Trong một thế giới bận rộn và quá tải thông tin, sự chú ý của con người dần trở thành một thứ tiền tệ.
Từ tiếng loa phường, những tấm biển tiếp thị lòe loẹt khắp phố, những video quảng cáo vài giây trên youtube, tới những thông báo trên điện thoại cứ phút chốc lại kêu... tất cả đều muốn được bạn chú ý, tranh giành nhau từng khoảnh khắc để được nhận sự quan tâm. Nghiên cứu của Dentsu Aegis năm 2019 gọi đây là kỷ nguyên của "nền kinh tế chú ý" (the attention economy).
Và, thành thật mà nói, chúng ta cũng thường hào phóng và dễ dãi với sự chú ý của mình. Chúng ta tự nhủ "chỉ một clip nữa thôi", và rồi chớp mắt đã tốn hàng giờ đồng hồ lướt tiktok. Chúng ta dặn lòng phải tập trung, nhưng chỉ một tiếng rung đã khiến công việc đang làm bị nhất thời gián đoạn.
...
Nguồn: Pinterest.
Nguồn: Pinterest.
Nhưng đừng quên rằng: Sự chú ý của bạn là một nguồn tài nguyên hữu hạn.
Một ngày, bạn chỉ có bấy nhiêu thời gian và năng lượng. Và cũng như một khoản tiền bạn sở hữu, sự chú ý cũng nên được sử dụng một cách khôn ngoan. Đừng phung phí nó vào những kích thích vô nghĩa nhất thời, mà hãy đầu tư vào những gì "sinh lời", quan trọng và thật sự cần thiết.
Vì việc bạn sử dụng sự chú ý của mình thế nào, sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng sống của bạn.
Từ hàng ngàn năm trước, triết gia Epictetus đã sớm nhận ra điều này và kết luận:
"Bạn trở thành chính điều gì mà bạn chú tâm đến."
Quan điểm này của Epictetus gợi lên sự thật về giá trị của sự chú ý từ nhiều phương diện:
Theo như học thuyết tâm lý của Carl Jung, những sự kiện hoặc trải nghiệm mà một người chú tâm đến, sẽ được tâm trí lưu trữ lại trong vô thức cá nhân (personal unconscious). Cho dù có được hồi tưởng lại hay không, những ký ức ấy vẫn sẽ trở thành một phần tiềm ẩn trong con người bạn, phần nào tác động đến cách bạn tư duy và hành động về sau. Giống như những trải nghiệm tuổi thơ định hình nên con người bạn hiện tại.
Điều đó có nghĩa: những gì bạn thường chú ý đến, sẽ gieo vào tâm hồn bạn những hạt mầm. Theo thời gian, những hạt mầm ấy sẽ bén rễ, sẽ thay đổi bạn một cách âm thầm mà trở thành căn tính.
Ở một góc nhìn mang tính hiện tượng, nhà tâm lý William James từng cho rằng: "tại thời điểm này, điều ta để tâm đến chính là thực tại của ta". Điều gì được bạn tập trung vào, cũng đồng nghĩa với việc nó được gán cho tầm quan trọng bậc nhất, và trở thành trung tâm của "sân khấu" nhận thức. Tất cả những thứ khác mờ dần vào "hậu trường" và nhất thời tan biến.
Nguồn: Pinterest.
Nguồn: Pinterest.
Vậy, câu hỏi cần được đặt ra là: thứ mình đang để tâm đến có thật sự quan trọng đến vậy không? Nó có mang lại giá trị hay lợi ích gì cho cuộc sống của mình không? Ngay lúc này, có điều gì khác giá trị hơn mình cần chú tâm vào hay không?
Bên cạnh đó, William James cũng cho rằng: "đối tượng" được chú ý đến tuy quan trọng, nhưng "chất lượng" của sự chú ý xem chừng còn quan trọng hơn. Nếu như chúng ta sống bằng sự tỉnh thức, bằng một sự chú tâm thông suốt, thì trải nghiệm sống sẽ trù phú và sâu sắc hơn rất nhiều.
Và điều đó phụ thuộc vào việc thứ ta đang chú ý đến thật sự có ý nghĩa với ta đến đâu.
...
Kể từ khi nhận thức được những điều này, tôi thấy mình dần chọn lọc hơn với những thông tin được tiếp nhận. Những thông tin vô nghĩa, tiêu cực, độc hại, cho dù là người đời đang xôn xao bàn tán, tôi vẫn chấp nhận bỏ ngoài tai. Vì càng ít bị phân tán, thì những mối bận tâm quan trọng hơn mới càng được chuyên sâu.
Bên cạnh đó, tôi chọn nạp vào mình những nội dung hữu ích, chất lượng, và có ý nghĩa. Thậm chí đôi khi là những kiến thức chuyên môn "khó nhằn", nhưng lại giúp mài giũa cho tư duy mình thêm bén sắc.
Thế giới hiện đại, với tất cả sự ồn ào và nhiễu loạn của nó, liên tục xâm lấn sự chú ý nhất thời của chúng ta, thay ta quyết định mình nên quan tâm tới điều gì. Nhưng tôi nghĩ, chúng ta nên tự nhận thức được giá trị thật của sự chú ý, và giành lại cho mình quyền tự quyết.
Vì chỉ chúng ta mới biết, điều gì là thật sự tốt cho mình.