Bìa sách bản tiếng Anh
(*) Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nhiều chi tiết trong tác phẩm. Đương nhiên rồi, để phân tích mà. Nhưng có lẽ nhiều bạn cũng sẽ chẳng bao giờ đọc cuốn sách này, nên là ... thoải mái đi.
Tomorrow, and tomorrow, and tomorrow
Creeps in this petty pace from day to day
To the last syllable of recorded time,
And all our yesterdays have lighted fools
The way to dusty death. Out, out, brief candle.
Life’s but a walking shadow, a poor player
That struts and frets his hour upon the stage,
And then is heard no more. It is a tale
Told by an idiot, full of sound and fury,
Signifying nothing.
- Macbeth, W. Shakespeare
Tựa đề của cuốn sách tôi muốn giới thiệu hôm nay dựa trên một dòng trong phân đoạn nói trên, khi mà Macbeth, một tướng quân và quý tộc người Scotland, biết tin vợ mình tự tử và cảm thấy cuộc sống đang sụp đổ trong hỗn loạn. Cuốn sách có tên The Sound and the Fury (Âm thanh và cuồng nộ), được viết bởi William Faulkner. Tác phẩm là đại diện tiêu biểu cho văn học miền Nam nước Mỹ, và bản thân Faulkner luôn được xem là một trong những nhà cách mạng của văn chương thế giới, đứng ngang hàng Proust, Dostoevsky, Kafka hay James Joyce (NV: thú thực đoạn này là đi chép lại, chứ mình cũng chưa đọc J.Joyce ngoại trừ cuốn Dubliners). Âm thanh và cuồng nộ được bắt đầu hệt như câu thứ 9 của đoạn trên, khi được kể bởi một thằng điên. 
Thằng điên ấy là Benjy, con trai út của gia đình Compson, một trong những dòng họ quyền thế nhất của thị trấn Jefferson, Mississippi. Tổ tiên của họ đã định cư lâu đời ở vùng đất này và thậm chí bảo vệ nó trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Nhưng sau chiến tranh, gia tộc lụn bại dần, đất đai và gia sản thì ngày càng hao hụt. Đứng đầu gia đình là ông Jason Compson, một người có học thức, vẫn giữ được đôi nét lịch thiệp của tổ tiên, nhưng nghiện rượu nặng và thờ ơ với gia đình. Vợ ông, bà Compson, là một người đàn bà mẫn cảm, luôn than thở và ám ảnh về sức khỏe của bản thân, nên phó mặc toàn bộ chuyện nuôi dưỡng bốn đứa con cho chị hầu gái da đen Dilsey. Quentin là con cả, một đứa trẻ nhạy cảm với xung quanh, luôn bị ám ảnh bởi truyền thống gia đình và bảo bọc em gái mình quá mức. Caddy cứng đầu, nhưng tràn đầy yêu thương và sức sống. Jason cục cằn và mưu mô, bị anh chị em mình xa lánh. Và Benjy, một thằng điên, không thể nhận thức được thế giới xung quanh, hay những khái niệm như thời gian và đạo đức. Trong đó, vì sự phó mặc của bà Compson, nên chính Caddy là người đảm nhận hình ảnh người mẹ đối với Benjy và Quentin. Và chính cô, cho dù xuyên suốt tác phẩm chưa từng đóng vai trò là người kể chuyện, lại là nguồn cơn và là sợi dây xâu chuỗi mọi tình tiết trong tác phẩm.
Một Faulkner rất ngầu và thích thử nghiệm
Ba chương đầu tiên là những suy nghĩ, giọng nói và kí ức xoắn xít với nhau của ba anh em nhà Compson, vào ba thời điểm khác nhau. Benjy, một thằng điên đã 33 tuổi, kể vào ngày tháng 4, 1928; Quentin, sinh viên đại học Harvard, kể vào tháng 6, 1910; và Jason, một người làm công cục cằn ở cửa hàng nông cụ, tiếp tục mạch truyện vào tháng 4, 1928. Ở chương cuối, Faulkner kể chuyện ở ngôi thứ ba, nhưng xoay quanh người hầu gái da đen Dilsey, lúc này đã già. Faulkner đã khai thác mạch truyện từ kí ức của ba người anh em về chị/em gái của họ, Caddy.
