Lời tựa:                       Như đã giới thiệu trong series, Seneca thực sự là nguồn cảm hứng Stoicism của mình. Đọc Seneca không chỉ là về triết học mà còn là một trải nghiệm nghệ thuật, khi những bài học, triết lý quan trọng được phản ánh qua những hình ảnh quen thuộc, bình dị và đời thường, thể hiện cái tinh tế trong quan sát của một thiên tài với sự từng trải của cuộc đời.                                           Với hy vọng giới thiệu Stoicism đến với các bạn trẻ Việt Nam, xin gửi tới các bạn bản dịch những bức thư quan trọng nhất trong cuốn "Moral Letters to Lucilius", tác phẩm đã làm nên tên tuổi của Seneca và là một trong bộ ba cuốn sách nền tảng của Stoicism.                                                             Do không phải anh dịch thuật, nên bản dịch này hoàn toàn tập trung vào việc truyền tải thông điệp và hy vọng có thể giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với bản tiếng Anh, để có thể thấy cái hay cái đẹp trong việc sử dụng ngôn từ của Seneca (dù thực ra bản tiếng Anh cũng chỉ là một bản dịch). Một anh bạn người Ý của mình đã chia sẻ Seneca được đưa vào chương trình giảng dạy tại Ý như một bậc thầy về việc sử dụng ngôn từ. Vì vậy, xin cam đoan tất cả những gì khiến bạn cảm thấy trúc trắc từ bản dịch là bởi khả năng hạn chế của mình, và rất mong nhận được đóng góp của các cao nhân để bản dịch được hoàn thiện hơn. Lưu ý: vì một số lý do như nội dung không còn quá sát và cần thiết với thời hiện tại, mình sẽ không dịch 4 bức số 58, 85, 92, và 95 nhé. Nếu bạn nào muốn tìm hiểu thêm thì bản tiếng Anh có sẵn trên Wiki, hay có thể nhắn cho mình mình sẽ gửi bản pdf sách.
Bạn có thể đọc trước giới thiệu về Seneca ở đây:

Bức thư số 118

Bạn thân mến!
Bạn nài ép tôi biên thư thường xuyên hơn. Nhưng hãy thử tính lại, bạn sẽ thấy bạn mới là người viết ít hơn đấy. Ta đã thỏa thuận rằng bạn sẽ viết cho tôi trước và tôi sẽ phản hồi. Tuy nhiên, tôi sẽ không khắt khe tính toán với bạn. Với lòng tin vào bạn mình, tôi sẽ "ứng trước" cho bạn. Nhưng tôi sẽ không làm thứ mà Cicero, bậc thầy về ngôn từ và hùng biện, nói Atticus nên làm: ngay cả nếu ông không có ý tưởng gì để viết, hãy viết về bất cứ thứ gì xuất hiện trong tâm trí. Tôi tin mình sẽ không bao giờ thiếu ý tưởng để khai thác, ngay cả khi bỏ qua tất cả những nội dung đã hàm chứa trong các bức thư của Cicero, những thứ như ứng viên nào đang gặp khó khăn, hay ai đang tranh cử bởi vốn liếng được tài trợ thay vì của chính người đó; ai là người có được sự ủng hộ của Caesar cho vị trí lãnh sự, và ai được sự ủng hộ của Pompey, hay phải tự lực; hay "Caecilius thực sự là một kẻ chi li từng cắc, người sẽ không bao giờ cho vay dù chỉ một đồng đối với cả họ hàng mà không tính lãi 1 phần trăm 1 tháng". Thay vì bàn đến vấn đề của người khác, tôi tin tốt hơn là xét về những vấn đề của chính bản thân mình, đánh giá lại chính mình, nhìn nhận tất cả những thứ mà người khác phải ứng cử để có được, để biết mình chẳng cần đến chúng và có thể phớt lờ chẳng để tâm.
