Lời tựa:                       Như đã giới thiệu trong series, Seneca thực sự là nguồn cảm hứng Stoicism của mình. Đọc Seneca không chỉ là về triết học mà còn là một trải nghiệm nghệ thuật, khi những bài học, triết lý quan trọng được phản ánh qua những hình ảnh quen thuộc, bình dị và đời thường, thể hiện cái tinh tế trong quan sát của một thiên tài với sự từng trải của cuộc đời.                                           Với hy vọng giới thiệu Stoicism đến với các bạn trẻ Việt Nam, xin gửi tới các bạn bản dịch những bức thư quan trọng nhất trong cuốn "Moral Letters to Lucilius", tác phẩm đã làm nên tên tuổi của Seneca và là một trong bộ ba cuốn sách nền tảng của Stoicism.                                                             Do không phải anh dịch thuật, nên bản dịch này hoàn toàn tập trung vào việc truyền tải thông điệp và hy vọng có thể giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với bản tiếng Anh, để có thể thấy cái hay cái đẹp trong việc sử dụng ngôn từ của Seneca (dù thực ra bản tiếng Anh cũng chỉ là một bản dịch). Một anh bạn người Ý của mình đã chia sẻ Seneca được đưa vào chương trình giảng dạy tại Ý như một bậc thầy về việc sử dụng ngôn từ. Vì vậy, xin cam đoan tất cả những gì khiến bạn cảm thấy trúc trắc từ bản dịch là bởi khả năng hạn chế của mình, và rất mong nhận được đóng góp của các cao nhân để bản dịch được hoàn thiện hơn. Lưu ý: vì một số lý do như nội dung không còn quá sát và cần thiết với thời hiện tại, mình sẽ không dịch 4 bức số 58, 85, 92, và 95 nhé. Nếu bạn nào muốn tìm hiểu thêm thì bản tiếng Anh có sẵn trên Wiki, hay có thể nhắn cho mình mình sẽ gửi bản pdf sách.
Bạn có thể đọc trước giới thiệu về Seneca ở đây:

Bức thư số 120

Bạn thân mến!
Thư bạn đề cập đến khá nhiều vấn đề, nhưng cuối cùng quy về một mối - mong tôi giải thích làm cách nào mà ta đi đến luận bàn về những thứ tốt đẹp (the good)những thứ cao quý (the honourable) (xem lại bức thư số 118). Theo một số triết gia thì có sự khác biệt giữa chúng, nhưng với Stoicism thì chúng chỉ như kiểu cái nào rõ ràng hơn cái nào mà thôi.
Đây là thứ tôi muốn ám chỉ. Thứ tốt đẹp, với một số người, chỉ là những thứ hữu ích, và vì vậy họ áp dụng nó lên cả tài sản, con ngựa, hũ rượu, hay cả đôi giày - theo cách ấy họ đâu có thực sự trân trọng giá trị của thứ tốt đẹp, và hạ thấp chúng xuống gần như tầm thường. Thứ cao quý, họ nghĩ, là những thứ tuân theo lý trí và từ đó dẫn đến những hành động ngay thẳng đúng với phẩm cách, như hết lòng chăm sóc phụ thân già yếu, giúp đỡ bạn bè lúc khó khăn nghèo khổ, nếu phải chiến đấu thì sẽ chiến đấu một cách dũng cảm kiên cường, và khi ở vị trí chức quyền sẽ đưa ra những chính sách hợp lý và có cân nhắc kỹ càng. Chúng tôi (Stoicism) cũng phân biệt hai thứ đó, nhưng cho rằng chúng thực ra về bản chất là một. Không gì có thể thực sự tốt đẹp nếu không cao quý, và thứ gì cao quý thì chắc chắn là tốt đẹp. Tôi tin việc nêu ra sự khác biệt giữa những khái niệm ấy là không cần thiết, vì đã nói đến chúng thường xuyên (trong những thư trước cho bạn). Chỉ có một lưu ý tôi muốn khẳng định rõ ràng về quan điểm của mình, rằng không thứ gì tốt đẹp mà có thể được dùng vào mục đích xấu cả. Trong khi bạn có thể dễ dàng thấy bao người vẫn dùng tài sản, chức quyền, và cả sự khỏe mạnh của cơ thể cho những muc đích xấu.
