Từ xa xưa, con người đã sử dụng những hình ảnh để ghi lại quá trình của một ngày, rồi họ sáng tạo ra chữ viết để ghi chép những kiến thức, quan điểm hay bất cứ thứ gì. Và thế là sách ra đời . . Sách đã đi cùng với lịch sử loài người, gắn bó với đời sống của con người dù ở dạng này hay dạng khác. Những người Trung Quốc, Hy Lạp, La Mã cổ đại đã dùng những tấm gỗ, đất sét hay sau này với người Trung Quốc là bằng giấy tre để có thể ghi lại những gì họ muốn và xem nó như một thứ công cụ cực kỳ hữu dụng trong cuộc sống. Có một nhà văn từng nói
“Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người”
để nói về tầm quan trọng của sách đối với con người. 
Ta có thể thấy, sách thật tuyệt vời và đáng trân trọng, nhưng sách là gì ?
Đối với đa số mọi người sẽ định nghĩa: “Sách là một loạt các tờ giấy có chữ hoặc hình ảnh được viết tay hoặc in ấn, được buộc hoặc dán với nhau về một phía”. Nhưng đối với tôi, sách là một thứ gì đó rộng hơn, là một nơi lưu trữ những kiến thức, quan điểm, tư tưởng của con người. Sách có thể có nhiều loại hình khác nhau nhưng sách vẫn mãi là sách, là nơi lưu trữ những tri thức từ tự nhiên, con người, kinh nghiệm cuộc sống, v..v… Đôi khi, sách cũng là một người bạn, người thầy nằm giữa giữa ta và kiến thức, giúp chúng ta tiếp cận được với những tri thức của con người hay đơn giản là những thứ hay ho trong cuộc sống hoặc những trải nghiệm được ghi lại mà bạn muốn được lắng nghe và học hỏi. 
Những cuốn sách khoa học giúp ta hiểu thêm về những thứ trong tự nhiên
Còn sách lịch sử thì có thể cho chúng ta hiểu thêm về lịch sử của nước nhà và thế giới, từ đó có những bài học cho bản thân. Sách tâm lý giúp chúng ta có thể hiểu thêm về chính chúng ta và làm chủ bản thân. Truyện châm biếm, truyện cười giúp chúng ta có thể thư giãn với những tràng cười sảng khoái và có thể học được những bài học sâu sắc về cuộc sống mà vẫn còn giá trị cho đến ngày nay.
Trở lại với câu nói của nhà văn nọ, tại sao sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người. có thể bạn đã hiểu tại sao nhà văn kia lại nói như vậy. Sách giúp ta tìm hiểu về mọi thứ, từ trên trời cho tới dưới biển, từ mọi lĩnh vực như tự nhiên và xã hội, từ mọi thời điểm từ quá khứ cho đến tương lai, không đâu là không có tri thức của sách đọng lại. Một thứ có giá trị xuyên thời gian, giúp ta có thể hiểu được ông cha ta đã làm gì tốt đẹp, làm gì chưa tốt mà có thể phát huy những thứ những thứ còn đang tốt đẹp và loại trừ những thứ chưa tốt để có thể cho một cuộc sống tốt hơn. 

Những cuốn sách thật đáng trân trọng và đáng quý. Nếu như không có sách để cung cấp kiến thức, con người ta sẽ ra sao ? Nếu như không có sách đọc sau những thứ căng thẳng, chúng ta sẽ ra sao ? Nhưng đôi khi mọi thứ lại có 2 mặt của nó. Nếu chúng ta có sách tốt, ắt hẳn sẽ có sách xấu. Có cái nên đọc, có cái cần tránh.
Vậy, sách tốt/xấu là gì và tại sao người ta lại gọi là sách tốt/xấu mà không gộp chung vào làm một ? Vì rõ ràng chúng cũng là sách, tách làm gì cho mệt ? 
Sách tốt là gì ? Đơn giản đề nói, nó là sách mang lại những thông tin đáng giá, tốt cho cuộc sống của chúng ta. Sách tốt cho chúng ta những kiến thức chính xác, những nhận định đúng đắn, những thứ hay ho, những trải nghiệm thật giúp chúng ta có thể hiểu thêm về cuộc sống và con người chúng ta sau khi đọc xong. Nó làm con người ta sống một cách trong sáng hơn, nhiệt huyết hơn trong cuộc sống.
Vậy còn sách xấu, đó là cái gì ? Tại sao họ lại nói đó là sách xấu ? Những cuốn sách xấu trái ngược hoàn toàn so với những cuốn sách tốt đẹp. Đó là những cuốn sách có nội dung tiêu cực, đầu độc tâm hồn tuổi trẻ, biến thanh thiếu niên thành những kẻ xấu xa, ích kỷ; hoặc là những cuốn sách xuyên tạc hiện thực đời sống, đưa đến cho người đọc những kiến thức sai lệch về thế giới xung quanh, gây thù hằn và ngờ vực giữa các dân tộc, đề cao bạo lực và chiến tranh, kích động những bản năng thấp hèn của con người. Những cuốn sách dùng để chuộc lợi cho bản thân. 
Vì vậy, chúng ta phải biết chọn sách mà đọc , phải biết khôn ngoan khi chọn sách vì đó chính là kiến thức của chúng ta. Nếu kiến thức thu nhập vào mà xấu thì con người và nhận thức cũng sẽ xấu theo. 
Đọc sách là một cách để tiếp thu kiến thức, một cách giải trí lành mạnh được áp dụng từ xưa đến nay. Những cuốn sách từ trước đến nay không chỉ khai sáng cho trăm người, nghìn người, triệu người mà là cho cả nhân loại. Khi đọc những tác phẩm như “Sống chết mặc bay” của Phạm Duy Tổn hay “Lão Hạc” của Nam Cao hoặc “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, ta có thể hiểu được chế độ nửa phong kiến nửa thực dân trước năm 1945. Đọc thơ của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,... ta hiểu những gì mà ông cha đã trải qua và truyền lại cho con cháu…. Vậy, từ những điều được nói ra và các bạn hiểu được, ta luôn kết luận được rằng lợi ích của sách rất lớn lao. Đúng với câu nói:
““Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người””