Để xem nào, làm thế nào mà tôi lại tìm thấy Shuggie Bain nhỉ ? Chắc phải kể từ một chiều tháng 5 khi đang loanh quanh mấy giá sách ở Nhã Nam như vẫy thường làm, tôi chả nhớ được gì hơn ngoài cái nóng kỷ lục của Hà Nội lúc ấy. Nắng nóng gì mà như mấy con ma đói, chỉ chờ người ta bước ra ngoài là vồ lấy ngay. Trong lúc đang nghĩ xem đến bao giờ ông trời mang mấy con ma đói ấy đi thì tôi vô tình để ý thấy Shuggie Bain nằm độc một góc bên trái tủ sách. “Shuggie Bain: Chiếc linh hồn nhỏ”. Mà kể cũng buồn cười, đã hơn 2 tháng kể từ khi tôi đọc xong cuốn sách này rồi mà câu chuyện về thằng nhóc “2 thì” và bà mẹ nghiện rượu vẫn cứ quấn lấy tôi. Đó cũng là lý do tôi viết về Shuggie Bain, dù sao thì đây cũng là tác phẩm giành giải Booker 2020 cơ mà.

Về tác giả

Ngắn gọn thì, Shuggie Bain là tác phẩm đầu tay được chắp bút bởi nhà văn Douglas Stuart, một hiện tượng mới nổi trong cộng đồng văn học thế giới. Thành công rực rỡ ngay từ màn chào sân đã khiến ông nổi bật trong mắt đọc giả đại chúng, bằng chứng là cuốn Shuggie Bain của ông đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng khác nhau.

Về tác phẩm

Shuggie Bain sở hữu một văn phong đầy nhạc tính. Đó không phải thứ âm nhạc du dương, khuôn đúc, cầu kỳ, lớp lang; hay nói chính xác hơn, nó mất cân bằng. Đó là thứ âm nhạc trắc trở, bất tuân và chộn rộn, xuất phát từ một tâm hồn đã gặp nhiều vết cứa và ít nhiều chai sạn, một tiếng nói chờ được bung ra nhưng không tìm được đúng tiết tấu mình cần. Nhưng rồi sẽ. Đó là thứ âm thanh trải lòng. Trải lòng tức là không còn phải cố nén.
Lời bình của dịch giả Trần Quốc Tuấn
Shuggie Bain kể một câu chuyện rất thật, trần trụi đến đau lòng mà đọc giả ở đây chỉ đóng vai trò là những người chứng kiến thăng trầm của các nhân vật góp mặt trong cuốn tiểu thuyết. Chứng nghiện rượu đã kiểm soát hoàn toàn cuộc đời của một người phụ nữ xinh đẹp và các con của cô, chỉ bằng chút đồ cồn mà cuộc đời của con người bị trói buộc hoàn toàn lại ở Glasgow. 
Tài năng của Douglas Stuart thể hiện rõ ràng khi ông không chỉ viết về một cá thể riêng biệt mà còn đó là những con người ở tầng lớp lao động, những cuộc sống cùng cực ở Glasgow nhưng lại không hề làm lu mờ hoặc mất cân bằng các khía cạnh khác của tác phẩm. Tình yêu và nỗi ám ảnh được tác giả kết hợp hài hòa tạo nên tổng thể một câu chuyện có phần đáng yêu lại có phần đáng sợ.
Trong một bài phỏng vấn với tờ The Guardian, Douglas Stuart đã nói rằng:
Shuggie nói về sự mất mát và đau buồn. Tôi đã chả phải viết về nó nếu mẹ tôi còn sống.
Shuggie Bain như một vở kịch với những xung đột phức tạp đan xen nhau nhưng đồng thời cũng thể hiện được những chi tiết đơn lẻ, tạo nên sự hoàn hảo cho cuốn tiểu thuyết, trộn lẫn giữa bi kịch, hài hước, vô cảm, dịu dàng, đau đớn. Có lẽ là do tình yêu đối với mẹ mình quá lớn, nên trọng tâm của tác phẩm không đâu khác chính là bức chân dung khắc khổ pha chút ấm áp của Agnes trong ảo mộng cuồng si của bà. Kết quả là tác phẩm sống động đến choáng ngợp này không chỉ là tác phẩm đầu tay thành công mà đây còn là tác phẩm của lòng hiếu thảo, một lời tạ từ với người mẹ của nhà văn. 
Tôi đang viết về tôi, về những định kiến của người trẻ, người đồng tính và tấng lớp lao động, thứ không thuộc về nơi mà bạn biết.
Bạo lực gia đình, ngoại tình, lừa lọc, kì thị đồng tính, bắt nạt, nát rượu và còn nhiều yếu tố đen tối khác là những gì được thể hiện trong câu chuyện, nghe rất đau lòng nhưng thực tế còn đau lòng hơn nữa khi chúng ta được biết đây không chỉ là cuốn tiểu thuyết dựa trên trí tưởng tượng đơn thuần mà nó còn được phóng tác dựa trên chính cuộc đời của Douglas Stuart.