Giờ ta hãy quay trở lại với vấn đề mà bạn muốn tôi bàn đến, làm cách nào hay từ đâu mà người ta đi đến khái niệm thứ tốt đẹpthứ cao quý. Tự nhiên không thể dạy ta điều này: thứ tự nhiên trang bị cho ta không phải là kiến thức, mà chỉ là hạt giống của kiến thức mà thôi. Có những người nói rằng thực ra người ta chỉ tình cờ nghĩ ra chúng, nhưng điều đó là quá sức tưởng tượng khi một người có thể vì tình cờ mà phát hiện ra phẩm cách. Quan điểm của Stoicism là thứ cao quýthứ tốt đẹp được tiếp cận và rút ra qua quan sát và so sánh những cách cư xử và hành động lặp đi lặp lại của con người; nói cách khác, theo đánh giá của Stoicism, chúng được tìm ra từ phép loại suy.
Vì từ "loại suy" từng được chấp nhận và đưa vào sử dụng bởi những học giả tiếng La tinh thay vì từ chối nó, tôi nghĩ nó cũng nên được chấp nhận ở La Mã. Vậy nên tôi sẽ dùng nó không chỉ một cách có cơ sở mà còn đường hoàng tự tin. Để tôi giải thích cách loại suy trong trường hợp này. Ta biết về sức khỏe thể chất; từ đó ta suy ra cũng có một loại sức khoẻ khác là sức khoẻ tinh thần. Ta biết về sức mạnh cơ thể; từ đó ta có thể suy ra một loại sức mạnh khác là sức mạnh tâm trí. Có những hành động hào phóng, hay giàu tính nhân văn, hay dũng cảm, những hành động khiến ta cảm khái. Ta bắt đầu thán phục chúng như thể là biểu trưng cho sự hoàn hảo của con người. Dù có những khiếm khuyết trong đối tượng, thì cũng có thể dễ dàng được bỏ qua vì chúng bị che mất dưới sự huy hoàng của những hành động nhân nghĩa, giàu tính nhân văn ấy. Tự nhiên khuyến khích ta hãy phóng đại, tán dương hơn lên những hành động cao đẹp, và những người thực hiện chúng thường mang danh tiếng vĩ đại hơn nhiều so với sự thật. Vậy nên từ những hành động ấy ta đi đến khái niệm về những thứ tốt đẹp vĩ đại.
Fabricius từ chối vàng bạc của vua Pyrrhus, tin tưởng rằng bản lĩnh có thể khinh thường tài sản vua ban còn có giá trị hơn rất nhiều, kể cả tài sản ấy có là cả đế chế. Rồi sau đó, khi thần y của Pyrrhus quyết định hạ độc vua, cũng chính Fabricius đã cảnh báo cho nhà vua biết để thoát nạn. Cả hai hành động đều cho thấy sức mạnh của phẩm cách: không bị mua chuộc bởi vàng bạc, và cũng không chiến thắng bằng cách hạ độc lén lút hèn hạ. Ta ngưỡng mộ ông ấy, một con người vĩ đại, người không bị lung lạc bởi cả dụ dỗ của vua chúa cũng như âm mưu chống lại vua chúa, người có thể dựa vào sự suy xét lý trí của chính mình, thực hiện điều khó khăn nhất một cá nhân có thể thực hiện trong việc duy trì sự chính trực ngay cả trên chiến trận, tin tưởng rằng những thứ sai vẫn là sai, dù chúng được áp dụng để chống lại kẻ thù. Ngay cả trong cảnh nghèo túng tột cùng, tình cảnh mà thực ra lại là thứ để ông ta tự hào, ông ta từ chối tài sản cũng như cách ông ta từ chối việc sử dụng độc dược. "Hãy sống, Pyrrhus", ông ta nói: "với sự trợ giúp của ta, và hãy mừng vì thứ đã từng khiến người đau đớn: rằng Fabricius không thể bị mua chuộc".
