Tôi có biết một cậu bạn. Năm cậu bạn ấy còn là một chú nhóc học lớp 9, cậu ấy say mê môn Hóa vô cùng. Ở đội tuyển cậu ấy không phải là người giỏi nhất, còn rất nhiều người giỏi hơn và chắn chắn ở các huyện khác cũng vậy. Tuy nhiên, chú bé ấy là một người vô cùng mơ mộng, cậu ta đặt mục tiêu cho mình phải chứng minh khả năng cho mọi người thấy bằng cách đạt được giải Nhất cấp tỉnh và đỗ trong top 3 của lớp chuyên Hóa năm đó. Ngày qua ngày, cậu ấy vùi đầu vào sách vở, đọc rất nhiều, làm bài tập rất nhiều, giải đề rất nhiều, trước bữa ăn, sau bữa ăn, thậm chí cả trong bữa ăn cậu ấy cũng nghĩ về nó. Có thể cậu nhóc đó không phải là người giỏi nhất, nhưng chắc chắn là một trong những người chăm chỉ nhất đội tuyển. Nhiều lúc cậu bạn ấy cảm thấy mệt mỏi, chán nản vô cùng, trong khi ngoài kia còn nhiều trò vui mà, các bạn đi ăn, đi chơi kìa, sao mình lại phải cắm mặt vào đống sách vở này chứ. Nhưng không, cậu ấy nghĩ về những điều mà mình mơ ước và sự hạnh phúc khi đạt được đó, và cậu ấy lại tiếp tục học. Kết quả là năm đó, cậu ta là một trong ba người đạt giải nhất môn hóa cấp tỉnh và top 5 đầu vào kì thi chuyên. Tuy không thể rơi vào top 3 nhưng với cậu ấy, top 5 là một kết quả hết sức hài lòng và đáng tự hào.  
Tôi cũng biết một cậu bạn, cậu ấy mơ ước trở thành một luật sư giỏi để bảo vệ cho những người yếu thế, một người truyền cảm hứng cho người khác. Trớ trêu thay, cậu ta lại không có một giọng nói đủ tốt hay một phong thái tự tin khi nói trước đám đông, thậm chí mỗi khi cất giọng trước đám đông, tim cậu ta lại đập rất nhanh, giọng nói và chân tay trở nên run rẩy một cách khó hiểu. Nhưng cậu ấy vẫn có một giấc mơ đó, giấc mơ được cất lên tiến nói của mình trước tất cả mọi người và cậu ấy đã lựa chọn theo học tại trường Đại học Luật. Bước vào môi trường đại học, nhiều khi nỗi sợ nói trước đám đông lại xâm chiếm cậu ấy, cậu ấy không dám phát biểu, cũng chẳng dám đảm nhận thuyết trình. Nhưng cậu bạn đã kịp thời nhận ra, cố gắng đè nén nỗi sợ trong lòng, cậu nhận thuyết trình nhiều nhất có thể và dần tận dụng nhiều hơn cơ hội có thể được nói trước đám đông. Giờ đây, mỗi khi đứng trước mọi người để nói, tim cậu vẫn đập nhanh, nhưng đã điều hòa hơn, không còn cảm giác lo lắng tột độ như trước, giọng nói vẫn có gì đó không tự nhiên, nhưng đã rõ ràng và bớt run rẩy hơn trước và chân cậu đã đứng vững trên mặt đất mà không còn run như ngày xưa. Có thể cậu bạn ấy chưa thể trở thành một nhà hùng biện tuyệt vời nhưng tôi tin với nỗ lực của mình, cậu ta xứng đáng đạt được điều mà mình mơ ước.
Tại sao tôi lại kể cho các bạn nghe hai câu chuyện này? Lý do thứ nhất, hai cậu bạn này chính là một phần của cuộc đời tôi, là trải nghiệm mà chính tôi đã trải qua. Và lý do thứ hai là về chủ đề ngày hôm nay, sự mơ mộng hay lý trí? 
