“Chỉ có Paul Simon và tôi, hai guitar tất cả. Họ thu phần của tôi bằng 7 mic: một chiếc gần, một chiếc xa, một chiếc ở cần đàn, một chiếc ở lỗ thoát âm. Họ thậm chí còn ghi cả tiếng hơi thở của tôi. Thêm một mic phía sau lưng đàn. Tôi không được nghe bản thu tại chỗ, nhưng lần đầu được nghe nó trên đài, bản nhạc đó quả nhiên hay khủng khiếp” - Fred Carter Jr., tay guitar thu cùng Paul Simon trong “The Boxer”.
Tôi chắc hẳn là nhiều người đã được nghe về khả năng sản xuất của Paul Simon bên cạnh khả năng viết nhạc đầy giai điệu với những lời đẹp đẽ độc nhất vô nhị của anh. Và có lẽ đâu đó kèm theo cả sự bất công nho nhỏ dành cho người hát cặp cùng Paul là Art Garfunkel khi anh này luôn bị đánh giá là không đóng góp được gì nhiều ngoại trừ giọng hát “thiên thần”. Trên giấy tờ và bìa đĩa thì đúng là như vậy, vì Paul Simon sáng tác hết các bài của nhóm trong 5 album của Simon & Garfunkel (trừ những bài cạp vơ). Thế nên sự ganh tị của thế gian này hẳn là sẽ được dành hết cho tài năng của Paul Simon, một người đa tài hiếm có trong chơi đàn, phối và sáng tác nhac, viết lời, và cả sản xuất nữa.
Ấy vậy mà xem ra anh lại không nghĩ thế, mà lại đi ganh tị với bạn vì không có một giọng hát “thiên thần”.
Paul Simon và Art Garfunkel sinh cùng năm 1941, nhà cùng ở trong khu Queens của New York, và dĩ nhiên chơi với nhau nhờ gặp nhau ở trường. Đúng hơn thì, cả hai quen nhau từ lớp 6 khi cùng tham gia vở kịch Alice In Wonderland: Garfunkel thì là con mèo Chesire Cat (con mèo có cái miệng rộng ngoác), còn Simon thì là con thỏ White Rabbit (con thỏ lúc nào cũng lo bị chậm giờ) – nôm na là đều là vai quần chúng. Đối với Simon, Art Garfunkel là cậu bạn có giọng hát “thiên thần”. Đối với Garfunkel, Paul Simon là ông bạn nối khố vui tánh, biết cách chơi guitar để cưa gái, và hiếu thắng hơn người.
Không hiểu có liên quan gì không, nhưng khi cả hai có hợp đồng đầu tiên năm 16 tuổi, hãng đĩa đã phát hành những nhạc phẩm đầu tiên của cặp đôi hát nhạc rock n roll này dưới cái tên Tom and Jerry. Không quá khó đoán để thấy Tom là Garfunkel cao kều, còn Jerry là Paul Simon tầm thước. Nhưng có lẽ chiều cao hay kinh nghiệm đóng vai mèo của Garfunkel là chuyện nhỏ, bởi vì sự hục hặc và hay gây chuyện của cặp đôi này có lẽ mới là thứ khiến hang đĩa đặt cho họ cái tên như vậy.
Dĩ nhiên thành công đó là từ sau rất nhiều thời gian luyện tập của hai cậu bé tập hát bè với nhau và thu lại bằng cái đài thu cũ kỹ mượn của bố. Dĩ nhiên đó là sau khi hai cậu bé phát hiện ra khả năng phối bè và hát du dương của anh em Don và Phil Everly, còn được biết đến dưới cái tên The Everly Brothers. Và dĩ nhiên là từ niềm đau đáu phải viết ra và tự hát nhạc của mình, chí ít thì cũng để được các bạn gái ở trường hâm mộ.