Tóm gọn nội dung

Một ngày đông lạnh lẽo năm 1992, Shuggie một mình ở Southside vùng Glasgow, cậu sống trong một căn hộ chật hẹp và làm việc bán thời gian tại một quầy thức ăn tại siêu thị nơi mà ông chủ lúc nào cũng càu nhàu xỉ vả cậu. Đây cũng là cách mà cuốn tiểu thuyết giới thiệu Shuggie đến với công chúng, một cậu bé phải tự bươn trải vào năm 16 tuổi. Nhưng trọng tâm câu chuyện không nằm ở năm 1992, mà quay ngược lại trước đó 10 năm trước vào 1981 để giải thích tường tận lý do tại sao một cậu bé 16 tuổi lại phải tự lo cho cuộc sống của mình như vậy.
Bên khung cửa sổ của một căn hộ tập thể cao tầng có người phụ nữ đang thơ thẩn nhìn ngắm ánh đèn thành phố màu hổ phách, trong nhà là tiếng to tiếng nhỏ của mấy bà bạn đang đánh bài và xen lẫn là tiếng của con nhỏ. Đó là Agnes, mẹ của Shuggie và là nhân vật chính trong câu chuyện này. “Ba mươi chín tuổi với chồng  và ba đứa con, hai trong số chúng đã gần trưởng thành, tất tật chui rúc trong căn hộ của mẹ cô, nó đem đến cho cô cảm giác thất bại”. Cô được miêu tả là một người phụ nữ xinh đẹp, đầy đặn, có chút phóng khoáng khiến cánh đàn ông thời ấy phải nhiều phen điên đảo vì cô, dù đã qua tuổi xuân thì nhưng cô vẫn có nét gì đó quyến rũ, hấp dẫn người khác giới. Nhưng vẻ đẹp ấy cũng đi với nhiều điều xấu mà xấu nhất có lẽ là thói nghiện rượu và tính sĩ diện hão luôn muốn mình phải thật sang trọng, đẹp đẽ trong mắt người khác. Chưa kể đến việc, cô đã từ bỏ người chồng đầu tiên của mình để đến với ông chồng thứ hai là Shug Bain. Người đàn ông này cũng chả phải dạng tốt đẹp gì vì làm quái gì có thằng đàn ông nào lại vứt bỏ vợ con mình ở nhà để dụ dỗ Agnes bỏ chồng theo mình rồi cả gia đình lại phải về sống trong căn nhà chật chội của mẹ Agnes chứ, đấy là còn chưa kể đến thói trăng hoa, vô trách nhiệm của hắn ta. Khởi đầu với một nền tảng bết bát như thế, cũng thật dễ hiểu khi câu chuyện của nhà Bain những ngày về sau lại chìm trong u tối.
Những năm sau đó, gia đình nhà Bain chuyển tới một căn hộ do hội đồng thành phố cấp cho công nhân mỏ địa phương ở Pithead. Agnes lúc này đây vẫn còn mong chờ vào một cuộc sống mới, cuộc sống tươi đẹp đang chờ đợi cô ở phía trước với một ngôi nhà ấm cúng với gia đình của mình.
“Bọn con chỉ cần một khởi đầu mới. Shug nói như thế có thể mọi thứ sẽ khá hơn. Một căn hộ nhỏ thôi, nhưng có vườn, có cửa ra vào đằng trước và mọi thứ”. Những lời nói tràn đầy hy vọng của Agnes khi nói về ngôi nhà tương lai với bà mẹ Lizzie của mình nghe thật hứng khởi làm sao. Nhưng thực tế thì “Phía trước mặt, con đường hẹp đầy bụi dừng lại đột ngột khi thúc vào sườn một ngọn đồi thấp màu nâu. Cắt ngang qua con đường chính này là ba hay bốn đường nhánh nhỏ trải vào khu nhà ở. Những nhà mái thấp, vuông và bẹt, túm tụm nhưng thẳng hàng. Mỗi ngôi nhà đều có khoảnh vườn loang lổ giống nhau, với mỗi khoảnh vườn đều được cắt y như nhau bởi dây phơi đồ hình chữ thập và cột phơi đồ màu xám. Bao quanh khu nhà ở là bãi đầm lầy, và ở phía đông, bãi đất bị lộn tung vỏ, đen đúa và kết xỉ vì bị đào lên tìm than”. Trong đầu cô, đoạn đường đó tựa như những dòng nước mắt mằn mặn, nặng nề, bị kéo lê phía sau cỗ taxi đen. Niềm phấn khích đã rời bỏ cô.
Thế đấy, khởi đầu mới đã tệ hại, mà ngay sau đó tên Shug còn rời vứt bỏ cô và các con để sống với người phụ nữ chung chỗ làm mà anh ta mới cặp kè, Joanie Micklewhite. Agnes và ba đứa con bơ vơ giữa căn nhà bê tông lạnh lẽo có phần xuống cấp, giữa một rừng người lạ hoắc đang dò cặp mắt nghi hoặc xuyên qua cửa sổ nhìn về phía gia đình cô. Rồi thế là một người phụ nữ luôn mơ mộng về một cuộc sống hào nhoáng, tự hào về vẻ đẹp của mình lại bị những nỗi bất hạnh kéo cô vào rượu bia. Trong khi đó Shuggie ở trường thì bị bắt nạt, và mọi người quanh vùng thường xuyên gọi cậu bằng những từ ngữ dị hợp chỉ vì xu hướng tính dục của cậu. Những ngày tháng sau chứng nghiện rượu của Agnes ngày càng nặng, cô buông thả bản thân một cách quá độ khiến các con của cô cũng ngán ngẩm mà bỏ đi, chỉ có Shuggie là vẫn ở lại chăm sóc cho cô.
Nỗ lực duy nhất thành công của Agnes đó là cai rượu và có cho mình một công việc ở trạm xăng sau những ngày tháng u mê trong rượu chè và bị những tên đàn ông khác lợi dụng thể xác. Tác giả đã tô vẽ những chuỗi ngày Agnes đi làm đó đó bằng những từ ngữ mỹ miều, màu sắc để thể hiện rõ ràng rằng người mẹ ấy đang có một cuộc sống lành mạnh, vui vẻ đến nhường nào cho tới khi Eugene - người đàn ông tưởng chừng sẽ cho bà hạnh phúc,  tới và kéo bà lại cái hố sâu hoắm mà chỉ vài tháng trước thôi bà mới thoát khỏi. Thế là kết thúc cho một câu chuyện đau lòng về người phụ nữ xinh đẹp, đến cuối cùng vẫn là đàn ông và rượu chè đã hủy hoại cơ thể và tâm trí cô cho dù có bao lần tự hứa với bản thân sẽ thay đổi. Đó là vào tháng Ba và cũng là sinh nhật của cô. 
Agnes đã mất trong cơn say.

