Nhân sự kiện Nữ hoàng Anh vừa qua đời, Thái tử Charles kế vị ngôi vua, mình lại nhớ đến một bộ phim mình đã xem từ đầu năm nay mà đến giờ khi nhắc lại vẫn còn để lại nhiều khắc khoải.
"Spencer" là một bộ phim tiểu sử chính kịch ra mắt năm 2021, đạo diễn bởi Pablo Larrain với vai chính được giao cho Kristen Stewart. Bộ phim xoáy sâu vào những cuộc tranh đấu giữa Công nương Diana với những biến động về thể chất và tâm lý của người. Bối cảnh phim được xây dựng về ba ngày trong lễ Giáng sinh năm 1991 của Hoàng gia Anh, thời điểm cuộc hôn nhân giữa Thái tử Charles và Công nương dần đi đến hồi kết. Mặc dù bộ phim đề cao tính nghệ thuật và đôi khi những tình tiết hư cấu được đan xen giữa những sự kiện có thật, mình cho rằng Spencer đã rất thành công khi khai thác sâu và đặc tả được những nỗi đau, sự tuyệt vọng, cả những hồi tưởng, khao khát của Công nương Diana. Bộ phim cũng khiến mình thay đổi hoàn toàn góc nhìn của mình về diễn xuất của Kristen Stewart kể từ hồi Twilight. Mình thực sự ấn tượng với màn thể hiện xuất sắc này, cũng như khá tiếc nuối khi Kristen chỉ dừng lại ở hạng mục đề cử diễn viên nữ chính giải Oscar.
1. Nỗi cô đơn bao bọc
Bối cảnh và không gian bao trùm phim là một màu trầm buồn, một nước Anh mờ sương dày đặc với bầu trời không gợn bóng mây. Những cảnh không gian rộng, hành lang dài trong cung điện nguy nga không thấy điểm kết cùng khuôn hình bố cục đối xứng, chỉ một mình Diana là tâm điểm, độc bước khơi gợi một nỗi cô đơn mênh mang. Giữa Diana và những thành viên còn lại của Hoàng gia, luôn luôn có những khoảng cách xen vào với những phân cảnh bàn tiệc to rộng hay bàn billard dài trong cuộc tranh cãi giữa nàng và Charles. Nàng như một chú chim lạc bầy, hay như họ vẫn coi, nàng là một chú ngựa hoang không thể thuần hóa. Nhưng ẩn sâu sau đó là nỗi cô đơn trong chính căn phòng của mình mà không của cải vật chất nào có thể khỏa lấp.
Bà ám ảnh với câu chuyện về Vương hậu Anne Boleyn, người đã bị chính người chồng của mình – Vua Henry VIII hạ lệnh chém đầu sau một thời gian dài bị thất sủng và nhà Vua có mối quan hệ với một tiểu thư khác. Trong một câu thoại và thông tin từ các trang lịch sử, Diana cũng chính là cháu đời thứ 13 của Vương hậu Anne Boleyn. Có lẽ, chính vì vậy mà phần nào Diana đồng cảm với số phận của Anne Boleyn và nhìn thấy chính mình trong đó. Hình ảnh mannequin mất đầu, mặc chiếc áo đỏ mà Diana lấy lại từ nhà Spencer như một hình ảnh ẩn dụ cho số phận của chính bà: Cô đơn, bị ghẻ lạnh, bỏ rơi bởi chính người chồng mà bà từng rất yêu thương.
2. Bệnh tật bủa vây
               Bộ phim có nhắc tới những hội chứng mà Diana gặp phải như trầm cảm sau sinh và rối loạn ăn uống. Trong bài phỏng vấn với BBC năm 1995, Công nương Diana cũng chia sẻ mình đã mắc chứng bulimia (chứng cuồng ăn) nhiều năm trời. Với sự cô đơn dai dẳng từ mối quan hệ hôn nhân lạnh nhạt, bà có vô vàn ý nghĩ rằng mình vô giá trị và sự tự tin giảm đến cùng cực. Diana mô tả chứng cuồng ăn của mình như một vòng tay ấm áp vỗ về, một thứ hạnh phúc tạm thời khi dạ dày được lấp đầy bởi đồ ăn bốn năm lần một ngày. Thứ hạnh phúc tạm thời ấy cũng nhanh chóng biến mất, để rồi thay vào đó là cảm giác chán ghét, kinh khủng khiến bà chỉ muốn nôn hết ra. Bà chán ghét căn bệnh và chán ghét chính bản thân mình.
               Trong phim, Diana đã phải chiến đấu với căn bệnh một mình và không dám chia sẻ với bất cứ ai. Việc ăn uống vừa là sự giải thoát, vừa là một nỗi thống khổ. Những bộ váy áo dần trở nên rộng dần ra, vòng eo bà ngày càng nhỏ lại. Cơn ác mộng này càng trở nên tồi tệ với tục lệ kiểm tra cân nặng của gia đình và khách mời vào dịp lễ Giáng sinh, để đảm bảo rằng mọi người đều vui vẻ trong dịp lễ. Thoạt đầu, truyền thống này nghe có vẻ hư cấu. Tuy nhiên, Ingrid Seward, một chuyên gia về Hoàng gia Anh, đã chia sẻ rằng tục lệ này là thật và bắt nguồn từ năm 1900, khi vua Edward VII kiểm tra cân nặng khi khách đến và rời đi. Những vị khách đến và vui vẻ rời đi thường được trông chờ sẽ tăng 3 pounds.
Diana còn phải trải qua chứng tự hại (self-harm hay self-injure). Có một cảnh phim bà tưởng tượng chính mình cầm chiếc kìm cắt dây để tự cắt vào da thịt mình. Khi dòng máu đỏ tươi trào ra, bà vừa cảm thấy thư thái, vừa lo sợ mọi người phát hiện. Trong bài phỏng vấn năm 1996, Công nương Diana đã chia sẻ rằng:
‘’Khi không ai lắng nghe bạn, hay bạn cảm thấy rằng không có ai lắng nghe mình, tất cả những điều nà sẽ xuất hiện. Khi bạn có quá nhiều nỗi đau bên trong, thì nó khiến bạn phải làm đau chính mình ở bên ngoài vì bạn muốn tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng cách này thật sai lầm. Mọi người nhìn bạn như thể bạn đang giả vờ và đang khát khao sự chú ý. Nhưng thực sự là tôi đã cầu cứu và muốn được giúp đỡ để vượt qua và tiếp tục phận sự của mình với vai trò là một người vợ, người mẹ, Công nương xứ Wales. Đúng thế, tôi đã trừng phạt chính mình. Tôi ghét chính mình; tôi xấu hổ vì mình không thể vượt qua những áp lực.’’
Diana trong phim không thể tự thú nhận những hội chứng tâm lý bà mắc phải. Bà mô tả cho Hoàng tử William và Harry rằng mình chỉ ‘’silly’’ – ‘’ngốc nghếch’’ một chút thôi. Bà đã phải tự mình trải qua những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần một mình giữa cung điện khổng lồ tráng lệ.
3. Lớp mặt nạ đằng sau ống kính truyền thông
Đoạn hội thoại giữa Charles và Diana về buổi bắn súng của Hoàng tử William và Harry làm mình rất ấn tượng. Nó phản ánh rõ ràng bản chất của hai con người đối lập nhau, đến từ hai thế giới khác nhau. Charles đã quen với việc mỗi người là một sinh vật có hai bản thể, một bản thể thật và một bản thể sống vì truyền thông và mặc định rằng Diana biết rõ điều ấy. Ở đoạn hội thoại này, ta còn thấy rõ những quan điểm trọng nam khinh nữ xuất hiện ở cả phương tây, khi mọi thứ đều chĩa mũi dùi vào người phụ nữ, thay vì đàn ông.