Như đã nói, chương đầu của tác phẩm được kể dưới góc nhìn của Benjy. Nhưng Benjy là một đối tượng rất tồi để kể chuyện. Vì hắn là một thằng khùng không thể nhận biết về thời gian, ký ức, sinh tử, tình yêu, gia đình, trinh tiết. Những khái niệm ấy không tồn tại trong suy nghĩ của hắn, tâm trí hắn chỉ ngập tràn những hình ảnh, âm thanh mà hắn không thể hiểu. Cơ bản, hắn sống với bản năng của một con thú. Với hắn, tất cả là thực tại. Thời điểm câu chuyện bắt đầu là vào ngày 7/4/1928, Benjy khùng được thằng bé hầu trai da đen Luster dắt ra ngoài chơi như thường lệ. Những sự kiện diễn ra vào ngày hôm ấy, thực ra không quá quan trọng trong mạch truyện. Tuy nhiên, ngày hôm ấy, cũng như mọi ngày khác, đầy rẫy sự gợi nhắc kí ức đối với chúng ta, và thực tại đối với Benjy. Thủ pháp này cũng khá giống với miếng bánh madeleine nhúng trà của Proust, nhưng nó hỗn loạn hơn, rối rắm hơn, bởi Benjy điên, mỗi lần thế hắn lại khóc với tiếng rống của một thằng điên 33 tuổi. Và vậy là người đọc sẽ thấy được một phần kí ức/thực tại mà Benjy nhớ/thấy vào nhiều thời điểm khác nhau. 
Faulkner sử dụng chính sự khiếm khuyết về thần kinh của Benjy để ngụ ý về một trong những ý chính của tác phẩm, sự nhận biết của con người về thời gian. Hầu hết con người dựa trên thời gian để tạo nên trật tự thế giới của mình, tránh được sự hỗn loạn của nhận thức, kí ức và trải nghiệm. Đối với Benjy thời gian hoàn toàn vô nghĩa. Cách kể chuyện của Benjy liên tiếp cho ta thấy những lát cắt trong dòng chảy thời gian của gia đình Compson, nhưng bất định và hỗn độn, như một cỗ bài bị xáo. Thế nhưng, tuy không thể hiểu được toàn bộ những hình ảnh trong lời kể của Benjy (nhưng bạn phải nhớ, vì chúng đều là những chi tiết quan trọng), ta lờ mờ thấy được khung cảnh tuổi thơ của những anh em nhà Compson, sự bất lực và thờ ơ của cha mẹ họ, tình yêu thương của Candace dành cho Benjy, tính trầm lặng và bảo bọc em gái quá mức của Quentin, sự mưu mô và quỷ quyệt của Jason, và cả chiếc quần lót bị vấy bùn của Candace, như một lời báo hiệu về sự thất tiết của cô sau này. Cả ba anh em đều nhận thức được đây là điểm khởi đầu của chuỗi bi kịch sau này. Sự thất tiết được báo trước bởi chiếc quần bẩn của Caddy, đã ảnh hưởng lớn đến tâm trí của họ. Quentin tự tử vì tuyệt vọng khi Caddy mất trinh. Jason sống một cuộc đời oán hận Caddy vì việc cô lăng loàn khiến anh mất đi công việc được anh rể hứa trước. Và khi Caddy rời bỏ gia đình, hệ thống nhận thức của Benjy hoàn toàn sụp đổ, khiến hắn bối rối, ám ảnh và mong chờ vô vọng sự trở lại của cô. Và hình ảnh cái quần bẩn xuất hiện trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, cái chết của bà nội Damuddy, người chưa từng bao giờ miêu tả khi còn sống trong tác phẩm. Bà được nhắc đến lần đầu trong đám tang của chính mình. Là một người của thế hệ cũ, bà đại diện cho tầng lớp miền Nam thế kỷ XIX, và cái chết của bà được xem như sự kết thúc của một thời đại. Và ngày hôm đó chính khởi điểm đầu tiên trong vòng xoáy bi kịch của Compsons với cái chết mang tính biểu tượng của thế hệ cũ. Việc Benjy bị thiến sau này cũng có thể được coi biểu tượng của cái chết đối với thế hệ tiếp theo, vì thiến là một biểu tượng mạnh mẽ của sự tuyệt tự. Ngoài ra, cũng có một sự tiếp nối khác giữa Candace và con gái của cô với nhân tình Miss Quentin, Candace khởi đầu cho sự lụi tàn của gia đình Compson và Ms. Quentin lớn lên như một lời tuyên bố, rằng sự lụn bại này không kết thúc trong một thế hệ và sẽ còn kéo dài đến khi dòng họ này biến mất. Thậm chí, Quentin còn tệ hơn cả Caddy, với cái đĩ bộc lộ một cách công khai và sự cay nghiệt của Quentin đối với gia đình, mà đặc biệt là với ông cậu khùng Benjy.
