Sasha Sloan và thứ âm nhạc cho những nỗi niềm của thế hệ trẻ
Sasha Sloan, một cái tên có thể là còn có chút xa lạ với phần đông đại chúng nhưng mình nghĩ, đối với những người nghe nhạc US-UK nhiều...
Sasha Sloan, một cái tên có thể là còn có chút xa lạ với phần đông đại chúng nhưng mình nghĩ, đối với những người nghe nhạc US-UK nhiều thì có phần nào quen thuộc hơn. Để bạn dễ hình dung hơn thì cô ấy chính là đồng sáng tác bản hit Never be the same (Camilla Cabello) và Just Hold on (Louis Tomlinson và Steven Aoki). Có thể nói thì Sasha là một nghệ sĩ khá "chuẩn mực" khi có thể viết và hát khá tốt. Về khả năng hát của Sasha thì mọi người có thể trải nghiệm thử qua các album Sad girl, Loser hay gần đây nhất là Self portrait. Trong bài này thì mình sẽ tập trung nhiều vào nhạc Sasha viết và hát nhé vì đối với mình, bài hát cảm xúc nhất là khi nhạc sĩ chính mình thể hiện nhạc phẩm của mình (à thì cũng một phần là vì giọng Sasha hợp gu mình nữa :))) ).
Điều khiến mình tâm đắc về Sasha đến mức phải viết một bài về chị ý không gì khác đến từ phần lời đầy tâm sự của cô ấy. Không giống với cách viết lời đầy tính thơ và hình tượng của Taylor Swift (cũng là một thần tượng lớn từ thuở bé của mình), lời nhạc của Sasha đơn giản nhưng nói thẳng vào cảm xúc, cảm giác như những dòng nhật ký của chính chủ vậy. Góp phần không nhỏ khiến cho các ca khúc của Sasha dễ đi vào lòng người nghe chính là giọng hát của cô. Sasha không phải mẫu ca sĩ điển hình với một chất giọng khỏe, dày, quãng giọng rộng hay làm nhiều kỹ thuật hoa mỹ, trái lại, chất giọng của cô nhẹ nhàng, đầy tính tự sự, kết hợp cùng chất nhạc pop êm dịu khiến cho lời nhạc của cô tựa như những câu thủ thỉ tâm tình bên tai thính giả vậy. Chủ đề của các ca khúc thường về vấn đề người trẻ đương thời hay gặp phải: một Normal mà mình hay đùa là thánh ca của những người hướng nội :)), trăn trở khi nhìn những người bạn cùng tuổi đã ổn định còn bản thân thì đang cố gắng thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đó (This town), hay nỗi cô đơn của muôn người trong xã hội nhưng lại chả biết sẻ chia với ai (The only) và nỗi sợ hãi, thu mình, chạy trốn chính cảm xúc của mình (Runaway)... Với mình, nhạc của Sasha khá dễ khơi gợi sự đồng cảm trong người nghe, đặc biệt là những người trẻ thời hiện đại bởi những trăn trở, nghĩ suy cô ấy đưa ra ít nhiều có thể chạm tới một góc tối nào đó trong tâm khảm của người nghe. Ấy là sự vô định, mất phương hướng, cô đơn và trăn trở của những chàng trai cô gái tuổi 20s. Nói vậy cũng không có nghĩa nhạc của Sasha chỉ có buồn và buồn nẫu ruột nhé :))). Hẳn nếu bạn đã biết Sasha từ trước bài viết này thì bài hát đầu tiên mình nghĩ hiện lên trong đầu bạn có lẽ là Older. Ca khúc này mang tính cá nhân khá cao (nhưng cũng không có nghĩa là người nghe sẽ không thể đồng cảm khi nghe :)) ) khi Sasha nói về tuổi thơ không mấy hạnh phúc của mình với những trận cãi vã của cha mẹ. Nghe nặng nề là vậy thế nhưng đến ver 2 của bài, Sasha lại thể hiện một tinh thần khác có sức sống hơn và đầy thấu hiểu :" I used to be mad but now I know. Sometimes it's better to let someone go." Có thể thấy các ca khúc của Sasha không chỉ mang một màu sắc buồn bã, sầu thảm mà đâu đó vẫn là khát vọng sống và quyết tâm vượt qua khó khăn của một cô gái 25 - độ tuổi khiến người ta dễ chông chênh, mất phương hướng.
Trên đây chỉ là vài dòng tản mạn mình viết vì tự nhiên Youtube chạy đến nhạc của Sasha thôi. Mong rằng sau bài này mọi người sẽ cân nhắc trải nghiệm thử âm nhạc của Sasha còn nếu ai đó đã nghe nhạc của Sasha rồi thì cho mình một vài cảm nhận nhé :))).
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất