Sanshiro, Tazaki Tsukuru Và Tuổi Trẻ Bâng Khuâng Trong Văn Học Nhật Bản
Những giao thoa tư tưởng giữa hai tác phẩm cách nhau hơn trăm năm.
Nhắc về tuổi trẻ, chúng ta thường nghĩ đến những con người nhiệt thành với cuộc sống, xông pha mọi thử thách, đứng vững trước thất bại. Họ luôn tìm cách vươn lên và trở nên mạnh mẽ trước những nghịch cảnh mà thế giới xung quanh đặt ra, để rồi làm nên những câu chuyện truyền cảm hứng cho biết bao những con người khác. Oprah Winfrey từng viết: "Tuổi trẻ là thời kỳ mà bạn có thể đặt ra những mục tiêu lớn và đổi mới mỗi ngày”, và chắc hẳn ai đó trong số chúng ta cũng từng bắt gặp những câu văn tương tự của nhiều người nổi tiếng khác nhau trong nhiều bối cảnh khác nhau. Trong xã hội ngày nay, tâm thế đấy đã phát triển thành thị trường “tự lực” (self-help) với sản phẩm chủ lực là dòng sách “tự lực”, thu về lợi nhuận khổng lồ trị giá 13.4 tỉ đô vào năm 2022 theo thống kê của Marketdata LLC.[1]
Tuy vậy, liệu rằng giữ cho mình một trái tim bừng cháy của tuổi trẻ có thật sự giúp chúng ta sống sót trước những đau khổ của cuộc sống, hay đấy chỉ là câu chuyện bắt mắt của một vài người trẻ hiếm hoi trong số hàng ngàn người trẻ khác có cái nhìn mông lung hơn về tuổi trẻ của chính mình? Văn học Nhật Bản, qua những tác phẩm đầy chiều sâu, cho thấy câu trả lời không hề đơn giản như ta tưởng. Nếu như Akutagawa Ryunosuke khắc họa tuổi trẻ với những mơ ước và hoài bão điển hình qua nhân vật Lư sinh trong truyện ngắn Mộng kê vàng, thì Dazai Osamu lại tập trung vào những mất mát và đau thương của một thế hệ trẻ ở giữa cái cũ và cái mới qua nhân vật Kazuko trong tiểu thuyết Tà dương. Có thể nói, văn học Nhật Bản không chỉ vẽ nên những bức tranh đẹp đẽ về tuổi trẻ mà còn phơi bày những góc khuất, những mảng tối trong tâm hồn con người.
Chính vì lý do đó, tôi đã lựa chọn phân tích hai tác phẩm Sanshiro của Natsume Soseki và Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương của Haruki Murakami với chủ đề “Tuổi trẻ bâng khuâng trong văn học Nhật Bản”. Những trích đoạn xuất hiện trong bài tiểu luận này được lấy từ bản dịch Sanshiro xuất bản vào năm 2019 của dịch giả Đỗ Hương Giang (nhà xuất bản Văn Học, nhà phát hành Tao Đàn) và bản dịch Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương tái bản năm 2024 của dịch giả Uyên Thiểm (nhà xuất bản Hội Nhà Văn, công ty Nhã Nam). Tôi tin rằng hai cuốn sách trên sẽ mang đến những gam màu mới lạ, không chói lọi nhưng cũng chẳng u ám cho bức tranh tuổi trẻ trong nền văn học Nhật Bản nói riêng và văn hóa Nhật Bản nói chung. Sự suy tư trầm mặc của hai nhân vật chính trải dọc trong hành trình của mỗi người không khỏi khiến người đọc phải sốt ruột, nhưng đấy mới chính là điều xuất sắc nhất ở cả hai cuốn sách nói lên tâm tư thầm kín người Nhật trong mối quan hệ với thế giới xung quanh, bất chấp sự biến động của dòng chảy thời gian.

Nguồn: Fahasa
Sanshiro - Natsume Soseki
Natsume Soseki (9/2/1867 - 9/12/1916) vẫn luôn được biết đến như “nhà văn quốc dân” của Nhật Bản. Cùng với Mori Ogai và Akutagawa Ryunosuke, ông được đánh giá là một trong ba trụ cột của văn học hiện đại Nhật Bản, để lại những tác phẩm nổi tiếng ở tầm thế giới. Ông thuộc thế hệ trí thức theo khuynh hướng sáng tạo văn hóa từ cuộc chiến tranh giữa phương Đông và phương Tây. Không chỉ thế, ông còn là một trong những người đứng đầu trong trường phái văn chương tâm lý cao sang, và là một tay bút chiến với chủ nghĩa tự nhiên. Dưới dạng tiểu thuyết phương Tây hiện đại, ông đã khéo léo và chính xác chuyển tải nhiều dạng thức và chức năng của tâm thức Nhật Bản ông quan sát được quanh mình. Ông đã làm điều ấy với sự trung thực tột cùng, và vì vậy đã gặt hái thành công vang dội.
Sanshiro là tiểu thuyết duy nhất của Soseki viết về tuổi trưởng thành của một chàng trai trẻ, được sáng tác vào năm 1908 và nằm trong trong tuyển tập ba tác phẩm Sanshiro, Sore kara (Rồi sau đó), và Mon (Cánh cổng). Tác giả Murakami Haruki từng nhận xét về Sanshiro rằng: “Một tiểu thuyết có lẽ không đặc biệt quan trọng trong văn nghiệp của ông, nhưng ông đã phải viết ít nhất một tác phẩm như thế”[2]. Thật vậy, Sanshiro có phần khác biệt so với những tác phẩm còn lại trong sự nghiệp của Natsume Soseki, nhưng vẫn trở thành một tác phẩm kinh điển bất hủ với người Nhật, luôn thu hút một lượng độc giả ổn định đồng cảm sâu sắc qua hàng năm trời.
Tác phẩm khởi đầu bằng khung cảnh trên chuyến tàu của chàng trai trẻ Sanshiro 23 tuổi từ vùng quê Kyushu lên Tokyo học đại học. Trong ngày thứ hai trên tàu, một phụ nữ trẻ nhờ anh giúp đỡ về chỗ ở khi họ dừng lại ở Nagoya qua đêm. Cuối cùng họ ở trong cùng một phòng với một tấm futon duy nhất. Cô có ý tắm chung với Sanshiro, nhưng anh né tránh sự thân mật của cô. Khi họ chia tay vào sáng hôm sau, cô trách anh là đồ hèn nhát.
Vào ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng của cuộc hành trình, Sanshiro gặp một người đàn ông bí ẩn tuyên bố rằng Nhật Bản đang lao vào sự hủy diệt của chính mình. Người đàn ông này cũng cảnh báo anh ta về sự hám lợi và những mối nguy hiểm tiềm ẩn ẩn giấu bên dưới bề mặt phẳng lặng của xã hội. Sau này Sanshiro biết ông là Giáo sư Hirota, một giáo viên tiếng Anh trung học.
Tại trường đại học, Sanshiro gặp gỡ một nhà nghiên cứu vật lý tên là Nonomiya, người được mẹ anh giới thiệu thông qua mối quan hệ gia đình. Anh cũng gặp một anh chàng sinh viên phóng khoáng có tên Yojiro, người đã hướng dẫn cho anh cách trải qua cuộc sống sinh viên. Cả Nonomiya và Yojiro đều là học trò của Giáo sư Hirota, và ba nhân vật này cùng với Yoshiko (em gái của Nonomiya) và Mineko (em gái của một học trò khác của Hirota) trở thành những nhân vật chính tương tác với Sanshiro trong toàn bộ tác phẩm.
Natsume Soseki đã phác họa một ngã ba đường rẽ đến ba thế giới mà Sanshiro phải chọn lựa. Đầu tiên là thế giới của quá khứ với người mẹ nơi quê nhà và cô nàng Omitsu quê mùa vốn được hứa gả cho Sanshiro. Cõi này thật bình yên lặng lẽ, là chốn dung thân cuối cùng cho Sanshiro, nhưng cũng đồng thời là quá khứ mà anh muốn chối bỏ. Thế giới thứ hai là thế giới yên bình của học thuật với sách vở, nghiên cứu, thư viện mà giáo sư Hirota và Nonomiya thuộc về. Nơi này dường như không liên quan gì đến thế giới hiện thực và được xem như một cách trốn thoát hỏa ngục trần gian. Những con người trong đó ung dung tự tại hưởng thụ tri thức và sống trong nghèo đói. Sanshiro đang bước vào ngưỡng cửa thế giới thứ hai này. Thế giới thứ ba là một thế giới của mùa xuân tràn sức sống với tiếng cười đùa, rượu sâm panh, và trên tất cả là thế giới của sự tôn vinh cái đẹp. Đối với Sanshiro thế giới này sâu sắc nhất, đang hiện diện ngay trước mắt nhưng vô cùng khó tiếp cận. Không cần phải nói thêm thì hình bóng của Mineko lấp đầy thế giới tươi đẹp này.
Tác phẩm có đề cập đến một tình tiết phụ trong đó Yojiro, một kẻ lúc nào cũng chõ mũi vào chuyện thiên hạ, vận động một cách kín đáo thay mặt cho Giáo sư Hirota, hy vọng ông được bổ nhiệm vào trường Đại học. Yojiro viết một bài luận có tên “Bóng tối vĩ đại” cho Tạp chí Văn học dưới bút danh Reiyoshi, trình bày những lợi ích của việc bổ nhiệm người Nhật bản xứ làm giảng viên và đề cử Giáo sư Hirota làm người đảm nhận vị trí này. Âm mưu của Yojiro phản tác dụng khi phe đối thủ chỉ mặt Sanshiro làm tác giả và công khai đặt câu hỏi về tính chính trực của giáo sư. Yojiro buộc phải thú nhận với giáo sư và chịu đựng cơn thịnh nộ của ông.
Mâu thuẫn trọng tâm trong toàn bộ tác phẩm là mối quan hệ không rõ ràng giữa Sanshiro với Mineko. Ở một góc độ nào đó, cả hai đều cảm thấy bị thu hút bởi đối phương, nhưng đều phải cam chịu số phận của mình. Trong lúc đó, những người đàn ông lớn tuổi đã thành danh trong sự nghiệp thì không ngừng tán tỉnh Mineko, và theo sự sắp đặt, cô ấy đã kết hôn với một người quen của anh trai mình. Bản thân Sanshiro phải chịu áp lực từ mẹ mình bắt anh phải kết hôn với một cô nàng Omitsu quê mùa vì gia đình hai bên có mối quan hệ khăng khít. Cả Sanshiro và Mineko đều không đủ quyết đoán để thách thức những định kiến của mọi người xung quanh, và đáng tiếc thay, mối tình lãng mạn của họ đã bị gạt sang một bên.

Nguồn: Tao Đàn
Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương - Murakami Haruki
Murakami Haruki sinh ngày 12 tháng 1 năm 1949 và là nhà văn nổi tiếng người Nhật với rất nhiều tác phẩm đã được xuất bản cũng như dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngòi bút của ông được xem là ánh sao sáng trên nền trời văn học xứ sở hoa anh đào bởi lối viết chuyên về thế giới nội tâm con người. Tuy có phần mộng mị và ảm đạm nhưng các tác phẩm của ông đều mang lại cho độc giả nhiều cảm xúc thăng trầm khi đi sâu vào những mặt trái đen tối của tâm hồn, từ đó tạo nên phong cách văn chương riêng biệt cho người nghệ sĩ tài hoa. Bản thân Murakami Haruki đánh giá cao những tác phẩm của Natsume Soseki và đã viết hẳn một bài giới thiệu cho Sanshiro.
Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương là cuốn tiểu thuyết thứ 13 của nhà văn Murakami Haruki, phát hành tại Nhật Bản năm 2013 và đến tay người đọc Việt Nam vào cuối năm 2014, dưới bản dịch của dịch giả Uyên Thiểm (Lương Việt Dũng), người đã từng tiếp xúc và trao đổi trực tiếp với Murakami Haruki tại Nhật Bản. Tác phẩm bán hơn một triệu bản sau tháng đầu tiên phát hành ở Nhật Bản, và bản dịch tiếng Anh đứng đầu danh sách đầu sách bán chạy của BookScan, NPR và The New York Times, được giới phê bình và công chúng đón nhận tích cực.
Tác phẩm kể về hành trình của một người đàn ông 36 tuổi tên là Tazaki Tsukuru. Dưới sự thúc đẩy của người bạn gái Sara, Tsukuru đã bắt đầu chuyến đi kiếm tìm lời giải đáp cho những câu hỏi, những nỗi ám ảnh triền miên mà tuổi trẻ anh đã chôn sâu vào tận đáy lòng. Đó là lời giải cho việc Tsukuru bị nhóm bạn thân thiết “đầy màu sắc” bỏ rơi một cách đầy hụt hẫng vào năm 20 tuổi. Vì không đủ can đảm để truy nguyên đến cùng sự thật, vì lòng tự trọng và cả sự tự ti đã khiến Tsukuru của lúc ấy tự chấp nhận cái lý do mình bị bỏ rơi là vì bản thân không đủ quan trọng với những người bạn, vì đã bỏ quê hương để đến Tokyo học hành, vì không có màu sắc trong tên gọi… Sự chối bỏ của nhóm bạn như phát súng kết thúc quãng đời thiếu niên của Tsukuru, khai sinh ra một bản thể Tsukuru trưởng thành, u uẩn, mang trong tâm thức những vết thương sâu cho đến tận mãi 16 năm sau này.
Trong chuyến hành hương đi tìm lại bản thể, ngoài việc khám phá ra cái lý do kinh hoàng và vô lý đã khiến anh bị bỏ rơi ngày xưa, Tsukuru còn được chứng kiến sự đổi thay, sự “mất màu” của những người bạn một thời thân thuộc. Rõ ràng rằng khi đã trưởng thành thì ai cũng phải khác đi, ai cũng có những nỗi đau và cả sự chối bỏ, trốn chạy khỏi chính bản tâm mình. Nhận ra điều đó, Tsukuru trở lại hiện thực cùng với quyết tâm níu giữ lấy Sara, người con gái mà anh yêu thương để không phải hối hận.
Tác phẩm còn khắc họa mối quan hệ giữa Tsukuru với một người bạn của anh có tên là Haida. Sau khoảng thời gian Tsukuru vật lộn ở đại học với mong muốn tự sát vì sự chối bỏ của nhóm bạn, Tsukuru gặp Haida và hai người bắt đầu làm mọi việc cùng nhau, nghe những bản nhạc cổ điển như Années de pèlerinage của Franz Liszt. Một buổi tối, Haida kể cho anh nghe một câu chuyện kỳ lạ về cha mình: khi còn là sinh viên đại học, ông xin nghỉ học và làm việc trong một quán trọ suối nước nóng hẻo lánh, nơi ông gặp một người đàn ông tự xưng là Midorikawa, một nghệ sĩ piano jazz đến từ Tokyo vô cùng tài năng. Midorikawa kể cho cha của Haida nghe một câu chuyện kỳ lạ về bản thân: Một tháng trước, ông đã sẵn sàng nhận “tấm thẻ tử thần” kết án ông ta sẽ chết hai tháng sau đó trừ khi ông ta truyền nó sang người khác, nhưng dù có tài năng thì ông ta vẫn chán ngấy với cuộc đời của chính mình. Trong những câu chuyện của Haida, Tsukuru đôi khi cảm thấy có sự pha trộn giữa mình, Haida, cha của Haida là Midorikawa. Tối hôm đó, khi Haida ngủ trên ghế dài, Tsukuru có một giấc mơ kỳ lạ liên quan đến cả hai cô gái trong nhóm bạn cũ của mình. Tsukuru tự hỏi liệu đấy có phải là một giấc mơ hay không, nhưng Haida bỏ đi mà không xuất hiện trong học kỳ sau, để lại “Những năm tháng hành hương” của Liszt do Lazar Berman. Có thể nói, cuộc gặp gỡ với Haida để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Tsukuru, làm nên động lực cho anh theo đuổi sự thật quá khứ trong những năm tháng sau này.

Nguồn: Nhã Nam
Tuổi trẻ bâng khuâng thể hiện qua Sanshiro và Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương
Nhìn vào thời điểm sáng tác, nhiều người lầm tưởng hai tác phẩm nằm ở hai thời đại khác nhau, bàn về những vấn đề khác nhau và đi đến những kết luận chẳng ăn nhập với nhau. Một bên là tri thức trẻ thời Minh Trị, loay hoay định vị bản thân giữa chốn thị thành; bên còn lại là người đàn ông thời Bình Thành, sống một cuộc đời phẳng lặng với nỗi đau trong quá khứ. Tuy vậy, bằng sự tài tình của mình, cả hai tác giả đã nói lên cùng một chủ đề với hai nhân vật chính của mình: tuổi trẻ bâng khuâng của những con người không ngừng băn khoăn về cuộc sống. Đấy không phải sự nhiệt huyết và hăng hái, mà là trầm tư và thận trọng, thể hiện qua những dòng chữ mơ hồ nhưng cũng rất đỗi nhẹ nhàng.
Chúng ta dễ dàng bắt gặp sự trầm tư của nhân vật chính Sanshiro qua hình ảnh sau: “Sanshiro đứng giữa Tokyo, ngắm dòng chảy của tàu điện, xe lửa, người mặc kimono đen, người mặc kimono trắng, trong lòng ngổn ngang trăm mối”. Xung quanh Sanshiro vẫn còn tồn tại trong trắng đen rõ ràng, dường như độc lập với sự phức tạp đang giằng xé tâm trí. Điều ấy có phần khác biệt với nhận định của Giáo sư Hirota: “Con người khi bị đặt vào hoàn cảnh cụ thể, sẽ có đủ cả quyền năng lẫn khả năng để làm những điều ngược lại với xu thế vần xoay, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta luôn có một nếp nghĩ kỳ lạ là cả con người lẫn ánh sáng đều hoạt động tuân theo một quy luật máy móc giống nhau, thường dẫn đến những sai lầm”. Trong bài nghiên cứu trên tạp chí Harvard Journal of Asiatic Studies, nhà phê bình Jay Rubin cho rằng Sanshiro ngây thơ ngơ ngác, “không nhận thức được sự thật đơn giản này” và sớm muộn sẽ phải “vỡ mộng” như cách tác giả cảm thấy như vậy khi ở vào độ tuổi của Sanshiro.[3] Tuy nhiên, theo tôi, đó là sự trầm tư cần có ở một người trẻ để anh ta có thể vượt qua những định kiến của xã hội và nhận ra bản chất thật sự của chính mình và con người xung quanh. Sanshiro có thể “vỡ mộng”, có thể không còn ngây thơ ngơ ngác, nhưng Sanshiro vẫn chịu soi xét và suy ngẫm thay vì đi đến những kết luận rập khuôn như những người xung quanh anh, và hoài nghi mới chính là điều mang đến những nét sâu sắc cho Sanshiro, và hơn hết là sự vĩ đại cho Natsume Soseki vì chẳng ngợi ca hay chỉ trích Sanshiro, xây dựng anh như anh vốn vậy, trăn trở nhưng vẫn ung dung, lo lắng nhưng vẫn tự tại.
Theo lời dẫn của Công ty sách Tao Đàn: “Sanshiro là hiện thân của tất cả nghi ngờ, hứng thú và hoang đường của thời kỳ Minh Trị. Sanshiro là chân dung toàn hảo nhất về lớp trẻ Nhật Bản trong giai đoạn giao thời, là hình ảnh kiêu ngạo ngây thơ nhưng lại rất tinh tế sâu sắc của một thanh niên trong thời điểm xã hội giao tranh cũ mới…”[4]. Thật vậy, Sanshiro như nhân vật đứng giữa tất cả không liên quan hay chịu trách nhiệm cho bất cứ điều gì, nhưng bản thân sự tồn tại của Sanshiro mới là mảnh ghép quan trọng nhất soi sáng toàn bộ tác phẩm. Nhìn vào hoàn cảnh của Sanshiro, chúng ta có thể chứng kiến trọn vẹn những mâu thuẫn, giằng xé của tuổi trẻ nước Nhật nói riêng, con người Nhật Bản nói chung giữa một bên là quê hương với một bên là thành thị, giữa một bên là truyền thống với một bên là hiện đại, giữa một bên quá khứ, hiện tại với một bên là tương lai cùng cõi mộng mơ. Nhìn vào con người xung quanh Sanshiro, chúng ta bắt gặp nhà Vật lý Nonomiya Sohachi suốt ngày giam mình dưới hầm nghiên cứu theo đuổi những kết quả khoa học xa vời; cậu bạn Sasaki Yojiro có tài nhưng đầy tật, dễ làm mếch lòng mọi người xung quanh; cô gái Nonomiya Yoshiko yếu đuối, dịu dàng nhưng cũng có khía cạnh nổi loạn; Satomi Mineko bí ẩn, đầy những mâu thuẫn phức tạp. Đấy là bóng hình những người trẻ trước những thay đổi thời cuộc, và bọn họ đều tìm đến Sanshiro không phải vì họ muốn trở thành Sanshiro, mà là ở Sanshiro có một điều gì đó rất mông lung, mơ hồ nhưng lại điềm đạm, chắc chắn của một người quan sát.
Về với tác phẩm Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương, chúng ta có thể nhìn thấy cùng một sự ung dung trên qua những quan sát của Tazaki Tsukuru về con người xung quanh khi ngồi ở ga Tokyo: “Những con người chẳng rõ từ đâu không ngừng tuôn đến, tự giác xếp thành hàng ngay ngắn, rồi trật tự bước lên tàu để được chở đến một nơi nào đó. Tsukuru bao giờ cũng thấy xúc động khi nghĩ rằng có ngần ấy con người đang thật sự tồn tại trên thế giới này. Và gã cũng thấy xúc động y như vậy khi nghĩ rằng có ngần ấy toa xe điện màu xanh cốm tồn tại trên thế giới này, Ngần ấy con người, được vận chuyển bởi ngần ấy toa xe một cách có hệ thống, cứ như không. Ngần ấy con người, ai ai cũng có nơi chốn đi về. Gã cảm thấy điều đó chẳng khác nào một kỳ tích." Giữa vô vàn những rối bời bắt nguồn từ việc biết được rằng những người bạn xưa đã đổi thay quá nhiều và đứng trước ngưỡng cửa đối mặt với họ và quá khứ của chính mình, làm sao Tsukuru vẫn có thể giữ được bình tĩnh mà ngồi xuống khung cảnh quen thuộc quan sát những chuyển động quen thuộc với một sự cảm thán đơn thuần dường như không đúng thời điểm chút nào? Murakami Haruki không đi quá sâu vào những chi tiết như thế, nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng Tsukuru có thể tách mình ra khỏi hoàn cảnh vì anh không hề là một người bị động và “không màu” như bản thân anh hay nhận định về chính mình.