Việc nên làm, bạn của tôi, con đường an toàn và tự do, là không mong muốn bất cứ vị trí quyền lực nào, và bỏ qua tất cả những cuộc bầu cử chịu sự chi phối của vận mệnh. Khi người ta tụ tập bỏ phiếu và những ứng viên chờ đợi trong tâm trạng hồi hộp thấp thỏm, có người chọn cách hối lộ đi cửa sau, người khác cho những đại diện để tiến hành chiến dịch tranh cử, và thậm chí có những kẻ chấp nhận hôn tay của người mà sau khi trúng cử anh ta sẽ cảm thấy ghê tởm khi chạm vào, và tất cả đều nóng ruột chờ đợi người tuyên bố kết quả. Liệu khi đó bạn sẽ thư thái thế nào, nếu có thể đứng đó nhìn ngắm "cái chợ" ấy mà không có gì để mua hay bán? Nhưng liệu niềm hạnh phúc còn lớn đến mức nào khi một người có thể nhìn mà không bận tâm đến không chỉ những vị trí như pháp quan hay chấp chính, mà cả những nỗ lực họ phải bỏ ra để đua tranh những vị trí đó, chỉ để nhìn nó được bầu lại mỗi năm, hay ngay cả những vị trí mãi mãi, hay kết quả thành công của cuộc chiến và niềm vui khải hoàn, hay tài sản, hay kết hôn và có con cái, hay sự an toàn của chính họ và gia đình! Sự thành toại tâm trí nào một người có thể đạt được khi người đó không tìm kiếm bất cứ thứ gì bên ngoài, không cầu xin nhờ vả bất cứ ai khác, và có thể tuyên bố rằng: "Vận mệnh, ngươi và ta không có liên quan gì đến nhau. Ta không cho phép ngươi có bất cứ ảnh hưởng gì đến mình. Ta biết những cá nhân vĩ đại như Cato vẫn bị ngươi từ chối, trong khi ngươi tạo ra những kẻ như Vatinius. Ta sẽ không cầu xin ở ngươi bất cứ thứ gì". Đó là cách để có thể có được sự tự do tuyệt đối khỏi vận mệnh.
Vậy nên ta có thể viết cho nhau về những thứ như thế, đưa ra những vấn đề, những tình huống thường xuyên thay đổi, dựa theo những gì ta quan sát và đánh giá biết bao người ngoài kia cứ cố công không biết mệt mỏi, tưởng rằng họ đang vươn lên, nhưng thực ra là đang đi từ tồi tệ xuống tệ hại hơn nữa chỉ vì họ cứ mãi tìm kiếm trao đổi những thứ sẽ gây hại cho họ, cố đạt được những thứ mà sớm thôi họ sẽ muốn tránh hay khinh ghét. Bạn thử nghĩ xem, có ai từng thỏa mãn với những thứ mà trước đó họ đã tưởng như quá tầm với của họ hay chưa? Sự giàu sang không phải là phần thưởng của lòng tham, như người ta thường nghĩ; nó là một thứ rất tầm thường, và vì vậy không thể khiến ai thực sự thỏa mãn. Bạn tin rằng những thứ bạn mong muốn ở tầng cao hơn, bởi vì bạn vẫn còn xa mới có được chúng. Nhưng người đã có được chúng lại thấy chúng không mấy giá trị. Nếu tôi không sai, chính anh ta cũng lại đang trèo lên tiếp. Điểm mà bạn cho là đỉnh cao thì lại chỉ là một nấc khác trên hành trình của anh ta. Gần như tất cả mọi người đều phải chịu đựng, vì không nắm được những thứ thực sự tốt đẹp. Bị định hướng sai bởi chuyện trò với người khác, họ cố tìm kiếm và đạt được những thứ họ cho là tốt đẹp; và sau đó, khi đã đạt được chúng, và phải chịu đựng nhiều hơn nữa, họ mới thấy chúng thực ra là tồi tệ và chẳng đáng hay ít nhất thì giá trị thực sự của chúng cũng thấp hơn rất nhiều những gì họ đã nghĩ. Hầu hết mọi người đều bị ấn tượng bởi những thứ có thể lừa gạt họ từ khoảng cách xa, và "tốt đẹp" thì thường được gán cho bằng với "to/lớn/nhiều hơn".
