Nhân đọc lại mấy cuốn sách cũ, tôi có ý định note vài dòng liên quan đến Kinh Dịch 易经hay còn gọi là Chu Dịch 周经, là một trong Ngũ Kinh, nền tảng của Nho Giáo.
1. Kinh Dịch vốn được sáng tạo ở Trung Quốc. Theo quan niệm thường gặp ở VN thì Kinh Dịch do 4 người chủ đạo viết ra (4 ông Thánh) là Phục Hy (Hệ từ truyện), Văn Vương (Thoán từ), Chu Công (Hào từ), Khổng Tử (Thập dực). Nhưng thực tế thì không phải như vậy. Kinh Dịch chắc chắn do nhiều tác giả viết ra, mỗi tác giả lại thuộc một trường phái triết học khác nhau. Phần Chính Kinh (bao gồm cả Thoán từ và Hào từ) vốn được coi là quan trọng nhất thì lộn xộn, mù mờ và khó hiểu. Nhiều học giả thống nhất rằng phần Hệ từ truyện mới là phần cốt lõi của Kinh Dịch. Theo Shchutskii, Thập Dực không phải được viết bởi Khổng Tử mà là của nhiều tác gia Tiên Tần. Từ đó những myth như “Khổng Tử đọc kinh dịch đến 3 lần đứt gáy sách” hay “50 tuổi đọc được Kinh Dịch, tức là 45 tuổi chưa đọc được Kinh Dịch...” phải bị bác bỏ, đồng thời cũng làm sụp đổ luôn quan điểm của nhóm “Bách Việt” cho rằng người Việt sáng tạo ra Kinh Dịch. Đơn cử như năm 1970, Giáo sư Kim Định đã tuyên bố “Kinh Dịch là của Việt Nam” trong tác phẩm Dịch Kinh linh thế(?)...
2. Sự xuất hiện của Bạch thư Chu Dịch 帛書周易 ở Mã Vương Đôi 马王堆 (*), kết quả nghiên cứu giáp cốt văn 甲骨文, chung đỉnh văn 钟鼎文,vv... đã làm đảo lộn các quan niệm cố hữu của các học giả Việt Nam và TQ. Giở một cuốn Kinh dịch bất kì của Ngô Tất Tố, Phan Sào Nam, Nguyễn Hiến Lê,vv... thứ tự các quẻ xuyên suốt từ Càn, Khôn đến Ký Tế, Vị Tế. Theo Ngô Tất Tố, nguyên văn bản dịch của ông là từ bộ Chu Dịch đại toàn của bọn Hồ Quảng và Kim Âu Tư vâng mệnh Thành tổ nhà Minh (Minh Thành Tổ 明成祖) mà soạn ra. Khởi đầu một quẻ mới thường sẽ có phần “ý sắp đặt thứ tự quẻ” đôi lúc thì có vẻ hợp lí (Quẻ thiên Địa Bĩ: Thái nghĩa là thông, Bĩ nghĩa là lấp, cũng có nghĩa là cùng. Nguyên đạo lí trong vũ trụ, chỉ có lẽ tương đối, mà không lẽ gì tuyệt đối. Thông với lấp tương đối, mà thông với cùng cũng tương đối. Hễ sau lúc đã Thái thông rồi, tất nhiên lấp với cùng tới. Vậy nên sau quẻ Thái, tiếp lấy quẻ Bĩ); đôi lúc lại khiên cưỡng (Quẻ Thuần Chấn: Trước quẻ Chấn là quẻ Đỉnh. Đỉnh (vạc) là một giống trọng khí làm chủ giữ trọng khí không ai bằng con trai trưởng. Con trai trưởng tức là Chấn. Vậy nên sau quẻ Đỉnh tiếp lấy quẻ Chấn). Chưa kể, cách giải thích về các hào và mối quan hệ giữa chúng không phải luôn đồng nhất. Nói một cách ngắn gọn, chúng ta cần phải chú ý một điều: Dựa trên một số kết quả nghiên cứu giáp cốt văn, người ta đi đến giả thuyết Chu Dịch là hệ thống bói toán được tạo ra nhằm thay thế dần vai trò của bói giáp cốt (mai rùa). Phương pháp bói giáp cốt được các vua đời Thương, Chu sử dụng như một công cụ để giải thích, dự đoán tương lai, hoặc tìm nguyên nhân cho bất hạnh trút lên nhà vua hay dân chúng. Phùng Hữu Lan 冯友兰 (trong Tân Nguyên Đạo) giảng: Dịch vốn là sách bói. Tính chất nguyên thủy của nó tương tự như tính chất của mấy cuốn sách xem bói hiện nay. Câu cú trong sách rất linh hoạt<...> Ban đầu cũng chỉ là thế, về sau những người giảng Dịch mới gom các lời bói thành công thức. Mỗi công thức biểu thị một hay nhiều Đạo (nguyên lí). Các công thức trong Dịch có thể biểu thị hoàn toàn các đạo mà nó sở hữu.
Từ sau khi phát hiện bộ Bạch Thư Chu Dịch 帛書周易 (Chu Dịch viết trên lụa) có sự thay đổi lớn giữa thứ tự các quẻ: Khởi đầu là quẻ Bát Thuần Kiền, rồi tới quẻ Phụ (tương đương quẻ Thiên Địa Bĩ) đến quẻ cuối cùng là Phong Lôi Ích. Có thể thấy rằng, các nhà chú giải sau này đã lặp lại tiền nhân không biết bao nhiêu lần, bởi số lượng sách chú giải Kinh Dịch là nhiều vô kể. Không chỉ khác biệt về thứ tự quẻ, các khám phá này cũng đồng thời làm lung lay quan niệm cố hữu về Bát Quái,thuyết Âm Dương, Hà Đồ, Lạc Thư.
Khu mộ đời Hán ở Mã Vương Đôi
Khu mộ đời Hán ở Mã Vương Đôi
Hình ảnh quen thuộc của Hà Đồ, Lạc Thư
Hình ảnh quen thuộc của Hà Đồ, Lạc Thư
3. Ý nghĩa thực sự của bói toán. Sách "Kinh dịch trọn bộ" của Ngô Tất Tố viết tương đối đầy đủ về quy trình bói cỏ thi. Tôi không có thời gian để chép lại, chỉ có thể tóm tắt mấy ý như sau: điều kiện để bói được một quẻ tương đối phức tạp (hướng nhà quay về phía Nam, nơi đặt bộ cỏ thi và sách bói không được thấp dưới vai người lớn, phải thành tâm khấn vái,vv). Trong quan niệm của người Trung Quốc, cỏ thi là thứ linh thiêng có thể “cảm” được ý của quỷ thần. Dùng cỏ thi bói có thể đưa ra lời đoán định tương lai. Các phương pháp khác như bói đồng xu, bói bằng xem ngày giờ cũng tương tự về bản chất, nhưng với quy trình ít phức tạp hơn. Chỉ có một điều có thể chắc chắn là, Kinh Dịch từ vai trò nguyên thủy của nó là một cuốn sách bói toán, trong một thời gian dài được nghiên cứu dưới góc độ của một cuốn cẩm nang cho bậc quân vương trị quốc, hay một sách triết lí. Song song với các sách nghiên cứu thì sách ứng dụng Kinh Dịch nhiều vô kể. Có thể thấy, phương pháp tiếp cận nó của giới học giả và giới bình dân tương đối khác nhau, không chỉ riêng thời hiện đại. Sách thể loại “kinh dịch ứng dụng” đóng vai trò như là “self-help” đối với giới bình dân thời xưa. Giới bình dân Trung Quốc từ xưa vốn ít học, lại mê tín, thì đương nhiên các hình thức xem bói sẽ thịnh hành trong dân chúng.