Một chút cảm nghĩ

Hầu hết các đọc giả đều sẽ bị cuốn tiểu thuyết này hấp dẫn, nhất là với những người đã yêu thương và cố gắng giúp đỡ người thân hoặc cha mẹ bị nghiện rượu. Câu chuyện đánh thẳng vào cách mà chứng nghiện rượu làm tổn thương không chỉ những người mắc bệnh mà còn cả những người yêu thương họ. Từ ngữ sắc gọn được tác giả biến tấu những nốt nhạc trầm bổng tạo nên những chương truyện như một bản nhạc sống, gợi cảm nhằm thu hút người đọc về mặt cảm xúc. Shuggie Bain được chia làm ba phần rõ ràng, mỗi phần tập trung vào một giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của Shuggie, từ lúc cậu còn là đứa trẻ, cho tới khi cậu vào trung học và kết thúc câu chuyện khi cậu đã đủ chín chắn để rời bỏ Glasgow làm lại cuộc đời của mình. Điểm hay là mỗi đoạn đều tập trung khai thác một vấn đề tâm lý chung của các nhân vật và mức độ kịch tính của các vấn đề sẽ tăng dần cho đến cuối truyện. Stuart thường sử dụng các hình ảnh so sánh để miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật và bối cảnh xung quanh họ. 
Shuggie là một nhân vật được phát triển tốt, là một cậu bé nhạy cảm nhưng mạnh mẽ và kiên cường. Việc phát hiện ra giới tính thật của mình từ khi còn bé đối với cậu không khác gì địa ngục, bởi thông qua qua cách mọi người đối xử, miệt thị cậu bằng những từ ngữ không mấy hay ho như thằng “đồng tính” hay thằng nhóc “hai thì” và cả việc cậu bị bắt nạt ở trường lớp cũng cho ta một cái nhìn mến cảm hơn đối với cậu. Agnes, mẹ của Shuggie cũng là một nhân vật đáng thương, một người phụ nữ xinh đẹp, thông minh lại bị phá hủy bởi rượu bia và các sự kiện bất hạnh trong đời. Chắc chắn người đọc dù vô ý hay không cũng sẽ nhận ra rằng mình đang cổ vũ cho Agnes khi cô đấu tranh vượt qua cơn nghiện của mình và sẽ ủng hộ Shuggie khi cậu cứng rắn chống lại những kẻ bắt nạt. Chúng ta cùng có chung một suy nghĩ với Shuggie, mong rằng Agnes sẽ từ bỏ được rượu bia, một cuộc sống tốt đẹp sẽ lại quay về với gia đình nhà Bain.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, Stuart tiết lộ rất ít về cuộc sống nội tâm của Agnes mặc dù trọng tâm của câu chuyện đổ dồn vào cô. Hầu như chúng ta được tiếp cận với Agnes qua những ngày rượu chè nửa tỉnh nửa mơ của cô, điều này làm mình thấy khá khó hiểu vì một nhân vật xuất hiện với vai trò trọng tâm như thế lại rất ít được thể hiện tâm ý của mình. Nói như vậy không có nghĩa là đây là một nhân vật sáo rỗng, mà tâm ý của Agnes được bộc lộ phần lớn qua hành động cũng như các vấn đề tác động đến cô. Có lẽ tác giả không muốn thể hiện nội tâm của Agnes qua góc nhìn cá nhân của mình bởi đây là tác phẩm Douglas Stuart viết dựa trên những gì mẹ mình đã trải qua. Việc áp dụng cảm quan cá nhân vào nhân vật Agnes có thể sẽ khiến cho những suy nghĩ của mẹ ông bị sai lệch so với ý nghĩa ban đầu. Vậy nên Stuart đã tập trung vào trau chuốt ngôn từ để đọc giả có thể tiếp cận vấn đề một cách dễ dàng và từ đó đọc giả sẽ tự có cho mình những suy nghĩ về Agnes. Cô là người tốt, người mẹ tồi hay người phụ nữ đáng ghét… tất cả đều dựa vào góc nhìn cá nhân của đọc giả.
Đây là một cuốn tiểu thuyết mà đọc giả sẽ dễ đắm chìm ngay từ những trang đầu tiên, vào một thế giới tối tăm mà giống như các nhân vật, bạn không thể thoát ra dù rất muốn. Tuyến nhân vật của Shuggie Bain cũng rất đa dạng, sẽ có những nhân vật đáng yêu, cũng sẽ có những nhân vật đáng ghét. Mỗi nhân vật đều có những câu chuyện và cá tính riêng của mình. Stuart đã khắc họa một cách chân thực và sống động những người nghèo khó và thiệt thòi trong xã hội, cũng như những người phải vật lộn với chứng nghiện rượu và những vấn đề tinh thần khác.

Tại sao lại là "Chiếc linh hồn nhỏ"

Ngoài lề một chút, tựa để “Chiếc linh hồn nhỏ” mình thấy đây là chủ để rất hay nên mình xin phép trích nguyên lời mà dịch giả Trần Quốc Tân nói về quyết định chọn lựa của mình.
Nhan đề gốc Shuggie Bain vốn là tên riêng, nhưng nếu giữ nguyên, người đọc tiếng Việt khó có thể hình dung ra đó là tên của một nhân vật. Điều đó có thể cản trở cho cuộc dạo đầu cuộc chu du của chúng ta vào thế giới nhiều biến cố, gian truân và bất trắc của Shuggie, ít nhất là từ góc nhìn của người dịch, cũng là một người đọc tiếng Việt. Vì thế người dịch quyết định gán thêm một nhan đề phụ, thuần Việt: “Chiếc linh hồn nhỏ”. Chữ “chiếc” là lựa chọn có chủ đích để ám chỉ một cách gọi trung tính cho người thuộc cộng đồng LGBT. Với nhan đề tiếng Việt ấy, người dịch nợ nhà thơ Huy Cận. Chúng đến từ một câu trong bài “Ê chề”: “Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu.” Nỗi buồn của Shuggie hẳn sẽ vượt qua khung thời gian và khoảng cách địa lý. Xin khép lại bằng một dòng suy nghĩ của cậu bé: “Cũng như với một ngày đẹp trời, sẽ luôn có mưa ở một phía khác.”
Kết
Nhìn chung, Shuggie Bain là một tác phẩm ấn tượng, giàu cảm xúc. Nó là câu chuyện về tình yêu, sự mất mát, và sự kiên trì, được đặt trong bối cảnh Glasgow những năm 1980. Stuart đã khắc họa một cách chân thực và sống động cuộc sống của những người nghèo khó và thiệt thòi trong xã hội, đồng thời cũng gửi gắm vào đó sức mạnh của tình yêu và hy vọng. Cũng rất cảm ơn nhà văn Douglas Stuart cũng như dịch giả Trần Quốc Tuấn vì đã đưa tới công chúng một tác phẩm và một bản dịch xuất sắc. Chúc mọi người một ngày tốt lành!