Chào các bạn, đã lâu không gặp. Thời gian trôi qua thật nhanh và đôi lúc mình nhận ra mình chẳng làm được nhiều thứ như những gì mình mong muốn, cũng như cần phải làm. Gần đây mình được làm nhiều dự án sách hơn xưa, tuy nhiên vì lý do mải chơi mà mình không còn giữ được lịch làm các bài viết trên Spiderum, một điều mà mình vốn rất thích.
Hôm nay mình quay trở lại cũng vì một số lý do, phần cũng để giải đáp một số câu hỏi liên quan tới nghề đóng sách mà mình hay gặp phải. Điển hình nhất là "Tại sao phải khâu lại sách?". Trong khi chủ sách không có nhu cầu, trong khi chỉ khâu sẵn của nhà máy vẫn còn, trong khi có thể dập ghim, khâu vắt (overcasting sewing), vv.....? Bởi vì với chi phí dỡ sách và khâu lại đó bạn có thể làm 1 cái bìa đẹp rồi ốp vào sách là được?
Theo mình nghĩ thì các câu hỏi trên tạo nên sự tách biệt giữa một cuốn sách mang giá trị sử dụng (mình đang nói đến từ chục năm đổ lên) và một cuốn sách chỉ mang tính chất trưng bày là chủ yếu. Để làm rõ sự khác biệt, mình xin được giải thích....

Sự quan trọng của việc khâu sách

Để bắt đầu thì chúng ta có thể quay ngược lại từ khởi điểm của cuốn sách ban đầu và đặt câu hỏi
1.TỪ ĐÂU MÀ VIỆC KHÂU SÁCH RA ĐỜI?
Câu trả lời không quá khó. Một cuốn sách được cấu tạo từ các trang giấy với nội dung được in/viết lên. Sẽ rất đơn giản để đọc và lưu trữ nếu cuốn sách chỉ có 1 vài hay 1 chục trang, tuy nhiên các bạn thử tưởng tượng xem sẽ khó khăn như nào nếu bạn có hàng chục, hàng trăm hay cả nghìn trang xem. Sẽ rất khó để sắp xếp cũng như cất gọn một tập tài liệu lớn tới vậy, chưa kể đến việc thất lạc. Chính vì vậy mà người ta phải tìm một cách để cố định các trang sách lại, tất cả thành một khối. Qua thời gian họ đã thử rất nhiều phương án : Đục xỏ lỗ, dán gáy các trang lại với nhau,... Tuy nhiên kết quả cho ra đều không thể sử dụng được lâu dài, vốn là điều rất quan trọng bởi toàn bộ sách thời đó đều là các văn bản chép tay kì công. Keo dán gáy thì không có độ linh hoạt và bền bỉ, đục sách và xỏ lỗ kim loại thì khiến cho các trang sách bị tổn hại và rách. Cách duy nhất cũng là cách phổ biến nhất bây giờ mà chúng ta biết tới đó là dùng chỉ để kết nối các trang sách được gấp đôi lại với nhau - hay được biết là khâu sách. Từ đó có rất nhiều kiểu khâu sách được phát minh, được chia ra làm 2 kiểu chính : a.Khâu có đai gia cố (supported sewing) như raised-cords sewing, flatten-out cords sewing, tape sewing, recessed cords sewing... và b.khâu không có gia cố (unsupported sewing) Coptic, whip stitch, long stich, smyth-sewing.... Vậy liệu các kiểu khâu này có mang tính tương đồng? Hay liệu 1 kiểu khâu này có tốt hơn các kiểu khâu khác?
2. KIỂU KHÂU NÀO LÀ TỐT NHẤT?
Để trả lời câu hỏi này cũng khá là khó, tuy nhiên trong các kiểu khâu nói trên đúng là có các kiểu khâu vượt trội hơn hẳn so với những các khác. Mình xin trả lời bằng cách nêu ra các kiểu khâu, minh họa hình ảnh và lời bình của mình về kiểu khâu đó. Mình xin được lấy 1 ít hình ảnh từ blog của Arielles Bindery

a.Khâu không có đai gia cố (un-supported sewing)

a1. Khâu kiểu coptic : Một trong những kiểu khâu xuất hiện đầu tiên. Nó được dùng phổ biến ở Châu Âu suốt từ tk3 - tk7. Đây là kiểu khâu dành cho sách có bìa cứng, tuy nhiên phần gáy lại được để lộ ra và không có phủ keo.
Nguồn : <a href="https://henryhebert.net/2010/09/29/ethiopiancoptic-bindings/">Henry Herbert</a>
Nguồn : Henry Herbert
Ý kiến của mình : Đây là kiểu khâu cũng khá chắc, tuy nhiên yếu điểm lại nằm ở cấu trúc còn lại của cuốn sách. Vì sách không có cố định phần gáy nên phần chỉ sẽ chịu tác động từ ngoại lực và cả môi trường bên ngoài. Do không có đai gia cố nên lực căng của việc đóng mở cuốn sách sẽ tập trung hết vào đoạn chỉ và ruột sách tại điểm khâu. Ngoài các nhược điểm đó ra thì sách này có ưu điểm là dễ thực hiện, và sách có khả năng mở cực kỳ linh hoạt (360 độ luôn).
a2. Khâu kiểu Long stitch : Đây là kiểu khâu không dùng keo dành cho sách bìa mềm. Ruột sách là tờ đôi sẽ được khâu trực tiếp vào với bìa sách bằng da. Phần chỉ khâu lộ ra bên ngoài gáy tạo ra các đường dài, bắt nguồn cho tên gọi Long stitch.
Ý kiến của mình : Kiểu khâu này chịu các nhược điểm tương tự như với kiểu coptic. Mặc dù có chút khác biệt là ruột sách được bảo vệ bên trong tuy nhiên bên ngoài thì các đường chỉ dài thế này rất dễ chịu tác động của ma sát, ngoại lực,.. Mình đánh giá kiểu khâu này thấp hơn Coptic.
a3. Khâu kiểu Smyth : Đây là kiểu khâu đặc trưng được sử dụng trong gần như tất các các máy khâu sách công nghiệp bây giờ.
Nguồn : Google
Nguồn : Google
a4. Khâu kiểu Overcasting : Overcasting (tạm gọi là khâu vắt) là tên gọi chung dành cho các kiểu khâu mà đục vào phía trong lề sách và vòng ra phần gáy. Mình có thể kể tên các kiểu khâu sử dụng overcasting như Whip stitch, Japanese stab binding. Kiểu khâu này đa phần dùng cho sách in bằng tờ đơn, tuy nhiên mình biết có những trường hợp những người thợ sử dụng kiểu khâu này dành cho sách có các trang gập đôi.
Ý kiến của mình : Với sách in tờ đơn thì kiểu khâu này mình thấy tốt hơn là phết keo cứng (hot glue), do chỉ bền và chịu lực co giãn tốt hơn keo. Tuy nhiên nhược điểm đầu tiên có thể kể đến là sách có độ linh hoạt cực kỳ kém, do đã bị bó chặt cứng ở phần gáy. Tiếp sau đó, nhược điểm quan trọng hơn đó là việc nó gây tổn thương phần ruột sách, qua việc đục lỗ để khâu như vậy. Như đã nói ở trên, mình có biết 1 vài thợ đóng sách sử dụng kỹ thuật này để khâu lên các cuốn sách cũ, cổ. Mặc dù các cuốn sách đó được in tờ đôi, tuy nhiên họ vẫn dùng cách này để khâu sách. Tại sao?
Đó là bởi vì gáy của các cuốn sách cũ như vậy thường bị hư hại rất nhiều (do ảnh hưởng thời gian hoặc do không có kinh nghiệm tháo dỡ), khiến cho việc khâu lại theo kiểu bình thường là không thể, nếu sách chưa qua công đoạn vá và phục chế, vốn tốn rất nhiều công sức và chi phí. Và để tiết kiệm tiền bạc lẫn thời gian, họ dùng kiểu khâu này như một sự chống chế. Lần đầu tiên phát hiện ra mình cảm thấy thực sự sốc khi thấy kiểu khâu này dùng cho các cuốn sách cổ có giá trị cao. Mình xin nhấn mạnh là kiểu khâu này rất tệ cho sách, các tài liệu cổ có giá trị kia đã bị làm tổn hại rất nhiều, việc đóng lại sách kiểu này còn khiến sách trong tình trạng tệ hơn ban đầu. Điều này chỉ gây thêm khó khăn cho những người phục chế sau này. Thế nhưng hiện tại nó vẫn sẽ được áp dụng vì giá thành rẻ...

b.Khâu có gia cố (supported sewing)

Đây là các kiểu khâu phổ biến dành cho sách có bìa cứng (bằng carton hoặc gỗ) với cấu trúc phức tạp và chắc chắn hơn. Chúng có cách khâu tương tự nhau, chỉ khác ở việc sử dụng các vật liệu gia cố (supports). Về cơ bản thì chúng sẽ bền hơn các kiểu khâu ở trên, trừ 1 kiểu mà mình sẽ nói sau.
b1. Khâu kiểu Raised cords : Đây là kiểu khâu cũng xuất hiện từ rất sớm, cùng với những cuốn kinh thánh chép tay. Các tay sách được đục lỗ ở gáy, và chỉ khâu chạy liền mạch từ tay này sang tay khác (all-along). Giữa các phần chỉ chạy qua sẽ là một sợi dây cói dày và chắc. Sợi dây hỗ trợ này sẽ nằm nổi hẳn lên trên gáy sách, và sẽ lộ rõ ra ngay cả sau khi bọc sách. Phần nhô lên do sợi dây này tạo nên chính là Gân Gáy (raised bands) mà các bạn thấy ở các cuốn sách cổ trên mạng.
Ý kiến của mình : Đây là một kiểu khâu cực kỳ chắc chắn, mà đã được thử thách qua hàng trăm. Lực khâu được phân tán đều trên sợi cói hỗ trợ khiến cho ruột sách ít phải chịu lực hơn. Tuy nhiên yếu điểm của kiểu khâu này chính là kiểu cấu trúc sách được đóng sau khi khâu - Tight back binding, như mình đã nói ở bài viết [Sổ tay thợ đóng sách] Trang 5 : Sơ lược cấu trúc một cuốn sách - Các lối đóng.
b2. Khâu kiểu Recessed cords : Đây chính là kiểu khâu rất tệ mà mình nói ở phía trên. Kiểu khâu này tương tự như kiểu Raised cords, trừ việc sợi cói không được nhô lên, mà nằm chìm ở trong gáy sách. Điều đó xảy ra bởi vì trước khi khâu gáy sách đã được cưa các rãnh (recessed) nhằm để đặt sợi dây cói vừa vặn trong đó. Nó giải quyết đc 2 vấn đề. Gáy sách sẽ không bị nhô lên do dây cói đó nữa, và việc khâu sách sẽ diễn ra đơn giản và nhanh hơn rất nhiều.
Ý kiến của mình : Kiểu khâu này được các thợ đóng sách coi là tội ác với những cuốn sách. Bởi vì để nhằm mục đích giấu sợi dây cói đi, người thực hiện sẽ phải cưa các tay sách. Các vết cưa này gây tổn hại cực kỳ lớn cho những tay sách. Khác với các vết đục từ dùi ở những lối khâu khác, vết cưa tạo ra vùng yếu điểm ở giấy, và khiến cho cả trang giấy bị xé rách ra theo thời gian. Đây là cơn ác mộng với những người thợ đóng sách và phục chế, bởi vì họ sẽ phải sửa lại tất cả những trang giấy bị rách toang kia.
Kiểu cưa lỗ sách này vốn bắt nguồn từ khi sách được làm thủ công hàng loạt ở các xưởng đóng sách lớn, trước khi có sản xuất công nghiệp. Làm như vậy sẽ đáp ứng sản lượng sản phẩm và tăng cạnh tranh giá thành. Tuy nhiên sau này có quá nhiều cuốn sách được làm theo lối này hỏng hóc nên các thợ đóng sách lẫn những người sưu tập sách dần tránh xa.
Với những người yêu sách, mình xin khuyên mọi người hãy tránh xa kiểu khâu sách như thế này. Nó có thể sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí cho bạn vào thời điểm này nhưng đến tương lai nó sẽ phá hoại cuốn sách của bạn từ bên trong.
b3. Khâu kiểu Flatten-out cords : Với bài toán làm thế nào để không bị lộ các đai gia cố trên gáy sách (mà không sử dụng cách cưa nói trên) người ta đã nghĩ ra cách là gỡ rối các sợi dây cói ra và để nó nằm phẳng trên gáy sách. Lỗ khâu sẽ được đục bằng dùi nhỏ, chỉ khâu sẽ chạy xuyên suốt và vắt qua những sợ dây cói.