Horatius Cocles đơn thương độc mã chặn đứng cây cầu hẹp. Ông ta yêu cầu cắt đứt đường rút lui của chính mình, để kẻ thù không thể đuổi theo, và giữ chân những kẻ tấn công tại một bên vịnh cho đến khi nghe thấy tiếng gỗ gãy vang lên dữ dội. Khi ông ta nhìn lại và thấy rằng sự hy sinh của bản thân đã cứu cả dân tộc, ông thét lớn: "Đến đây, kẻ nào muốn bắt ta". Rồi ông ta buông mình xuống nước, rồi khi cố thoát khỏi dòng chảy xiết, ông ta cũng quan tâm đến vũ khí của mình như chính sự an toàn của ông ta vậy. Giơ vũ khí chiến thắng ấy lên trong vinh quang, và trở về an toàn như thể ổng chỉ đơn giản là đi qua cầu mà thôi.
Những hành động ấy, và những ví dụ tương tự cho ta một hình dung về phẩm cách. Để tôi nêu lên thêm 1 thứ có thể khiến bạn trầm trồ. Đôi khi ta nhận ra được đâu là sự cao quý khi mục kiến chính những thứ xấu xa, hay sự tuyệt vời được làm rõ bởi thái cực ngược lại của nó. Một vài phẩm cách và thói xấu, như bạn biết đấy, giáp giới với nhau, và trong những kẻ tha hóa suy đồi cũng có những thứ khá giống với sự ngay thẳng chính trực. Vậy nên kẻ hoang phí lại có thể cho ta cảm nhận sai lầm là hào phóng tốt bụng, dù cho có sự khác biệt rất lớn giữa việc biết cách cho đi và không biết tiết kiệm. Để tôi nói cho bạn, bạn của tôi, rằng rất nhiều người không chia sẻ tài sản của họ mà lại phung phí chúng. Tôi từ chối gọi bất cứ ai là hào phóng nếu người đó không thực sự tôn trọng tiền bạc. Sự thiếu thận trọng lại có thể được xem như thoải mái tự tại, hay sự liều lĩnh ngu xuẩn lại được xem như dũng cảm. Những nét tương đồng đó buộc ta phải suy nghĩ và phân biệt những thứ có vẻ giống nhau bề ngoài nhưng lại rất khác nhau về bản chất. Trong việc quan sát những nhân vật đã trở nên nổi tiếng vì một hành động nổi bật, ta bắt đầu nhận ra những điểm chung của họ, những người thực hiện hành động cao quý ngay thẳng với bầu nhiệt huyết, nhưng chỉ trong một tình huống cụ thể duy nhất. Ta thấy một người dũng cảm trên chiến trận nhưng lại nhút nhát nơi Công trường nghị sự; chịu đựng nghèo khổ với một tinh thần hiên ngang nhưng lại có thể đáng khinh khi bị ghét bỏ giáng chức. (Trong những tình huống không nhất quán ấy) ta ca ngợi hành động cao quý, nhưng coi khinh kẻ thực hiện nó. Nhưng người khác, ta thấy họ rất tốt với bạn bè, kiên nhẫn chịu đựng kẻ thù, luôn có trách nhiệm và đáng được tôn trọng trong cách hành xử cả ở ngoài xã hội cũng như trong cuộc sống cá nhân. Ta quan sát sự kiên nhẫn của ông ta trong việc chịu đựng những khó khăn, hay khả năng nhìn xa trông rộng của ổng để có thể hoàn thành những trọng trách của mình. Ta thấy rằng khi sự đóng góp tiền bạc được yêu cầu, ông ta luôn thực hiện một cách thoải mái; khi có sự việc đòi hỏi nỗ lực, ông ta lao vào không mệt mỏi hay tiếc công, và làm dịu đi cơn mệt mỏi bằng chính sức mạnh tinh thần của mình. Hơn thế nữa, ông ta luôn trước sau như một, trong mọi hành động, sự tốt đẹp không còn đến ngẫu nhiên mà từ sự định hướng của thói quen và khiến ông ta không những có thể thực hiện những hành động đúng đắn mà còn không thể không làm như vậy. Ở ông ta, ta sẽ thấy được thế nào là phẩm cách được trui rèn đến mức hoàn hảo.
Ta có thể chia phẩm cách thành các phần nhỏ. Những ham muốn cần được kiểm soát; nỗi sợ hãi phải được đưa ra suy xét; hành động cần được thực hiện một cách sáng suốt; và mỗi người cần làm trọn những nghĩa vụ của mình; vậy nên ta có sự điều độ, dũng cảm, cẩn trọng, và công bình, và mỗi phẩm cách ấy được gán với sự áp dụng riêng cho chúng. Vậy, từ đâu mà ta có được hiểu biết về phẩm cách? Chính sự sáng suốt thông thái của một người sẽ làm chúng hiển lộ, cũng như sự đúng đắn khuôn phép và vững vàng, và sự nhất quán trong tất cả hành động, cùng sự vĩ đại vượt trên mọi hoàn cảnh. Chính từ đó mà ta hiểu về hạnh phúc, về cuộc sống toàn vẹn có thể nằm trọn trong tầm kiểm soát của bản thân.
Vậy, làm cách nào, mà mọi thứ trở nên rõ ràng cho ta? Để tôi chia sẻ với bạn. Thánh nhân (con người hoàn hảo), người sở hữu các phẩm cách, không bao giờ nguyền rủa vận mệnh và không bao giờ tái mặt khi đối mặt với bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc đời. Tin tưởng vào bản thân, trong tâm thế của một người dân, một người lính của cả thế giới, ông ta chấp nhận mỗi hoàn cảnh nặng nhọc khó khăn cũng như thể nó là mệnh lệnh được đấng trị vì thiêng liêng giao phó cho ông ta. Ông ta không coi bất cứ rắc rối khó khăn nào là phiền phức và bất hạnh, mà thay vào đó như một nhiệm vụ được giao. "Bất cứ thứ gì xảy đến", ông ta nói, "thì cũng là nhiệm vụ của ta đối mặt với nó. Nếu nó khó khăn và khốc liệt, vậy, hãy để ta dốc lòng dốc sức thực hiện nó". Bởi vậy nên không một bằng chứng, hay thậm chí không một ai có thể thấy ông ta than vãn về những khó khăn của mình, hay phàn nàn về số phận. Từ đó mà mọi người có thể hiểu được về con người ông ta. Ông ta sáng chói như nguồn sáng trong bóng tối, thu hút sự chú ý về mình, vì ông ta bình thản và cao quý, chấp nhận mọi điều xảy đến với mình trong cuộc đời, dù bởi con người hay bởi đấng thiêng liêng. Tâm trí ông ta hoàn hảo và luôn trong trạng thái đỉnh cao ấy của nó.
Tâm trí duy nhất có thể vượt trên nó là trí tuệ siêu phàm của đấng thiêng liêng, mà từ đó một phần được trao xuống cho tâm hồn ta trong kiếp người hữu hạn này. Nhưng tâm hồn ấy đạt đến sự thiêng liêng cao quý chính là khi nó có thể ngẫm về tính hữu hạn của sự sống. Khi đó nó sẽ hiểu rằng con người được sinh ra để hoàn thành cuộc sống trong cơ thể, thứ không thực sự là nhà, mà là một chỗ nghỉ chân trong một quãng ngắn của thời gian - nơi mỗi người rồi sẽ phải rời bỏ khi anh ta thấy mình đã trở thành gánh nặng cho chủ nhà. Hãy để tôi đảm bảo với bạn, bạn của tôi, rằng khi tâm trí nhận thấy sự chậm chạp và hạn chế trong việc xử lý mọi thứ xung quanh và không sợ hãi trong việc rời bỏ - chấm dứt sự sống, nó cho ta thấy rõ ràng về nguồn gốc thiêng liêng của mình. Khi ta nhớ nơi xuất xứ thực sự của mình, ta sẽ hiểu ta phải đi về đâu. Chẳng lẽ ta không nhận thấy bao nhiêu vấn đề cản trở ta và ít ỏi đến thế nào sự hài lòng ta có với cơ thể con người của mình? Lúc này là cơn đau đầu khiến ta than vãn, lúc khác là cái bụng, lúc khác là ngực và họng. Đôi khi vấn đề đến từ nhức mỏi, lúc khác từ những cơn đau nhói chân; lúc khác nữa là vấn đề về tiêu hóa và đường ruột, rồi thì sổ mũi xoang. Rồi thì ta có quá nhiều máu, hay quá ít. Ta bị làm phiền từ mọi hướng và không thể bình tâm: nó giống hệt những phiền phức ta gặp phải khi ở nhà khách. Nhưng dù ta phải tiếp tục chịu đựng cái cơ thể đang ngày càng tàn tạ này, ta vẫn cứ cố công lập kế hoạch cho mãi mãi. Những hy vọng của ta luôn hướng về những thứ to lớn nhất của cuộc sống, không hài lòng trong bất cứ giới hạn nào về tiền bạc và tầm ảnh hưởng của mình. Có gì đáng hổ thẹn và điên rồ hơn thế? Không gì là đủ cho ta, dù sớm thôi ta sẽ phải ra đi. Hay chính xác hơn, là ta đang chết dần theo năm tháng. Mỗi ngày ta lại càng gần hơn cái kết thúc cuối cùng, và mỗi giờ lại đẩy ta gần hơn cái điểm mà từ đó ta sẽ rơi xuống. Bạn có thấy sự mù quáng ấy của tâm trí mình. Thứ ta gọi là tương lai thực ra đang xảy ra ngay lúc này, và một phần lớn của nó đã trở thành quá khứ, vì nó bao hàm cả khoảng thời gian trước khi ta sinh ra (ý chỉ những kiếp trước. Stoicism nói chung, hay Seneca nói riêng, tin vào thuyết linh hồn là bất tử, chỉ chuyển hoá từ cơ thể này sang cơ thể khác). Ta sai lầm khi sợ hãi ngày cuối cùng của cuộc đời: mỗi ngày đóng góp một phần giống nhau cho cái chết. Những bước chân không vững, yếu ớt già cả chính chúng không khiến ta mệt mỏi, mà chúng chỉ báo hiệu cho ta thấy sự mệt mỏi của tuổi già của mình. Ngày cuối cùng của đời người là khi ta đối mặt với cái chết, nhưng mỗi ngày ta đều đến gần nó hơn. Cái chết không chộp lấy ta, nó chỉ đưa ta đi tiếp mà thôi.