Khó có thể mô tả cá nhân Garfunkel hâm mộ The Everly Brothers đến thế nào. Garfunkel luôn là người viết giai điệu cho các đoạn bè từ đầu, và sự ảnh hưởng từ anh em nhà Everly đã rèn những nốt nhạc của Simon và Garfunkel thành những âm thanh mang tính chính xác tuyệt đối. Garfunkel bị ám ảnh bởi sự du dương của giọng hát bè và sự hoàn hảo của mỗi nốt nhạc. Giọng của hai người dường như hòa với nhau lại thành một giọng mới đa âm, và nó mới thật khêu gợi với đôi tai làm sao.
Còn có nhiều yếu tố đặc biệt trong cách hát của cặp đôi này thường bị bỏ quên cũng bởi khả năng hát bè và sáng tác âm nhạc đi vào lòng người quả xuất sắc. Chẳng hạn như khả năng nhả chữ tròn trịa – một khả năng hóa ra không có nhiều ca sĩ làm được. Cách nhả chữ tròn trịa và du dương đã khiến cho khán giả cảm thấy rất dễ chịu khi đón nhận phần lời trong các ca khúc của họ. Và cả khả năng chơi guitar fingerstyle của Paul Simon cũng đóng góp cực quan trọng cho âm nhạc của họ: các ca khúc đều được sáng tấc bằng hợp âm từ đàn guitar. Có lẽ ở thời hỗn mang của rock n roll khi đó, lối chơi của S & G bỗng mang đến một luồng gió lạ với thứ âm nhạc nặng về guitar thùng nhưng phần nhịp điệu tiết tấu thì vẫn đậm chất rock n roll. Và quan trọng hơn, cách bố trí đơn giản đã giúp cho cặp đôi này "tiết kiệm" được đường line để có thể thu âm một cách trọn vẹn hơn, do không phải overdub lại các bản thu quá nhiều.
Nhắc mới nhớ cái thời cuối thập niên 60s đầu 70s, ghê lắm thì mới có đầu thu 8 đường nên mỗi chiếc mic thowfid dó dành cho nhạc cụ nào cũng đều phải nâng lên đặt xuống ghê lắm. Sự “tiết kiệm năng suất” đáng kể nhất của S & G, là cũng giống như John Lennon và Paul McCartney, cách hát bè của họ đã thuần thục tới mức cả hai đều hoàn toàn thoải mái thu trực tiếp với nhau cùng lúc và không cần phải overdub lại nữa. Chưa kể, cả hai còn có dịp làm việc cùng kỹ sư tài năng Roy Halee, người có thể coi như thành viên thứ 3 của cặp song ca, để tạo ra những track nhạc được thu với chất lượng khó tin với kỹ thuật thời đó.
Roy Halee thậm chí đã phải dùng đến “võ” khi thu bài “The Boxer” nhắc ở trên bằng hai chiếc 8-track để giả lập ra đầu thu 16 đường. Đừng tưởng mọi chuyện không quá phức tạp vì chỉ cần thò hai tay bấm hai nút start cùng lúc, vì hóa ra khi cái đầu quay bang bắt đầu chạy cũng là lúc hai cái đầu quay theo tốc độ … không giống nhau. Kết quả là, Roy Halee phải ngồi mix từng 8 khuông nhạc một (khoảng 15 giây mỗi lần), và tất cả những thứ này sau khi họ đã thu cho phần nhạc mất cả trăm giờ đồng hồ. Hơi bị nể bác!
Thành công đến với cặp đôi này khá sớm. Ca khúc đầu tay “Hey, School girl” của đôi bạn tuổi teen Tom và Jerry bán được tới 150 ngàn bản!!! Hãng Columbia bèn ký với cặp song ca dưới cái tên Simon & Garfunkel khi Garfunkel đang học đại học. Nhưng rồi album đầu tay, Wednesday Morning, 3A.M. sau đó chỉ bán được vài ngàn bản. Jerry chán nản bỏ sang Anh theo Jimi Hendrix, còn Tom thì tiếp tục đi học và theo đuổi nghiệp Kiến trúc sư.
