*Warning: Wall of text - bài viết sẽ SPOIL rất nhiều chi tiết trong toàn bộ 13 tập của series*
    Xin khẳng định, đó là mình không hề phủ nhận những cái hay của Sherlock, đặc biệt là chemistry giữa Sherlock Holmes và John Watson. Tuy vậy, việc người xem quá tập trung vào nó, mà bỏ qua những vấn đề của series cũng là điều dễ hiểu. Chắc hẳn, nhiều bạn cũng có cảm giác rằng, mùa 3 và 4 của Sherlock có một cái gì đó sai sai, nhưng không thể cắt nghĩa rõ ràng. Vì vậy, bài viết này sẽ tập trung vào những vấn đề nói chung của Sherlock, đặc biệt là trong mùa 3 và 4 của show. 
Một tên nghiện lâu năm và một blogger mới nổi

1) SỰ RỐI RẮM KHÔNG CẦN THIẾT

    Điều đầu tiên, mà mình thấy là vấn đề của cả series, đó là quá nhiều sự rối rắm không cần thiết. Mình có thể tóm tắt motif của mỗi mùa như sau: xuyên suốt tập 1 và tập 2, bên cạnh giải quyết những vụ án xuất hiện trong tập đó, thì Sherlock sẽ tìm ra những gợi ý về kẻ phản diện trong tập cuối (mùa 1 và 2 với Moriarty). Hoặc, là NSX sẽ cho một nhân vật phản diện xuất hiện trong đoạn cuối của mỗi tập (Charles Augustus Magnussen trong mùa 3, và Eurus Holmes trong mùa 4). Tuy vậy, vấn đề ở đây, là tại sao tất cả mọi thứ đều phải liên quan đến Jim Moriarty? Nếu như ở hai mùa đầu thì cách xây dựng này còn hợp lý (vì đơn giản là Moriarty còn sống); thì hai mùa sau rõ ràng lại lạm dụng điều đó, khiến chúng ta có niềm tin rằng, Moriarty vẫn đang nhởn nhơ ngoài kia (dù thực ra hắn đã tự nổ tung đầu mình). 
    Việc cố gắng chắp nối Moriarty vào gần như tất cả các tập phim, quả thực là rất khiên cưỡng. NSX có vẻ như đã cạn ý tưởng, khi biến Moriarty thành một kẻ thực sự bị ám ảnh với Sherlock (điều này mình sẽ phân tích kỹ hơn ở phần sau). Tập đầu tiên của mùa 4 cho thấy, kẻ đập vỡ những bức tượng Margaret Thatcher, thực ra lại liên quan đến Mary Watson (vợ của John). Ở tập cuối, Eurus Holmes - cô em gái siêu trí tuệ của Sherlock, cũng cần nhờ đến sự giúp đỡ trong 5’ của Moriarty, để tạo ra kế hoạch nhằm thử thách sự quan tâm của anh trai. Ý mình ở đây, đó là tại sao không để Eurus là một phản diện riêng biệt, mà cứ phải gắn cô ta với Moriarty? Có lẽ vì đơn giản là nếu không có Moriarty, thì sẽ chẳng có câu chuyện nào được kể nữa.

2) NGẦU LÒI CŨNG KHÔNG CẦN THIẾT

    Những cảnh này phần lớn là những cảnh mà các bạn sẽ thấy một đống chữ hoặc đồ vật hiện lên màn hình. Và Sherlock, hoặc sẽ dùng đôi bàn tay của anh ta để di chuyển nó, hoặc là sẽ đọc vanh vách tất cả những gì anh ta nhìn thấy. Tuy nhiên, ngoại trừ những cảnh suy luận thực sự có liên quan đến mạch truyện, ví dụ như cảnh khám nghiệm bà già thích màu hồng (tập A Study In Pink), hay cảnh quan sát tay thuận của Van Coon (tập The Blind Banker); khá nhiều cảnh được đưa vào chỉ để làm nổi bật sự quan sát của Sherlock. Ý mình là ok không sao, nhưng mật độ và mức độ của chúng là quá nhiều. Ví dụ tiêu biểu cho vấn đề này, là cảnh giải thích cho Faith Smith vì sao anh biết rõ vị trí căn phòng cô (tập The Lying Detective). Và điều đó, cùng với một vài vấn đề nữa ở dưới, làm giảm khả năng mà chúng ta có thể đồng cảm được với nhân vật.
Sao biết hay vậy??

3) FORESHADOWING?

