STEM và tính kiên nhẫn
Mấy năm trước mình cùng một người bạn thân có tình nguyện dạy lớp học STEM về chủ đề bóng thám không, sensor, lập trình cho một trường...
Mấy năm trước mình cùng một người bạn thân có tình nguyện dạy lớp học STEM về chủ đề bóng thám không, sensor, lập trình cho một trường cấp hai dành cho trẻ em thiếu điều kiện (phần lớn là trẻ da màu) ở thành phố St. Louis. Trong hai tháng cứ ngày thứ sáu là mình tự lái xe ba tiếng đến St. Louis, cùng người bạn này khiêng một cái thùng toàn đồ đạc điện tử để đi giảng bài, có hôm ngủ lại cuối tuần nhà bạn, có hôm giảng xong lại lái xe đi về.
Hai thằng thì thằng nào cũng có việc trong tuần, nên thường hai hôm tiếp theo thì hai thằng lại tiếp tục bàn tính xem tuần tới dạy như thế nào, có nội dung gì, lý thuyết như thế nào, thực hành như thế nào. Bọn mình có nhiều lần còn cẩn thận mời con cái của những người bọn mình biết trong lứa tuổi cấp hai đến dạy thử xem bọn nó có thích không, hiểu không. Khi bọn mình dạy thử thì mấy đứa trẻ dạy mẫu nghe tiết học 45 phút thấy giảng cái vèo 25 phút là bọn trẻ con bạn mình đã hiểu cả lý thuyết lẫn thực hành rồi, mà nghe một mạch rất thích thú. Xong bọn mình tự tin lắm, bảo tiết học kết thúc, mấy hôm sau cứ băng ấy tua lại. Đến khi giảng thật thì thấy là một lớp học có 10-15 trẻ em thiếu điều kiện là cả một vấn đề khác. Có một cô giáo trẻ khác chuyên chế ngự bọn trẻ này giúp bọn mình nữa, nhưng kết quả thì rất khác so với mong đợi. Bọn trẻ này mình biết không hề có ý không tôn trọng, nhưng để bọn nó chú ý được 10 phút liên tiếp là cả một vấn đề. Bọn trẻ này nhiều em nghe, nhưng có em sẽ phá, có em sẽ không nghe, phần lớn là bọn chúng không đủ kiên nhẫn để nghe một vấn đề từ đầu đến đuôi. Bọn mình ra về nhiều khi không hiểu là làm như thế nào để giúp bọn trẻ này có được sự ham thích những điều sẽ mang cho chúng một tương lai tốt đẹp hơn.
Gần đây có người bạn mình biết đang làm taxi như mình cũng bỏ nửa buổi làm lái xe để đi tình nguyện dạy các em thiếu điều kiện rồi làm bù đến nửa đêm mới về. Sở dĩ bạn làm như thế vì bạn nói bạn sinh ra trong một gia đình bố mẹ công nhân nhập cư nói tiếng Anh không sõi, không ai dạy dỗ hướng nghiệp gì. Bạn may mắn thông minh nên vào được một trường số một thế giới, nên bạn rất quan tâm nhân rộng may mắn của mình ra. Mặc dù không phải dùng máy tính cà tàng nhưng bạn cũng mua một chiếc máy tính cà tàng, bảo thế thì mới dùng máy giống bọn nó, mới biết bọn nó cần những gì. Hồi trước chưa đi dạy nhìn hắn đi làm cũng tội, nhiều khi hắn nói bảo mất cả đêm hì hục setup máy tính để làm cho các bước tiến hành đơn giản nhất, để làm được một bài giảng đơn giản dễ hiểu. Mấy hôm hắn đi làm thật thì mình cũng hỏi han, và câu trả lời đầu tiên bạn nói cũng như cảm giác của mình khi đó, đó là việc dạy dỗ rất khó. Đến người chuyên gia, biết mười dạy một nửa như bạn mình, mà khi dạy bọn trẻ thiếu điều kiện, cũng rất khó vì bọn chúng rất dễ mất tập trung.
Mình nhớ có lần phải đi làm tá túc ở nhà thầy cô giáo sư dạy mình ở một trường mới. Thầy cô sáng hôm sau đi làm cho mình đi cùng xe để chỉ đường đi lối lại. Thầy cô có con nhỏ, hôm ấy cháu bé chắc có người lạ trong xe nên khóc ngặt nghẽo. Ông thầy vừa lái vừa hát để cho con thôi khóc. Sau đó cô có bật thêm cả bài hát trên điện thoại cho cháu bé nghe, trên đường cháu bé nín. Sau đến thả cháu ở nhà trẻ, đến nơi bài hát vẫn còn một phần dài. Ông thầy đỗ xe, chờ 10 phút cho đến khi hết hẳn bài hát, thì mới bế con lên để đưa nó vào nhà trẻ. Đưa vào trong nhà trẻ thì ông ấy chờ thêm 15 phút để con yên tâm thì mới ra ngoài đi làm. Mình nhìn thấy thế thì thấy lạ quá, vì nếu là mình thì mình chắc chắn là không biết để mà làm như vậy.
Người ta thường nhắc đến một thí nghiệm (gọi là Stanford marshmallow experiment) là đặt vào mặt đứa trẻ con mẩu bánh, nói họ sẽ đi ra ngoài. Nếu khi nào trở lại mà đứa bé chưa ăn mẩu bánh thì sẽ cho gấp đôi, nhưng nếu ăn rồi thì thôi không được thêm gì. Có một số trẻ thèm không chịu được ăn, có một số trẻ thèm nhỏ dãi ra nhưng mà vẫn cố nhịn để chờ người lớn trở lại. Sau đó người ta tiếp tục theo dõi các em bé đó trở thành người lớn trong xã hội, và kết quả là người nào khi bé chờ để được gấp đôi thì có điểm thi cao hơn, ít bị béo phì hơn, kiếm được nhiều tiền hơn những người nào khi bé ăn. Vì thế trước kia người ta kết luận rằng, đứa trẻ nào (hay ai) có đức tính kiên nhẫn thì đạt được thành công hơn những người không.
Về sau này, khi nhìn kỹ hơn vào số liệu, thì người ta nghi ngờ rằng có một yếu tố đằng sau đó chứ không hẳn tất cả là hệ quả của cá tính kiên nhẫn hay không kiên nhẫn của từng người. Hoá ra kiên nhẫn không phải là tính người mà là một hệ quả của môi trường, những đứa trẻ sinh ra ở trong môi trường được giáo dục tử tế ở gia đình thì sẽ rất dễ học được tính kiên nhẫn. Những việc như thành công trong xã hội hay tính kiên nhẫn chỉ là hệ quả của việc được giáo dục tử tế.
Mình nghĩ mình cũng là người may mắn, khi bé không bao giờ bị bố mẹ đánh mắng hay trách móc cho dù có chuyện gì xảy ra. Hồi bé bố mình cứ đến giờ cả nhà ăn cơm là cho mình hỏi thoải mái, tranh luận thoải mái bất kể là về vấn đề gì cho đến cùng, cái gì cũng cố trả lời. Mình nhận ra đó là món quà hơn cả tất cả tiền bạc, cơ hội, sách, máy tính, trường lớp mình đã nhận được.
Mình gần đây có vinh dự được nhiều bậc cha mẹ theo dõi, và nhiều bậc cha mẹ có khoe cho con cái mình học STEM bằng lego, sách vở, công cụ, đồ chơi, thí nghiệm. Sự thực là mình chưa từng bao giờ cầm một cục Lego khi còn bé. Mình không có họ hàng bà con gì làm máy tính cả. Lần đầu tiên mình nhìn thấy chiếc máy tính thật là khi 10 tuổi. Lớp 5 là lần đầu tiên mình được sờ con chuột và mình không có máy tính cho đến lớp 6. Lớp 6 mình đọc giáo trình của TS. Quách Tuấn Ngọc để tự học Pascal. Mình đọc đến chương về con trỏ thì không thể hiểu được và 8 năm sau, đến năm 20 tuổi khi thầy dạy mới hiểu nó là cái gì. Người bạn mình nhắc đến ở trên, lên đại học mới học lập trình vì cấp 2 cấp 3 không ai nói cho biết phải làm gì cả. Để học được STEM mình nghĩ là cổ vũ động viên hay có người chỉ bảo làm cho trẻ con cảm thấy hứng thú là tốt, nhưng tất cả những việc đó đều là rất rất thứ yếu sau sự kiên nhẫn. Khi ai đó thật sự làm việc với máy tính, khoa học, toán học ở bất cứ cấp độ nào, nó không phải là đi lắp Lego, không phải là hình đứa bé trầm trồ hay cười sung sướng khi nhìn thấy kết quả mình làm. Đó là cái bạn muốn tin rằng như vậy, đó là cái những quảng cáo giáo dục STEM muốn cho bạn tin rằng như vậy, đó là cái bạn nghe trong TED trên Youtube 30 phút như vậy, nhưng sự thật thì nó là những điều rất nhức đầu, rất tỉ mỉ, cần sự chính xác tuyệt đối, cho nên cần những người cực kỳ kiên nhẫn.
Hôm nay mình vừa xem được một video rất hay. Sự thực mình nghĩ các cháu nếu muốn làm STEM được sẽ phải đối mặt những việc giống như thế này hơn: https://www.youtube.com/watch?v=l7rce6IQDWs -- hãy xem một người lớn vẽ từng cái dây một, nối hàng trăm cái dây vào với nhau mà rất gọn gàng, không nhầm lẫn, lại quay được video để hướng dẫn người khác. Làm được như thế phải cực kỳ kiên nhẫn, không phải là đi nói chơi.
Con đường này không dễ với bất kỳ ai, đặc biệt với những đứa trẻ mà giáo dục gia đình không chú trọng dạy cho chúng đức tính kiên nhẫn. Điều mình nghĩ cần chú ý có lẽ với những bố mẹ cả có điều kiện cả chưa là không đồ chơi nào, không tiền nào mua được đức tính này. Thậm chí mua nhiều cho con cái khi chúng chán thì còn phản tác dụng. Và nếu ai không có điều kiện mua cho con cái những thứ người khác mua cho con cái họ thì cũng đừng lo quá, đó mình nghĩ không phải là vấn đề.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất