David Fincher đã tạo nên một kiệt tác đặc sắc với Seven, bộ phim khám phá những khía cạnh tối tăm nhất của nhân tính qua hình tượng Thất Hình Đại Tội. Bảy tội lỗi gồm tham lam (greed), thèm khát (lust), lười biếng (sloth), kiêu ngạo (pride), ghen tị (envy), tham ăn (gluttony), và cuồng nộ (wrath) được biểu đạt qua mỗi vụ án, không chỉ đơn thuần là những cái chết tàn khốc, mà còn đặt ra những vấn đề đạo đức, tinh thần và bản chất con người. Câu chuyện của hai thám tử, Somerset và Mills, vượt lên trên cả những cuộc điều tra để khám phá sâu sắc những khía cạnh con người trong bối cảnh một thế giới đầy đắng cay.
LƯU Ý: Đây hoàn toàn là trải nghiệm cá nhân, có thể đúng hoặc sai. Bài viết có Spoil nội dung phim!!!

Somerset và Mills: Hai thái cực trước cái ác

Somerset, một thám tử kỳ cựu sắp nghỉ hưu, là hiện thân của sự từng trải và cái nhìn tỉnh táo đến đau lòng về thế giới. Ông đã dành cả cuộc đời để đương đầu với những tội ác kinh hoàng, chứng kiến sự suy đồi của con người và sự bất lực của hệ thống công lý trước cái ác tràn lan. Chính những trải nghiệm này đã hun đúc nên trong ông một sự thức tỉnh sâu sắc, nhưng cũng đồng thời khiến ông trở nên bi quan. Somerset hiểu rằng cuộc chiến với cái ác không phải lúc nào cũng có hồi kết đẹp đẽ, rằng đôi khi những điều tồi tệ nhất xảy ra mà không ai có thể ngăn cản. Ông đại diện cho sự khôn ngoan và thận trọng, luôn nhìn thấy những giới hạn thực tế trong việc thực thi công lý, nhưng điều đó cũng khiến ông dần mất đi niềm tin vào khả năng thay đổi của thế giới.
Ngược lại, Mills, người đồng nghiệp trẻ tuổi vừa mới chuyển đến, lại là biểu tượng của sự nhiệt huyết và lòng lý tưởng. Với năng lượng tràn đầy và niềm tin vững chắc vào công lý, Mills luôn cho rằng mọi tội ác đều có thể bị trừng phạt và mọi kẻ xấu đều phải trả giá. Anh mang trong mình sự quyết tâm mãnh liệt, khao khát chứng minh rằng cái thiện cuối cùng sẽ chiến thắng. Tuy nhiên, sự non nớt và đôi lúc bồng bột của anh lại khiến anh dễ bị chi phối bởi cảm xúc, dẫn đến những quyết định thiếu cân nhắc, đó cũng chính là điều góp phần tạo nên kết cục bi thảm của ảnh - đại diện cho tội lỗi thứ 7. Mills nhìn thế giới qua lăng kính của lý tưởng hóa, nơi mọi hành động dũng cảm đều được tưởng thưởng và cái ác không thể thoát khỏi bàn tay công lý.
Sự đối lập giữa Somerset và Mills không chỉ thể hiện qua cách họ nhìn nhận thế giới, mà còn nằm ở cách họ đối mặt với tội ác. Somerset lựa chọn sự cẩn trọng và phân tích sâu sắc, còn Mills thường xuyên hành động bằng trái tim và lòng nhiệt huyết. Hai con người, hai thế hệ, hai quan điểm sống khác nhau, đã tạo nên một mối quan hệ vừa đối kháng vừa bổ trợ, dẫn dắt họ qua những thử thách nghiệt ngã trong hành trình đi tìm sự thật.
Somerset tự hỏi về khả năng con người có thể thay đổi. Ông nói: “This isn’t going to have a happy ending. It’s not meant to.” ("Chuyện này sẽ không kết thúc tốt đẹp. Nó không định nghĩa để có kết thúc đó.") Trong khi đó, Mills phản bác, tin rằng việc truy bắt Doe sẽ chứng minh được công lý.