Để có thể ngăn nó xảy ra cho ta, hãy tự mình cân nhắc về những thứ thực sự tốt đẹp. Nó đã được giải thích bằng nhiều cách khác nhau và được gán cho rất nhiều định nghĩa. Một trong số chúng là: "Một thứ tốt đẹp sẽ cuốn hút tâm trí và khiến tâm trí tập trung vào nó". Ngay lập tức ta có câu vấn cho định nghĩa ấy: nhưng nếu nó cuốn hút tâm trí ta, theo một cách suy đồi thì sao? Bạn biết đấy, rất nhiều thứ xấu xa lại thường cám dỗ con người. Có sự khác biệt giữa thứ gì đúng đắn và thứ chỉ tưởng như là đúng đắn. Bởi vậy nên thứ “tốt đẹp” thì cũng phải đúng đắn, vì nó sẽ không thể tốt đẹp nếu không đúng đắn. Nhưng thứ thu hút và cám dỗ ta có thể tưởng như là đúng đắn: chúng làm ta chú ý, khêu gợi ta, và làm ta mê mẩn. Một định nghĩa khác là: "Thứ tốt đẹp là thứ khơi dậy ham muốn với chính nó, hay khích lệ tâm trí đạt được nó". Nhưng định nghĩa này cũng gặp phải phản đối tương tự như định nghĩa trước: rất nhiều thứ khích lệ thôi thúc tâm trí mà thực sự là xấu cho ai đạt được chúng. Một định nghĩa có vẻ chính xác hơn là: "Một thứ tốt đẹp khích lệ tâm trí hướng đến nó một cách thuận theo tự nhiên, và chỉ thực sự hành động cố gắng đạt được nếu thứ được xét là đáng để lựa chọn". Với định nghĩa này ta thấy thứ đó cũng đồng thời cao quý, hay nói cách khác, hoàn toàn xứng đáng để vươn tới.
Chủ đề này dẫn tôi tới việc phân định sự khác biệt giữa những thứ tốt đẹp (the good)những thứ cao quý (the honourable). Cả hai có những điểm chung và không thể phân định: không gì có thể tốt đẹp mà không hàm chứa phẩm chất cao quý, và những thứ cao quý thì chắc chắn sẽ tốt đẹp. Nếu vậy, đâu là sự khác biệt giữa chúng? Những thứ cao quý là những thứ hoàn toàn tốt đẹp, hay nói cách khác, là những thứ mang cuộc sống hạnh phúc đến trạng thái trọn vẹn, và bằng cách gắn với chúng, những thứ khác cũng sẽ trở nên tốt đẹp. Điều tôi muốn nói là thế này. Có những thứ mà Stoicism cho rằng không xấu cũng không tốt, những thứ giống như phục vụ trong quân đội hay ngoại giao hay các chức vụ trong toà án. Khi những nghĩa vụ ấy được thực hiện một cách ngay thẳng cao quý, chúng sẽ trở nên tốt đẹp và chuyển từ trạng thái không khác biệt sang tốt đẹp. Chính sự kết hợp của chúng với sự ngay thẳng cao quý khiến chúng trở nên tốt đẹp; còn sự ngay thẳng cao quý thì chính nó đã tốt đẹp rồi. Sự tốt đẹp có thể đến từ sự ngay thẳng cao quý, còn sự ngay thẳng cao quý thì hoàn toàn độc lập. Tóm lại, những thứ được cho là tốt đẹp thì vẫn có thể trở nên xấu, nhưng thứ gì đã cao quý thì không bao giờ thay đổi, và sẽ luôn tốt đẹp.
Có một định nghĩa khác là: "Thứ tốt đẹp là thứ thuận theo tự nhiên". Giờ hãy chú ý đến lời của tôi. Thứ tốt đẹp là thứ thuận theo tự nhiên, nhưng thứ thuận theo tự nhiên lại không ngay lập tức có thể được xem là tốt đẹp. Nhiều thứ, thực ra, hợp với tự nhiên nhưng quá tầm thường vụn vặt để ta có thể dùng chữ tốt đẹp với chúng. Chúng nhỏ nhặt và đáng để ta xem thường. Và không thứ gì quá nhỏ nhặt hay đáng xem thường có thể coi là tốt đẹp. Bao lâu một thứ còn không đáng để ta cân nhắc, nó không thể tốt đẹp. Vì khi mà ta coi một thứ là tốt đẹp, nó phải là thứ có một giá trị nhất định đáng để ta cân nhắc. Làm cách nào ta có thể nhận ra đâu là thứ tốt đẹp? Khi mà nó hoàn toàn thuận theo tự nhiên.