Sự mơ mộng, nhiều khi người ta thường hiểu nó là say mê, theo đuổi những điều không thực tế. Nhưng thực tế là gì? thực tế liệu có phải là những điều phơi bày trước mắt ta, thực tế là những điều mà phần lớn mọi người cho là đúng? Hàng trăm, hàng ngàn năm trước, liệu có ai nghĩ việc bay vào không gian là thực tế, có ai nghĩ việc sáng tạo ra những cỗ máy biết bay hay lặn sâu tới hàng ngàn mét là thực tế? Đó chính là sự mơ mộng, không có sự mơ mộng thì làm sao có được thực tế là loài người bay vào vụ trụ, phát minh ra máy bay, tên lửa. Hay gần gũi hơn, không có sự mơ mộng thì sao loài người có được những bài ca, những cuốn tiểu thuyết hay những bộ phim bất hủ. Tuy nhiên, chỉ có sự mơ mộng liệu có đủ?
Rõ ràng, ai trong chúng ta cũng có sự mơ mộng. Chúng ta mơ mộng có một công việc tốt lương cao, chúng ta mơ mộng thay đổi thế giới hay chỉ đơn giản là mơ được một cô gái xinh đẹp nào đó trở thành người yêu của mình. Nhưng thử hỏi, trong số đó có những ai thực sự hiện thực hóa được sự mơ mộng của mình. Ai cũng muốn đạt được ước mơ, nhưng có những ai đủ lý trí để chạm tay vào mơ ước ấy? Đúng, lý trí, nhiều khi nó được đặt vào chiều đối nghịch của sự mơ mộng hay tưởng tượng, đôi khi lại là đặt trong ranh giới giữa của cải vật chất và mơ mộng viển vông, hão huyền. Và theo tôi, lý trí chính là chìa khóa để hiện thực hóa sự mơ mộng của bản thân bạn. 
Với sự mơ mộng, bạn có thể tạo ra những sự tưởng tượng không có giới hạn, nhưng lý trí sẽ giúp bạn đánh giá được sự mơ mộng nào có thể thành hiện thực chứ không phải viển vông, xa vời. Với sự mơ mộng, bạn có thể có những cảm xúc say mê, hăng say khi bắt đầu công việc, nhưng theo thời gian, những cám dỗ bên ngoài, sự lười nhác, sự sụt giảm cảm xúc tích cực sẽ khiến bạn không còn duy trì được ngọn lửa ban đầu. Khi đó, lý trí sẽ giúp bạn vẫn tiếp tục ngồi trên bàn làm việc và nghĩ về ước mơ của mình để có động lực tiếp tục theo đuổi nó. Bạn có thể có một ý tưởng hay ho khi nhiều ngày dài vật vã trong chăn, nuông chiều cảm xúc và bất chợt nghĩ đến nó, nhưng thời gian đâu phải là vô hạn với mỗi người, để có 2, 3 thậm chí là nhiều hơn các ý tưởng để kịp deadline thì bạn phải có tính kỷ luật. Chính bởi vậy, bạn không thể tách rời mơ mộng và lý trí nếu muốn những điều mình mơ mộng trở thành hiện thực. 
Nếu những câu chuyện và lý lẽ mà tôi đưa ra chưa đủ thuyết phục bạn, thì tôi xin đưa ra một minh chứng về nhà vật lý học vĩ đại Stephen W. Hawking. Ông ấy thực sự là một con người mơ mộng với hàng vạn câu hỏi vì sao về vật lý và vụ trụ. Để trả lời các câu hỏi ấy, Hawking đã nỗ lực không ngừng nghỉ kể cả khi bị căn bệnh xơ cứng teo cơ đeo bám suốt 65 năm cho đến khi qua đời. Và trở thành một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất của thế giới trong khi phải chống chọi với nghịch cảnh và bất hạnh, chắc chắn Hawking là biểu hiện không thể thích hợp hơn cho sự kết hợp của mơ mộng và lý trí con người.