    Đối với thể loại trinh thám hay điều tra, thì foreshadowing là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Về định nghĩa, foreshadowing là cách mà chi tiết ở trong sự kiện trước xuất hiện, với ý đồ là gây hệ quả hoặc sự liên quan nào đó đến sự kiện sau. Tập đầu của mùa 1 đã làm rất tốt điều này, với chi tiết phác họa hung thủ là một kẻ có thể chọn và bắt con mồi giữa đường phố mà không bị ai để ý (và chúng ta có tên hung thủ là ông già lái taxi). Tương tự, tập 2 mùa 1 với chi tiết của quyển bản đồ London - một cuốn sách mà ai đi du lịch ở đây cũng đều phải có. Hai chi tiết trên đều tương đối thuyết phục, với những gợi ý mà phim đã đưa ra trước đó. Điều quan trọng ở đây, đó là người xem cũng cần phải có một góc nhìn tương tự như nhân vật trong phim; tức là chúng ta cũng cần những gợi ý đó, dù là dưới bất kỳ hình thức nào (vd., bức ảnh, câu thoại, vv.). Nhiệm vụ của nhân vật điều tra, là rút ra một kết luận hợp lý nhưng cũng ít ai ngờ tới, là ghép các mảnh ghép tưởng rời rạc thành một bức tranh hoàn chỉnh. Đây là điều mà hai mùa đầu làm tốt, và ngoài hai ví dụ đã nêu ở trên, thì những khoảnh khắc Sherlocked (tập A Scandal In Belgravia), hay việc Mary Watson là một sát thủ chuyên nghiệp (tập His Last Vow) cũng đều tuân theo quy luật trên.
Because I took your pulse...
    Tuy nhiên, điều này lại bị làm vô cùng hời hợt trong tập The Hound Of Baskerville, hay tập The Lying Detective. Hóa ra, H.O.U.N.D là 5 chữ cái đầu từ tên của 5 nhà khoa học, mà chúng ta không hề được nhắc tên trước đó; hay cây gậy của John, lại “vô tình”có máy ghi âm bên trong. Nếu như trong hai trường hợp trên, bộ phim có tiết lộ chút gì đó, như một cảnh thoáng qua tên của các nhà khoa học; hay là một cảnh Sherlock mượn cây gậy của John, hoặc bắt John mang cây gậy đi (như cách mà anh bảo John mang súng trong tập bắn vỡ đầu Magnussen); thì rõ ràng mọi thứ sẽ thuyết phục hơn. Bằng chứng nó vẫn ở đó, chẳng qua là chúng ta không để ý, hoặc là quá tập trung vào những diễn biến trong phim mà thôi. Việc thiếu foreshadowing khiến chúng ta khó có thể theo sát diễn biến của vụ án. Từ đó, chúng ta không thấy bị thuyết phục bởi cách mà nhân vật chính đã giải mã những câu hỏi hóc búa kia.

4) LOGIC? SUY LUẬN?

    Về mặt logic, thì kịch bản của Sherlock rõ ràng là có những lỗ hổng to đùng. Có vẻ NSX muốn Sherlock biết rất nhiều thứ, mà chúng ta - những khán giả ngờ nghệch, lại không thể biết được, ví dụ như tên sát thủ The Golem (tập The Blind Banker). Điều này dẫn điến việc thiếu foreshadowing, như ở trên mình đã đề cập. Đây không phải là vạch lá tìm sâu đâu, tin mình đi; đây là những vấn đề mà một người xem bình thường cũng có thể thấy được. Cụ thể, mọi thứ bắt đầu đi sai hướng từ mùa 3. Vì sao, lại có một kẻ bắt cóc John và ném anh vào đám cháy (vì hắn muốn gây sự chú ý với Sherlock)? Hay cuối cùng, tại sao người chụp ảnh lại là hung thủ (tập The Sign Of Three)? Vì nếu theo suy luận của Sherlock, nó cũng có thể là một trong những người chuẩn bị cho đám cưới: đầu bếp, phù dâu, hay thậm chí là một người bạn của John (tất nhiên là không phải bạn của Sherlock, vì ông này làm gì có bạn). Vấn đề này lên đến đỉnh điểm ở hai tập cuối của mùa 4, khi vì sao Culverton Smith lại là một kẻ giết người hàng loạt (vì hắn giàu và hắn tâm thần)? Hay cảnh tiêm thuốc vào con gái hắn ở đầu phim, thì có liên quan gì tới toàn bộ mạch truyện?
Cereal killer??
    Chưa hết, vì sao Eurus trở lại, cải trang thành Faith Smith (chị này xinh vlz), và dành cả một buổi tối với Sherlock? Chưa hết, vì sao ả lại tán tỉnh John (tuesday??)? Câu trả lời khả dĩ nhất mà đội ngũ biên kịch đưa ra cho người xem, có lẽ là vì ả ghét cay ghét đắng Sherlock, nhưng cũng muốn làm mọi thứ để gây sự chú ý với anh. Theo mình, điều này không thực sự thuyết phục, vì mối quan hệ giữa hai người lúc nhỏ không hề được làm rõ. Với mình, tất cả dường như tựu chung lại ở một yếu tố: sự yếu kém và lười biếng trong vấn đề biên kịch. Bằng chứng là mùa 4 của Sherlock chỉ nhận được 55% từ các nhà phê bình, và 43% từ người xem trên Rotten Tomatoes, trong khi ở ba mùa trước những con số này đều trên 90%.

