Sách ngữ văn lớp 12, cuốn sách với những câu chuyện chan chứa ký ức của chúng ta. Cả những tác phẩm đề cao giá trị con người trong muôn màu, muôn vật ở cuộc sống. Bây giờ tôi tự hỏi bản thân mình rằng tại sao ngày xưa mình lại có thể ngủ quên vào những tiết học Ngữ Văn nhỉ ? Chắc bạn cũng giống như tôi chứ . Trong đó có một câu chuyện luôn trong tâm trí bản thân, để lại tôi những dòng suy nghĩ đến hiện tại. Truyện ngắn Chiếc Thuyền Ngoài Xa , Tác phẩm của tác giả Nguyễn Minh Châu có lẽ là tác phẩm đặc biệt trong ký ức của chính bản thân mình. Trong ký ức, tôi còn nhớ như in cái cảm xúc, cái ngày còn ngồi trên ghế giảng đường, trong tiết học ấy tôi đã đứng dậy và nói với cô giáo rằng :Người đàn bà làng chài  phải ly dị . Chỉ cần thoát khỏi sự trói buộc này, cuộc đời của người vợ sẽ tốt đẹp hơn . Tôi khẳng định với tâm thế một cách chắc chắn .
Truyện ngắn : Chiếc Thuyền Ngoài Xa. (https://isach.info/story.php?story=chiec_thuyen_ngoai_xa__nguyen_minh_chau&chapter=0000)
Truyện ngắn : Chiếc Thuyền Ngoài Xa. (https://isach.info/story.php?story=chiec_thuyen_ngoai_xa__nguyen_minh_chau&chapter=0000)

QUAY VỀ QUÁ KHỨ CỦA CHÍNH BẢN THÂN MÌNH

Nào hãy cùng tôi ôn lại một chút về câu chuyện Chiếc Thuyền Ngoài Xa nhé . Câu chuyện đến từ góc nhìn từ nhân vật Phùng là  một nhiếp ảnh gia trong chuyến công tác làm việc của mình. Anh được giao cho nhiệm vụ tìm kiếm những bức ảnh đẹp để bổ sung cho bộ lịch mới năm sau. Một nhiệm vụ đến từ một người trưởng phòng sâu sắc và nhiều sáng kiến của anh theo miêu tả nghĩa bóng.  Mục tiêu ban đầu được đặt ra là một bức ảnh buổi sáng có sương. Dọc theo câu chuyện chúng ta sẽ dần được đi theo cuộc hành trình của anh Phùng trên vùng biển xinh đẹp .Được biết rằng đây là dịp mà anh Phùng trở về vùng biển vừa là thực hiện công việc, cũng  là cơ hội anh ấy về nơi chiến trường cũ thăm hỏi người đồng đội cũ. Khung cảnh vùng biển đã được tác giả Nguyễn Minh Châu phác họa một cách chân thật với đầy màu sắc . Từng hạt cát, hình ảnh chiếc thuyền, bãi xe tăng vứt bỏ, khói bếp giữa phá, bầu trời , bọt biển... Câu chuyện sống động đến nỗi bây giờ khi tôi thưởng thức lại tôi cứ ngỡ đang được theo dõi một bộ phim ngắn vậy. Khung cảnh về biển về cát về con người  đã được xây dựng tuyệt vời. Vẻ đẹp được miêu tả làm cho sự tưởng tượng bay bổng, giúp chính tôi và bạn là những người đọc vậy mà có thể cảm nhận được sự màu sắc. Thế rồi trong khung cảnh ấy, Nơi mà vùng biển được diễn đạt một cách tuyệt đẹp đã diễn ra một sự việc chạnh lòng, Người đàn bà làng chài đã bị người chồng đánh đập và hành hạ. Sự việc ấy đến từ cha mẹ của cậu bé Phác. Cậu bé đã vui vẻ gắn bó với nhân vật Phùng trong khoảng thời gian đầu. Khung cảnh cậu bé Phác  nhảy ra căn ngăn sự đánh đập mà người ba của mình đang thực hiện. Người mẹ mếu máo khóc và kêu lên: ‘Phác, con ơi’,.Và cách mà người chị cướp con dao ra khỏi  Phác ngăn đi hành động của cậu bé,… Để rồi tới thời điểm lên tòa người vợ đã xin cho chồng mình được về. 
"Chị cám ơn các chú! - Người đàn bà đột nhiên thốt lên bằng một giọng khẩn thiết - Đây là chị nói thành thực, chị cám ơn các chú. Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn... cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc"
Sự đồng cảm đặc biệt trong tâm hồn vì Tôi đã là Phùng , là Đẩu, là Phác, Là người chị gái và có lẽ khi đã trưởng thành hơn tôi cũng là người chồng. Nhưng tôi mãi mãi chẳng phải là người vợ là người mẹ.
Quay lại tại thời  điểm khi tôi được học câu chuyện này. Lúc ấy tôi đang học lớp 12 , đã gần 1 năm rưỡi kể từ mùa hè lớp 10,  Ngày mà  mẹ tôi quyết tâm nghe theo tôi rằng hãy ly dị để tìm được cuộc sống bình yên cho bản thân mình. Cuộc sống không còn bạo lực , không còn những nỗi buồn tủi. Dù lúc bấy giờ, tôi biết và tôi cảm cảm nhận được rõ ước mơ về sự hạnh phúc mà mẹ tôi mong muốn. Nhưng rồi khi sự việc đến lúc chúng tôi đã quyết định rẽ lối khác hoàn toàn với người đàn bà làng chài.
Câu chuyện được tác giả được tạo ra trong bối cảnh xã hội cách thời điểm hiện tại đã nhiều năm. Nhưng có lẽ gia đình của người đàn bà làng chài ấy vẫn là hình mẫu trong nhiều cuộc đời trong tầng lớp lao động và trong đó có cả gia đình tôi. Bạn biết đấy, cảnh người chồng chửi rủa từ sự cuồng nộ của ông ấy. Những bữa cơm bị ném bỏ, những cái đánh, cái tát, hay là nghiến răng chửi lên như: 
"Cứ ngồi nguyên đấy. Động đậy tao giết cả mày đi bây giờ".
Nó quen thuộc với tôi một cách kỳ lạ. Đã có thời gian tôi cứ ngỡ rằng việc đó là một điều bình thường. Vì nhìn xung quanh chính mình điều đó quá phổ biến .Hình ảnh người phụ nữ chịu đựng đau đớn , tủi nhục hi sinh cho con cho cái để gìn giữ gia đình. Chính tôi khi sống trong môi trường đó đã cảm thấy thực sự tồi tệ. Vì tôi cũng là Phác, khi tôi đọc đến diễn biến câu chuyện lúc  cậu bé Phác mạnh mẽ tuyên bố với các bác ở xưởng đóng thuyền rằng " nó còn có mặt ở dưới biển này thì mẹ nó không bị đánh ". Câu nói đấy khiến lòng tôi bật dậy sự đồng cảm một cách đặc biệt. Vì tôi cũng  đã từng mạnh dạn nói với mẹ rằng sẽ không để chuyện đó xảy ra một lần nữa, không sự bạo lực, không nợ nần và mẹ cần không phải chịu đựng.
Nhưng rõ ràng sự cuồng nộ cũng đã hình thành trên tôi. Tôi phát hiện nó từ việc cách tôi cư xử trở nên nóng tính và hành xử theo bản năng để rồi một ngày tôi muốn dùng sự cuồng nộ đó để chống lại chính nó. Làm sao mà bản tính ấy không hình thành được khi chính tôi cũng ở trong dòng chảy của cuộc sống, nơi mà điều ấy quá phổ biến ở những người đàn ông. Để ngăn đi những bộc phát nguy hiểm ấy, chính tôi cũng đã hình thành một điều mà tôi chẳng rõ trong bản thân mình. Như là người chị cướp  dao của cậu bé Phát, sự hình thành ở trong con người tôi chính là sự suy nghĩ , biết cái tôi của bản thân để rồi ngăn chặn tôi trở thành người mà tôi ghét nhất. 
Khi còn bé nhìn vào cuộc sống của những gia đình tốt đẹp. Tôi tự hỏi tại sao họ có thể sống hạnh phúc như thế ? Tôi nhìn vào anh Phùng, anh Đẩu họ có tri thức , Cách họ thể hiện trong câu chuyện, họ sống như là một tầng lớp khác vậy. Vì họ không làm những điều tồi tệ lên chính gia đình của mình. Họ nhận thức được sự đúng đắn trong cuộc sống mình . Hiểu về ý nghĩa cuộc đời và quý trọng những thứ tốt đẹp nhất. Tôi có thể cảm nhận được đời họ dù đói hay no thì họ vẫn có thể vượt qua. Để rồi tôi cảm thấy những người ấy như ở một vị trí mà tôi coi nó như là tầng lớp quý tộc vậy. Ảnh hưởng từ góc nhìn đó tôi tìm kiếm sự giải thoát. Không thể sống mãi như vậy dù có thể vẫn nghèo trong vật chất nhưng tôi muốn sống, thực sự sống.  Tôi bắt đầu khuyên mẹ rằng hay chạy thoát đi, chạy đi vì còn nhiều điều khác tốt đẹp mà chúng ta có thể nhận được . Dòng suy nghĩ ấy xuất phát từ những ngày tôi còn học lớp 8 . Nhưng bạn biết đấy hình ảnh người phụ nữ đã được miêu tả quá rõ trong câu chuyện. Tôi biết lý do mà họ hi sinh chịu đựng để gìn giữ hai chữ gia đình. Trong lòng chính bản thân, Tôi luôn biết và trân quý sự cao cả của người phụ nữ.  Nhưng rồi ngày hè ấy, cái ngày tôi đã xin nghỉ làm phục vụ tại quán Karaoke để lên tòa , một khung cảnh im lặng 2 người ký và kết thúc bằng những cầu nói nhẹ nhàng bình thường. Kết thúc 15 năm duyên vợ chồng.
Đúng như nỗi lo lắng trong một gia đình không có người chồng thì vô vàn khó khăn. Nhưng Mẹ tôi là một người tuyệt vời, Mẹ tôi rất mạnh mẽ  trở thành chủ cột của gia đình trong cả vật chất và tinh thần . Mẹ nuôi tôi ăn học tới nơi tới chốn. Trong quá khứ, có ngày mẹ tôi phải làm việc 16 tiếng trên 1 ngày. Tuy nhiên cuộc sống diễn ra không còn sự bạo lực gia đình và những đè nén trong tinh thần . Chúng tôi như giải thoát vậy dù thể xác có cực khổ nhưng tinh thần đã trở nên tốt đẹp. Vì thế khi học tại lớp, tại thời điểm đấy tôi đã mạnh mẽ với dòng suy nghĩ phải ly dị và tin chắc người đàn bà cần làm như vậy.

NHỮNG DÒNG SUY NGHĨ KHI TA ĐÃ LỚN

Để khi lớn lên tôi lại đọc lại câu chuyện . Tôi đã đặt mình vào cả là người chồng và người vợ. Không còn là Phác, giờ tôi đã hiểu rõ hơn về trách nhiệm và áp lực trong cuộc sống . Tôi càng nhớ rõ lời giảng của  cô giáo ngữ văn khi ấy đã dạy chúng tôi với sự đồng cảm về người chồng.
 "Các em biết đấy trong một không gian tù túng với chiếc thuyền đánh cá nhỏ. Chẳng có thời gian và không gian cho một người đàn ông. Để rồi ông ấy chìm vào sự bạo lực đánh mất đi sự hạnh phúc bởi sự áp lực đấy. Chính ông ấy đang dùng cuồng nộ để trốn tránh  đi cuộc đời của mình . Chính bản thân ông ấy có thật sự hạnh phúc khi mà làm điều ấy."
Để rồi khi trở thành một người đàn ông tôi có thể hiểu được ít nhiều. Không trách móc nữa thay vào đó là sự đồng cảm. Liệu tôi có khá hơn khi trong bối cảnh đấy, trong câu chuyện đó. Tôi hiểu rằng đâu phải ai cũng đủ sự mạnh mẽ để gồng gánh vượt qua mọi thứ trong cuộc đời này. Vì vẫn còn nhiều người thất bại trong bản thân để rồi chính chúng ta hối tiếc và rơi vào vùng trũng đến mức không còn nhận ra.  
Tôi suy ngẫm về bối cảnh trong từng câu truyện . Hiểu càng rõ rõ hơn gánh nặng của một người phụ nữ trong việc gánh vác kinh tế, rõ ràng trên thuyền khi giông bão không thể thiếu một người đàn ông, khi gia đình lại có quá nhiều con cái, quá nhiều nỗi lo. Bối cảnh câu chuyện cho ta thấy cái đói nó còn rõ lắm, đói về cả tinh thần và vật chất. Nỗi sợ của người đàn bà làng chài không chỉ đến từ kinh tế mà còn là sự cô đơn trong việc chèo chống chiếc thuyền qua giông bão cuộc đời.
Để rồi nếu có cơ hội trở về ngày xưa tôi sẽ tôn trọng quyết định của người phụ nữ ấy hơn.
“Vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.”

KẾT THÚC SỰ NGẪM NGHĨ

Bạn biết không tôi chẳng còn nhớ lần cuối cùng gia đình 4 người chúng tôi ăn chung một bữa cơm chung là khi nào nữa. Tôi gần như chẳng thể nhớ được, tôi muốn lắm nhưng tôi biết mình chẳng còn có cơ hội để nếm lại hương vị ấy nữa .Hương vị cái tết mà chúng tôi chuẩn bị như bao gia đình khác, ngồi lại với nhau ăn cơm và vui đùa , chính tôi cũng không biết chính xác cảm giác đó ra sao. Tôi cứ nghĩ mãi , liệu rằng mẹ tôi có thật sự ước mơ như bây giờ không. Vì trong ai cũng muốn có một gia đình hạnh phúc mà. Và nếu tôi không thúc đẩy mẹ tôi ly dị, cổ vũ cha tôi làm lại, cố gắng vượt qua sai lầm mà người đàn ông đó đã làm. Thì sao nhỉ? Mọi thứ điều vẫn ở lại chữ nếu mà thôi.
Vậy đấy chính tôi không biết rõ mình đã đúng hay đã sai. Nhưng rồi mỗi quyết định sẽ đưa đến những niềm vui riêng . Hiện tại sau bao ngày khó khăn tôi hạnh phúc với cuộc sống mẹ, tôi và em trai. Tất nhiên không có gì hoàn hảo trên đời. Tôi cũng tin chắc người đàn bà trong câu chuyện cũng hạnh phúc với sự gìn giữ gia đình của mình.
Vậy đấy sau tất cả tôi hiểu được là  sự đồng cảm đến mỗi góc nhìn trong từng con người. Ai cũng có cái khó của mình. Cả sự đồng cảm chính trong câu chuyện của bản thân mình. Sau tất cả buồn đau, mọi thứ cứ trôi đi êm đềm.