Caddy bản điện ảnh (1959) do Margaret Leighton thủ vai
Lời kể của Benjy là một thách thức lớn với người đọc, nhưng vai trò của hắn là không thể thay thế. Bởi lời kể của hắn trung tính và bị động, dù không phải ngôi thứ ba. Chỉ có hắn, bằng góc nhìn đầy hình ảnh của kẻ điên mới thể hiện được mối quan hệ và tính cách của những người họ Compson. Điều mà những kẻ tỉnh táo hơn như Quentin hay Jason không thể làm được, vì luôn đầy rẫy những định kiến với thế giới xung quanh, mà rõ ràng nhất là với Caddy. Benjy là con quạ của gia đình Compson, đại diện cho lời nguyền ám lên gia tộc, nhưng với trật tự thế giới được xây dựng trực quan không bị pha tạp bởi những khái niệm hay tư duy, Benjy có cho mình trực giác của loài vật. Hắn dễ dàng nhìn nhận được sự bất thường, cái sai, chệch khỏi trật tự của hắn, dù đó chỉ là mùi hương. Cái sai này khiến trật tự của hắn bị hỗn loạn và đau khổ, mỗi lần như thế người ta nghe hắn rống lên. Nhưng tiếng rống đó cũng là một lời báo hiệu cho sự suy đồi của gia đình từng rất quyền thế, mà người báo hiệu, buồn thay, lại mắc kẹt trong chính cơn điên của mình.
Sang phần hai, lời kể của Quentin vào tháng 6/1910, cũng là phần mình thích nhất tác phẩm. So với phần kể của Benjy, không khí của tác phẩm thay đổi quá nhanh, làm người xem thấy ngợp. Nếu Benjy có lời kể trung tính, đứt quãng, thì lời kể của Quentin lại phiến diện và rất dài dòng. Và đồng thời, Quentin cũng cho chúng ta góc nhìn chủ động của một người sáng suốt, nên Faulkner có thể tận dụng lồng ghép những khái niệm về tình yêu, tội lỗi, trinh tiết,... những thứ mà Benjy không thể nào làm được. Nhưng đương nhiên, người viết ở đây vẫn là Faulkner, vẫn phong cách trong phần 1, ông liên tục cho những ký ức và suy tưởng xâm nhập vào lời kể chuyện của Quentin mà không hề báo trước. Sự việc này khiến cho lời kể của Quentin trở nên không đáng tin cậy khi anh nói về những gì đã xảy ra trong thực tế, vì không thể phân biệt giữa sự thực và những mong đợi và ước muốn thầm kín. Ở đây ta thấy rõ ràng một lối viết rất thông dụng: Stream of Consciousness. 
Một kiểu viết được lần đầu giới thiệu bởi William James. Có thể nói, mục đích của nó là mô phỏng lại dòng suy nghĩ của con người dưới dạng một đoạn văn, và qua đó loại bỏ tất cả những gì cản trở. Vì lý do đó, các câu văn thường dài hơn, khá lộn xộn, nhưng luôn liên tục. Việc đó khiến cho nó khó đọc, nhưng lại khiến cho người đọc nhận biết được những gì đang thực sự diễn ra trong đầu của nhân vật. Nó cũng cho phép các nhà văn mô phỏng các loại ý thức khác nhau, chẳng hạn như giấc mơ, hôn mê, chơi đồ hay ảo giác. Những nhà văn mình biết sử dụng lối viết này có thể kể đến: Proust, Virginia Woolf, Jack Kerouac, Hunter S. Thompson (ông này dùng trong cuốn Fear and Loathing in Las Vegas (Hoảng loạn và sợ hãi ở Las Vegas), ít tiếng tăm hơn những người kia, nhưng lại là một ví dụ chính xác cho chơi đồ. Còn rất nhiều người khác sử dụng lối viết này, nhưng vì lúc viết những dòng này, mình chưa nhớ ra được, hoặc không dám chắc chắn, hoặc chưa đọc, như James Joyce, vì mình mới đọc mỗi Dubliners (Người Dublin) , mà cuốn này thì ông không dùng stream of conciousness, phải chờ đến  A Portrait of the Artist as a Young Man (Chân dung chàng nghệ sĩ) ông mới dùng đến nó. Thôi thì mình sẽ đọc và review cuốn này sau, trong thời gian chờ Ulysses được dịch, cùng với To the lighthouse (Đến ngọn hải đăng) của Woolf).
Vậy, bằng stream of conciousness, Faulkner cho chúng ta thấy những góc khuất trong tâm trí Quentin, một thế giới rất phức tạp, bị ám ảnh bởi những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ. Nhưng không chỉ bằng stream of conciousness Faulkner cũng dùng cả những hình ảnh ở hiện tại để nhấn mạnh tầm quan trọng của thời gian và kí ức trong thế giới quan của Quentin, những chiếc đồng hồ, cả cái quả quýt anh đập vỡ lẫn đồng hồ nhà thờ. Quentin bị mắc kẹt trong thời gian, không phải thực tại, mà là thời gian và kí ức, và thậm chí xa hơn, là cả lịch sử lâu đời của dòng họ Compson. Thậm chí, ngay cả trong phần của Benjy cũng có đoạn như thế này:
Tới đỉnh đồi, Versh đặt tôi xuống. "Tới đây này, cậu Quentin" nó gọi, ngoái cổ nhìn xuống chân đồi. Quentin vẫn đứng ở bờ suối. Anh chìm vào bóng râm trên dòng nước.
Hay trong phần của Quentin có 3 đoạn như sau (3 đoạn này hoàn toàn riêng biệt):
Bóng râm chưa rời hàng hiên. Tôi dừng lại bên trong cửa sổ, nhìn bóng râm xê dịch. Nó xê dịch gần như thấy được, bò giật lùi bên trong cửa, đẩy vạch tối lùi về phía cửa. (1)
Bóng râm trên hàng hiên đã biến mất. Tôi bước vào ánh nắng, tìm lại bóng tôi. Tôi bước xuống các bậc thềm ngay trước nó. (2)
Ồ máu em hay máu tôi Ồ chúng tôi đi tiếp trong bụi mỏng, bước chân lặng lẽ như cao su trong lớp bụi mỏng nơi những cây bút chì ánh nắng xuyên qua đám lá cây. Và tôi lại cảm thấy nước chảy xiết và êm ả trong bóng râm bí mật. (3)
Và trong tác phẩm, từ "bóng râm" xuất hiện tổng cộng 14 lần, trong đó 13 lần có liên quan đến Quentin. Hẳn đây không phải là một sự tình cờ. Quentin bị mắc kẹt trong thời gian dưới mọi hình thức, mà ở đây là cả vị trí của mặt trời.
Ta dễ dàng nhận ra được sự ám ảnh của Quentin liên quan trực tiếp đến việc Caddy thất tiết. Quentin có một trật tự thế giới của riêng mình, với nền móng là truyền thống, danh dự và phẩm giá của con người miền Nam. Những quy tắc này là di sản còn sót lại của một miền Nam xưa cũ, đã bị mai một kể từ cuộc Nội chiến, mà theo đó những người đàn ông phải biết bảo vệ danh dự gia đình, lịch thiệp và học thức, còn người phụ nữ phải đức hạnh, dạy dỗ con cái và truyền lại cho chúng những giá trị tốt đẹp. Nhưng thực ra, Quentin được dạy những điều này từ cha, cho dù ngay cả với ông Compson, chúng cũng đã phần nào mai một, và anh xem chúng như là giá trị sống của bản thân.
Bi kịch thay cho Quentin, anh lại bị chính người em gái mình phản bội. Caddy thất tiết làm tổn thương sâu sắc Quentin vì anh thấy nó bẩn thỉu và đáng xấu hổ, một sự vi phạm trắng trợn đến những giá trị mà anh tin tưởng. Quentin cố gắng duy trì trật tự thế giới của mình bằng cách tuân theo chuẩn mực của mình một cách mù quáng. Để bảo vệ danh dự gia đình, Quentin bảo Caddy tự tử và nếu cô tự tử, anh sẽ chết theo cô . Khi cô tỏ ra thờ ơ với giải pháp này, Quentin muốn nhận làm cha đứa bé và sẽ bỏ đi với cô, một hành động mà anh xem đó là lịch thiệp và đạo đức. 