5) PHÓNG ĐẠI VỀ SHERLOCK

    “Đây là góc nhìn của một kẻ ngốc với một người thông minh, chứ không phải là một người bình thường với một người thông minh”. Đó là một comment mình đã đọc được trong quá trình thực hiện bài viết. Cho nên người xem thấy Sherlock, ngoài những điểm đặc trưng đã đề cập trong phần ưu điểm (bạn có thể xem ở phần link bên dưới, yên tâm là link xịn), thì ta còn có cảm giác rằng Sherlock là một gã có khả năng siêu nhiên.
    Thừa nhận rằng, đây là series về Sherlock, nhưng việc phóng đại khả năng của anh một cách quá mức; biến tất cả mọi người (trừ Eurus và Moriarty) thành những kẻ ngốc; và đặt những yếu tố cần thiết khác của một bộ phim trinh thám như cốt truyện, sự căng thẳng, và logic sang một bên thì rõ ràng là không ổn. Trong nguyên tác, Sherlock Holmes là một người đàn ông thông minh, lý trí, quyết đoán, ích kỷ, và có phần lập dị; chứ không phải là một thiên tài, với khả năng quan sát, ghi nhớ và tính toán không thua gì một chiếc máy tính (thậm chí, chính Sherlock còn nói rằng bộ óc của anh ta là một ổ cứng). Sherlock quá đặc biệt, quá siêu phàm, và gần như không có một điểm yếu thực sự liên quan đến cốt truyện. Điều duy nhất có vẻ thực sự gây ảnh hưởng đến Sherlock, đó là cái chết của Mary, và phần nào đó là Molly. Thay vì tạo ra sự tương tác rõ ràng giữa Sherlock và mạch truyện, thì toàn bộ series lại tập trung vào Sherlock. Điển hình là tập The Sign Of Three, khi đám cưới của John lại là sàn diễn cho Sherlock thể hiện khả năng siêu phàm của anh. 
Cheer !!
    Xin nhắc lại, là sự tập trung vào Sherlock có thể khơi gợi sự tò mò cho người xem trong một đến hai tập đầu. Tuy vậy, việc liên tục lấy Sherlock làm trọng tâm, khiến cho tổng thể các tập phim bị mất cân bằng nghiêm trọng. Đây là điều mà mùa 4 làm rất tệ, khi những chi tiết phá án hay điều tra bị làm nhẹ để tập trung vào Sherlock, về vấn đề lạm dụng chất kích thích và em gái của anh ta. Điều cuối cùng, đó là những hành động bạo lực của Sherlock cũng không phải nhận những hậu quả tương xứng (khi Mycroft "đã" là Chính phủ Anh). Lần duy nhất mà chúng ta cảm thấy Sherlock thực sự hối hận, đó là khi Mary hy sinh để đỡ đạn cho anh.

6) MORIARTY???