Nhưng rồi ca khúc “Sound of Silence” bỗng được yêu cầu nhiều hơn trên radio. Nhà sản xuất Tom Wilson bèn thu thêm vào ca khúc này thêm phần guitar điện và phát hành lại. Ca khúc lao thẳng vào vị trí no 1 khi Jerry vẫn còn đang lang thang ở bên ngoài nước Mỹ với nghệ danh Paul Kane. Cặp đôi lập tức được Columbia triệu hồi về để rồi sau đó liên tục cho ra The Sound of Silence (1966), Parsley, Sage, Rosemary and Thyme (1966), nhạc phim The Graduate (1968), và album Bookends (1968). Paul Simon và Art Garfunkel bắt đầu tham gia sản xuất từ album Parsley, và không quá ngạc nhiên khi chất lượng nhạc của Tom và Jerry bắt đầu khởi sắc từ sau đĩa này.
Album tiếp theo của Simon và Garfunkel mất nhiều thời gian hơn để viết. Paul Simon vẫn thường không phải là người sáng tác nhanh nhảu, trong khi đó Garfunkel thường phải ngồi đợi Paul mang các ý tưởng tới để phát triển thành bài. Thoắt cái đã hơn một năm sau Bookends mà album tiếp theo chưa hề có dấu hiệu xuất hiện.
Tôi vẫn thường tặc lưỡi khi nghĩ đến hoàn cảnh của mèo Tom và chuột Jerry trong bộ phim mà cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều ưa thích. Trẻ con thì khoái Jerry và ghét Tom vì Tom hay bắt nạt, còn Jerry thì thông minh và luôn tìm cách trả đũa lại một cách trên cơ. Nhưng hình như người lớn, nhất là đàn ông, thì lại ngược lại. Tất cả đều thích Tom một phần có lẽ vì thương con mèo tội nghiệp xui xẻo, nhưng phần khác có lẽ bởi tính cách cực kỳ chịu khó (suy nghĩ) của nó, cũng như sự đa tài nhưng lại thường bị lép vế một cách ép uổng mỗi khi có Jerry xuất hiện.
Năm 1969 Garfunkel quyết định thử sức trong lĩnh vực điện ảnh trong khi chờ Paul viết nhạc cho album tiếp theo. Anh đóng vai Lieutenant Nately trong bộ phim nổi tiếng Catch-22 của đạo diễn Mike Nichols. Trước đó, Paul Simon cũng đã thử vai cho phim này nhưng không hiểu sao không được chọn. Dù là hai người bạn thân, nhưng họ không chia sẻ với nhau về chuyện này. Nghệ sĩ, họ quá cao ngạo để có thể chia sẻ về những nỗi thất vọng của chính họ.
Với Garfunkel, anh vẫn luôn là người ít được chú ý hơn trong cặp song ca, và vì không mấy người để ý để khả năng sản xuất âm nhạc của mình, anh vẫn luôn chờ thời điểm để tìm thêm một lối ra khác. Còn với Simon, S & G vẫn chỉ là một trong các dự án đường dài và sự thành công của S&G dường như hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của anh. Kể cả từ hồi Tom và Jerry mới chập chững có thành công, Paul Simon vẫn lẳng lặng cho ra những sản phẩm của riêng mình. Không chỉ là Jerry, anh còn là True Taylor, là Paul Kane, và đôi khi còn sẵn sàng đóng vai một phiên bản của Elvis.
Bộ phim Catch-22 mất nhiều thời gian để quay hơn mọi người tưởng, chiếm hết hơn 8 tháng vắng mặt của Garfunkel. năm 1969, Jerry ngồi loay hoay viết nhạc một mình mà không còn sự “quấy rầy” của Tom. Năm 1969, giới phê bình âm nhạc bắt đầu khám phá ra “sự kiện” Simon và Garfunkel kia hóa ra không phải là những hậu duệ của Beatles và đến từ nước Anh, mà chỉ là hai gã lớn lên trong khu Queens ở New York, và đem họ ra để công kích. Cũng phải thôi, bởi vì năm 1969 đã có quá nhiều sản phẩm rock n roll để đời, từ những Led Zeppelin, The Who, hay The Beatles (xin mời xem pod cast về 1969 của Emoodizk tại đây). Thế là trong khi Garfunkel được đổi gió ngoài cái thế giới đó một chút, thì Simon phải ở lại một mình chịu trận.