Một cái bàn ủi nặng 10 pound. Tính chèn hình Quentin, nhưng chỉ có cái bàn ủi nổi lên.

Vậy ta đã hiểu được tiền đề về nỗi đau khổ của Quentin, vậy điều gì đã đẩy anh đến cái chết? Có thể đề cập đến những lý do sau:

Sự thờ ơ của bố của mình đối với danh dự gia đình: vốn dĩ, Quentin có mẹ mà như không có. Bà Compson luôn thoái thác việc chăm sóc gia đình vì sức khỏe vốn dĩ không yếu của mình. Quentin chỉ có hai nguồn ảnh hưởng: một là Caddy người anh vừa dựa vào, vừa bảo vệ, hình mẫu không hoàn chỉnh của một người mẹ; và cha - tàn tích còn lại của những giá trị mà anh tin tưởng. Nhưng khi phát hiện ra cha mình không hề quan tâm đến chuyện thất tiết của Caddy, Quentin đã phẫn nộ. Ông rõ ràng là một người hiểu chuyện, nhưng hoài nghi và mỉa mai mọi thứ. Khi nhận ra sự đau khổ của Quentin, ông đã cố làm dịu đứa con trai đầu, ông cho rằng những giá trị về trinh triết hay phẩm hạnh của người miền Nam đều vô nghĩa, chỉ là sản phẩm của tính gia trưởng của lũ đàn ông tạo ra. Một nhận định có lẽ đúng, nhưng không phải với Quentin, người xây dựng thế giới của mình chính trên nền móng đó. Quentin thất vọng khi hiểu rõ sự thờ ơ của cha mình đối với việc gia đình bị ô nhục, và quyết định bịa ra câu chuyện loạn luân giữa mình và em gái và nói với cha.  Một lần nữa, anh cố gắng coi lỗi lầm của em gái, là trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, như Caddy, ông Compson nhanh chóng bác bỏ chuyện đó. Và khi Quentin không còn thấy ai trong gia đình tôn trọng danh dự và phẩm giá anh tôn thờ, anh chỉ còn biết chọn cái chết để giải thoát mình và bảo  vệ trật tự thế giới mà mình dựa vào.
Sự bất lực của Quentin: Quentin suy nghĩ nhiều hơn là hành động. Quentin thông minh và sâu sắc, điều đó khiến Quentin luôn nghiêm túc và có chính kiến, mâu thuẫn thay nó lại khiến anh bị tê liệt. Anh dành toàn bộ thời gian để suy nghĩ về những khái niệm như thời gian, danh dự, trinh tiết, những khái niệm rất mơ hồ (trái ngược với nhân vật Jason sau này, một kẻ làm và không bao giờ nghĩ). Điều đó khiến anh không thể có một hành động thực sự có giá trị, và một lý do khác là bởi Quentin quá yếu đuối để gánh vác những giá trị anh mang trên vai. Nên, những gì Quentin làm thường vô ích, hoặc phản tác dụng: Quentin xúi Caddy cùng tự sát, nhưng Caddy từ chối và bỏ trốn khỏi gia đình mà không có anh. Tương tự, Quentin thường xuyên nói về việc sẽ thách thức Dalton Ames và Gerald Bland, nhưng cả hai lần, anh đều bị giã ra bã (một lần thậm chí còn tự ngất). Chính sự bất lực này khiến gánh nặng truyền thống gia đình thêm nặng trên vai Quentin, chính nó đã dìm chết anh ta chứ không phải hai cái bàn ủi, nặng 10 pound mỗi cái.
Phần của Quentin theo mình là đoạn khó đọc nhất tác phẩm, trong khi đoạn của Benjy là đoạn dễ bỏ qua chi tiết nhất. Nếu chỉ đơn thuần là đọc và không suy nghĩ, dễ hiểu lầm đây là một mối tình loạn luân của anh đối với em gái (mặc dù có chi tiết Caddy khinh bỉ một cô gái mà Quentin mới làm quen). Nên nếu bạn đang đọc hai trường đoạn này, hãy kiên nhẫn và tập trung để nắm bắt được: những hình ảnh trong đầu của kẻ điên và ý thức của một vị thánh tử vì đạo - Quentin:
Ngày Phán xử khi Người truyền Đứng dậy sẽ chỉ có chiếcc bàn ủi nổi lên.
(còn tiếp)