Bác Hồ và đặc trưng văn học của Bác
💕Hồ Chí Minh, ta đã quá quen thuộc với tên gọi này của Người trong lịch sử. Người không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của phong trào cách mạng Việt Nam mà còn là một nhà thơ, nhà văn kiệt xuất trong nền văn học Việt Nam hiện đại.
            Sinh thời, Bác Hồ không hề có ý định xây dựng cho mình một sự nghiệp văn chương và Người cũng không bao giờ tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ hay nghệ sỹ mặc dù Bác rất yêu văn thơ và cũng rất đỗi tài hoa. Từ lúc còn tuổi thơ ấu với cội nguồn là con trai của nhà phó bảng, văn học đến với Bác một cách rất tự nhiên từ những câu thơ cha đọc, những cuộc trò chuyện của quan sai và từ chính những bài dạy của thầy, của ba và của ông. Từ hồi còn trẻ, Bác đã thể hiện mình là con người của thơ văn qua các bài thơ ngẫu hứng như “Trên đèo ngang” được Bác sáng tác lúc 5 tuổi khi cả gia đình Bác vượt qua Đèo Ngang để vào kinh đô Huế hay bài thơ “Ba ông phỗng” được sáng tác dựa trên hình ảnh núi non bộ,… Những cảnh vật đơn sơ những qua cách nhìn của Bác, lại là những bức họa những vấn đề Bác thắc mắc đặt ra. Là con người nhạy cảm với văn chương, với sự nghiệp học tập thời niên thiếu đã hình thành ra cho Người luận điểm ”văn chương là vũ khí sắc bén để đấu tranh cách mạng và cũng là phương tiện rất hữu hiệu để động viên chiến sĩ, đồng bào.” – thứ ảnh hưởng rất lớn đến các tác phẩm của Bác sau này.
            📌Văn chính luận là lĩnh vực nổi bật được Người sáng tác chủ yếu với mục đích đấu tranh chính trị, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong từng giai đoạn. Với ngòi bút súc tích, lập luận chặt chẽ, giàu tính luận chiến và đa dạng về bút pháp; bộc lộ tư duy sắc sảo, giàu tri thức văn hóa, gắn lý luận với thực tiễn, tác phẩm của Người như mũi tên cắm thẳng vào thực tế xã hội lúc bấy giờ. Có thể nhắc đến các tác phẩm như “Bản án chế độ thực dân Pháp (1925)” tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở thuộc địa, “Tuyên ngôn Độc lập (1945)” là văn kiện lịch sử công bố với toàn dân tộc và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946)” là bài hịch cứu nước, đã cổ vũ tinh thần yêu nước của toàn dân đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược hay cuối cùng là “Di chúc (1969)” – tác phẩm cuối cùng và cũng là lời căn dặn và tình cảm thiết tha, là niềm tin sâu sắc của Người gửi lại toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và các thế hệ mai sau. Văn chính luận của Người - những áng văn bất hủ đã đi vào lịch sử và sẽ trường tồn cùng dân tộc ta, đã làm được nhiệm vụ của mình khi có mặt ở mọi nơi, đem lại lòng tin và sức chiến đấu cho nhân dân Việt Nam.
            📌Truyện và kí là lĩnh vực đặc sắc trong sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Các tác phẩm này được Người viết chủ yếu bằng tiếng Pháp từ những ngày đầu sang xứ ngoại. Tác phẩm tiêu biểu thể loại phải kể đến là Tập Truyện và kí, bao gồm những sáng tác viết và đăng báo ở Pháp, chủ yếu là báo Nhân đạo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp. Truyện và ký được Bác sáng tác nhằm miêu tả hiện thực cuộc sống và thể hiện chúng thành những nội dung xã hội quan trọng, có liên quan đến vận mệnh của dân tộc và số phận của mỗi con người Việt Nam trong từng thời điểm lịch sử cụ thể, lồng ghép trong đó nghệ thuật trào phúng sắc bén, được viết bằng lối văn sắc sảo, cô đọng, vừa truyền thống vừa hiện đại; ý tưởng thâm thúy, kín đáo, trí tuệ sâu sắc, thể hiện tình cảm nhân đạo chủ nghĩa và tầm vóc vĩ đại của nhà cách mạng. Một số tác phẩm nổi bật như: “Lời than vãn của bà Trưng Trắc”, “Chuyện con rùa”, “Những con người biết mùi hun khói”, “Vi hành”, “Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu”. Hay Nhật ký chìm tàu”, “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, “Giấc ngủ 10 năm”… Tất cả các tác phẩm này nhằm vạch trần bộ mặt tàn ác, xảo trá, bịp bợm của chính quyền thực dân qua đó đem lại cho người đọc những rung cảm sâu xa và nhận thức lớn lao với một tinh thần nhân đạo chủ nghĩa.
            📌Ngoài văn xuôi, Bác còn để lại một di sản thơ ca vô cùng quan trọng bao gồm thơ ca thơ ca tuyên truyền cách mạng và thơ ca trữ tình. Với khoảng 250 bài thơ, trong đó có hơn 100 bài thơ chữ Hán, được sáng tác chủ yếu từ khi về nước (1941) cho tới cuối đời viết bằng Tiếng Hán và Tiếng Việt. Tiêu biểu cho thể loại thơ ca phải nhắc đến tập thơ “Nhật ký trong tù”  được sáng tác năm 1942-1943, gồm 134 bài thơ tứ tuyệt viết bằng chữ Hán, khi Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây (Trung Quốc) hơn một năm trời. Ngoài ra cũng phải kể tới một số bài thơ viết bằng chữ Hán và Tiếng Việt mang tính chất tức cảnh thiên nhiên, thể hiện tinh thần lạc quan, tình yêu thiên nhiên, đất nước như “Thượng sơn”, “Đăng Sơn”, “Nguyên tiêu”, “Báo tiệp”, “Tặng Bùi Công”, “Tức cảnh Pắc Bó”, “Cảnh khuya”, “Đi thuyền trên sông Đáy”...; chùm bài thơ tặng đồng bào thi đua sản xuất và chiến đấu; chùm bài thơ chúc tết đồng chí đồng bào, thơ thù tiếp, thơ tặng, những vần thơ lẻ rải rác ứng khẩu trong các bài nói chuyện với chiến sĩ, đồng bào,…
            ✨Trong lĩnh vực văn chương, Hồ Chí Minh là một cây bút xuất sắc với đa phong cách. Song, dù viết dưới hình thức nào, thể loại nào, sáng tác của Người cũng nhất quán trong nghệ thuật viết: ngắn gọn, trong sáng, giản dị mà sâu sắc, kết hợp hài hoà giữa cổ điển và hiện đại, chính trị và văn học, thể hiện sức sáng tạo linh hoạt, chủ động trong vận dụng các hình thức thể loại, bút pháp, thủ pháp nghệ thuật khác nhau, nhằm đạt mục đích thiết thực trong từng tác phẩm. Người nhất quán được mục đích của mình luôn đặt ra câu hỏi và xác định rõ xác định rõ: Viết cho ai? Viết để làm gì? Và viết cái gì? Viết như thế nào? Đó chính là ý thức, là trách nhiệm của người cầm bút. Cả cuộc đời hy sinh vì đất nước vì hai từ dân tộc, cả cuộc đời cống hiến hết mình vì sự độc lập tự do của đồng bào cả nước, Người đã để lại kho tàng giá trị là câu văn, dòng chữ, thơ ca? Không đó là tư tưởng, là giá trị, là mục đích sống được thuấn nhuần trong từng từ ngữ, không chỉ là kết tinh của dân tộc mà còn cả của nhân loại.
            💖Sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh gắn liền với tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam, có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học và đời sống tinh thần của dân tộc. Đó là di sản vô giá.💖