Tấm rèm cửa nơi phòng ngủ Diana bị dây thép buộc chặt lại để tránh ống kính truyền thông. Những bộ quần áo ‘’all set’’ được chọn ra và gắn tag dành cho mỗi bữa sáng, bữa trưa, bữa tối, từng sự kiện ngoài trời. Con người được coi như những giá treo quần áo, để trình diễn, để phơi bày cái bản thể giả tạo để vui lòng dân chúng. Tất cả những tấm ảnh, những bàn tiệc, những nụ cười, những cái vẫy tay, đều là những kịch bản được viết sẵn và con người chỉ cần làm theo như những con robot. Lạnh lùng, vô cảm và thiếu sự kết nối.  
4. Khao khát tự do tìm lại bản ngã
Mở đầu phim là cảnh Diana lái xe trên những cung đường về Park House, ngôi nhà thời thơ ấu của bà. Châm biếm thay, bà đã bị lạc trên chính con đường về nhà của mình. Bước vào một quán ăn Fish & Chips, bà thốt lên ‘’I have absolutely no idea where I am’’. Diana đã đánh mất chính mình, đánh mất chính đứa trẻ trong mình.
Cuối phim, sau tất cả những đau đớn và khó khăn, tác giả đã vẽ ra một kết thúc có hậu cho Diana. Bà tìm được về ngọn đồi nhà mình, gìn giữ chiếc áo đỏ mà con bù nhìn mặc như một vật báu của tuổi thơ. Bà mở cánh cửa vào Park House, nhìn thấy Diana Spencer hồi bé chạy vui cùng anh chị em, nhảy múa trong căn nhà của mình với váy áo xúng xính. Bà nhìn thấy em bé gái Diana lái xe và chạy trên những cung đường tự do, hồn nhiên và phấn khích. Bà quyết định rũ bỏ tất cả sau lưng, chấm dứt những đau đớn để quay lại tìm chính mình, để lấy lại quyền làm chủ hạnh phúc của bản thân.
Trường đoạn hồi tưởng đan xen của Diana là một trong những cảnh mang tính nghệ thuật xuất sắc nhất phim mà mỗi lần xem lại mình đều thổn thức. Với âm nhạc dồn dập, day dứt, tiếng violin mang âm hưởng cổ điển của Johny Greenwood cùng những cảnh quay long-shot, với màn vũ đạo uyển chuyển và ánh mắt sắc lẹm đầy thần thái, Kristen Stewart đã lột tả thành công những tức giận, ai oán, tiếc nuối và hơn cả là nỗi khát khao tìm về bản ngã, về đứa trẻ nội tâm của chính mình. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao bộ phim lấy cái tên Spencer, với mong muốn rằng, Diana sẽ luôn sống mãi, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Lời kết
"Spencer’’ là một bộ phim buồn, nặng nề, day dứt, nhưng thay vì một thực tại quẩn quanh, đạo diễn đã mở ra một kết thúc tươi sáng và tràn đầy hy vọng vào tương lai. Có lẽ ‘’Spencer’’ thực sự là bài ca hát lên nỗi lòng, là bức tranh vẽ lên những cảm xúc chân thực nhất của Công nương Diana với một nét chấm phá về niềm tin và sức mạnh nội tại. Với mình, Spencer không hẳn là một bộ phim lịch sử, mà nó kể một câu chuyện nội tâm mà có thể nhiều phụ nữ cũng trải qua, cũng đồng cảm, cũng thấy mình trong đó dù ở bất cứ một giai đoạn nào. Với cảnh quay đẹp, âm nhạc tuyệt vời và diễn xuất nhập tâm, Spencer là một bộ phim đẹp, khi có thể chạm đến từng ngõ ngách của giác quan và khơi dậy từng cung bậc cảm xúc trong mình.
Nguồn tham khảo: