Khổ đau là gì? Đau và khổ liệu có luôn đồng hành cùng nhau? Thử lấy ví dụ, sau khi bị ai đó đánh cho một cú trời giáng, hẳn ta cảm thấy rất đau. Nếu ta biết mình có lỗi rất lớn với người ấy và sẵn sàng đón nhận, thì cú đánh đó sẽ không làm ta khổ. Trái lại, nếu người kia tỏ thái độ hằn học, sỉ nhục, căm ghét thì chắc chắn ta sẽ cảm thấy khổ. Hoặc lỡ khi ta làm ăn thất bại, hết sạch tiền, ta nuối tiếc khoảng thời gian trước đây đã bỏ công bỏ sức ra kiếm những đồng tiền xương máu, giờ chẳng còn gì thì ắt hẳn nỗi đau lại càng nhân lên gấp bội. Nhưng khoảng cách giữa đau và khổ còn rất xa. Khi đã trắng tay, nếu chấp nhận việc đã xảy ra trong quá khứ chỉ là điều kiện giúp ta có thêm kinh nghiệm để xây dựng lại cơ ngơi về sau tốt hơn, có khi ta lại có thêm động lực làm lại, lúc đó ta chẳng hề thấy khổ chút nào. “Đau” suy cho cùng chỉ là sự hứng chịu từ phía ta, còn thực sự ta có “khổ” hay không là do chính ta quyết định. Đau và khổ là hai cung bậc cảm xúc rất khác nhau.
Nhìn lại, ta thấy hầu hết những điều làm ta khổ trước nay đều đến từ những tình huống bất như ý/ trái ý với ta. Tại ta luôn muốn kết quả phải thế này, thế kia nhưng thực tế lại đi theo chiều hướng ngược lại. Khi những điều bất như ý xảy đến, trong tâm ta luôn tìm mọi cách để loại bỏ, phản kháng nhằm mong thay đổi/ loại bỏ những điều bất như ý đó, nói cách khác là do ta không chịu chấp nhận những đau khổ ấy đến với ta như một lẽ tự nhiên. Chính sự phản kháng này làm ta thấy khổ, khi sự phản kháng càng mãnh liệt thì sự khổ đau trong ta càng lớn theo.Thử đặt giả thiết, nếu tất cả những điều ta mong cầu đều trở thành hiện thực thì sao, liệu chúng ta có hết đau khổ hay không? Ta đừng bao giờ quên rằng ta không phải là một cá thể có thể tồn tại biệt lập trong vũ trụ này. Cuộc sống luôn có những điều hợp với ý ta nhưng lại mâu thuẫn với suy nghĩ của người khác, hoặc thỏa mãn nhu cầu người khác nhưng lại trái nghịch với sở thích của ta. Bản thân chỉ muốn thành vậy bại để cho ai, nếu ta luôn áp đặt những việc mình mong cầu thành hiện thực thì hóa ra ta lại là người ích kỷ nhất trên đời. Vậy mà trước nay bản thân ta chỉ luôn biết đòi hỏi, chứ không chịu suy xét nó có thật sự đúng đắn và phù hợp với khả năng của ta và hoàn cảnh hiện tại hay không. Rõ ràng cái khổ của ta không hẳn là cái khổ của người khác. Vì vậy, hầu hết những nỗi khổ mà ta thường kêu than chỉ là sự bất như ý trong ta mà thôi. Suy cho cùng, sẽ chẳng gì có thể khiến ta đau khổ được nếu ta có đủ dũng khí, rèn luyện đủ lòng bao dung để chứa chấp những điều bất như ý kia như một lẽ thường.

KHỔ ĐAU, XẤU VÀ TỐT

Khổ đau nhiều sẽ khiến ta như ngã quỵ trong tâm trí, trở nên mềm yếu, mất đi sự tập trung, tinh thần luôn mệt mỏi, khó kiểm soát bản thân. Song cũng phải nhìn nhận theo chiều ngược lại thì khổ đau trước kia đến với ta cũng không hoàn toàn chỉ đem đến những điều tiêu cực. Nhờ những lần tan vỡ trước kia mà giờ ta mới nhận ra được sự quan trọng của người đang đi cùng; nhờ những lần thoát chết, cô đơn trên giường bệnh ta mới nhận ra ý nghĩa thực sự của cuộc đời; cũng nhờ bao lần vấp ngã mà đến hiện tại ta mới có thể tự tin vững bước trước bao nhiêu sóng gió, nghịch cảnh có thể ập đến. Kể ra, nếu không có những lần khổ đau làm sao ta biết được giá trị của hạnh phúc thực sự. Hạnh phúc hay khổ đau, xấu hay đẹp cuối cùng cũng chỉ là do cách ta cảm thụ.

KẾT LUẬN

Vậy, ta có nên loại trừ vĩnh viễn khổ đau hay không?
Khi hiểu được nguồn gốc lý do tại sao gây ra cho chúng ta đau khổ, chỉ là do sự phản kháng với những điều bất như ý của ta mà thôi. Tất nhiên chúng ta cũng chỉ là con người không phải các bậc thánh nhân, từng cá nhân vẫn sẽ luôn tồn tại cái tôi ít nhiều. Đối với những mất mát, biến cố quá lớn thì đương nhiên cần thêm thời gian ta mới có thể chấp nhận hoàn toàn được, còn đối với những chuyện nhỏ nhặt thường ngày mà ta vẫn đau khổ thì ắt hẳn là do lỗi của chính ta. Ta có thể tự mình bỏ qua nhiều đau khổ nhỏ như: sáng ra đi làm thì thấy trời đổ mưa, hay bất chợt đang đi thì bị hỏng xe trên đường, thức ăn công ty hôm nay không ngon miệng, đồng nghiệp ăn mặc khó ưa v.v.. Từ nay khi gặp những điều giản đơn như vậy chỉ cần ta học cách chấp nhận, không suy xét thay đổi tình cảnh đó nữa thì tự khắc đau khổ sẽ biến mất theo. Khi ta chịu rèn luyện đủ nhiều, dần dần thái độ chấp nhận những điều bất như ý của ta đủ lớn thì ta có thể đứng vững trước những biến cố lớn hơn, khiến bản thân ta an nhiên, hạnh phúc trong hiện tại và ít bị lệ thuộc vào hoàn cảnh.
“Ta không thể cầu nguyện cho cuộc đời đừng xô đẩy mình vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, nhưng ta có thể làm cho mình không bị ngã gục trước sóng gió cuộc đời bằng sự vững chãi từ chính trái tim mình.”
“Có thể nói tâm ta như thế nào thì ta sẽ cảm nhận khổ đau như thế ấy. Vì khổ đau vốn từ tâm sinh ra, mà cũng từ tâm diệt đi.”
Một số ví dụ, câu nói trong bài viết được mình lấy và tham khảo từ trong sách “Hiểu về trái tim” tác giả Minh Niệm.