Ý kiến của mình : Đây là kiểu khâu mình hay sử dụng nhất, cũng là kiểu phố biến nhất được những thợ đóng sách sử dụng cho những cuốn sách giá trị cao. Nó rất chắc chắn, và các sợi dây cói được làm phẳng kia cũng rất dễ để nối vào với bìa. Cấu trúc sách thường đc làm với kiểu khâu này là Laced-in boards, chẳng hạn như cấu trúc Pháp.
Khâu theo kiểu này cần sự tỉ mỉ và tốn nhiều công sức để gỡ dây cũng như để lót gáy, nối bìa, tuy nhiên nó rất xứng đáng nếu bạn muốn lưu trữ cuốn sách của mình một cách tốt nhất.
b4. Khâu kiểu Tapes : Kiểu khâu này tương tự như với Flatten-out cords phía trên, tuy nhiên thay vì sử dụng dây cói phẳng thì bạn sẽ sử dụng đai bằng vải chuyên dụng.
Ý kiến của mình : Việc sử dụng đai vải thay cho dây cói sẽ giúp cho quá trình khâu sách bớt phức tạp hơn, và giữ nguyên độ chắc chắn (nếu không nói là hơn). Đây là kiểu khâu tốt phổ biến thứ 2 sau Fratten-out cords. Nhược điểm của kiểu khâu này cũng không có gì đáng nói lắm, vì chỉ liên quan đến ngoại hình sản phẩm, và có lẽ là 1 chút rắc rối trong công đoạn. Việc nối bìa từ các đai vải này sẽ dễ bị lộ mối nối hơn, ngay cả sau khi đã học bìa.
Vậy, sau khi đã đọc hết những ví dụ trên, bạn thấy kiểu khâu nào tốt nhất? Ở mỗi kiểu khâu mình có nói đến đó là cấu trúc sách đi kèm. Không biết các bạn từ đó có thắc mắc :
3. VIỆC KHÂU CÓ LIÊN QUAN GÌ TỚI CẤU TRÚC CUỐN SÁCH
Nếu các bạn hình dung cuốn sách cầm trên tay là một sinh vật sống, với phần nội dung được viết bên trong là linh hồn, thì cấu trúc cuốn sách sẽ được ví như là khung xương giúp cho toàn bộ cơ thể của cuốn sách đứng vững, còn chỉ khâu là bó cơ giữ chặt toàn bộ mọi thứ lại với nhau. Các thứ còn lại không thể hoạt động nếu thiếu thứ kia.
Vậy nên, trước khi làm mỗi một cuốn sách mình đều phải hình dung và tính toán sẽ phải làm cấu trúc gì, chọn kiểu khâu như thế nào. Không thể cứ áp dụng cùng 1 kiểu khâu cho tất cả các loại sách. Ngoài ta chúng ta còn phải tính đến việc nên chọn loại chỉ gì, kích cỡ như thế nào. Chỉ khâu sách sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cấu trúc sách, vì nó sẽ quyết định độ phồng (swell) của ruột sách sau khi hoàn thiện công đoạn khâu. Độ phồng lớn sẽ khiến phần vai (shoulder) của cuốn sách lớn hơn, và từ đó phải chọn loại bìa với độ dày tương ứng. (các bạn có thể tham khảo lại bài viết [Sổ tay thợ đóng sách] Trang 2 : Sơ lược về cấu trúc một cuốn sách )
___________________________________________

Kết

Vốn là công đoạn thuộc phần cấu trúc, ít được mọi người thực sự chú ý đến, tuy nhiên khâu sách lại đóng vai trò rất quan trọng khi liên quan đến cấu trúc tổng thể của cuốn sách, cũng như cách mà nó hoạt động. Mình chưa bao giờ chấp nhận việc ăn bớt hay đơn giản hóa các cộng đoạn như này đi để tăng tiến độ sản phẩm. Để làm một sản phẩm thủ công tốt thì cần đầu tư thời gian. Và cũng chính thời gian sẽ trả lời xem liệu sản phẩm đó có thực sự tốt hay không. Mình chỉ mong sau này càng ít gặp những trường hợp sách hỏng do bàn tay không chuyên, hay tệ hơn, những người thợ biết rõ hậu quả của việc mình làm nhưng vẫn thực hiện nhằm mục đích kiếm lợi.