“Everyone can be super! And when everyone's super... no one will be.”
Syndrome – The Incredibles
(Tất cả mọi người đều có thể trở thành siêu phàm! Và khi mọi người đều siêu phàm… không một ai trở thành siêu phàm cả.)
Câu nói trên đã cho chúng ta biết một thực trạng: Nếu ai cũng nổi tiếng, thì không ai nổi tiếng cả. Nếu ai cũng cố tạo cho mình một điểm nổi bật giống nhau, thì người khác sẽ xem chuyện đó trở thành một điều bình thường và không có gì nổi bật cả.
VTuber cũng vậy.
Virtual Youtuber (VTuber) là những Youtuber sử dụng nhân vật ảo (thường là những nhân vật mang phong cách anime) để tương tác với khán giả, thường là những buổi live stream chơi game hoặc giải đáp bình luận của các fan.
Khi Kizuna Ai trở thành “hiện tượng” vào năm 2016, một số người muốn trở thành “VTuber” để nổi tiếng và kiếm tiền. Vào thời điểm này, VTuber vẫn còn là một khái niệm mới mẻ với cộng đồng. Tuy nhiên với công nghệ của năm 2016, để trở thành VTuber không phải dễ, nên số lượng các VTuber mới còn khá ít và chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa. Mặc dù vậy, với đặc điểm nổi bật là nhân vật phong cách anime mà đa số khán giả ai cũng cảm thấy thích thú, cộng với "ảnh hưởng" từ Kizuna Ai, các VTuber này nhanh chóng thu hút được một lượng lớn fan trung thành theo dõi và đóng góp (donate) cho họ.
Những năm sau đó, khi công nghệ phát triển và sự ra đời của các tập đoàn công nghệ lớn, các nhóm VTuber cũng lần lượt ra đời, nổi bật và nhiều người biết đến nhất không thể không kể đến nhóm Hololive. Hololive tiếp tục tạo nên hiện tượng cho cộng đồng VTuber. Đặc biệt trong năm 2020 với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, số lượng người xem Youtube tăng chóng mặt thì độ phủ sóng của Hololive trong giai đoạn này là không thể nào chối cãi. Điều này tất nhiên đã tạo nên một làn sóng thứ hai của một bộ phận đông người muốn trở thành VTuber. Và rất nhiều VTuber độc lập đã lên sóng.
Vấn đề bắt đầu từ đây.
Không thể phủ nhận được những giá trị tinh thần, những cảm xúc mà các VTuber đã mang lại cho các fan của mình để gây dựng được hình tượng của họ. Nhưng mà, với thời đại mà “ai cũng muốn là VTuber”, có phải chăng, bắt đầu xảy ra hiện tượng “bão hòa”?
Chính vì độ phủ sóng quá lớn của VTuber hiện nay đã dẫn đến tâm lý “làm VTuber, với hình tượng nhân vật hoạt hình anime sẽ thu hút được người xem, sẽ được nổi tiếng và người xem sẽ ủng hộ”. Tuy nhiên, họ có thể không nhận ra vấn đề rằng: cộng thêm với các VTuber đã nổi tiếng trước đó, thu hút áp đảo lượng người theo dõi và số lượng không nhỏ các VTuber độc lập khác, đã dẫn đến một hệ quả tất yếu: người xem bây giờ đã thay đổi cách nhìn của các VTuber từ một “hiện tượng” trở thành sự kiện bình thường, bình thường như các video hay stream thông thường khác mà thôi.
Đơn giản là vì “họ đã thấy quá nhiều người rồi, cũng là VTuber, cũng stream tương tự, cũng làm video tương tự”, nên đã không còn mặn mà gì với loại hình giải trí này nữa, nổi tiếng hay không nổi tiếng cũng như nhau thôi, “đều là VTuber cả”. Chính vì họ xem là bình thường, chẳng ai thực sự dành nhiều thời gian cho hình thức xem VTuber để giải trí nữa, thậm chí nghiêm trọng hơn, xuất hiện các cá nhân, hội nhóm anti-Vtuber nhằm hạ thấp hình ảnh của các VTuber, đồng thời phản đối sự hình thành các VTuber mới.
Tất nhiên, điều này đã, đang, và sẽ ảnh hưởng đến các VTuber, từ mới đến cũ. Một số VTuber sau khi hoạt động một thời gian vì không đủ nổi tiếng, không đủ sức cạnh tranh trong thị trường này, không huy động được đủ kinh phí hay tệ hơn, bị dư luận phản ứng nên đã phải dừng hoạt động. Các VTuber cũ cũng đang phải nhận sự quan tâm ngày càng ít đi của công chúng.
Thế mới thấy, VTuber trong thời điểm hiện tại đang dần bị bão hoà nghiêm trọng. Sự bão hoà này không chỉ làm cho mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn giữa các VTuber khi muốn thu hút khán giả về phía mình, mà còn tạo ra một nghịch lý khi số lượng VTuber ngày càng nhiều mà lượng người xem ngày càng ít đi.
Nếu ai cũng muốn làm VTuber để nổi tiếng, thì sẽ chẳng có ai nổi tiếng cả.