Vậy nên một tâm trí vĩ đại, nắm được nguồn gốc tự nhiên tuyệt vời của nó, sẽ nỗ lực hết mình để có thể luôn hành động một cách ngay thẳng cao quý và bền bỉ trong bất cứ hoàn cảnh nào nó được đặt vào, nhưng sẽ không coi những thứ xung quanh là thực sự thuộc về nó. Tâm trí sử dụng chúng như những thứ được cho mượn, như người lữ hành tiếp tục con đường của mình. Khi ta thấy ví dụ về một người với sức mạnh tâm trí như thế, làm sao ta có thể không nhận thấy sự tuyệt vời ấy, đặc biệt nếu nó luôn kiên định, như tôi đã nói, và thể hiện được sự vĩ đại thực sự của nó? Vì chân lý thì luôn vững vàng trước sau như một, trong khi những thứ giả trá thì không chắc chắn và sớm lộ rõ sự vô giá trị của chúng. Một số người cứ lúc là Vatinius (một kẻ xấu, đê hèn), lúc khác lại là Cato (một thánh nhân). Đôi khi họ thấy Curius chưa đủ thanh đạm, Fabricius chưa đủ nghèo khổ, hay Tubero thiếu đi sự giản dị và điều độ trong cuộc sống; lúc khác họ cạnh tranh với Licinus về tài sản, Apicius về bữa tiệc tối xa hoa, và Maecenas về sự trang hoàng đẹp đẽ. Bằng chứng rõ ràng nhất về sự xấu xa, suy đồi của tính cách là nó hay thay đổi và thường xuyên chuyển từ phẩm cách sang chìm đắm trong thói xấu như vậy:
Có lúc ông ta có 200 nô lệ, lúc khác chỉ 10;
giờ ông ta sẽ nói về những mối quan hệ quyền quý, với vua chúa và hoàng tử;
lúc khác lại, "Chỉ chiếc bàn ba chân, và một đĩa muối;
một bộ quần áo đơn giản, chỉ đủ tốt để giữ ấm cơ thể"
Nhưng nếu bạn giao cho con người giản dị ấy, người đang hài lòng với rất ít
một tỷ, trong 5 ngày số tiền ấy sẽ bay hết - (trích thơ Horace)
Có rất nhiều người giống như Horatius Flaccus đã mô tả ở đây, người không bao giờ có thể có được sự nhất quán, cứ thay đổi theo quá nhiều hướng đến nỗi chính anh ta có lẽ cũng chẳng nhận ra bản thân mình. Hình như tôi nói là "có rất nhiều"? Thực ra gần như tất cả chúng ta đều như vậy. Mỗi người đều thay đổi kế hoạch và nguyện vọng của mình theo từng ngày. Một ngày anh ta muốn có vợ, ngày tiếp theo lại chỉ muốn một người bạn gái. Giờ anh ta muốn điều khiển người khác, nhưng lúc khác anh ta lại khúm núm hơn cả nô lệ. Giờ anh ta đang quá thỏa mãn tự cao đến nỗi thu hút rất nhiều dị nghị căm ghét, nhưng dịp khác anh ta lại lánh mình và khiêm tốn đến không thể hơn thế. Đầu tiên anh ta mạnh tay bố thí cho đám đông, rồi sau đó lại chìm đắm trong ham muốn tiền bạc.
Đó là dấu hiệu rõ ràng nhất của một tâm trí ngờ nghệch, thiếu sáng suốt. Nó cứ luôn thay đổi với không một định dạng cố định nào, và (thứ tôi thấy đáng khinh nhất) là nó không bao giờ có thể kiên định. Điều đó cho ta hiểu về sự vĩ đại của một tâm trí kiên định. Nhưng chỉ người thông thái mới có thể như vậy; còn chúng ta thì luôn thay đổi. Lúc này bạn thấy ta tiết kiệm và nghiêm túc, lúc khác lại quá rộng rãi và ngờ nghệch. Ta cứ thay đổi chiếc mặt nạ của mình, bỏ một cái xuống rồi lại đeo cái trái ngược hoàn toàn lên. Vậy nên đây là điều bạn cần phải đòi hỏi ở bản thân mình: luôn trung thành với vai diễn mà bạn đã bắt đầu, cho đến khi bạn rời sân khấu (khi màn kịch kết thúc). Hiểu rằng nếu làm được như thế, bạn xứng đáng với những lời ngợi ca; hoặc nếu không, ít nhất bạn sẽ được thừa nhận bởi tính kiên định của mình. Vì thực ra, với người bạn nhìn thấy ngày hôm qua, sẽ là công bằng nếu ta tự hỏi rằng: "Đó là ai?". Vậy thì bạn hiểu những thay đổi ấy lớn đến mức nào!
Tạm biệt!
A Dreamer
Lưu ý: Vì sau khi Spiderum update, thực sự việc copy bản tiếng Anh vào bài viết quá trúc trắc. Vậy nên bạn nào muốn đọc cả bản tiếng Anh có thể tự download sách trong link dưới hoặc tìm trên Wiki nhé.
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)