"Ông thừa nhận", bạn nói, "rằng thứ tốt đẹp thì thuận theo tự nhiên, và đó là điểm đặc biệt của chúng. Giờ ông lại nói rằng có những thứ không tốt đẹp mà vẫn thuận theo tự nhiên. Làm thế nào mà hai luận điểm ấy có thể đồng thời được chấp nhận? Khi cả hai thứ đều chia sẻ cùng đặc điểm là thuận theo tự nhiên, làm cách nào ta có thể chấp nhận chúng khác biệt?". Bởi mức độ, tầm quan trọng của chúng. Chẳng có gì mới mẻ trong sự thật là nhiều thứ thay đổi khi phát triển hay trưởng thành. Cậu bé ngày nào trở thành chàng thanh niên. Những đặc điểm của cậu sẽ thay đổi. Đứa trẻ thì không thể được cho là có lý trí, nhưng một cậu thanh niên thì có thể. Khi một vài thứ phát triển, chúng không những chỉ thay đổi về thể chất mà còn có thể rất khác biệt về các mặt khác nữa.
Người ta có thể sẽ nói: "Trở nên lớn hơn sẽ không khiến một thứ thay đổi. Nghĩ thử xem, đâu có gì khác biệt nếu đổ rượu và một cái hũ rượu hay một cái vại; những tính chất, đặc điểm của rượu vẫn sẽ có ở cả hai. Một lượng nhỏ mật ong thì vị cũng không khác với cả một chai mật ong". Những ví dụ họ đưa ra hoàn toàn khác biệt về bản chất; vì ở những trường hợp đó thực ra là thay vỏ mà thôi, dù vỏ đó có lớn thế nào thì những thứ bên trong vẫn thế. Tất nhiên, tôi không hề phản đối rằng có những thứ lớn lên và vẫn giữ nguyên đặc tính của chúng. Nhưng có những trường hợp khác, khi mà lớn lên, thì những sự thay đổi sẽ đến: chúng khiến cái chất bên trong có được trạng thái mới, khác biệt với trước đó. Chỉ một phiến đá làm nên mái vòm - đó là viên đá đỉnh vòm, thứ được đặt vào giữa cho khớp hai cột hai bên và khiến chúng đứng vững nhờ trụ vào nó. Làm thế nào chỉ với phiến đá cuối cùng ấy mà cả một công trình được hoàn thành, dù chính nó thì rất nhỏ bé? Vì nó không chỉ là thứ thêm vào, mà là thứ hoàn thiện công trình.
Có những thứ, khi phát triển, chấm dứt trạng thái trước đó và chuyển sang một trạng thái hoàn toàn mới. Khi tâm trí đã dành nhiều thời gian mở rộng những ý tưởng và dẫn đến mệt mỏi với độ lớn của cả công trình (suy nghĩ), thì nó bắt đầu được coi như "vô hạn". Nó trở nên rất khác biệt với trạng thái trước đó, khi nó có vẻ lớn nhưng hữu hạn. Tương tự, hãy nghĩ về những thứ khó có thể chia nhỏ. Sau vài lần chia, chúng sẽ trở thành không thể chia nhỏ thêm nữa. Vậy nên, ta có "bất động" để chỉ trạng thái cao nhất của những thứ hiếm khi và khó khăn mới có thể dịch chuyển. Cùng lý do đó, thứ chỉ đơn giản là thuận theo tự nhiên, thì hoàn toàn có thể vì đạt đến độ lớn nhất định, nó sẽ chuyển sang một dạng khác với đặc tính khác biệt và trở nên tốt đẹp.
Tạm biệt!
A Dreamer
Lưu ý: Vì sau khi Spiderum update, thực sự việc copy bản tiếng Anh vào bài viết quá trúc trắc. Vậy nên bạn nào muốn đọc cả bản tiếng Anh có thể tự download sách trong link dưới hoặc tìm trên Wiki nhé.
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)