà còn dãy lên đành đạch đòi về nhà. Cô giáo dỗ hoài không được phải nhờ người coi lớp để đưa tôi về.


Thì ra ai cũng vậy, lần đầu tiên ấy, ai cũng đã khóc. Giọt nước mắt ấy của tôi ngày xưa, của cháu tôi vì không quen phải sống với những người xa lạ, vì không muốn xa mẹ, xa bà nội. Nhưng có giọt nước mắt khác, nước mắt của những phụ huynh khi đem con của mình cho người khác giáo dục.


Không ít bậc phụ huynh yêu con có lẽ tự hỏi: không biết mình giao phó đứa con cho những con người xạ lạ này, có đúng hay không? Họ sẽ giáo dục con mình như thế nào? Ở đó, nơi lớp học họ sẽ dạy gì cho con cái mình? Cái sự học ở trường của con cái đâu chỉ 1 năm, 2 năm, mà đến tận 18-20 năm. Sau bao nhiêu năm rồi con cái mình có còn giữ được tâm hồn trong trắng? Có được một suy nghĩ đúng đắn và lương thiện không? Hay là bị nhồi nhét, tẩy não để rồi biến nó thành cái gì mà họ muốn, sai khiến nó mà nó không biết? Những bậc cha mẹ yêu thương con cái mình, chắc chắn đã phải khóc trong lòng khi giao phó con cái cho nhà trường suốt ngần ấy năm.


Doạ này tôi nghe rất nhiều câu chuyện xoay quanh việc học của các em. Từ chuyện mua sách vở, đồ dùng học sinh đến đồng phục cá nhân, tiền học phí...thì tôi mới biết, thì ra gần đến ngày tựu trường.


Chưa đến ngày khai giảng năm học mới mà học sinh đã đến trường, tôi lại nhớ đến ngày trước của tôi. Tôi nhớ trước đây chúng tôi khai giảng rồi mới đến trường, và việc học không bon chen như bây giờ. Mỗi lần đến ngày khai giảng là mỗi lần vui và hồi hộp. Chúng tôi sẽ được gặp lại bạn bè, thầy cô sau 3 tháng nghỉ hè. Ba tháng hè chúng tôi không phải học như lũ trẻ bây giờ. Bây giờ thấy bọn trẻ bị bắt học khiếp quá. Chúng học ngày học đêm, học cả ngày thứ bảy và chủ nhật ở nhà cô giáo. Và thế là tôi lại nghĩ đến các thầy cô.


Nói tới giáo dục mà không nhắc tới thầy cô thì thiếu nhiều lắm. Tôi không biết các bậc cha mẹ thế nào khi giao phó con em mình vào tay những người gọi là thầy cô kia. Họ hoàn toàn xa lạ với ta, và ta không biế họ là người thế nào? Họ là người có tâm, có tầm thì con cái mình may quá, phúc cho nó quá. Nhưng gặp những ông thầy, bà cô xem việc giáo dục như cái nơi buôn bán kiếm chác, thì con cái mình bất hạnh đã đành mà gia đình mình khổn khố nhiều lắm.  


Ngày hôm nay tôi nghe quá nhiều câu chuyện liên quan đến thầy cô giáo dưới mái trường mần non, tiểu học, trung học và đại học. Họ lợi dụng chức vụ giáo dục để thu vén tiền bạc, bắt ép học sinh phải đi học thêm, bắt ep đóng các khoản chi phí vô lý, rồi còn lấy tiền của học sinh đóng góp làm của riêng. Tôi nghĩ đến những người đó đang giáo dục cháu mình mà lo quá. Lo cho tương lai của cháu, nhân cách của cháu, và lo cho tương lai của đất nước. Những đứa trẻ học trong ngôi trường đó, tất cả bọn chúng đều là tương lai của đất nước. Nếu mà chúng bị dạy những thứ xấu xa, nhìn thấy những cảnh sai trái từ thầy cô, không biết sau này chúng sẽ lớn lên thế nào.


Những người thầy cô có tâm, yêu mến học sinh, lo cho học sinh từ con chữ đến cái đức, tôi may mắn đã được gặp. Họ thật sự ảnh hưởng với tôi trong cuộc đời. Cái đó để thấy, thầy cô giáo ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của học trò trong tương lai sau này. Thế tôi mới lo, lo cho những đứa trẻ, lo cho những đứa cháu đang được học trong môi trường giáo dục có quá nhiều bất cập này.


Từ nội dung sách giáo khoa, đến nhân cách của thầy cô giáo, và từ cách quản lý của cả hệ thống giáo dục đến cách dạy của các thầy cô. Có nhiều điểm xấu, điểm mù mà tôi nghĩ nó chẳng bao giờ có khả năng mang đến cho con em chúng ta một hành trang thật tốt để tụi nó bước vào đời.


Tôi viết bài này muốn cảnh báo đến các bậc phu huynh, quý vị đừng phó mặc hoàn toàn như vậy con em mình cho nhà trường. Máu từ máu quý vị, thịt từ thịt quý vị sinh ra, quý vị nỡ lòng giao phó con cái mình cho một hệ thống giáo dục, những con người đầy xa lạ, mà không quản lý xem nó vận hành và giáo dục ra sao ư? Xin hãy làm quyền của một người mẹ, người cha đối với tương lai con cái mình, mà đòi hỏi cho được nền giáo dục tốt hơn, nhân bản hơn và trong sạch hơn. Tôi cũng muốn gửi tới các thầy cô giáo, quý vị có bao giờ nghĩ công việc quý vị quan trọng đến mức nào không? Quý vị đang cầm trong tay không chỉ tương lai của các học trò, mà còn là tương lai của cả dân tộc. Đừng nhìn các em bằng con mắt của một con buôn, để rồi tìm mọi cách vét cho đầy túi mình. Mỗi đứa học trò của quý vị là con cái của quý vị, vì đối với học trò thầy cô chẳng khác nào cha mẹ chúng. Hãy lấy cái tâm của một bậc làm cha mẹ mà giáo dục học trò. Hãy gieo vào đầu chúng những kiến thức chân chính, suy nghĩ đúng đắn. Khi quý vị làm điều đó là quý vị đang xây dựng đất nước Việt Nam. Đất nước này có tương lai hay không tuỳ thuộc vào thể hệ học trò mà quý vị giáo dục. Xin hãy làm điều tốt nhất cho học trò như quý vị làm cho con cái của mình. Đó cũng là quý vị đang làm cho đất nước này vậy.


Một lần nữa chúc các em, các thầy cô có một năm học mới nhiều thành công.


(Thân binhminh).