Sự Phản Chiếu Giữa Hai Nhân Vật

Một trong những điều làm nên sức hấp dẫn vượt thời gian của Se7en là cách bộ phim xây dựng hình ảnh người cảnh sát già Somerset. Tác phẩm không đưa ra quá nhiều thông tin về ông, nhưng những mảnh ghép ít ỏi ấy đủ để khắc họa một con người từng trải, chất chứa nhiều đau khổ. Somerset đã từng mất đi người phụ nữ mình yêu vì không thể bảo vệ cô khỏi thế giới đầy tội lỗi. Điều này phản chiếu qua Mills, người cũng mất đi vợ mình theo cách tàn nhẫn nhất. Hình ảnh Somerset già nua, cô đơn, chính là tương lai mà Mills có thể đối mặt. Đây không chỉ là câu chuyện về cuộc chiến chống lại cái ác, mà còn là hành trình đau đớn của sự trưởng thành và mất mát.
SOMERSET: I... I had a relationship once, very much like a marriage.  And, there was a baby.  A long time ago.  Things were good.  And I got up one morning, and I went on a case... a murder, like any other.  Except it was my first since hearing about the baby.  And, I felt this fear and anxiety coming over me.  I looked around and I thought, how can I raise a child here?  So, that night, I told her I didn't want us to have children,  And, over the next few weeks... I convinced her...
Từ cái nhìn chua chát của Somerset về thế giới, ta không khỏi tự hỏi: Liệu Mills, sau những biến cố kinh hoàng, có trở thành một Somerset thứ hai?

Tính nữ yếu ớt

 Nhưng điều đau đớn nhất không chỉ nằm ở sự mất mát, mà còn ở nguyên nhân dẫn đến nó—một xã hội đầy rẫy tội lỗi, nơi ngay cả một gia đình nhỏ bé cũng không thể tồn tại an yên. Trong một khoảnh khắc đầy tính tiên tri, vợ của Mills đã thổ lộ với Somerset: "Tôi đã không dám nói với David... Tôi sợ. Nơi đây không phải là chỗ cho một đứa trẻ." Lời tâm sự ấy vừa thể hiện nỗi bất an của một người mẹ, vừa như một lời dự báo nghiệt ngã. 
Có lẽ tình yêu, sự dịu dàng của tính nữ—những điều đẹp đẽ nhất trong bộ phim —đã bị đẩy vào kết cục bi thảm nhất. Ta chờ đợi một phép màu, một thứ mềm mại trong một bộ phim đầy rẫy những nhân vật nam tính. Tracy và tình yêu của cô với Mills, là sự mềm mại hiểm hoi như một đoá hồng nhỏ bé trong khu vườn tăm tối, lại chính là thứ bị nghiền nát không chút thương tiếc, đầy thảm khốc, kinh khủng và ám ảnh nhất. 

Thất hình đại tội: Từ đạo đức đến cái chết

Mỗi vụ án trong phim là một biểu tượng cho một trong bảy tội lỗi, đồng thời cũng là lời phê phán những giá trị đạo đức suy đồi của xã hội. John Doe không chỉ giết người, mà còn sắp đặt những cái chết như những “tác phẩm nghệ thuật” đầy ý nghĩa để cảnh báo nhân loại.
Tội lỗi cuối cùng – cuồng nộ (wrath) – được thể hiện qua Mills, khi anh không thể kiểm soát cảm xúc của mình sau khi biết Doe đã sát hại vợ anh. Đây cũng là khoảnh khắc đỉnh điểm của bộ phim, nơi biên giới giữa thiện và ác trở nên mờ nhạt. Somerset, trong sự bất lực, chỉ có thể thốt lên: “He’s gone.” ("Anh ấy đã mất rồi.") Lúc này, cái ác không chỉ nằm ở John Doe, mà đã lan tỏa và chiếm lấy Mills.

Tội lỗi lớn nhất?

Việc Doe sắp xếp các thứ tự gây án theo thất hình đại tội cũng đặt ra câu hỏi: Trong những tội lỗi ấy, đâu mới là tội ác lớn nhất? Cuồng nộ (wrath)—biểu tượng cho Mills—có lẽ là câu trả lời. Ở vị trí của Mills, có ai đủ bình tĩnh để vượt qua cơn giận dữ và nỗi đau dồn dập?
Cảm xúc của Mills bộc phát mạnh mẽ nhất trong khoảnh khắc cuối cùng, khi anh bóp cò súng kết liễu Doe. Đó không chỉ là hành động trả thù, mà còn là sự sụp đổ hoàn toàn của lý trí. Điều này đặt Mills vào trung tâm bức tranh của Doe, chứng minh rằng ngay cả người thực thi pháp luật cũng dễ dàng trở thành công cụ của tội lỗi.
Ngay cả trong Thất hoàng tử ngục, sự giận dữ, cuồng nộ được đại diện bởi Belial, hay Beliar, là một con quỷ hùng mạnh, tồn tại trước cả Satan. Tội lỗi của Belial được coi là một trong những tội nguy hiểm nhất và được thể hiện bằng nhiều các khác nhau, từ sự thiếu kiểm soát, sự căm ghét, khổ sở, trả thù,... cho đến giết người, xung đột, chiến tranh.
Tân ước nói rằng Satan là chúa tể của địa ngục, nhưng trước đó một thời gian, Belial được coi là kẻ tiền nhiệm. Trong quỷ học, hắn ta là một trong những con quỷ có tiếng nhất dưới trướng của Satan, tượng trưng cho tội giận giữ.