Năm 1970, sau rất nhiều chờ đợi thì Simon và Garfunkel cũng phát hành album Bridge Over Troubled Water. Bridge sau đó trở thành album bán chạy nhất năm 1970, 1971 VÀ 1972, và thậm chí đã từng là album bán chạy nhất thế giới cho đến khi có Thriller của MJ.
Và đến đây thì mới là phần mập nhất của câu chuyện: Paul Simon viết nhạc về điều gì trong Bridge mà đĩa bán chạy ghê vậy.
1. “Bridge Over Trouble Water”
… Oh, when times get rough
And friends just can't be found
Like a bridge over troubled water
I will lay me down…
Paul Simon mang bài này đến hát cho Garfunkel nghe và không ngần ngại nói rằng, nó chính là dành cho Garfunkel lúc ông bạn còn đang bận đi đóng phim. Nhớ nhé, bạn bè tốt là như cái cầu giữa dông bão vậy. Đấy, hai ông đều nhà ở bên bờ Đông (New York) nhưng khi bạn bận đóng phim bên bờ Tây, Simon và vợ cũng chạy ngay sang bên đó thuê căn nhà ba người ở chung để lúc bạn đi đóng phim về còn dợt đàn.
Garfunkel đã ngây người ra và lúc đầu thậm chí từ chối không hát bài này vì rõ là Simon hát bài viết về mình thì mới hay chứ. Thế rồi Garfunkel cũng nhận và biến nó thành một nhạc phẩm kinh điển với phần trình diễn solo chạm đến không biết bao nhiêu trái tim. Paul Simon trong mỗi buổi diễn, bất chợt lại trở nên tức nghẹn với chính mình khi nhìn thấy lần lượt khán phòng này đến khán phòng khác đứng lên vỗ tay tán thưởng cho phần hát của Garfunkel mỗi khi hát “Bridge over troubled Water”.
Bài này còn có đoạn cuối, do Garfunkel thấy 2 verse có vẻ chưa đủ đầy và đề nghị Paul Simon viết thêm một đoạn verse có kết thúc mở nữa – dĩ nhiên có thể thấy ngay chủ đề vẫn là chúc may mắn cho người bạn của mình.
…Sail on by
Your time has come to shine
All your dreams are on their way
See how they shine
Oh, if you need a friend
I'm sailing right behind.
2. “So Long, Frank Lloyd Wright”
I'll remember Frank Lloyd Wright
All of the nights we'd harmonize 'til dawn
I never laughed so long
So long, so long
Architects may come, and architects may go
And never change your point of view
When I run dry
I'll stop awhile and think of you
Tựa của bài này là về Frank Lloyd Wright, một kiến trúc sư nổi tiếng hồi đầu thế kỷ 20. Nhưng lớp nghĩa thứ hai của nó, thì vẫn là về một ông bạn kiến trúc sư nào đó của Simon, người mà hay cùng Simon hát bè với nhau ấy. Người nghe đến đây có đoán ra đó là ai không?
3. “The Only Living Boy In New York”
Tom, get your plane right on time
I know your part'll go fine
Fly down to Mexico
Doh-n-doh-de-doh-n-doh
And here I am
The only living boy in New York
Bài này được sáng tác khi Garfunkel bay sang Mexico để đóng một vài phân đoạn, và Paul lủi thủi ngồi sáng tác nhạc một mình ở New York. Và nếu trước đó nếu như không biết Garfunkel biết đóng vai mèo, hẳn sẽ không nhiều người nhận ra bài hát này Paul Simon viết về ai.
4. “The Boxer” và “Keep the Customer Satisfied”
Cả hai ca khúc đều nói về quãng thời gian khủng hoảng của Paul Simon đương đầu với những lời chỉ trích trong quãng thời gian S & G im hơi lặng tiếng – dĩ nhiên là trong khi ông bạn thì đi đến tận Mexico để đóng phim và ở ngoài cái thế giới nhiễu nhương đó.
Ấn tượng nhất trong “The Boxer” với nhiều người, có lẽ là tiếng trống vang rền sau mỗi tiếng hát “lie la lie”, và cả tiếng kèn kỳ dị trong đoạn solo ở giữa. Tiếng trống đó được tay trống kỳ cựu Hal Blain và kỹ sư Roy Halee tạo ra bằng cách chơi cái trống Snare ngay cạnh cái hố thang máy trong tòa nhà studio với cửa thang máy mở ra để lấy tiếng vang vọng sâu hoắm. Mọi người đã phải dòng dây mic, dây tai nghe suốt từ trong phòng thu qua cái sảnh dài của tòa nhà đến chỗ Hal Blain ngồi, và bác cứ việc ngồi đấy đeo tai nghe gật gù mỗi khi đến câu “Lie la lie” thì nện cật lực vào mặt Snare.
5. “Why Don’t You Write Me”
Why don't you write me
I'm out in the jungle
I'm hungry to hear you.
Send me a card,
I am waiting so hard
To be near you.
Why don't you write?
Kể cũng hơi nhột, vì cung bậc cảm xúc mới từ “I know your part’ll go fine” (trong "The Only Boy") chuyển sang “why don’t you write?” cũng hơi lẹ. Mà cung lẹ thật, bởi vì ngay sau Bridge, Paul Simon và Art Garfunkel đường ai nấy đi! “Why Don’t You Write Me” đâm ra lại là track nghiêm nghị nhất mà Paul Simon dùng để kết lại album này, dĩ nhiên là theo một cách lãng xẹt và giận lẫy (hai bài sau đó, “Bye Bye Love” là bài cạp vơ lại của Everly Brothers, còn “Song for the asking” chỉ để tạo ra cái kết mở cho những hàn gắn sau này).
Họ ra đĩa hay nhất trong sự nghiệp của họ, và họ chia tay nhau thật giản đơn. Điều kỳ dị hơn, có lẽ cả hai người bạn đều biết trước về cuộc chia tay này sau những lần không thể, nhưng vẫn quyết tâm thu nó. Và album nhạc vĩ đại này, hóa racuối cùng chỉ toàn viết về những điều nhỏ nhặt giữa hai ông bạn chí cốt.
Paul Simon sau đó có một sự nghiệp âm nhạc với vai trò nghệ sĩ solo rất thành công. Anh cũng viết nhạc cho rất nhiều người, kể cả cho các album solo của Art Garfunkel sau này. Nhưng đã không có thêm nhạc được viết dành cho S & G nữa, mà sau họ chỉ hát lại những ca khúc trong 5 album thời cuối thập niên 60s.
Với Simon, S&G là cuộc chơi của tuổi trẻ và anh đã sẵn sàng đóng dự án đó lại ở chặng cuối của thời thanh niên, khi mà những ràng buộc nghiêm túc hãy còn là điều gì đó lạ lẫm. Và có lẽ khi người ta chưa cần phải chín chắn, họ vẫn còn được thoải mái viết về những điều thật vu vơ và cả những ghen tị giận lẫy không cần phải giấu diếm.
Và Art Garfunkel đã hát hết mình, như anh đã từng làm và như anh sẽ làm sau đó khi không có Paul Simon. Anh hát cả những lời đẹp đẽ bạn dành tặng lẫn những bài ám chỉ sự giận lẫy dành cho mình. Bởi vì chỉ cần được cất tiếng hát phát ra từ dây thanh quản những nốt nhạc được viết bởi người bạn chí cốt có lẽ đã là điều xứng đáng nhất đối với anh.
Hát những nốt nhạc đẹp hoàn hảo với Garfunkel cũng giống như được bay lượn trong không trung vậy. Bởi có lẽ khi đứng trước Mic, trước khán giả, và bật ra những cao độ mà mọi người đang trông chờ kia chỉ trong vòng vài phần trăm giây chỉ bằng cách rung hai cái dây trong cổ, nó cần nhiều thứ hơn tài năng thiên bẩm.
Hẹn gặp lại.
Kcid
Đọc các bài viết khác của EmoodziK ở website: www.emoodzik.com