    Căn bản là mục 6 này sẽ chia thành hai phần: trước và sau cái chết của Moriarty. Trước hết, ta sẽ đến với mô tả và giới thiệu Moriarty của biên kịch: một kẻ thái nhân cách, bệnh hoạn, lập dị, thích liếm đồ vật, và tán tỉnh Sherlock. Khi bắt đầu phân tích bất cứ nhân vật nào, đặc biệt là nhân vật phản diện, ta cần tìm hiểu hai thứ: motive (động cơ) và reason (lý do). Ví dụ, bạn phải cướp ngân hàng để lấy tiền chữa bệnh cho con mèo: thì ở đây động cơ là tiền bạc hoặc là tài chính, còn lý do là vì không muốn con mèo qua đời. Tuy vậy, khi nhìn sang Jim Moriarty, chúng ta lại không thể thấy, hoặc không đủ thông minh để thấy hai điều này từ hắn. Vì sao hắn lại làm tất cả những điều này? Vì tiền bạc, danh tiếng, quyền lực? Không phải. Trong phim, hai lời giải thích rõ ràng nhất mà đội ngũ biên kịch đưa ra cho người xem, đó là vì Moriarty ghét cay ghét đắng sự nhàm chán, và sự ám ảnh đến mức điên dại của hắn dành cho Sherlock. Vì sao hắn lại hành xử như vậy? Bởi vì hắn là một kẻ tâm thần. Chấm hết. 
    Mình hiểu, là không phải câu hỏi nào cũng cần câu trả lời. Nhưng với mình, thì đây vẫn là sự lười biếng của biên kịch. Họ bỏ qua hoàn toàn khía cạnh Jim là một Giáo sư (như trong nguyên tác), một thiên tài tội phạm (consulting criminal??), và là ông vua của thế giới ngầm; mà chỉ tập trung gần như hoàn toàn vào mối quan hệ kỳ lạ của hắn với Sherlock. Không phải kẻ phản diện nào cũng có thể điên loạn, và quái dị như Joker trong The Dark Knight. Cái hay của Joker đó là hắn cũng có một lý tưởng (hắn muốn chứng minh sự hỗn loạn mới là chân lý), và hắn làm mọi thứ để đạt được điều đó. Còn Moriarty, cũng là một kẻ điên, nhưng có vẻ mục đích của hắn chỉ là chơi đùa với Sherlock. Sự cá nhân hóa này chỉ phát huy tác dụng, khi nhân vật phản diện và chính diện phải thực sự liên quan đến nhau (kiểu kẻ A giết người yêu kẻ B và kẻ B báo thù, hoặc kẻ A đang làm thứ gì đó, mà kẻ B cố tình cản đường). Đằng này, hai kẻ không liên quan lại trở thành đối thủ của nhau. Thay vì phác họa Moriarty như một tên trùm tội phạm thực sự như Gus Fring (Breaking Bad); thì có vẻ như sự tồn tại của hắn chỉ là để tạo ra một chướng ngại cho Holmes. Mà thực sự thì Moriarty cũng không quan tâm tới đế chế của hắn lắm, vì hẵn sẵn sàng tự tử cơ mà. 
Michael Corleone??
    Đó là trước khi hắn chết. Sau khi Moriarty tự sát, thì những hình ảnh của hắn vẫn xuất hiện. Điều này, cộng với những gì mà mùa 4 tạo ra, đã khiến cho mình thực sự thất vọng. Nó gần như là một chiêu câu khán giả không hơn không kém, và nó thực sự lố bịch. Mình nghĩ sẽ tốt hơn nhiều nếu NSX loại bỏ hoàn toàn Moriarty trong hai mùa sau; và tạo ra những kẻ phản diện mới, với động cơ và mục đích mới cho người xem. Thực tế là Charles Augustus Magnussen đã làm khá tốt điều này, khi mang đến một tên tội phạm không hẳn tội phạm, chính trị gia cũng không hắn chính trị gia (thực ra hắn là nhà báo). Với một mục đích rõ ràng: moi những thông tin cá nhân của những người quyền lực để khiến họ bớt quyền lực hơn. Một động cơ có thể hiểu được: hắn muốn kiến thức, kiến thức, và chỉ kiến thức. Và một cách thực hiện ấn tượng: tống tiền nạn nhân (bằng cách liếm vào mặt hoặc đái vào lò sưởi). Điểm chung duy nhất của gã này và Moriarty, đó là cả hai đều thích dùng lưỡi.

7) JOHN & MARY WATSON

a) JOHN WATSON
    Việc John được hiện lên với hình ảnh của một caregiver, thay vì là một supporter, khiến những khía cạnh nam tính của anh hoàn toàn bị lu mờ. John xuất hiện dường như chỉ để giải thích, và đặt câu hỏi thay cho người xem về những gì mà Sherlock đang làm mà thôi. Cụ thể hơn, gần như những khả năng và kinh nghiệm liên quan đến việc John từng là một người lính, và là một bác sĩ quân y cũng không được nhắc đến (ngoại trừ phát súng trong tập A Study In Pink, hay hai màn knock-out Sherlock và một tên nghiện, trong tập The Lying Detective). Điều mà John thể hiện giống người lính nhất, có lẽ là phong thái đĩnh đạc, điềm tĩnh, và dáng đi dứt khoát của anh ta. Tệ hơn, thi thoảng John xuất hiện như một damsel in distress: một lần bị cài bom vào người, một lần bị bắt cóc và ném vào đám cháy, một lần nhìn thấy bị vợ chết ngay trước mặt (vì NSX muốn thế). Đến ngay cả ngày trọng đại nhất trong đời của anh cũng trở thành sàn diễn cho Sherlock. Thực sự có những thời điểm, John như một chú cún; mà điều duy nhất nó và anh có điểm chung, có lẽ là sự trung thành. Anh cũng cực kỳ bị động, tốt bụng quá thể, và thực sự khoan dung với những hành động khó có thể chấp nhận được của Sherlock.
b) MARY WATSON
    Cô vợ điệp viên kiêm sát thủ của John, là một mảnh ghép thú vị trong mùa 3 và 4 của series. Tuy vậy, quá khứ của Mary, cũng như lý do thực sự đằng sau việc cô là sát thủ cũng không được lý giải cặn kẽ. Còn nữa, cái chết của Mary nhằm cứu Sherlock khỏi bị bắn, để anh và John quay trở lại phá án cùng nhau cũng khá là vớ vẩn. Có vẻ NSX muốn Sherlock nhận ra, là sự kiêu ngạo của anh ta có thể phải trả giá bằng mạng sống của người khác. Điều này đúng, nhưng hơi muộn. Chưa hết, việc cho nhân vật Mary bỏ mạng, rồi trở lại qua đĩa CD và trong tâm trí của John cũng khiến cho cái chết của cô trở nên mờ nhạt. Và John, ngoại trừ vài khoảnh khắc sụp đổ và trách móc Sherlock, thì cái chết của Mary cũng không gây được những tác động lớn lên hành động của anh.

8) CÁC NHÂN VẬT KHÁC

    Do phim hướng trọng tâm vào Sherlock, nên những nhân vật khác, đặc biệt là những nhân vật nữ như Mrs. Hudson, hay Molly Hooper đều khá bị động. Đôi khi, họ không phải là một con người đúng nghĩa, mà chỉ là những con rối răm rắp nghe theo lời Sherlock mà thôi. Hay Eurus Holmes - cô em gái thông minh hơn cả Newton của Sherlock, cũng được xây dựng như một kẻ phản diện hời hợt, không có mục đích và cảm xúc. Khả năng của cô ta, cũng chỉ được đề cập qua vài câu nói rằng cô ta có khả năng tái lập trình suy nghĩ của người khác. Mycroft - anh trai của Sherlock, cũng được xây dựng quyền lực một cách khó tin (thậm chí, có một câu thoại nói rằng anh ta là chính phủ Anh). Mycroft, có khả năng đưa em trai ra khỏi tù, dù cậu vừa bắn chết một người. Mycroft, có thể xuất hiện mọi nơi, mọi lúc, để sửa sai cho cậu em nghiện ngập. Nhưng cũng chính Mycroft, bất chấp sự nguy hiểm của Moriarty, vẫn cho hắn ta gặp Eurus (dù chỉ 5’). Thêm nữa, mối quan hệ của Mycroft với cô cũng không được đào sâu; chỉ biết rằng, anh cảm thấy có trách nhiệm trong việc đẩy Eurus thành một kẻ thái nhân cách.
Một nụ cười luôn hé...
    Nhìn lại toàn bộ Sherlock, thì mình thích tập A Study In Pink nhất về sự logic, và A Scandal In Belgravia nhất về cảm xúc mà nó mang lại (dù nó đã làm sai lệch nguyên tác một cách nghiêm trọng). Ngược lại, tập cuối cùng của mùa 4, và cũng là của toàn series, là tập thực sự làm mình bối rối, vì không biết phải phản ứng như thế nào. Và đã có lúc, mình tưởng mình đang xem Sherlock ở một vũ trụ khác, vì màu sắc của nó thực sự không liên quan lắm đến phần còn lại của series (tập này đoạn đầu thì như là phim kinh dị, đoạn giữa thì như phim tâm lý, còn đoạn cuối thì...mình cũng không biết nữa). Eurus Holmes là một nhân vật tiềm năng, mà nếu khai thác đúng cách, đặc biệt, là khai thác quá trình lớn lên trong cô độc của cô ta; hay vì sao cô ta lại căm ghét Sherlock đến như vậy, thì cô gái này hoàn toàn có thể là một nhân vật phản diện có hồn và thực tế hơn, chứ không phải là một kẻ tâm thần (vì cô ta là như thế). Điều vớt vát duy nhất ở tập nàycó lẽ là đoạn montage ở cuối phim, khi nó tóm gọn và đúc kết lại toàn bộ hành trình của series. Một cái kết mà theo mình đã có thể được làm tốt hơn, tốt hơn rất nhiều.
Nếu đã đọc đến dòng này thì các bạn có thể ghé qua channel cá nhân của mình =)) 
Thân ái,