Nhìn về tổng thể, mỗi người trong nhóm bạn xưa của Tsukuru đều mang một màu sắc riêng trong tên gọi, và họ cũng có những cá tính, sở thích nổi bật của mình, trong khi Tsukuru không có màu sắc trong cái tên và trước giờ tự đánh giá mình là “tầm thường”, không ước mơ, sở thích hay tính cách gì đáng nói. Tuy vậy, chính sự kém nổi trội và trầm lắng của Tsukuru lại là một thứ chất xúc tác, dung hòa các màu sắc khác nhau ở cạnh bên nhau. Ở bên nhóm bạn, Tsukuru cảm nhận được sự gần gũi, tự nhiên, và chính những người bạn của anh cũng cảm giác như vậy khi ở bên anh, giống như cách họ đã nói về anh trong lần tái ngộ có thể được xem như là cuối cùng giữa hai bên:
“Không, mày không hề trống rỗng. Chẳng ai nghĩ vậy hết. Mày, nói thế nào nhỉ, đã giúp tất cả những người khác cảm thấy bình tâm.”
“Ngẫm ra, trong số bọn mình, có lẽ mày là thằng thần kinh vững nhất, thật trái ngược với vẻ ngoài không xông xáo của mày.”
“Tuy nhóm không còn cậu, nhưng cậu vẫn luôn ở đó.”
Thế mới nói, Tazaki Tsukuru luôn luôn có màu sắc độc nhất vô nhị của Tazaki Tsukuru, và để nhận ra sự đặc biệt trong màu sắc của mình, anh cần phải vượt lên trên chính định nghĩa về màu sắc mà bản thân anh đã đặt ra. Những lời của Kurono Eri ở chương 17 như một minh chứng cho điều đó:
“Tsukuru ạ, cậu phải nhớ một điều, cậu không hề thiếu màu sắc. Đó chỉ là cái tên. Đúng là ngày xưa bọn mình hay chọc cậu như thế, nhưng bọn mình chỉ đùa thôi, chẳng có ý gì cả. Cậu lúc nào cũng là cậu bạn Tazaki Tsukuru xứng đáng, đầy màu sắc, và luôn làm ra những nhà ga tuyệt vời. Giờ đây cậu đã là một công dân khỏe mạnh, ba mươi sáu tuổi, có quyền bầu cử, nghiêm túc đóng thuế và có thể một mình đáp máy bay sang tận Phần Lan để gặp mình. Ở cậu chẳng thiếu điều gì. Hãy tự tin và can đảm lên. Đó là tất cả những thứ cậu cần. Không được để mất người mình yêu thương chỉ vì nỗi sợ hay lòng kiêu hãnh ngớ ngẩn.”
Tóm lại, Sanshiro trong Sanshiro hay Tazaki Tsukuru trong Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương đều là những con người lựa chọn trăn trở suy nghĩ chứ không phải hừng hực khí thế mà lao vào đời. Bước chân của hai người họ không hề nhẹ nhàng, nhưng đồng thời cũng chẳng khập khiễng bước đi, và đó là điều làm nên sức hấp dẫn cho hai tác phẩm ở cả hai thời kỳ rất khác nhau của Nhật Bản.
Sự khác biệt trong cách xây dựng hình tượng nhân vật chính giữa Sanshiro và Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương
Như đã bàn luận ở trên, hai nhân vật chính Sanshiro và Tsukuru trong hai tác phẩm Sanshiro và Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương là hiện thân của những gì sâu sắc nhất xoay quanh một tuổi trẻ dằn vặt trăn trở với định hướng của chính cuộc đời mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nhận ra sự khác biệt trong cách hai tác giả xây dựng hình tượng của cả hai nhân vật, mà nổi bật nhất là việc sử dụng hay không sử dụng hình tượng nhân vật chính tiêu biểu trong thể loại bildungsroman.
Bildungsroman là một thuật ngữ văn học mô tả một cuốn tiểu thuyết hình thành về sự phát triển tâm lý và đạo đức của nhân vật chính từ thời trẻ đến khi trưởng thành, cụ thể là một nam/nữ thanh niên từ tỉnh lẻ, còn ngây thơ nhưng phải đối mặt với rất nhiều trở ngại, chịu đựng nhiều tổn thương và thất bại, xây dựng được những giá trị tinh thần và tình cảm mới, trưởng thành và vượt qua cánh cổng bước vào một xã hội rộng lớn hơn với tư cách là một “công dân” đã đủ lông cánh. Trong tiếng Đức, từ “bildungsroman” có nghĩa là “tiểu thuyết giáo dục” hoặc “tiểu thuyết hình thành”. Tiểu thuyết bildungsroman thường được viết ở ngôi thứ nhất và thường có tên của nhân vật chính ngay trong tiêu đề, chẳng hạn như Emma, Jane Eyre hay David Copperfield.
Xưa nay, trong dân gian đã có những câu chuyện về những kẻ ngốc nghếch, lên đường chu du thế giới và học được những trải nghiệm đắng cay, nhưng phải đến sử thi thời trung cổ Parzival của Wolfram von Eschenbach và trong câu chuyện hùng tráng Simplicissimus (1669) của Hans Grimmelshausen thì thể loại này mới được nâng lên tầm cao văn học mới. Và Học nghề của Wilhelm Meister của Johann Wolfgang Goethe, kể về một người đàn ông sống cuộc đời trống rỗng với tư cách là một doanh nhân và dấn thân vào hành trình tự nhận thức bản thân để tìm kiếm hạnh phúc, được nhiều người coi là cuốn tiểu thuyết bildungsroman đầu tiên được xuất bản chính thức. Tác phẩm được công chúng biết đến rộng rãi sau khi được dịch sang tiếng Anh vào năm 1824.
Bildungsroman thường kết thúc một cách lạc quan, mặc dù hành động của nhân vật chính có thể bị bủa vây bởi sự cam chịu và hoài niệm. Những ước mơ vĩ đại của tuổi trẻ anh hùng chấm dứt, kéo theo nhiều sai lầm ngu ngốc và những thất vọng đau đớn, nhưng là để làm nền cho một cuộc đời có ích ở phía trước, nhất là trong tiểu thuyết bildungsroman ở thế kỷ 19. Tuy nhiên, từ thế kỷ 20 trở đi, bildungsroman thường kết thúc bằng sự cam chịu hoặc cái chết. Những ví dụ kinh điển bao gồm Những Kỳ Vọng Lớn (1861) của Charles Dickens, Anne tóc đỏ dưới Chái nhà xanh (1908) của Lucy Maud Montgomery, Con Trai và Người Tình (1913) của D.H. Lawrence, Thành Viên Đám Cưới (1946) của Carson McCullers, Giết Con Chim Nhại (1960) của Harper Lee, Cam Không Phải Loại Quả Duy Nhất (1985) của Jeanette Winterson, và Thiên Nga Đen Xanh (2006) của David Mitchell.[5]
Quay lại hai tác phẩm Sanshiro và Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương, chúng ta dễ dàng nhận ra Tazaki Tsukuru là một nhân vật chính điển hình trong thể loại bildungsroman. Ở phần đầu tiên của tác phẩm, Tsukuru phải trải qua quá khứ đau đớn khi bị chối bỏ bởi những người bạn thân thiết của mình. Anh trở thành một con người của xã hội với cái lỗ trống rỗng trong tim đến tận năm 36 tuổi, khi anh gặp Sara và được cô thúc đẩy đi tìm câu trả lời cho những bỏ ngỏ đọng lại trong lòng suốt ngần ấy thời gian. Sau cuộc hành trình gặp lại những người bạn cũ, Tsukuru đã nhận ra điều gì là quan trọng nhất với mình vào thời điểm ấy của cuộc đời. Lẽ dĩ nhiên, Tsukuru trở về Nagoya chứ không phải đi tới Nagoya, ở cái giai đoạn mà Tsukuru có thể “nhìn thẳng vào quá khứ, không phải trong tư thế một chàng trai nhạy cảm, dễ tổn thương, mà với tư cách là một con người chuyên nghiệp, tự lập”. Những cuộc tái ngộ tưởng chừng như tràn đầy cảm xúc, lại kết thúc theo một cách rất riêng mà Tsukuru không nghĩ mình sẽ gặp lại những con người đó thêm một lần nào nữa. Đó là gam màu sáng tạo mà Murakami Haruki đã tô điểm cho nhân vật của mình, không chỉ xuyên suốt với chủ đề “tuổi trẻ bâng khuâng” chiếm trọn toàn bộ tác phẩm mà còn đóng vai trò ngòi nổ để nhân vật chính bứt khỏi cái khuôn do chính tác giả tạo ra.
Ở chiều ngược lại, chẳng có câu trả lời dễ dàng nào chờ đợi độc giả của Sanshiro, cuốn tiểu thuyết chỉ chứa đựng những chỉ dẫn mơ hồ nhất trong tất cả những sự mơ hồ. Nhân vật chính chẳng có mấy dấu hiệu sẵn sàng đối đầu với một ai hay giành lấy thứ gì đó về tay mình. Anh vẫn chưa rõ ngoài kia có gì để mình giành lấy, và biến một người như thế thành một anh hùng huyền thoại thực sự bất khả. Về mặt này, Sanshiro rất khác hình tượng nhân vật chính điển hình trong thể loại bildungsroman.
Là một độc giả chăm chỉ và nhà nghiên cứu xuất sắc văn chương Anh ngữ, Soseki hẳn nắm rõ khái niệm phương Tây bildungsroman. Ông sẵn sàng áp dụng cấu trúc tiểu thuyết phương Tây như kiểu mẫu và biến đổi chúng theo cách của riêng mình. Thực tế, với vốn kiến thức vững vàng về cả hai nền văn hóa (phương Tây và Nhật Bản), ông chính là tác giả có thể cho ra một sự kết hợp hoàn hảo: Soseki cực kỳ sành sỏi văn chương Anh ngữ, và vài tác phẩm của ông thể hiện trình độ tiếng Anh bậc thầy, nhưng ông cũng viết thơ haiku suốt thời trẻ và được đào tạo bài bản về những tác phẩm Trung Hoa kinh điển. Kết quả là, trong Sanshiro, bất chấp cấu trúc Tây phương của nó, quan hệ nhân quả đôi khi không rõ ràng, yếu tố hữu hình và siêu hình kết hợp, khẳng định và phủ nhận gần như khó phân biệt. Đây hiển nhiên là lựa chọn có chủ đích của tác giả, và Soseki mượt mà dẫn dắt câu chuyện trong khi vẫn giữ sự mơ hồ căn bản này bằng cách đưa vào tác phẩm của mình khiếu hài hước phức tạp độc đáo, phong cách tự do, lối mô tả chân thực và trên tất cả là sự trung thực giản đơn của nhân vật chính.
Nhìn chung, quá trình trưởng thành của Sanshiro không đều đặn liên tục mấy. Anh vấp ngã, anh vỡ mộng, nhưng dù chuyện không xảy đến như anh đã kỳ vọng, anh chuyện không bao giờ nói rõ liệu chừng ấy trải nghiệm có tích tụ lại mà đánh gục Sanshiro, hay, vạch ra một tiêu chuẩn rõ ràng đâu là định nghĩa “gục ngã” trong tâm trí của Sanshiro. Đối mặt với tình huống trước mắt mình, nếm trải những khổ đau nó mang lại, yêu cầu một câu trả lời từ nó: những điều ấy hoàn toàn không có ở Sanshiro. Khi chuyện không lường trước xảy đến, Sanshiro đơn giản chỉ cảm thấy ngạc nhiên, cảm động, bối rối hay ấn tượng. Vì vậy, chúng ta có thể định nghĩa Sanshiro như một tiểu thuyết về sự lớn lên mà không có trưởng thành. Sanshiro ngây thơ bước chân vào một thế giới mới, và dần người lớn hơn nhờ gặp gỡ những người mới, có những trải nghiệm mới, nhưng chuyện anh có bao giờ trưởng thành được đến mức bước ra xã hội như một “công dân trưởng thành” theo lối hiểu của người phương Tây vẫn còn là dấu hỏi lớn. Đây là lý do chính giúp Sanshiro đã trở thành một tác phẩm kinh điển bất hủ với người Nhật, luôn thu hút một lượng độc giả ổn định đồng cảm sâu sắc qua hàng năm trời.
Sự khác biệt trong cách xây dựng tình huống kết truyện giữa Sanshiro và Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương
Từ nền tảng xây dựng nhân vật đã đề cập ở trên, tôi xin được phân tích và so sánh tình huống kết truyện trong hai tác phẩm Sanshiro và Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương. Sự khác biệt trong cách xây dựng hình tượng nhân vật chính đã đem đến sự khác biệt trong cách hai nhân vật đi đến những kết luận cuối cùng, tạo thành điểm nhấn lớn cho cả hai tác phẩm.
Ở chương cuối cùng của tác phẩm Sanshiro, Natsume Soseki có viết như sau:
“Hôm đó Nonomiya khoác áo choàng, cùng Giáo sư Hirota đi dự đám cưới. Sanshiro đã nhìn thấy tấm thiệp mời đám cưới đặt trên bàn vào đúng ngày anh vừa từ quê trở lại Tokyo. Quá muộn rồi, dịp đó đã trôi qua. Nonomiya xé tan tấm thiệp mời và ném xuống sàn nhà. Sau đó anh lại cùng Giáo sư Hirota bình phẩm những bức tranh khác. Chỉ có Yojiro đến bên Sanshiro:
- Cậu thấy bức tranh “Cô gái trong rừng” thế nào?
- Cái tiêu đề “Cô gái trong rừng” không phù hợp.
- Vậy theo cậu nên đặt tên như thế nào?
Sanshiro không trả lời. Miệng anh chỉ tự lẩm bẩm ‘Cừu đi lạc, cừu đi lạc’.”
Sự đặc sắc trong phân đoạn này không chỉ nằm ở phản ứng trái ngược giữa Sanshiro và Nonomiya trước tấm thiệp mời đám cưới của Mineko với người chồng mới, mà còn là hành động lặp đi lặp lại “Cừu đi lạc, cừu đi lạc” của Sanshiro. Hình ảnh “cừu đi lạc” vốn dĩ đã xuất hiện ở chương năm, khi Mineko nhận xét về hoàn cảnh của chính cô với Sanshiro, và sau đó thì thầm khẽ khàng như độc thoại: “cừu đi lạc…” Trong toàn bộ tác phẩm, Mineko thật sự đã cố gắng lay động Sanshiro theo cách riêng của mình, có thể là vì muốn anh trở thành một người đàn ông quyết đoán đưa cả hai người thoát khỏi sự kìm kẹp của xã hội, và Sanshiro cũng đã cố gắng thấu hiểu Mineko bằng tất cả những quan sát của mình, nhưng mối quan hệ giữa hai người rồi cũng đi vào ngõ cụt như cách con cừu đi lạc loay hoay trong thế giới tư tưởng của chính mình. Vậy mà Sanshiro không hấp tấp cũng chẳng vội vã, anh chỉ lần theo những manh mối mà Mineko để lại qua bức tranh của chính mình. Anh vẫn là anh, không thật sự bước tiếp nhưng cũng chẳng đứng yên, trở thành một con cừu đi lạc bám vào hình ảnh không thật trong thế giới tranh vẽ. Đấy chính là đỉnh cao của những băn khoăn trăn trở với những xung đột cá nhân và với những vô nghĩa của một xã hội giao thời, giữ khoảng cách với lý trí và cảm xúc bất chấp biết rằng mình đang bị kiểm soát bởi lý trí và cảm xúc, để rồi giữ lấy một sự hoài nghi không thành hình cũng chẳng thành dạng nhưng vô cùng sâu sắc.
Trái lại, chương cuối cùng của tác phẩm Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương_ là một chuỗi những quan sát và suy nghĩ của nhân vật chính Tsukuru về nhà ga Shinjuku, về gia đình và bản thân, về quá khứ và hiện tại, và quan trọng nhất là về cái có và cái không, sau những gì anh đã trải qua trong chuyến hành hương của chính mình. Khác với Sanshiro mắc kẹt trong hình ảnh “cừu đi lạc”, Tsukuru đã đi đến kết luận như sau về tương lai sắp tới:
“Dù thế nào, nếu ngày mai Sara không chọn mình, có lẽ mình sẽ chết thật, gã nghĩ. Dẫu là chết trên thực tế, hay chết một cách tượng trưng, thì cũng chẳng khác nhau là mấy. Nhưng có lẽ lần này thì mình sẽ tắt thở hẳn. Tazaki Tsukuru không màu sẽ hoàn toàn mất màu, lặng lẽ thoái lui khỏi thế giới này. Có thể tất cả sẽ thành hư không, thứ duy nhất còn lại chỉ là một nắm đất cứng đanh, băng giá.
Chẳng phải điều gì ghê gớm cả, gã tự nhủ. Đó là điều đã nhiều lần suýt xảy ra, và cho dù thực tế đã xảy ra thì cũng không có gì khó hiểu. Chẳng qua chỉ là một hiện tượng vật lý mà thôi. Lò xo của chiếc đồng hồ được lên dây trước đó lỏng dần, mô men tiệm tiến về không, rồi cuối cùng bánh răng ngừng chạy, kim đứng yên ở một vị trí. Im lặng bao trùm. Chẳng phải tất cả chỉ có vậy?”
Và sau tất cả những suy nghĩ ấy, Tsukuru chỉ lặng lẽ đón nhận: “Gã yên lòng, nhắm mắt, chìm vào giấc ngủ. Ánh sáng sau chót của ý thức nhỏ dần trong lúc từ từ tăng tốc, rồi bị hút trọn vào tận cùng đêm tối, tựa như đoàn tàu tốc hành đặc biệt cuối ngày đang khuất xa. Thứ duy nhất còn lại là tiếng gió lướt qua hàng bạch dương.”
Qua phân đoạn trên, Murakami Haruki muốn nhấn mạnh sự bình yên trong tâm hồn sau tất cả trăn trở băn khoăn không hồi kết. Suy cho cùng, lối sống vô lo, không ràng buộc của Sanshiro không thể kéo dài mãi. Dù muốn hay không, ai cũng mang gánh nặng của trách nhiệm, và một khi ngày đó đến, chẳng còn thể nào mãi ngắm nhìn mây trời nữa. Và vượt lên trên những đau đớn dằn vặt, Tsukuru đã tìm được cái “tĩnh” trong “động”, cái bình yên trong hằng hà những nuối tiếc về quá khứ hòa lẫn những lo lắng về tương lai. Đó là hơi thở của hiện đại, rõ ràng nhưng cũng không kém phần tinh túy mà chỉ có thể là của Murakami Haruki.
Kết
Nhìn chung, hai tác phẩm Sanshiro của Natsume Soseki và Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương của Murakami Haruki đã vẽ nên hai bức tranh sống động của hai thời đại cách nhau đến tận một trăm năm, khi mà những con người trẻ mắc kẹt ở cả bên trong trí óc lẫn bên ngoài xã hội nhưng vẫn nỗ lực bằng cách riêng của mình để làm nên những trang sách độc nhất vô nhị. Viết đến đây, tôi lại nhớ đến những câu văn của Nguyễn Nhật Ánh trong tác phẩm Hạ Đỏ: “Khi lần đầu tiên đón nhận nỗi buồn, tôi hiểu rằng tuổi thơ của mình đã hết. Nó đã bay xa. Đóa phượng cuối cùng của mùa hè năm nay chưa kịp rã cánh, tôi đã vội chia tay với ngày tháng vô tư. Tôi sẽ trở về thành phố với nỗi lòng sầu mộng. Sẽ chẳng ai hay. Sẽ chẳng giãy bày”. Đặt cuốn sách xuống, ta không khỏi băn khoăn về số phận lập lờ và cái kết nửa chừng của hai nhân vật chính, về sự giao thoa và khác biệt giữa hai xã hội Nhật Bản ở hai thời kỳ khác nhau. Liệu rằng tất cả chỉ là những quằn quại trong vô nghĩa? Liệu rằng chúng ta nên giết chết suy nghĩ để không cảm nhận được sự đau khổ của một tri thức như những lời của Socrates “Tôi biết rằng tôi không biết gì cả”? Càng nghĩ chúng ta càng cuốn vào vòng xoáy không lối thoát, nhưng có lẽ rằng, ý nghĩa của suy ngẫm nằm ở quá trình chứ không phải kết quả cũng nên. Hy vọng rằng hai tác phẩm trên đã đủ để chứng minh điều đó.
---//---
Tài Liệu Tham Khảo
[1] John LaRosa (8/9/2023). Self-Improvement Market Recovers from the Pandemic, Worth $13.4 Billion in the U.S. Market Research. Truy xuất từ: https://blog.marketresearch.com/self-improvement-market-recovers-from-the-pandemic-worth-13.4-billion-in-the-u.s. Truy cập vào 26/5/2024.
[2] Murakami Haruki (19/5/2020). Murakami Haruki giới thiệu tác phẩm “Sanshiro” của Natsume Soseki. Bookish. Truy xuất từ: https://bookish.vn/murakami-haruki-gioi-thieu-tac-pham-sanshiro-cua-natsume-soseki/. Truy cập vào 26/5/2024.
[3] Jay Rubin (1976). Sanshiro and Soseki. Harvard Journal of Asiatic Studies Vol. 36, Harvard-Yenching Institute. Truy xuất từ: https://www.jstor.org/stable/2718742.
[4] Mọt Mọt (26/12/2020). Sanshiro (Natsume Soseki) – Tâm hồn người trẻ năm biến động/Mắt mèo dõi sâu buổi giao thời. Tao Đàn. Truy xuất từ: https://taodan.com.vn/sanshiro-natsume-soseki-tam-hon-nguoi-tre-nam-bien-dong-mat-meo-doi-sau-buoi-giao-thoi.html. Truy cập vào 26/5/2024.
[5] J.E. Luebering (18/3/2024). Bildungsroman. Britannica. Truy xuất từ: https://www.britannica.com/art/bildungsroman. Truy cập vào 26/5/2024.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Khải Hoàng
[Đã xóa]

Khải Hoàng
[Đã xóa]

Khải Hoàng
[Đã xóa]

Khải Hoàng
[Đã xóa]

Khải Hoàng
Xin chào
- Báo cáo