Kết thúc dở dang?

Ở đoạn cuối phim, Somerset đã nhắc đếncâu nói của Hemingway: “The world is a fine place and worth fighting for. I agree with the second part. " ("Thế giới là một nơi tươi đẹp và đáng để đấu tranh. Tôi đồng ý với phần sau.") Câu nói này làm dấy lên suy nghĩ về Mills: Liệu sau những nỗi đau đã trải qua, anh sẽ chọn cái chết trong đau khổ, hay sống để trở thành một Somerset khác? Nếu Mills chết, thì bức tranh "nghệ thuật" của Doe sẽ “hoàn chỉnh”. Nhưng ngay cả khi anh sống, thì chính bi kịch của anh cũng đã chứng minh sự tăm tối trong bản chất con người, vượt lên trên mọi khía cạnh đạo đức. Ta không thể phủ nhận rằng: Mills đã dấn thân vào tội lỗi, và dù anh ta có sống thì cũng không có nghĩa là cái thiện đã chiến thắng. 
Vì thế, rất có thể Mills sẽ trở thành một Somerset thứ hai. Somerset từng chia sẻ: ông ở lại không phải vì hy vọng loại bỏ tội ác, mà vì ông hiểu rằng cuộc chiến này, dù không có hồi kết, vẫn là điều cần làm. Đây không phải là sự chiến thắng của thiện hay ác, mà là sự tồn tại của nhân tính—một hành trình đối mặt với cái xấu để giữ lấy điều tốt đẹp ít ỏi còn sót lại.
The world is a fine place and worth fighting for and I hate very much to leave it
Ernest Hemingway

Những khả thể đối lập

Những con người trong Se7en không chỉ phản ánh tội lỗi, mà còn gợi lên câu hỏi: Phải chăng những ai chống lại cái ác đều từng đối diện với nó? Somerset và Doe đều nhận thức sâu sắc bản chất tăm tối của thế giới, nhưng họ chọn những cách khác nhau để phản ứng. Doe nhân danh Chúa để trừng phạt, tự cho mình quyền hành đạo. Trong khi đó, Somerset lại chọn đấu tranh chống lại cái ác, dù biết đó là cuộc chiến không hồi kết.
Đỉnh cao của sự đối lập ấy nằm trong cuộc trò chuyện giữa Doe và hai cảnh sát trên đường đến hiện trường tội ác cuối cùng. Doe tuyên bố: "Những người đó không xứng đáng sống."
JOHN DOE (CONT) We want good over evil. We want values instilled in the children. We want a world where a man or woman can lead a decent life. (pause) Wisdom, understanding, counsel, fortitude, knowledge, piety, and fear of the Lord. Such simple concepts. Why are they non-existent?
John Doe (tiếp tục): "Chúng ta muốn điều tốt chiến thắng điều ác. Chúng ta muốn những giá trị đạo đức được truyền lại cho trẻ em. Chúng ta muốn một thế giới nơi mà đàn ông và phụ nữ có thể sống một cuộc đời đàng hoàng....Trí tuệ, thấu hiểu, tư vấn, kiên cường, tri thức, lòng mộ đạo và kính sợ Chúa. Những khái niệm đơn giản như vậy. Tại sao chúng lại không tồn tại?"
JOHN DOE Do you think I chose this? Can you even begin to understand how painful my existence has been? It's like... like having every sense heightened beyond comprehension. John Doe: "Các anh nghĩ tôi chọn điều này sao? Các anh có thể bắt đầu hiểu được sự đau đớn trong sự tồn tại của tôi không? Nó giống như... giống như mọi giác quan đều bị khuếch đại vượt quá sức hiểu biết."
Thoạt nghe, lời lẽ của Doe thật thuyết phục, cho đến khi ta biết rằng lựa chọn cuối cùng của hắn—biến Mills thành một phần trong "bức tranh nghệ thuật" một cách ngẫu nhiên và không hề có toan tính trước khiến tất cả sụp đổ. Nó khẳng định một sự thật đau đớn: Ai cũng có thể trở thành nạn nhân, cũng như kẻ tạo ra tội ác.
Điều này làm tôi nhớ đến "Cửa Tùng Đôi Cánh Gài" của Thích Nhất Hạnh. https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/tap-truyen/cua-tung-doi-canh-gai/
  “Đây là Mê Ngộ Cảnh. Tấm kính này sẽ giúp con biết rõ thiện ác, chính tà. Có người gọi nó là kính chiếu yêu, bởi vì qua tấm kính này, con có thể thấy được nguyên hình của loài yêu quái.” Người được sư phụ trao cho mê ngộ cảnh để dấn thân vào đời cuối cùng khi trở về lại không thể đi qua chiếc cửa Tùng vì sau chuyến hành trình diệt yêu đấy, khi dùng Mê Ngộ Cảnh soi chiếu lại mình đã thấy “hình bóng của mình đứng bên cạnh hình bóng một con yêu to lớn với đôi mắt tối sâu như hai miệng giếng không đáy, hai chiếc răng dài quập sâu vào chiếc càm vuông, trên một khuôn mặt xám ngoẹt như gà cắt tiết.” 
Sợi dây kết nối giữa thiện và ác quả thực mỏng manh đến mức bất kỳ ai cũng có thể trượt qua nó trong một khoảnh khắc. Như cánh cửa trong câu chuyện, ranh giới giữa thiện và ác trong Se7en cũng mong manh. Các nhân vật trong phim đều đối diện với những lựa chọn: bước qua "cánh cửa" để làm điều ác, hoặc đứng lại để giữ gìn phần thiện trong mình. Và quả thật nếu đặt mình vào vị trí của Mills, ta sẽ khó để tỉnh táo, bình tĩnh, tất cả sẽ đổ gục trước nỗi đau, cảm xúc, sự giận dữ… 

Với... "Fight Club"

Tôi xem Fight Club trước khi đến với Se7en, và quả thật 2 bộ phim với 2 cốt truyện khác nhau nhưng lại khiến tôi có một góc nhìn chi tiết hơn về cốt truyện, nội dung và cách cảm nhận. Cùng được thủ vai chính bởi Brad Pitt cũnng như sự phối hợp giữa hình ảnh và âm thanh trong cách kể chuyện được dẫn dắt bởi tầm nhìn của vị đạo diễn tài năng David Fincher, Seven và Fight Club đều biến thành những kiệt tác điện ảnh. 
Ngay từ phần mở đầu, Seven và Fight Club đã tạo ra cảm giác khó chịu, như một lớp khói mờ bao trùm toàn bộ khung hình.
Ở Seven, đó là những cơn mưa dai dẳng như không bao giờ ngừng nghỉ, những căn phòng chật chội và ẩm thấp, ánh sáng lờ mờ từ chiếc đèn pin tại hiện trường vụ án, và cảm giác vô vọng bao trùm lên mọi nhân vật. Bối cảnh không chỉ là nền cho câu chuyện mà còn là một phần không thể thiếu trong việc định hình cảm xúc của khán giả.
Trong Fight Club, sự ngột ngạt đến từ những điều khác biệt nhưng vẫn rất tương đồng về tinh thần. Đó là căn nhà đổ nát của Tyler Durden, những buổi trị liệu kỳ lạ của nhân vật chính, và sự buồn tẻ, vô nghĩa của công việc hàng ngày. Không gian sống của nhân vật chính trở thành biểu tượng cho tâm trạng bất mãn với xã hội hiện đại – một xã hội bị chi phối bởi vật chất và sự cô lập.
Có thể thấy, cả Seven và Fight Club đều sử dụng màu sắc tối tăm, u ám, chiếm trọn phần lớn thời lượng phim. Trong Seven, ánh sáng yếu ớt, màu xám của mưa, và sự dày đặc của bóng tối gợi lên cảm giác bế tắc. Với Fight Club, màu phim nhấn mạnh vào sự bụi bặm, lạnh lẽo, và thô ráp – những yếu tố tượng trưng cho sự đổ vỡ và phản kháng.
Điều đặc biệt là cả hai bộ phim không chỉ xây dựng sự ngột ngạt mà còn sử dụng nó như một công cụ để dẫn dắt khán giả qua một hành trình căng thẳng, để rồi bùng nổ ở phần kết. Ở Seven, sự căng thẳng tích tụ bùng nổ khi Mills không thể kiềm chế cơn cuồng nộ và bắn chết John Doe trong không gian sa mạc rộng lớn. Sau tất cả, ta bị bỏ lại với những câu hỏi còn dang dở. Mills sẽ làm gì sau bi kịch? cũng như ý nghĩa thực sự của công lý.
Tương tự, Fight Club giải phóng mọi sự ngột ngạt qua cảnh nhân vật chính bắn Tyler – một phần bản thể của mình – để chứng kiến thành phố sụp đổ trước mắt, bên cạnh Marla - cô bạn gái của mình. 
Cả hai bộ phim đều khiến người xem nhận ra rằng một cái kết "hoàn hảo" không phải là điều quan trọng nhất. Seven và Fight Club không khép lại bằng sự giải quyết trọn vẹn hay đưa ra câu trả lời rõ ràng cho số phận nhân vật chính, mà thay vào đó, để lại những khoảng trống cho trí tưởng tượng của khán giả, buộc ta phải suy ngẫm, tự tìm câu trả lời và nhìn lại chính mình.