4. Ngọn triều âu hóa. “Ngọn triều Âu hóa” tôi mượn từ lời giới thiệu sách “Quốc Văn Chu Dịch diễn giải” của cụ Phan. Cuốn sách này là tâm huyết của cụ những năm cuối đời, nhằm khởi hưng lại nền triết học bị lãng quên ở Việt Nam, chính là “chống lại” quá trình thực dân hóa và cơ giới hóa từ phương Tây. Sách vở lưu truyền lại không phải là không có. Ví dụ, các nhà Dịch học ở Việt Nam thường tham khảo chủ yếu theo Trình Di đời Tống, Hệ từ truyện của Chu Hy. Sách vở không ủng hộ tư tưởng Pháp gia đều bị hủy hoại dưới thời Tần, trong khi đó Kinh dịch là sách bói nên không bị Tần Thủy Hoàng cho tiêu hủy. Một số tác gia cố tình lồng ghép tư tưởng của phái mình vào sách chú giải Kinh Dịch, từ đó làm cho Kinh Dịch trở nên pha tạp nhiều luồng tư tưởng.
Thành quả của phương Tây đem lại cho Dịch học ở Việt Nam và Trung Quốc đến từ khảo cổ học, từ các bản dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức,vv. Thế kỉ XX, ở phương Tây nổi lên phong trào nghiên cứu Lão Tử và Kinh dịch. Chính sự mù mờ về tư tưởng của kinh sách phương Đông hấp dẫn học giả phương Tây nghiên cứu. Đây không phải là quá trình “cơ giới hóa” mà là một làn gió mới đối với quá trình nghiên cứu tư tưởng Trung Quốc. Khó khăn lớn nhất trong quá trình dịch các sách cổ văn có lẽ chính là sự khác nhau về cấu trúc của ngôn ngữ dịch và ngôn ngữ đích. Cổ văn vừa khó đọc, khó hiểu, khó dịch sang các ngôn ngữ kiểu Ấn Âu điển hình. Chưa kể đến ảnh hưởng bởi nạn ngụy thư vốn được các tác giả đời sau viết thêm vào. Việc làm này có nhiều mục đích, chẳng hạn như để “phá” học thuyết của các nhà khác, hay để lấy danh, vv. Thiếu các phương pháp hiện đại, việc nghiên cứu cổ văn nói chung và Kinh Dịch nói riêng sẽ gặp trở ngại lớn.
Tham khảo:
TS. Dương Ngọc Dũng- Lê Anh Minh. Kinh dịch & cấu hình tư tưởng Trung Quốc
Phan Sào Nam. Quốc văn Chu Dịch diễn giải
Ngô Tất Tố. Kinh dịch trọn bộ
Marcel Granet. La pensée Chinoise
The I Ching Or Book of Changes: The Richard Wilhelm Translation rendered into English by Cary F. Baynes
(*)Năm 1972, một đơn vị quân đội Trung Quốc trong quá trình đào hầm phòng không ở khu vực ngoại thành của thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, đã phát hiện ngôi mộ cổ Mã Vương Đôi thời nhà Hán. Phát hiện khảo cổ này đem lại nhiều khám phá mới lạ cho Trung Quốc và thế giới.
Giáp cốt văn là văn tự được khắc trên mai rùa, xương động vật.Giáp cốt văn ghi lại kết quả các cuộc bói toán được thực hiện bởi thiên tử nhà Thương, Chu trong các cuộc tế lễ. Một cuộc tế lễ sẽ bao gồm các nghi thức: đặt câu hỏi, bốc phệ, dự đoán cát hung, hiến tế (thường là động vật)
Chung đỉnh văn là là văn tự ghi trên chuông, vạc của nhà vua. Chung đỉnh văn thịnh ở thời Chu, từ Tần không sử dụng nữa, trở đi thì chữ Hán thịnh.